1. Tổng quan hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Xây dựng ban hành
Theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, ban hành các quy chuẩn quốc gia về xây dựng. Kể từ khi bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam lần được ban hành năm 1996-1997 (gồm 3 tập), tính đến tháng 6/2023, Bộ Xây dựng đã ban hành 16 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (viết tắt là QCVN). Các QCVN này đã bao trùm lên các hoạt động xây dựng từ công tác lập quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công, quản lý dự án và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
(Danh mục 16 QCVN do Bộ Xây dựng ban hành)
Trong 16 QCVN ở bảng trên có QCVN thuộc loại Quy chuẩn kỹ thuật chung như QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; QCVN 02:2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng;… có QCVN thuộc loại quy chuẩn kỹ thuật an toàn như QCVN 06:2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 18:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng; có QCVN là quy chuẩn kỹ thuật cho quá trình như QCVN 16:2019 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; có QCVN quy chuẩn cho một đối tượng cụ thể như QCVN 04:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư; QCVN 17:2018/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời; QCVN 08:2018/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình tàu điện ngầm…
Trong 16 QCVN này, hầu hết các QCVN đã hơn một lần được soát xét, đặc biệt một số QCVN đã được soát xét đến lần 2, lần 3, lần 4; Ví dụ:
(i) QCVN 01:2008/BXD; (ii) QCVN 01:2019/BXD; (iii) QCVN 01:2021/BXD; (i) QCVN 06:2010/BXD; (ii) QCVN 06:2019/BXD; (iii) QCVN 06:2020/BXD; (iv) QCVN 06:2021/BXD; (v) QCVN 06:2022/BXD…
Điều này cho thấy hệ thống QCVN về xây dựng hiện đã dần đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn xây dựng và yêu cầu quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; vật liệu xây dựng.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là công cụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người; đó cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, QCVN là văn bản pháp quy kỹ thuật, bắt buộc áp dụng, là công cụ quản lý nhà nước và là chuẩn mực kỹ thuật để xem xét, thẩm định và phê duyệt cũng như nghiệm thu và khai thác sử dụng công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
QCVN còn là cơ sở để soát xét, biên soạn, công bố tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng của Việt Nam, cũng như cho phép áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.
Nhìn chung, trên thế giới, quy chuẩn xây dựng thường được áp dụng trong các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ mỗi quốc gia. Các quốc gia đều nhận thức được những lợi ích của việc tuân thủ Quy chuẩn xây dựng, cụ thể:
- Giảm chi phí xây dựng
Việc tuân theo các quy chuẩn xây dựng có khả năng giảm chi phí dự án. Việc tuân thủ các quy định không chỉ giúp giảm chi phí mà còn bảo đảm yêu cầu an toàn của công trình trước các biến đổi khí hậu trong hiện tại và tương lai.
- Giảm chi phí năng lượng
Việc tuân thủ các quy chuẩn xây dựng sẽ làm tiết kiệm năng lượng, ngay từ khi bắt đầu xây dựng công trình mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí quản lý sau khi đưa ra công trình vào khai thác vận hành đồng thời làm giảm chi phí dài hạn cho người sử dụng.
- Đảm bảo yêu cầu về môi trường
Do năng lượng tiêu thụ trong xây dựng là rất lớn, vì vậy việc thực thi các quy chuẩn trong xây dựng trở thành một phương pháp làm giảm chi phí, tăng năng suất, giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.
- Hạn chế các rủi ro khi tuân thủ các quy chuẩn xây dựng
+ Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn xây dựng sẽ hạn chế những vấn đề bất cập trong quá trình xây dựng như bị kéo dài thời gian khi cấp phép xây dựng (do bị trả lại hồ sơ không tuân thủ QCVN); bị đình chỉ xây dựng do vi phạm những quy định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao, mối quan hệ với các công trình lân cận… Đây tất cả những vấn đề dễ gặp phải và điều này hoàn toàn có thể tránh được nếu tuân thủ quy chuẩn xây dựng.
+ Đảm bảo an toàn cho công trình trong suốt thời gian vận hành, khai thác sử dụng
Bằng cách tuân thủ quy chuẩn quốc gia có thể giảm nguy cơ mất an toàn của công trình trong suốt thời gian tuổi thọ của công trình trước những nguy cơ có nhiều bất lợi nhất như động đất, thiên tai, cháy nổ… Trận động đất khủng khiếp 7,8 độ rich te vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Sirya tháng 2/2023 vừa qua là một minh chứng rõ nét về việc cần phải tuân thủ các quy định xây dựng liên quan đến an toàn cho người và an toàn công trình.
Các chuyên gia cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra nhiều quy định về xây dựng để giảm thiểu thiệt hại do động đất. Các quy định xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu dựa theo tiêu chuẩn của Mỹ và được sửa đổi thường xuyên. Tuy nhiên, các công ty xây dựng thường chỉ áp dụng những quy định này một cách qua loa, quá trình kiểm tra, giám sát thi công lỏng lẻo…đã để lại hậu quả quá nặng nề cho cả hai quốc gia.
Ở Việt Nam, mặc dù hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng trong một thời gian dài đã đóng góp vai trò to lớn trong các hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên, hệ thống QCVN về xây dựng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên mặc dù QCVN là văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc áp dụng nhưng các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng. Điều này làm giảm đi tính hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng và ảnh hưởng đến chất lượng công trình, cũng như làm giảm đi cơ hội cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới, với các cam kết mở hơn, sâu hơn.
2. Một số bất cập, hạn chế trong quá trình áp dụng
a) Về đối tượng nghiên cứu của QCVN về xây dựng
Hiện nay, trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, một số các QCVN hướng đến một đối tượng, loại công trình cụ thể (như QCVN về biển quảng cáo ngoài trời, QCVN về nhà ở chung cư, QCVN về gara ô tô; QCVN về Rạp chiếu phim; QCVN về cửa hàng xăng dầu; QCVN về bến xe khách…) Nếu theo cách tiếp cận này thì hệ thống QCVN về xây dựng còn thiếu rất nhiều QCVN cho các loại hình công trình khác nhau, ví dụ như QCVN về công trình công nghiệp, bệnh viện, trường học… khi đó quan điểm quản lý nhà nước sẽ là:
(i) Quy chuẩn chỉ điều tiết các vấn đề chung, còn các đối tượng công trình cụ thể do tiêu chuẩn điều tiết, hay
(ii) Quy chuẩn điều tiết trực tiếp cả các công trình cụ thể?
Đây là vấn đề còn chưa được thống nhất? Trong khi đó, tại Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án 198), Bộ Xây dựng được giao chủ trì biên soạn và ban hành 10 quy chuẩn, bao gồm: QCVN 01 về Quy hoạch xây dựng; QCVN 02 về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng; QCVN 03 về phân cấp, phân loại công trình xây dựng; QCVN 04 về Nhà ở và công trình công cộng; QCVN 05 về sản phẩm, hàng hóa vật liễu ây dựng; QCVN 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 07 về Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; QCVN 08 về An toàn trong thi công xây dựng; QCVN 09 về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và QCVN 10 về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Đối chiếu với hệ thống QCVN hiện hành về xây dựng (16 QCVN) thì một số QCVN đã được tích hợp vào các QCVN khác, ví dụ QCVN về công trình dân dụng có đưa yêu cầu về lắp đặt biển quảng cáo và yêu cầu về sử dụng hiệu quả năng lượng…
b) Sự trùng lặp, mâu thuẫn giữa các QCVN
Một số QCVN có nội dung trùng lặp, ví dụ nội dung về hạ tầng kỹ thuật đô thị trong QCVN 01:2021/BXD và QCVN 07:21016/BXD;
Một số quy chuẩn còn trùng lặp về phạm vi và đối tượng điều chỉnh do có sự giao thoa về quản lý nhà nước giữa các Bộ chuyên ngành. Ví dụ: QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng của Bộ Xây dựng có nhiều nội dung liên quan đến Quy chuẩn về an toàn của Bộ Lao động thương binh và xã hội; QCVN về Rạp chiếu phim (là loại hình công trình công cộng) lại do Bộ VH-TT-DL ban hành…
Do sản phẩm xây dựng có đặc thù riêng biệt khác với một sản phẩm hàng hóa cụ thể, có liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau nhưng hiện nay còn thiếu liên kết giữa các bộ chuyên ngành, chưa có sự thống nhất đồng bộ giữa các văn bản. Ví dụ như Bộ Y tế ban hành QCVN 22/2016/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chiếu sáng; Bộ Xây dựng ban hành QCVN 12:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện cho nhà ở và công trình công cộng. Cả hai QCVN này đều quy định độ rọi nơi làm việc? Điều này sẽ tạo ra khó khăn cho nhà đầu tư và cả những nhà thầu không biết phải tuân thủ quy chuẩn nào.
c) Nội dung quy chuẩn khó áp dụng trong điều kiện Việt Nam
Một số nội dung quy định trong QCVN chưa thực sự phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Hiện nay, có nhiều QCVN được biên soạn dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn của một số quốc gia trên thế giới, ví dụ QCVN 06:2022/BXD là dựa trên hệ thống NFPA của Mỹ và CHиП 2.01.02-85 của Liên Bang Nga; QCVN 09:2005/BXD dựa trên Quy chuẩn quốc tế IBC, tiêu chuẩn Hoa Kỳ ASHRAE-Handbook 1993: Fundamentals; Code of Practice “Overall Thermal Transfer Value in buildings. HongKong, 1995; Code on Envelope Thermal Performance for Buildings. Singapore,2008; QCVN 03:2022/BXD dựa trên EN 1990…
Trong khi quy chuẩn quốc gia phải tính đến các điều kiện tự nhiên và phải phù hợp với công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của quốc gia đó. Mặt khác, quy chuẩn được xây dựng dựa theo quy chuẩn của một nước nhưng trong thực tế công trình lại được đầu tư bằng vốn và áp dụng quy chuẩn của nước khác. Ví dụ QCVN 08:2018/BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình tàu điện ngầm được biên soạn dựa theo tiêu chuẩn của Nga, nhưng dự án xây dựng tàu điện ngầm lại của nhà đầu tư Nhật Bản hoặc một quốc gia khác. Điều này làm giảm tính hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới và làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các nhà thầu Việt Nam trên thương trường quốc tế và khu vực.
Một số nội dung trong QCVN được quy định quá chi tiết, quá cụ thể, bao gồm cả công thức tính toán, dẫn đến một số quy định trong quy chuẩn trở nên cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế, chỉ thích hợp với một số công nghệ xây dựng nhất định, trong khi các giải pháp công nghệ khác có thể giải quyết đảm bảo tốt các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn cho phép. Việc QCVN đưa ra những quy định cụ thể mang tính giải pháp sẽ làm hạn chế những sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới và là rào cản kỹ thuật trong quá trình hội nhập. Trường hợp QCVN 06 trải qua 4 lần rà soát bổ sung là một ví dụ. Hiện QCVN 06:2022/BXD lại đang được Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng tiếp tục, bổ sung sửa đổi.
d) Thiếu sự kết nối giữa Quy chuẩn và tiêu chuẩn
Về nguyên tắc, quy chuẩn là căn cứ để ban hành tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn được coi là giải pháp để thảo mãn các yêu cầu của quy chuẩn, tuy nhiên sự liên thông, kết nối giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa rõ ràng. Ví dụ QCVN 06:2022/BXD - QCVN về an toàn cháy cho nhà và công trình với TCVN 2622:1995 - Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế; QCVN 1997 về cấp thoát nước bên trong nhà với TCVN 4453:1988 - Cấp nước bên trong nhà - Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN 4474:1987 - Thoát nước bên trong nhà - Tiêu chuẩn thiết kế…
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác, đó là:
(i) Các vấn đề bất cập trong nội dung của các quy chuẩn kỹ thuật, nhìn chung chưa được phát hiện kịp thời để nghiên cứu điều chỉnh đáp ứng các yêu cầu của thực tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc trong một thời gian ngắn, QCVN đã buộc phải điều chỉnh nhiều lần (QCVN 06) cũng gây khó khăn trong quá trình áp dụng nhất là các dự án đầu tư xây dựng nhất là trong quá trình chuyển tiếp bởi tính hiệu lực của văn bản…
(ii) Thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chuyên môn; sự không tuân thủ của các tổ chức, cá nhân khi áp dụng quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động xây dựng. Thực tế cho thấy nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quy chuẩn sẽ làm giảm thiểu những thiệt hại và đảm bảo an toàn công trình trong trường hợp xảy ra những biến đổi bất thường do thiên tai hoặc trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ.
(iii) Một số quy định trong QCVN chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện tại; Chưa tính đến điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế giữa các vùng miền; Nội dung QCVN chỉ đáp ứng và phù hợp cho các dự án đầu tư xây mới; Một số dự án áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên áp dụng vào Việt Nam không có tài liệu để kiểm soát, kiểm tra.
Bên cạnh đó, số lượng Quy chuẩn địa phương được ban hành còn rất hạn chế do khó có thể đáp ứng được yêu cầu (i) Sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan; (ii) Tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Hiện nay, hầu hết các Quy chuẩn địa phương đều viện dẫn QCVN vì vậy vẫn khó đưa vào áp dụng tại địa phương. Trong khi đó, theo duy định, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình đặc thù của địa phương và yêu cầu cụ thể về môi trường cho phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thủy văn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mà ở địa phương thì khó có được đội ngũ để có thể biên soạn Quy chuẩn địa phương. Điều này dẫn đến một Quy chuẩn địa phương phải kéo dài nhiều năm mới được công bố, ban hành.
Một số địa phương, thay vì ban hành Quy chuẩn địa phương họ lại ban hành các quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch trong đó có nội dung như quy chuẩn để điều tiết, ví dụ như về số tầng hầm, chiều cao tầng nhà, mật độ xây dựng; quản lý cảnh quan đô thị, kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt…ví dụ Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM tại Quyết định số 56/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021. Quy chế này nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của TP.HCM. Hiện nay, chỉ mới có TP.Hà Nội ban hành Quy chuẩn địa phương về xây dựng đó là Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (QĐ 975/QĐ-UBND ngày 21/3/2022).
3. Kiến nghị đề xuất
QCVN phải được biên soạn theo phương pháp tính năng nhằm tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các công nghệ, các vật liệu xây dựng, các hệ thống, các thiết bị, các thiết kế mới. Mọi vật liệu, cấu kiện, giải pháp thiết kế, thi công đều có thể được áp dụng nếu chúng thỏa mãn các yêu cầu về tính năng, trong đó:
- Yêu cầu mục tiêu: nêu rõ mục tiêu cần đạt được
- Yêu cầu về công năng: Xác định các yêu cầu mà công trình cần đạt được cho mỗi mục tiêu.
- Yêu cầu về tính năng: quy định các yêu cầu về tính năng kỹ thuật cụ thể mà cấu kiện, vật liệu, giải pháp thiết kế, thi công phải đạt được các mục tiêu trên.
Quy chuẩn chỉ đưa ra những yêu cầu, nguyên tắc, những mức giới hạn tối thiểu (hoặc tối đa) bắt buộc phải tuân thủ mà không giới hạn phương pháp để đạt được kết quả yêu cầu.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải phủ hợp với các nguyên tắc sau: (1) Đơn giản hóa; (2) Đồng thuận; (3) Áp dụng; (4) Thống nhất; (5) Đổi mới; (6) Đồng bộ; (7) Tính pháp lý.
Quy chuẩn kỹ thuật phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn cộng đồng, bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Các yêu cầu phải có căn cứ khoa học, không đưa ra những yêu cầu quá mức cần thiết, hạn chế đưa ra những yêu cầu chỉ mang tính định tính, vì chúng cản trở thương mại với các nước thành viên khác và với chính thương mại trong nước.
Cần thiết lập một cơ chế để phản ánh được các ý kiến của các ngành kinh tế; người tiêu dùng và các bên liên quan trong hoạt động biên soạn và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Có cơ chế phù hợp để thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn hợp để nâng cao chất lượng công trình xây dựng và quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ chế thúc đẩy áp dụng quy chuẩn.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng quy chuẩn. Cần có sự tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức khoa học, doanh nghiệp…Thúc đẩy hoạt động của Ban Kỹ thuật với sự tham gia của cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sử dụng để tạo sự đồng thuận và để QCVN có tính khả thi cao.
Tạo cơ chế tiếp cận thông tin về quy chuẩn kỹ thuật thuận lợi hơn;
Đẩy nhanh việc chuyển đổi số và xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý lĩnh vực này để phù hợp với chủ trương tiếp cận nền kinh tế số để kết nối dữ liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp, khả thi và đồng bộ.
Chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách theo hướng đẩy mạnh phân công, phân cấp, quy định cụ thể về thẩm quyền cho các bộ, địa phương phê duyệt quy chuẩn kỹ thuật để làm rõ trách nhiệm quản lý lĩnh vực này, đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho các cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được phân cấp; đổi mới quy trình, thủ tục phê duyệt quy chuẩn.
Để thúc đẩy quá trình áp dụng QCVN cần có đẩy mạnh công tác xây dựng các tài liệu hướng dẫn.
Cần có sự điều chỉnh Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trong đó cần làm rõ quy định về nội dung xây dựng quy chuẩn địa phương, nhất là quy chuẩn địa phương trong hoạt động xây dựng. Thay vì xây dựng quy chuẩn địa phương hạn chế việc tích hợp quá nhiều quy định vào quy chuẩn cần thúc đẩy hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
4. Kết luận
Các yêu cầu đặt ra đối với bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng phải đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí, hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia (QĐ 198/QĐ-TTg).
Để thúc đẩy quá trình áp dụng QCVN cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng quy chuẩn trong mọi mặt của hoạt động kinh tế và tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ. Một vấn đề cũng rất hữu ích là cần xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan và người sử dụng trực tiếp trong hoạt động tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
ThS. Trần Thị Thanh Ý
(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Đô thị, Số 50/2023)