Báo cáo Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, đại diện nhóm đề tài của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC) cho biết: Đồ án thiết kế đô thị mẫu tỷ lệ 1/500 khu vực cảnh quan sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã được nhóm đề tài xây dựng theo đúng đề cương đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch và thiết kế đô thị, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan thẩm quyền của địa phương.
Theo nhóm đề tài, việc thực hiện Đồ án thiết kế đô thị mẫu là cần thiết bởi vì mặc dù đã có các văn bản pháp lý hướng dẫn về thiết kế đô thị do Bộ Xây dựng ban hành (Thông tư 05/2013/TT-BXD và thông tư 16/2013/TT-BXD sửa đổi một số điều của Thông tư 13/2013/TT-BXD hướng dẫn về thiết kế đô thị) nhưng trên thực tế, việc thiết kế đô thị riêng tại các địa phương còn nhiều lúng túng; các đô thị còn có sự phát triển tự phát về mặt hình ảnh do các bước quy hoạch trước đó chưa đặt các quy định cụ thể cho việc tạo dựng hình ảnh đặc trưng của đô thị cho phù hợp với môi trường, cảnh quan và kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương.
Việc xây dựng Đồ án thiết kế mẫu khu vực cảnh quan bên sông Đồng Nai của thành phố Biên Hòa nhằm cụ thể hóa, khớp nối và kế thừa các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư đã được duyệt và nhằm mục tiêu định hướng cụ thể việc phát triển cảnh quan, khai thác các giá trị đặc thù tạo nên diện mạo đô thị văn minh, hiện đại và có bản sắc; làm cơ sở tham khảo cho các cơ quan quản lý trong việc cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan đặc trưng, tránh sự phát triển tự phát gây hình ảnh xấu cho khu vực bên sông của thành phố Biên Hòa; làm hồ sơ mẫu và tài liệu tham khảo để lập các đồ án thiết kế đô thị riêng cho toàn bộ khu vực cảnh quan hai bên sông Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa cũng như tại các đô thị khác có những đặc điểm tương đồng.
Tại Đồ án này, nhóm đề tài đã tiến hành cập nhật hiện trạng của khu vực nghiên cứu, kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt như quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Biên Hòa, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích hiện trạng, nghiên cứu các chủ trương, định hướng phát triển của thành phố Biên Hòa, các đặc trưng về hoạt động sống, các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, các yếu tố bản sắc địa phương… nhóm đề tài đã xác định các khu vực, công trình cảnh quan có ý nghĩa đặc biệt của đô thị Biên Hòa khu vực hai bên bờ sông Đồng Nai: Khu vực hai đầu cầu Hóa An; Điểm du lịch làng nghề gốm truyền thống tại xã Hóa An; Khu vực giáp chùa Long Thiền; Khu vực cù lao Hiệp Hòa; Công viên Nguyễn Văn Trị; khu vực xung quanh chợ Biên Hòa và các công trình di tích có gia trị xung quanh như Đình Tân Lân, Dinh Tỉnh trường; Khu di tích lịch sử Nguyễn Tri Phương và các khu dân cư sinh sống lâu đời với các kiến trúc nhà ở đặc trưng.
Trên cơ sở đó, trong Đồ án thiết kế đô thị, nhóm đề tài đã đề xuất những giải pháp bố trí cảnh quan, bố trí công trình điểm nhấn, tạo sự kết nối không gian kiến trúc cảnh quan theo dải liên tục ven sông Đồng Nai; Đề xuất các phương án thiết kế cây xanh, chiếu sáng, cải tạo các tuyến phố cảnh quan, phố đi bộ; Gắn kết nội dung thiết kế đô thị với các vấn đề tác động dòng chảy và bảo vệ bờ sông; xây dựng quy chế quản lý để phục vụ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và xây dựng theo thiết kế đô thị được duyệt tại khu vực.
Đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện Đồ án, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng về cơ bản nhất trí với nội dung và kết quả thực hiện Đề tài của nhóm tác giả. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng lưu ý nhóm tác giả cần bổ sung thêm một số cơ sở lý luận và thực tiễn đối với những đề xuất về bố trí công trình điểm nhấn, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tuyến đường dọc bờ sông Đồng Nai; phân tích và làm rõ thêm những yếu tố mang tính chất bản sắc, đặc trưng của địa phương trong Đồ án thiết kế đô thị; rà soát, cập nhật các dự án đã được phê duyệt; bổ sung các phân tích các hoạt động sống để xác định nhu cầu của người dân và nhu cầu của hoạt động phát triển kinh tế xã hội, từ đó đề xuất quy mô hợp lý các không gian công cộng như quảng trường, phố đi bộ, các trục, tuyến giao thông; bổ sung các đề xuất về bảo tồn, bảo vệ các công trình di sản văn hóa, lịch sử…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Hồ Chí Quang nhất trí với các ý kiến góp ý của các ủy viên phản biện và các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm đề tài cần nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu.
Chủ tịch Hội đồng Hồ Chí Quang đề nghị nhóm đề tài bổ sung những phân tích kỹ hơn đặc trưng của từng khu vực trong Đồ án với các tính chất khác nhau như du lịch, thương mại, dịch vụ, tôn giáo, không gian công cộng, để từ đó tìm ra các đặc trưng quan trọng cần nhấn mạnh; chú ý tiếp thu và điều chỉnh thiết kế theo ý kiến của địa phương; cập nhật hiện trạng; bổ sung cơ sở lý thuyết thống nhất trong cả Đồ án; Xây dựng quy trình mẫu về lập một Đồ án thiết kế đô thị.
Chủ tịch Hội đồng Hồ Chí Quang cũng đề nghị lãnh đạo đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ là Công ty VCC chỉ đạo nhóm đề tài sớm hoàn thiện Đồ án và báo cáo thuyết minh để trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định./.
Minh Tuấn