Theo tham luận của Bộ Xây dựng tại Hội thảo, nguồn vật liệu có thể thay thế cát tự nhiên ở nước ta rất dồi dào, bao gồm đá mạt, phế thải xây dựng và vật liệu thu hồi thải từ ngành công nghiệp khai thác mỏ; tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, việc sản xuất cát nghiền từ các vật liệu nói trên để thay thế cát tự nhiên hiện nay chưa nhiều, do một số nguyên nhân về thói quen sử dụng, công tác tuyên truyền chưa tốt, thiếu định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan và chưa có cơ chế khuyến khích đẩy mạnh sử dụng cát nghiền trong san lấp mặt bằng và trong xây dựng công trình.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng ) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nguồn cung cát tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu, tình trạng khai thác cát tự nhiên quá mức làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói lở nghiêm trọng bờ sông, giá cát tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng, do đó, việc nghiên cứu các công nghệ, xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu thụ cát nghiền thay thế cát tự nhiên, sử dụng phế thải tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu xây dựng là rất cần thiết.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh tại Hội thảo, Quảng Ninh có nhu cầu lớn về cát xây dựng và vật liệu san lấp trong thời gian tới. Không có các mỏ cát lớn, nhưng Quảng Ninh có nguồn đất đá thải mỏ than, xỉ thải nhiệt điện rất lớn, có thể nghiên cứu, sản xuất cát nghiền thay thế phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng… Việc nghiên cứu, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu tại chỗ, nhất là từ bãi thải mỏ than, xỉ thải nhiệt điện làm vật liệu xây dựng (cát xây dựng, vật liệu san lấp, gạch xây…) sẽ có ý nghĩa thiết thực, góp phần tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng, tăng hiệu quả kinh tế cho các dự án đầu tư xây dựng.
Theo PGS.TSKH Bạch Đình Thiên - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trên thế giới, cát nhân tạo đã và đang được sử dụng phổ biến, không những để thay thế cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt do trữ lượng dồi dào hơn, dễ sản xuất hơn mà còn do tính chất đặc biệt của nó: hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh môđun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã trình bày các tham luận, các nghiên cứu và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về các cơ chế chính sách, nghiên cứu khoa học, các công nghệ đang áp dụng trong sản xuất, sử dụng cát nghiền, cát xay, tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu xây dựng trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao ý tưởng cũng như chất lượng của Hội thảo này do Sở Xây dựng Quảng Ninh, Trường Đại học Xây dựng và Hội bê tông Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, nước ta đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhu cầu đầu tư xây dựng là rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng, trong bối cảnh nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm do hệ thống thủy điện trên các dòng sông, tình trạng khai thác quá mức cát tự nhiên làm suy thoái môi trường, làm xói lở bờ sông ở nhiều địa phương, thì việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên là hết sức cần thiết. Thông qua các tham luận tại Hội thảo này, chúng ta thấy, tiềm năng về sản xuất, ứng dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên và sản xuất vật liệu xây dựng từ phế thải tro xỉ nhiệt điện ở nước ta là rất lớn. Đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước về sản xuất cát nghiền từ đá cát kết, phế thải khai thác than, sản xuất cốt liệu từ phế thải xây dựng, sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu xây dựng ứng dụng cho san nền, sản xuất bê tông tươi, bê tông cấu kiện, bê tông nhựa, bê tông đầm lăn, làm vữa xây, gạch xây…đảm bảo tính năng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình, tận thu tài nguyên từ hoạt động khai thác khoáng sản, tận dụng phế thải từ hoạt động khai thác than, sản xuất nhiệt điện, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh việc đề nghị các địa phương tích cực ủng hộ doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loại vật liệu thay thế, trong đó có cát nghiền; các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu những vật liệu thay thế mới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kinh tế kỹ thuật cho việc mở rộng sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong các lĩnh vực xây dựng./.
Minh Tuấn