Sáng 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm tham vấn ý kiến UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Xây dựng và chính quyền các đô thị tại khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chủ trì.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo đó, Luật Quản lý phát triển đô thị là một luật phức tạp với phạm vi rộng, liên quan tới hơn 900 đô thị thuộc 6 loại đô thị với nhiều tính chất đặc thù từ quy mô, địa điểm, lịch sử phát triển, vùng, miền… Bên cạnh đó, dự thảo Luật được xây dựng trong bối cảnh có nhiều Luật liên quan đã và đang được nghiên cứu, xây dựng và ban hành. Đây vừa là thuận lợi, nhưng cũng là khó khăn khi phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ chung của hệ thống pháp luật.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: Luật Quản lý phát triển đô thị là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định pháp luật điều chỉnh về xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, một trong những động lực rất quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Thời gian qua, dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị đã được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, đồng thời đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các đối tượng chịu tác động của Luật, bao gồm các tổ chức trong nước và quốc tế, doanh nghiệp, hội, hiệp hội... Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã nhận được hơn 600 ý kiến của các cá nhân, tổ chức có liên quan”.
Hội thảo sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Cấu trúc dự thảo Luật trên cơ sở 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, khả thi trong thực tiễn triển khai; tên gọi các Chương, Mục và nội dung các Điều, Khoản, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và tính kết nối xuyên suốt của dự thảo Luật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hội thảo hướng tới những ý kiến chia sẻ về phát triển đô thị gắn với đặc thù Vùng miền tại khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nhằm thúc đẩy quá trình phát triển đô thị gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực này.
TS. Patric Shlager, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ chia sẻ một số kinh nghiệm về quản lý và phát triển đô thị.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ cho rằng: Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua được đồng hành với những thành quả to lớn trong phát triển đô thị. Các đô thị là xương sống của phát triển kinh tế, đổi mới và tăng trưởng, đồng thời đóng vai trò then chốt đối với tương lai của Việt Nam. Theo Nghị quyết 06 năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam dự kiến tỷ lệ đô thị hóa đạt 45% vào năm 2025, trong đó các khu vực đô thị đóng góp 75% vào GDP.
Các đại biểu được chia thành các nhóm cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.
Nghị quyết số 06 cũng yêu cầu việc xây dựng và ban hành luật về quản lý và phát triển đô thị bền vững, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quân lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị. Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tự hào đã được đồng hành, hỗ trợ Bộ Xây dựng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị từ những giai đoạn đầu trong quá trình chuẩn bị. Đồng thời khẳng định, việc xây dựng thành công hai Luật này sẽ giúp tạo nên một khung pháp lý toàn diện hơn cho Việt Nam và để Bộ Xây dựng thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước quan trọng của mình.