Trình bày dự thảo thuyết minh Nhiệm vụ, đại diện tư vấn Nhật Bản NIKKEN cho biết, ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình, thuộc tỉnh Thái Bình, do đó việc lập quy hoạch chung xây dựng KKT Thái Bình là đặc biệt cần thiết nhằm kiện toàn bộ máy quản lý, xây dựng chính sách, kế hoạch, huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong KKT, hoàn thiện quy hoạch xây dựng các khu chức năng, chuẩn bị quỹ đất và kế hoạch tái định cư.
Phạm vi lập quy hoạch KKT Thái Bình có diện tích 30.583ha, phía Bắc giáp thành phố Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam và phía Tây Nam giáp tỉnh Nam Định qua sông Hồng, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp một số xã thuộc huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Quy hoạch KKT Thái Bình hướng đến các mục tiêu: Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí KKT trong kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác của đồng bằng sông Hồng và cả nước, kết hợp thu hút đầu tư phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái biển, các di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.
Bên cạnh đó, quy hoạch chung KKT Thái Bình hướng đến xây dựng và phát triển khu vực này thành KKT tổng hợp đa ngành mang tính đột phá của tỉnh Thái Bình. Trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các KKT, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng Sông Hồng, đồng thời kết hợp phát triển các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển đô thị, dịch vụ du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực, tạo việc làm, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng thu nhập cho người dân.
KKT Thái Bình được quy hoạch với tính chất là KKT tổng hợp được vận hành theo quy chế riêng biệt nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và vùng đồng bằng Bắc Bộ, là trung tâm kinh tế biển, đa ngành đa lĩnh vực, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo đại diện công ty NIKKEN cho biết, nội dung nghiên cứu lập quy hoạch KKT Thái Bình bao gồm: Phân tích đánh giá hiện trạng, tiền đề phát triển KKT; định hướng phát triển không gian KKT; định hướng quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư; sơ bộ nhu cầu vốn và nguồn lực thực hiện.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đóng góp ý kiến giúp đơn vị tư vấn hoàn chỉnh dự thảo thuyết minh Nhiệm vụ, trên các lĩnh vực: Thương mại, môi trường, nông nghiệp, văn hóa, du lịch, quốc phòng an ninh, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Trần Thị Hằng đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật và phân tích rõ hơn hiện trạng sử dụng đất của KKT Thái Bình theo ranh giới đã được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, làm rõ vai trò, vị trí của KKT Thái Bình trong mối quan hệ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình, đồng thời đưa ra dự báo về quy mô dân số, tỷ lệ đô thị hóa ở KKT, chú trọng công tác quản lý môi trường và kiểm soát môi trường trong KKT theo quan điểm phát triển kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Bà Trần Thị Hằng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo, gửi UBND tỉnh Thái Bình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trần Đình Hà