Hội thảo tham vấn cuối kỳ "Nghiên cứu thí điểm phương pháp kiểm tra giám sát nước thải"

Thứ năm, 31/05/2018 08:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 30/5/2018 tại Hà Nội, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Xây dựng đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn cuối kỳ "Nghiên cứu thí điểm phương pháp kiểm tra giám sát nước thải đối với chỉ số phát triển bền vững SDG 6.3.1 tại Việt Nam". Đại diện Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế, đến từ Tổ chức JICA (Nhật Bản), WHO, các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương cho biết, tiếp theo Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), Chương trình khung Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 với 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể cần giải quyết toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Trong số đó, mục tiêu số 6 (SDG 6) nhằm đảm bảo cung cấp và phát triển bền vững dịch vụ nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người. Mục tiêu SDG 6 có 03 mục tiêu thành phần, trong đó SDG 6.3 nhằm cải thiện chất lượng nước thông qua giảm ô nhiễm, cấm đổ thải và giảm thiểu xả thải các chất hóa học và vật liệu độc hại, giảm tỷ lệ nước thải chưa xử lý xuống còn 1/2 và tăng cường đáng kể tái chế, tái sử dụng an toàn nước thải trên toàn cầu vào năm 2030. Trong mục tiêu SDG 6.3 có chỉ tiêu SDG 6.3.1 về tỷ lệ nước thải được xử lý an toàn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề xuất dự thảo quy trình chuẩn cho Phương pháp đánh giá từng bước đối với chỉ số SDG 6.3.1, và tiến hành áp dụng thử nghiệm tại 05 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với vai trò là tổ chức đã và đang tiến hành nhiều dự án và góp phần cải thiện vệ sinh môi trường tại Việt Nam, JICA Nhật Bản đã quyết định phối hợp với WHO để tiến hành thử nghiệm phương pháp giám sát của WHO đối với chỉ số SDG 6.3.1 tại Việt Nam. Trong quá trình thử nghiệm, JICA đã có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) - cơ quan quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải đô thị và khu dân cư tập trung trên phạm vi cả nước. Công việc thử nghiệm được bắt đầu từ tháng 10/2017.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe thuyết trình của ông Rifat Hossain - đại diện Tổ chức WHO về Khung phát triển mang tính biến đổi nhằm đạt được Chỉ số phát triển bền vững (SDG) về nước sạch và vệ sinh môi trường và nước thải, và nội dung chính của Hội thảo là Báo cáo về Phương pháp luận và kết quả nghiên cứu thí điểm giám sát chỉ số SDG 6.3.1 do nhóm nghiên cứu của JICA thực hiện trong thời gian qua.




Toàn cảnh Hội thảo

 
Các đại biểu tham dự cũng tham gia thảo luận, đề nghị nhóm dự án làm rõ thêm một số nội dung về phương pháp khảo sát, thu thập số liệu…, đồng thời cũng đề xuất một số giải pháp bổ sung cho phương pháp giám sát để đảm bảo khả thi với điều kiện Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương đánh giá cao báo cáo khảo sát thí điểm của nhóm chuyên gia JICA, cho thấy bức tranh khá tổng thể về công tác xử lý nước thải cũng như đề xuất phương pháp giám sát chỉ tiêu nước thải tại Việt Nam.

Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của các cơ quan, bộ ngành hữu quan trong dự án này trong việc phối hợp chỉ đạo, cung cấp số liệu. Đồng thời mong muốn các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với dự án trong các giai đoạn tiếp theo.


Minh Tuấn 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)