Ngày 20/7/2016 tại trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu các kết quả của Đề tài“ Điều tra, khảo sát xây dựng suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý và mức chi phí xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt” do Viện Kinh tế xây dựng thực hiện. ThS. Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng) chủ trì buồi nghiệm thu.
Chủ nhiệm Đề tài - TS. Lê Văn Cư báo cáo các kết quả nghiên cứu trước Hội đồng
Báo cáo các kết quả nghiên cứu, TS. Lê Văn Cư - Chủ nhiệm Đề tài cho biết, trong những năm qua, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư và duy trì dịch vụ thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt cũng như xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực nói trên. Tuy nhiên, trong quá trình lập dự án, các chủ thể liên quan gặp nhiều khó khăn khi xác định tổng mức đầu tư, đánh giá hiệu quả dự án, xác định giá các dịch vụ khai thác, vận hành do thiếu các hướng dẫn về tính toán định mức hao phí, suất đầu tư. Chính vì vậy, việc thực hiện Đề tài này có tính cấp thiết và tính thực tế cao.
Theo TS. Lê Văn Cư, nhằm mục tiêu đề xuất một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý dịch vụ xử lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát một số dự án xử lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt có công nghệ được sử dụng phổ biến tại các đô thị hiện nay, thu thập dữ liệu về công nghệ, công suất, tổng mức đầu tư; thành phần và mức tiêu hao nhiên liệu, nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy trong quá trình vận hành xử lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu thu thập được kết hợp với kinh nghiệm chuyên gia, nhóm đề tài đã hoàn thành Đề tài theo đúng mục tiêu đề ra với các sản phẩm: Suất vốn đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nước thải sinh hoạt; Dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí nước thải và chất thải rắn sinh hoạt; Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ xác định các hao phí trực tiếp của quá trình khai thác, vận hành các cơ sở xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt.
Nhận xét về các kết quả của Đề tài, các chuyên gia phản biện và thành viên của Hội đồng đều thống nhất về tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Đề tài, đánh giá cao những nỗ lực của nhóm tác giả. Bên cạnh đó, các chuyên gia của Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến giúp nhóm tác giả hoàn thiện Báo cáo đề tài, trong đó có các kiến nghị về cập nhật số liệu, các công nghệ và các cơ chế chính sách mới; phân tích rõ hơn sự khác biệt của việc xác định suất đầu tư với xác định các chi phí thông thường khác; làm rõ hơn các cơ sở tính toán, các đề xuất kiến nghị của Đề tài nên theo nhóm vấn đề, nhóm đối tượng.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Công Thịnh nhất trí với các ý kiến đóng góp và thảo luận của các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm tác giả nghiên cứu, tiếp thu, trong đó, lưu ý nhóm tác giả cập nhật thêm các công nghệ xử lý nước thải, rác thải hiện có để có được bức tranh hiện trạng tổng thể và kiến nghị các bước nghiên cứu tiếp theo; các số liệu tính toán cần nêu rõ phương pháp xác định, đơn vị tính, thuyết minh rõ hơn cơ sở đề suất các dải suất đầu tư và công suất.
Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Công Thịnh cũng đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của nhóm tác giả trong việc thực hiện Đề tài này, sản phẩm của Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiến, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể liên quan có công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng, khai thác vận hành các cơ sở xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt.
Đề tài đã được Hội đồng bỏ phiếu nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá./.
Minh Tuấn