Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện Đại sứ quán Vương Quốc Bỉ, đại diện Quỹ Phát triển Châu Á, đại diện Diễn đàn Đô thị Việt Nam cùng đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực phát triển đô thị.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng cho biết: Đến nay, hệ thống đô thị của Việt Nam tăng cả về số lượng và chất lượng, với khoảng 790 đô thị. Các đô thị đã và đang đóng vai trò quan trọng, là động lực phát triển của nền kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác quy hoạch đã được xây dựng và quản lý theo hệ thống từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Hạ tầng kỹ thuật của các đô thị được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, kiến trúc đô thị, cảnh quan đô thị cũng đang được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng tạo bộ mặt, cấu trúc đặc trưng cho các đô thị.
Cũng theo ông Nguyễn Tường Văn, bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, phát triển đô thị Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn như: Đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến thiếu kiểm soát về chức năng đô thị và hình thái kiến trúc đô thị, phát triển đô thị nhiều nơi vượt quá khả năng điều hành của chính quyền địa phương, trên phạm vi cả nước vẫn phổ biến hiện tượng ùn tắc giao thông, úng ngập, triều cường, nước biển dâng, và các nguy cơ tiềm ẩn do biến đổi khí hậu…
Tham dự buổi Tọa đàm, các diễn giả trao đổi và thảo luận về các khái niệm mới trong phát triển đô thị như: Phát triển đô thị năng động và cởi mở (Progressive city) hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị có khả năng thích ứng (Resilient Cities), kinh nghiệm thực tiễn quản lý đô thị ở Hàn Quốc theo định hướng đô thị năng động và cởi mở, những nỗ lực cải tạo và nâng cao năng lực thích ứng của TP Hồ Chí Minh.
Trình bày tham luận tại Tọa đàm, Giáo sư Michael Douglass, Viện Nghiên cứu châu Á và Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore cho biết: Đến cuối thế kỷ 21, số dân sinh sống trong các thành phố ở châu Á được dự báo sẽ tăng thêm khoảng một tỷ người. Vì thế, châu Á cần dành nhiều sự quan tâm hơn cho việc nâng cao khả năng ứng phó của các thành phố để đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp về kinh tế, xã hội và môi trường.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Do đó, bên cạnh việc chuẩn bị đối phó tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, các thành phố còn phải ứng phó với những thảm họa môi trường đang diễn ra ngày càng thường xuyên với mức độ khốc liệt hơn, mà phần lớn trong số đó xảy ra ở châu Á. Trước giao thoa của 2 xu hướng lớn của phong trào đô thị hóa và Thế nhân sinh- một kỷ nguyên toàn cầu mà trong đó con người là yếu tố chính quyết định tình trạng môi trường ở Trái đất, vấn đề chính đặt ra là làm cách nào để các thành phố có thể đạt được khả năng ứng phó theo cách thúc đẩy phát triển nở rộ về phương diện nhân bản và môi trường tự nhiên tốt.
Giáo sư Michael Douglasscho rằng khái niệm thành phố năng động và cởi mở luôn đặt phát triển nở rộ về phương diện nhân bản làm trung tâm. Bốn phương diện (hay bốn trụ cột) của các thành phố và quá trình quản lý tại địa phương được đánh giá rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nở rộ về phương diện nhân bản là: Hòa hợp trong đời sống cộng đồng, công bằng phân phối, văn hóa xã hội, và môi trường tự nhiên tốt. Để đánh giá một thành phố, cần đưa ra nhận định trên toàn bộ các phương diện này.
Cũng tại buổi Tọa đàm, khi trình bày tham luận “Những hoạt động của Seoul để trở thành một thành phố năng động và cởi mở - Quản trị và cải cách chính sách”, Giáo sư Myung-Rae Cho - trường Đại học Dankook, Hàn Quốc cho biết: Hiện nay, Seoul đang thực hiện tốt quá trình kiến tạo một thành phố nhân văn cấp tiến nhờ 2 chiến lược sáng tạo đổi mới gồm chương trình phân phối (đổi mới nghị trình) và tham gia một cách phổ biến (đổi mới cách quản lý). Sự cấp tiến của những đợt cải cách đô thị như thế có khả năng diễn ra dựa trên các phong trào xã hội dân sự về công bằng kinh tế, môi trường bền vững và dân chủ trong dân, trong giai đoạn trước khi phát triển và dưới hình thức quản lý hỗ trợ đoàn thể của nhà nước theo chủ nghĩa phát triển mới ở cả cấp địa phương và trung ương.
Kết thúc buổi Tọa đàm, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng – TS. Nguyễn Tường Văn bày tỏ cảm ơn các đại biểu đã tham gia trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm bổ ích về vai trò của Quản trị đô thị ở các thành phố, góp phần giúp Bộ Xây dựng tiếp tục điều chỉnh các chương trình hành động của mình trong quá trình đầu tư, xây dựng phát triển đô thị Việt Nam thân thiện với môi trường, bền vững, thích ứng và chống chịu hiệu quả trước rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra.
Trần Đình Hà