Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà Anh – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng đã giới thiệu khái quát về thực trạng phát triển đô thị Việt Nam và sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia (Chiến lược).Hiện nay, dân số đô thị của Việt Nam đạt khoảng 35,7%, tương ứng khoảng trên 32 triệu cư dân đô thị, và ước tính đến năm 2020 sẽ có khoảng 40% dân số Việt Nam sẽ sống trong các khu vực đô thị. Tính đến tháng 12/2015, Việt Nam có 787 đô thị từ loại V trở lên và đô thị đã trở thành động lực quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, đóng góp của khu vực đô thị chiếm khoảng 70-75% tổng thu ngân sách nhà nước, riêng 5 đô thị trực thuộc trung ương đã đóng góp khoảng 52,6% GDP cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn về phát triển đô thị, hệ thống đô thị Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập về chất lượng hạ tầng, khả năng đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ xã hội cho người dân cũng như năng lực ứng phó hiệu quả đối với những thách thức trong bối cảnh mới, trong đó có các thách thức về biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên; hệ thống pháp luật về quản lý phát triển đô thị là những công cụ cốt lõi để chỉ đạo, định hướng và kiểm soát quá trình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam những năm qua đã mang lại những lợi ích quan trọng nhưng cũng cần điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia như một công cụ chính để thúc đẩy phát triển đô thị tại cả hai cấp độ trung ương và địa phương, và qua đó cung cấp các chương trình đầu tư cụ thể nhằm huy động nguồn lực cho phát triển hơn nữa hệ thống đô thị quốc gia là hết sức cần thiết.
Toàn cảnh Hội thảo
Bà Hà Anh cũng cho biết, trong giai đoạn 1 (dự kiến kết thúc vào tháng 9/2016) của Dự án “Xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia” với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức Liên minh Các Thành phố, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các hoạt động như: Điều tra, khảo sát và tập hợp các thông tin cơ bản về thực trạng đô thị Việt Nam; Đánh giá tổng quan hiện trạng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, làm rõ các bất cập, tồn tại; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong chuẩn bị Chiến lược phát triển đô thị quốc gia; Nghiên cứu đề xuất các mục tiêu của Chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày các tham luận liên quan đến việc xây dựng Chiến lược, như vấn đề hoàn thiện khung chính sách phát triển đô thị; xây dựng bộ chỉ số đánh giá đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý phát triển đô thị; phát triển nhà ở xã hội, những thách thức của biến đổi khí hậu, công tác quản lý vệ sinh môi trường tại đô thị…
Các đại biểu tham dự Hội thảo đại diện Vụ KHCN và môi trường Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Tổ chức Định cư Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN-Habitat) cũng đã phát biểu trao đổi về một số nội dung cần nghiên cứu và đưa vào Chiến lược.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh bày tỏ cảm ơn các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo, có bài tham luận và đóng góp ý kiến cho việc xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về việc quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các đô thị, thể hiện khá rõ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy, sự phát triển mở rộng quy mô của đô thị, tăng số lượng đô thị trong thời gian qua chưa đồng bộ với chất lượng đô thị, những vấn đề về chuyển đổi ranh giới hành chính của các đô thị, không gian kinh tế, nhân khẩu học đô thị còn chưa được thực hiện theo đúng các định hướng, mặt khác, bản thân các định hướng trước đây đã được ban hành cũng đã trở nên lạc hậu và không phù hợp với tình hình thực tế phát triển đô thị.
Đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo này và những bài tham luận tâm huyết, nghiêm túc của các chuyên gia trong nước và quốc tế đã giúp cho nhóm nghiên cứu có thêm những góc nhìn khác nhau trong quá trình xây dựng Chiến lược, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh tin tưởng rằng, sau giai đoạn nghiên cứu, Chiến lược phát triển đô thị quốc gia sẽ được hoàn thiện và trở thành một khung chính sách quan trọng, một công cụ giúp Chính phủ tăng cường kiểm soát công tác phát triển đô thị và đặt nền móng cơ sở mang tính nghiên cứu phục vụ các quyết định về phát triển đô thị trong tương lai, thu hẹp khoảng trống hiện tại giữa các mục tiêu phát triển nêu trong Chương trình phát triển đô thị quốc gia và chương trình phát triển đô thị tại các địa phương…
Minh Tuấn