Trình bày tóm tắt về sự cần thiết và nội dung cơ bản trong nhiệm vụ xây dựng “Hướng dẫn kỹ thuật thông hút, chuyên chở, xử lý, tái sử dụng và đổ thải phân bùn bể tự hoại”, Chủ nhiệm đề tài - GS.TS Nguyễn Thị Kim Thái cho biết: Tại hầu hết các khu vực đô thị của các nước đang phát triển, các công trình vệ sinh tại chỗ bao gồm các bể tự hoại, hố xí đào, hố xí thùng, các hố xí công cộng … chứa phân bùn và cần được thông hút, xả định kỳ. Việc quản lý phân bùn thường chỉ hạn chế trong việc thực hiện dịch vụ hút phân bùn của các công ty đô thị hoặc các tổ chức tư nhân, thường thiếu các phương án xử lý phân bùn phù hợp và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường đô thị và sức khỏe con người. Ở Việt Nam, do việc thông hút, vận chuyển và đổ thải bừa bãi phân bùn tự hoại ra môi trường mà không qua xử lý hợp vệ sinh nên một lượng lớn chất bẩn hữu cơ đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các ao hồ, sông, kênh ngòi và các vùng đất ngập nước của các đô thị, gây quá tải cho hệ thống thoát nước đô thị, dẫn đến tình trạng ngập lụt thường xuyên ở các khu vực đô thị. Để giúp các đô thị quản lý tốt các hoạt động thu gom, thông hút, vận chuyển, xử lý, tái sử dụng và đổ thải phân bùn từ các bể tự hoại cần thiết phải có các văn bản hướng dẫn về thông hút, chuyên chở, xử lý, tái sử dụng và đổ thải phân bùn bể tự hoại. Nhiệm vụ “Hướng dẫn kỹ thuật thông hút, chuyên chở, xử lý, tái sử dụng và đổ thải phân bùn bể tự hoại” cho các đô thị Việt Nam sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống văn bản của nhà nước trong lĩnh vực quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
“Hướng dẫn kỹ thuật thông hút, chuyên chở, xử lý, tái sử dụng và đổ thải phân bùn bể tự hoại” được xây dựng với các nội dung cơ bản như: Cơ sở và phương pháp xây dựng hướng dẫn, Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật thông hút, chuyên chở, xử lý và đổi thải phân bùn bể tự hoại, Tài liệu tham khảo, Phụ lục. Phần Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật trình bày chi thiết về các yêu cầu khi thực hiện hoạt động quản lý phân bùn bể tự hoại, cách xác định khối lượng, thành phần và tính chất của phân bùn, kỹ thuật thông hút và thu gom phân bùn, kỹ thuật chuyên chở, vận chuyển phân bùn, kỹ thuật xử lý phân bùn, tái sử dụng và đổ thải phân bùn.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính cấp thiết và ý nghĩa thực tế của đề tài, thuyết minh nhiệm vụ và báo cáo dự thảo được thực hiện nghiêm túc, tài liệu tham khảo phong phú, các tiêu chuẩn có liên quan được đề cập, đánh giá được tình trạng thu gom phân bùn tại nhiều địa phương và có những kết quả nhất định, cấu trúc và cách trình bày rõ ràng. Tuy nhiên, Hội đồng lưu ý nhóm thực hiện đề tài về một số vấn đề tồn tại như bố cục còn lộn xộn, các lỗi in ấn, diễn đạt, xem xét lại các danh mục viết tắt, phụ lục, bảng biểu, nguồn gốc các tài liệu tham khảo cần nêu rõ, các cụm từ tiếng nước ngoài cần được dịch ra tiếng Việt, cơ sở pháp luật cần được cập nhật các văn bản pháp luật mới, bổ sung các hình minh họa và chú thích, xem xét lại các thông số hướng dẫn …để đề tài được hoàn thiện.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng - ThS. Nguyễn Công Thịnh lưu ý nhóm tác giả hoàn chỉnh đề tài trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đã đóng góp.
Đề tài đã được nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá
Kim Nhạn