Ngày 10/11/2020, tại Hà Nội, các học viên là đại diện Sở xây dựng, các trung tâm tiết kiệm năng lượng, trung tâm khuyến công các tỉnh phía Bắc, các đơn vị tư vấn, thiết kế, chủ đầu tư… đã tham dự Khóa tập huấn Kiểm toán năng lượng, tư vấn cải tạo và quản lý năng lượng trong công trình xây dựng, do Bộ Xây dựng phối hợp với Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (Dự án EECB) tổ chức.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Nguyễn Công Thịnh phát biểu tại Khóa tập huấn
Khóa tập huấn diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/11, là một trong những sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020 (dự kiến diễn ra từ ngày 9-11/12/2020), với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực quản lý năng lượng trong công trình. Tài liệu phục vụ Khóa tập huấn được Ban tổ chức xây dựng trên cơ sở lựa chọn, tổng hợp từ nhiều nguồn thuộc các chương trình, dự án có liên quan trước đây, đồng thời cập nhật, bổ sung kịp thời những nội dung mới nhất về kiểm toán năng lượng, tư vấn cải tạo và quản lý năng lượng trong công trình xây dựng.
Phát biểu tại Khóa tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết: hiện nay Bộ Xây dựng đang tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, trong đó có những nội dung liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đẩy mạnh các hoạt động tăng cường năng lực, hỗ trợ các hoạt động tư vấn, thiết kế, cải tạo xây dựng mới công trình theo hướng tiết kiệm năng lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, và phát triển công trình tiết kiệm năng lượng.
Chương trình tập huấn được chuẩn bị kỹ, với nhiều nội dung thiết thực về tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng - lĩnh vực đang nhận được nhiều sự quan của nhà quản lý, nhà đầu tư, các chuyên gia và toàn xã hội. Qua đó, đại diện Bộ Xây dựng bày tỏ mong muốn các học viên sẽ tập trung lĩnh hội những kiến thức cần thiết nhằm nâng cao trình độ, giúp triển khai và thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực kiểm toán năng lượng, tư vấn cải tạo và quản lý năng lượng trong công trình xây dựng, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về kiểm toán năng lượng, tư vấn cải tạo và quản lý năng lượng trong công trình xây dựng.
Chuyên gia Yannick Millet thuyết giảng tại Khóa tập huấn
Thuyết giảng tại Khóa tập huấn, ông Yannick Millet - Chuyên gia Tư vấn năng lượng công trình cho các tổ chức quốc tế, nguyên Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Cố vấn kỹ thuật của Ban quản lý Dự án EECB cho biết: các quốc gia trên thế giới hiện nay rất quan tâm đến cải tạo công trình hiệu quả năng lượng. Việc cải tạo công trình hiệu quả năng lượng được phân thành 3 nhóm chính, tùy thuộc vào mức độ cải tạo của các công trình, gồm cải tiến vận hành hoặc cải tiến vận hành và bảo trì, cải tạo cơ bản, cải tạo lớn.
Ở các nước phát triển, các tòa nhà hiện hữu là mục tiêu chính để thực hiện cắt giảm lượng khí thải CO2 và giảm tiêu thụ năng lượng. Cụ thể: Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ cải tạo toàn diện hơn một nửa số lượng tòa nhà hiện hữu; Đức đặt mục tiêu giảm 50% mức tiêu thụ năng lượng cơ bản vào năm 2050 với tỷ lệ cải tạo 2% công trình/năm; Pháp đặt mục tiêu giảm 50% mức tiêu thụ năng lượng cơ bản trong các tòa nhà hiện hữu vào năng 2050 so với mức tiêu thụ của năm 2012.
Chuyên gia Yannick Millet nhấn mạnh, việc cải tạo công trình hiệu quả năng lượng giúp mang lại nhiều lợi ích to lớn trên tất cả các mặt tài chính, môi trường, công tác quản lý, xã hội. Trên thế giới, các phương pháp cải tạo tốt có thể giúp giảm tiêu thụ năng lượng từ 25 - 45%. Ngược lại, các phương pháp kém có thể làm tăng mức tiêu thụ năng lượng lên đến 140%. Trong khi đó, tại Việt Nam, các dự án trình diễn của EECB cho kết quả giúp giảm đến 40% năng lượng tiêu thụ cho công trình, thời gian hoàn vốn dưới 5 năm, giúp tăng lợi nhuận kinh doanh, giảm chi phí cho người dùng, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề năng lượng và môi trường.
Về chủ đề Kiểm toán năng lượng và lợi ích của kiểm toán năng lượng, ThS. Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) cho biết, kiểm toán năng lượng là cách thức tiếp cận, khảo sát hiện trạng công trình xây dựng, thiết bị, hệ thống sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, có hệ thống để ra quyết định về quản lý năng lượng, giúp thiết lập định mức tiêu thụ năng lượng, cân bằng năng lượng và lập kế hoạch cải thiện, giảm tiêu thụ năng lượng.
Kiểm toán năng lượng mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là giúp chủ đầu tư bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về tiết kiệm năng lượng, đồng thời xác định các nguy cơ hiện tại và tiềm ẩn đối với công trình; theo dõi các luồng chi phí; theo dõi và giám sát hiệu quả công trình; giảm công suất tiêu thụ đỉnh; lập kế hoạch cải thiện mức độ tiêu thụ năng lượng; giảm chi phí năng lượng; nâng cao nhận thức cho nhân viên về tiết kiệm năng lượng; nâng cao trình độ đào tạo nhân lực; nâng cao thương hiệu doanh nghiệp.
Khóa tập huấn thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo học viên là nhà quản lý, tư vấn, chủ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong công trình
Tham dự khóa tập huấn, bên cạnh những thông tin, kiến thức về Dự án cải tạo công trình, các học viên còn được trang bị những kiến thức bổ ích liên quan đến kiểm toán năng lượng, tư vấn cải tạo và quản lý năng lượng trong công trình xây dựng, như phân tích tài chính các giải pháp tiết kiệm năng lượng, lập báo cáo kiểm toán năng lượng và trình bày kết quả kiểm toán năng lượng, các bước xây dựng Hệ thống Quản lý năng lượng trong công trình xây dựng...
Dự án EECB do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tài trợ, Bộ Xây dựng thực hiện, có nhiệm vụ nâng cao khả năng quản lý, sử dụng hiệu quả năng lượng trong các công trình cao tầng thông qua cung cấp hướng dẫn kỹ thuật, các công cụ hỗ trợ và kinh nghiệm thực tiễn. Mục tiêu dài hạn của Dự án nhằm cắt giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ ngành Xây dựng ở Việt Nam. Mục tiêu trực tiếp là nhằm cải thiện việc sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam.