Sáng 06/11, tại hội trường Quốc hội, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về thực trạng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã làm rõ nhiều vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó nhấn mạnh những giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong những năm tới.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nội dung quan trọng.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà làm rõ nhiều vấn đề then chốt mà Đại biểu Quốc hội quan tâm (Ảnh: Quochoi.vn).
Tại hội trường Quốc hội, trả lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) về thực trạng phát triển nhà ở xã hội - nguyên nhân, giải pháp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã làm rõ nhiều vấn đề then chốt Đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Hiện nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, theo tính toán đến năm 2020, chúng ta cần khoảng 12,5 triệu m2 về nhà ở xã hội. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm và có nhiều chủ trương chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có một chương trình riêng về phát triển nhà ở xã hội với nhiều chính sách, trong đó tổng quát lại có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm chính sách về hiện trạng tiền sử dụng đất, miễn giảm một số loại thuế, trợ giúp đầu tư hạ tầng của khu vực cho đến phát triển dự án nhà ở xã hội. Đối với người mua nhà, chúng ta cũng có chính sách hỗ trợ người dân vay, mua nhà ở xã hội”.
“Thực hiện chính sách này, với sự cố gắng rất cao của các địa phương hiện nay đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị là 2,8 triệu m2 và cho công nhân ở khu công nghiệp là 2,3 triệu m2”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, những kết quả đạt được nêu trên là rất cố gắng nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra. “Với kết quả này, hiện chúng ta mới chỉ giải quyết được 41,5% so với tổng yêu cầu 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hạn chế tồn tại vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội là thiếu nguồn cung, nguyên nhân chính là do cơ chế chính sách hiện nay còn chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, thủ tục đầu tư xây dựng như phê duyệt giá bán, phê duyệt đối tượng mua nhà còn nhiều bất cập và thiếu nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho người mua nhà ở theo quy định pháp luật.
“Theo nhu cầu, chúng ta cần khoảng 9 nghìn tỷ ngân sách hỗ trợ lãi suất, nhưng hiện nay chỉ bố trí khoảng 4 nghìn tỷ. Các địa phương, chưa bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm đến các việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trong và ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, chưa quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phân tích.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho rằng: “Giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, trong đó có một số giải pháp đã và đang thực hiện. Cụ thể, chúng ta đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định diện tích căn hộ tối thiểu khép kín là 45m2 và điều này đã tạo việc rất thuận lợi cho các nhà đầu tư bố trí các căn hộ trong dự án nhà ở xã hội nói chung cũng như các dự án nhà ở hạ tầng đô thị nói riêng.
Chính phủ cũng rất quan tâm và đã bố trí 4 nghìn tỷ hỗ trợ lãi suất để cho người dân vay mua nhà ở xã hội, các địa phương, một số địa phương cũng đã quan tâm đầu tư hạ tầng, bố trí quỹ đất, thực hiện một số chính sách ưu đãi riêng của địa phương cho phát triển nhà ở xã hội”.
Nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đưa ra nhiều giải pháp căn cơ. “Thứ nhất, rà soát bổ sung, hoàn thiện các loại quy hoạch nhất là quy hoạch 1/500 ở các đô thị để phục vụ các dự án nhà ở xã hội.
Thứ hai, bố trí đủ quỹ đất. Hiện nay, các địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội rất nhiều nhưng chưa bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta cần tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để có tính kết nối khu vực nhà ở xã hội và các khu vực khác của đô thị.
Tới đây, chúng ta sẽ sửa đổi căn bản Nghị định 100 để tạo các cơ chế, chính sách đột phá hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và tạo cơ hội thuận lợi hơn cho người dân để mua nhà ở xã hội. Chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ để ra chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán từ 15 triệu đồng/m2”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.