Ngày 6/11/2020, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg (Chương trình 567) ngày 28/4/2010 và thực hiện Đề án Xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao theo Quyết định số 452/QĐ-TTg (Đề án 452) ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội nghị.
Theo Báo cáo tổng kết, đến nay, qua 10 năm thực hiện Chương trình 567, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) ở nước ta đã có nhiều chuyển biến, cụ thể: các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất VLXKN từng bước được đầu tư, phát triển; các sản phẩm VLXKN đa dạng phong phú về chủng loại như gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp/ không chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm bê tông rỗng đùn ép (acotec), tấm tường bê tông khí chưng áp...; chất lượng sản phẩm VLXKN từng bước được hoàn thiện và nâng cao.
Hiện nay, cả nước có trên 1600 cơ sở VLXKN, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây), đạt ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình 567. Với sản lượng này, hàng năm Việt Nam tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét (tương đương 375ha đất khai thác ở độ sâu 2m), giảm tiêu thụ khoảng 750 nghìn tấn than đá, và giảm lượng phát thải xấp xỉ 2,85 triệu tấn khí CO2. Đây là kết quả rất ấn tượng, góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và ngăn quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp.
Về việc triển khai, thực hiện Đề án Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao theo Quyết định số 452/QĐ-TTg - theo nội dung báo cáo - những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực ban hành các cơ chế, chính sách, khuyến khích việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao trên toàn quốc; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao; qua đó giúp cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xử lý, đưa tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất xi măng, vật liệu xây không nung, vật liệu nung, vật liệu san lấp.
Theo số liệu của các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các nhà máy nhiệt điện, tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước đạt khoảng 34,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm. Trong đó, lượng tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, ước khoảng 24 triệu tấn (70%); sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn (12%); làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn (8%) và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn (9%).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định: ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình 567 và Đề án 452 đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp. Nhờ đó, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong phát triển và đẩy mạnh sử dụng gạch không nung, giảm dần sử dụng gạch đất sét nung, đồng thời tăng cường sử dụng tro, xỉ để sản xuất vật liệu xây không nung hoặc làm nguyên vật liệu sử dụng trong san lấp mặt bằng xây dựng công trình, làm nền đường giao thông.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình 567 và Đề án 452, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm VLXKN và công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng VLXKN; tăng cường tuyên truyền để các nhà quản lý, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và người dân hiểu hết những lợi ích của VLXKN như cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng công trình, từ đó có ý thức, trách nhiệm sử dụng VLXKN thay cho sử dụng gạch đất sét nung.
Toàn cảnh hội nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, khuyến khích việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao; triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao; tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu là chuyên gia từ các Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng, các hội, hiệp hội chuyên ngành vật liệu xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng các địa phương, đại diện các doanh nghiệp đã sôi nổi thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến nhằm nêu bật những kết quả đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn, những tồn tại, vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện Chương trình 567 và Đề án 452 thời gian qua, đồng thời đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sử dụng VLXDKN và xử dụng tro, xỉ thạch cao trong thời gian tới.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nhất các nội dung Chương trình, Đề án của Chính phủ liên quan đến phát triển VLXDKN và sử dụng tro, xỉ thạch cao trong giai đoạn tới.