Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo Sở Xây dựng đã báo cáo tóm tắt về công tác QH, quản lý thực hiện QH Khu kinh tế, Khu công nghiệp và tình hình quản lý về hạ tầng kỹ thuật, QHXD NTM theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Theo Sở Xây dựng Đồng Tháp, để tạo cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư, chỉnh trang, quản lý phát triển đô thị và thu hút đầu, đến nay tỉnh đã hoàn thành QHC 12 khu trung tâm hành chính. Tỷ lệ phủ kín QH của tỉnh đạt 63%, trong đó thành phố Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc có tỷ lệ phủ kín QH đạt 90%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng từng bước được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo để nâng cao chất lượng sống tại các đô thị. Đến cuối năm 2012, khu vực đô thị có trên 96% dân số nội đô và khoảng 80% dân số ngoại ô được cấp nước sạch. Tỷ lệ thất thu nước giảm từ 23% (2011) xuống còn 21,11% (2012). Năm 2012, UBND tỉnh đã thông qua QH các khu xử lý rác và điểm trung chuyển trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến 2025.
Về công tác QH khu kinh tế, khu công nghiệp, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã quan tâm lập QH nhằm tạo điều kiện phát triển công nghiệp địa phương. Theo đó, Đồng Tháp có một khu kinh tế cửa khẩu với 02 cửa khẩu quốc tế (Dinh Bà và Thường Phước) đã được đầu tư cơ bản về hạ tầng, tuy nhiên do tình hình khó khăn do suy thoái kinh tế nên việc thu hút đầu tư xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế. Để quản lý xây dựng, phát triển và thu hút đầu tư xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế dự kiến dự kiến sẽ lập QH chi tiết mới cho các khu vực cửa khẩu Thường Phước, Dinh Bà ngay sau khi QH chung khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp được phê duyệt. Ngoài ra, 03 khu công nghiệp tập trung cũng đã được QH với tổng diện tích 256 ha.
Trong công tác QHXD NTM, cơ bản các xã của Đồng Tháp đều đạt được tiêu chí theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 13, còn một số tiêu chí chưa hoàn thành được là do yếu tố đặc trưng vùng miền. Thực tế công tác QHXD NTM tại Đồng Tháp được triển khai theo hướng phát huy tối đa sự tham gia trực triếp của cán bộ chuyên môn tại địa phương và tiếp thu ý kiến, huy động đóng góp của người dân tại các xã, thôn, ấp. Tuy nhiên, công tác cắm mốc sau QH còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế và bản đồ để lập QH không phải là bản đồ địa hình. Tỉnh có chủ trương sẽ rà soát và đánh giá tổng thể việc thực hiện QHXD NTM từ nay đến cuối năm để có kế hoạch triển khai các đề án xây dựng NTM hiệu quả.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác lập và triển khai QH, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã yêu cầu Sở Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các đơn vị có liên quan để thực hiện tốt công tác lập và triển khai các QH được phê duyệt. Đồng thời, mạnh dạn đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai QH để đảm bảo thực hiện đúng định hướng phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã đánh giá cao và bày tỏ sự trân trọng tinh thần cởi mở, thẳng thắn của đại diện Lãnh đạo các đơn vị tỉnh Đồng Tháp trong quá trình trao đổi chuyên môn. Theo Thứ trưởng, Sở Xây dựng Đồng Tháp cần tiếp thu ý kiến của các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng đã nêu ra tại hội nghị nhằm làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu cho Tỉnh trong lĩnh vực quản lý QH xây dựng và phát triển đô thị.
Thứ trưởng nhận định: Hiện tỉnh Đồng Tháp đang lập QH vùng tỉnh nên cần chú trọng phân định rõ trong QH các khu vực cần bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên, khu vực xây dựng để phát triển kinh tế từ đó có những định hướng, mục tiêu phát triển rõ ràng, phân bổ vốn đầu tư hợp lý, hiệu quả. Tỉnh cũng cần có những rà soát soát QH phân khu, QH chi tiết nhằm xác định các khu vực phát triển đô thị, khu chức năng, không nên dàn trải việc lập QH phân khu gây lãng phí đầu tư. Đồng thời, chú trọng vấn đề lập quy chế quản lý QH kiến trúc, trong đó ưu tiên cho các đô thị hạt nhân như Sa Đéc, Cao Lãnh.
Đồng ý kiến với các đại biểu tại buổi làm việc về QHXD NTM, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Việc triển khai lập QH sản xuất, QH sử dụng đất không thể tiến hành tại cấp xã mà chỉ nên dừng ở bước QH hạ tầng, QH cảnh quan để có cơ sở thực hiện QH sản xuất ở quy mô rộng hơn. QHXD là cơ sở để thực hiện QH sản xuất và QH sử dụng đất, do đó cần bố trí nguồn vốn phù hợp cho việc thực hiện công tác này.
Thứ trưởng lưu ý, trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, Đồng Tháp là một điểm sáng về đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, tỉnh cần thận trọng khi lựa chọn công nghệ để kiểm soát chất thải rắn và xử lý nước thải.
Cũng trong chuyến công tác, Thứ trưởng và đoàn công tác đã tới khảo sát khu xử lý chất thải rắn thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, khảo sát Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp, khu vực cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và đi thực tế công tác triển khai QHXD NTM tại xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh.
Tại buổi làm việc với xã Bình Thạnh, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã đánh giá cao tinh thần chủ động của lãnh đạo và nhân dân xã. Với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, cả cán bộ xã và người dân Bình Thạnh đã cùng tham gia vào việc lập QH và xây dựng. Người dân trực tiếp tham gia ngay từ giai đoạn lập QH xây dựng, ý kiến đồng thuận của người dân có vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra các phương án QH bởi họ chính là người hiểu rõ nhất về thổ nhưỡng, tính chất, đặc điểm vùng đất nơi họ sinh sống và lập nghiệp. Nhờ đó, QH có tính khả thi cao, tạo sự sẵn sàng về nguồn lực và dựa theo đúng nhu cầu thực tế để lập QH một cách khoa học, không máy móc. Có thể nói, Bình Thạnh là một điểm sáng cho việc tìm hướng đi riêng phù hợp, khoa học trong triển khai thực hiện QHXD NTM. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý địa phương cần xây dựng lộ trình thực hiện QH rõ ràng, xác định cụ thể các tiêu chí cần huy động nguồn vốn và thể hiện đúng nội dung QHXD theo quy định để có sự kiểm soát phát triển và qua đó bổ sung những yếu tố mới phát sinh.
Theo : Báo Xây dựng điện tử