Đô thị giữ vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế
Nếu như đầu thế kỷ XX, đô thị phát triển chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ - những nơi còn nền kinh tế phát triển sớm, thì hiện nay đô thị được phát triển ở hầu khắp các châu lục, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam hiện có 765 đô thị các loại, chiếm tỷ lệ đô thị hóa đạt 32,45%. Các đô thị đã đóng góp 70% GDP của quốc gia, tạo động lực cho phát triển đất nước sau một chặng đường nhiều năm đổi mới.
Những năm qua, Việt Nam thu được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế và chính sách an sinh xã hội
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định rằng, đô thị là động lực phát triển kinh tế, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các nước. Đặc biệt đối với các nước đang phát triển, đô thị góp phần trực tiếp vào sự tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại lực lượng lao động, phân bố lại dân cư để đất nước tăng trưởng mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Chính phủ Việt Nam ngày càng hoàn thiện các thể chế liên quan đến phát triển đô thị, trong đó khẳng định vai trò của quy hoạch trong việc phát triển đô thị nhằm hướng đến sự bền vững, tránh phát triển theo kiểu tự phát, phong trào.
Trong phát triển đô thị, chính quyền đô thị, cộng đồng dân cư và các DN giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Sự kết nối hữu hiệu giữa các chủ thể này sẽ khắc phục tình trạng đô thị phát triển tự phát, phong trào, thiếu sự kiểm soát cũng như chỉ đạo của cơ quan nhà nước.
"Hiện nay, chúng ta đang tập trung phát triển Chiến lược nhà ở quốc gia, trong đó nhà nước hỗ trợ người có thu nhập thấp ở thành thị có điều kiện tiếp cận với nhà ở xã hội, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng, như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS... Đây cũng chính là nhằm hướng đến phát triển đô thị, đất nước một cách bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Nhiều thách thức cần vượt qua
Hội nghị Phát triển đô thị Quốc tế INTA37 có sự hiện diện của đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch trên thế giới! Ảnh Thiên Trường.
Bên sự phát triển mạnh của đô thị cả về quy mô và chất lượng thì hiện nay, theo ông Budiarsa Sastrawinata, Chủ tịch INTA, Việt Nam (cũng như các nước đang phát triển khác) gặp phải những thách thức không nhỏ. Đó là, nguồn lực đầu tư cho đô thị thì rất lớn trong khi khả năng đáp ứng của đất nước còn hạn chế.
Cùng với đó là xu hướng tập trung hóa đô thị cũng tạo ra sự chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra đô thị nên đã tạo ra áp lực rất lớn đến hạ tầng, kinh tế xã hội, làm ảnh hưởng chất lượng đô thị, giảm chất lượng cuộc sống người dân.
Sự phát triển đô thị nhanh tại Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là hạn chế về hạ tầng kỹ thuật và tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đa số các TP lớn và KCN của Việt Nam đều tập trung ở vùng đồng bằng trũng thấp, khu vực ven biển.
Đây là những khu vực rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu trong xu thế đô thị hóa đặt ra nhiều thách thức cho chiến lược phát triển đô thị tại Việt Nam.
Ngoài ra, chất lượng đô thị còn nhiều vấn đề cần quan tâm như hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, vấn đề hệ thống giao thông, môi trường đô thị nhà ở....
Nhằm vượt qua những thách thức này, Bộ Trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta cần nghiên cứu các giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển đô thị có sự liên kết chặt chẽ với các chiến lược quốc gia, như chiến lược phát triển nhà ở, về quy hoạch, về giao thông cũng như môi trường nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân đô thị. Phát triển các đô thị cần có sự tích hợp hài hòa các yếu tố cho sự phát triển bền vững, như thành phố sinh thái, thành phố thông minh, thành phố linh hoạt".
Kinh tế - xã hội - môi trường được coi là các nhân tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển của mỗi đô thị. Mỗi nhân tố này đều phải cam kết phát triển bền vững mới có thể thiết kế và xây dựng được đô thị "thông minh hơn" và “hòa hợp hơn” với môi trường, mà đô thị sinh thái là một điểm sáng điển hình. Những thay đổi và giải pháp đều phải hướng tới phát triển cộng đồng sống bền vững dựa trên một môi trường đô thị mới, hiện đại trong một thế giới luôn thay đổi.
"Sự kết hợp hài hòa giữa tư duy ngắn hạn với tư duy trung hạn và tư duy dài hạn sẽ giúp chúng ta khắc phục được những khó khăn trong quá trình phát triển đô thị để đạt được sự bền vững. Bên cạnh đó, bản thân mỗi đô thị phải tìm ra cho mình định hướng phát triển phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương vì trên thực tế không có mô hình phát triển nào áp dụng được cho tất cả các đô thị" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Theo : Báo Xây dựng điện tử