Tại buổi làm việc, đại diện Hiệp hội phát triển BĐS TP Cao Hùng cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cùng các thành viên Hiệp hội BĐS Việt Nam đã dành thời gian tiếp đoàn. Đồng thời, giới thiệu về quy mô, các hoạt động về lĩnh vực nhà ở, BĐS của Hiệp hội.
Là DN hoạt động về BĐS lớn thứ 2 của Đài Loan, hầu hết các công trình xây dựng, tòa nhà ở TP Cao Hùng đều do Hiệp hội đảm nhận thực hiện với khoảng 500 doanh nghiệp tham gia xây dựng BĐS.
Việt Nam là thị trường tiềm năng, là cơ hội để các DN của Đài Loan, đặc biệt là các DN trong Hiệp hội đầu tư vào BĐS và phát triển đô thị. Nhiều KĐT được quy hoạch và có môi trường sinh thái tốt như Ecopark…
Trong thời gian tới, Hiệp hội phát triển BĐS TP. Cao Hùng mong muốn sẽ có nhiều sự hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực BĐS với Hiệp hội BĐS Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của các thành phố ở Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam hoan nghênh Hiệp hội phát triển BĐS TP Cao Hùng đã quan tâm đến thị trường BĐS và phát triển đô thị của Việt Nam thông qua buổi làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Đây là cơ hội để hai bên tìm hiểu, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực phát triển đô thị cũng như BĐS của Việt Nam. Hiệp hội BĐS Việt Nam hiện có 1.200 hội viên bao gồm các DN, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, kinh doanh, nghiên cứu…
Trong đó, có một số chi hội đặt tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… hoạt động riêng về loại hình BĐS du lịch, khu nghỉ dưỡng, khách sạn…
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đang xúc tiến thành lập chi hội các nhà môi giới. Hiệp hội BĐS Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin về BĐS với Hiệp hội phát triển BĐS TP Cao Hùng.
Về một số vấn đề liên quan đến thị trường BĐS, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở, Thứ trưởng cho biết, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam rất lớn. Hiện nay, bình quân mỗi m2 nhà ở cho người dân đạt khoảng 19m2/người. Việt Nam cũng đã có ch sách phát triển nhà ở quốc gia, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2015 đạt 22m2/người và 25m2/người vào năm 2020.
Ngoài ra, nhu cầu về văn phòng, khách sạn, công trình dịch vụ, hạ tầng xã hội tương đối lớn. Để đạt được mục tiêu trên, mỗi năm Việt Nam phải xây dựng khoảng 100 triệu m2 nhà ở cho cả nông thôn và thành thị, trong đó hơn một nửa là ở các đô thị.
Để giải quyết các vấn đề kinh tế nói chung của Việt Nam, trong đó có vấn đề nhà ở, Việt Nam chủ trưởng sử dụng nguồn lực trong nước, bên cạnh đó thu hút nguồn đầu tư nước ngoài tham gia vào phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nhà ở.
Một chính sách quan trọng của Việt Nam chính là phát triển nhà ở dành cho những người có thu nhập thấp – TNT (nhà ở xã hội). Chính phủ Việt Nam có một số chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong nước cũng như đầu tư nước ngoài xây dựng những khu nhà ở quy mô vừa phải, phù hợp với người dân có thu nhập thấp như miễn thuế thu nhập DN, miễn VAT, DN được vay gói tín dụng với lãi suất thấp…
Thị trường nhà ở cho người TNT rất rộng nên rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, lĩnh vực BĐS du lịch cũng là lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp, Hiệp hội phát triển BĐS TP Cao Hùng có thể tìm hiểu và tham gia.
Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ và Quốc hội Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi), trong đó mở ra thêm các lĩnh vực cho các nhà kinh doanh nước ngoài tham gia sâu rộng hơn về thị trường BĐS Việt Nam.
Do đó, Việt Nam trong quá trình phát triển đô thị, BĐS cũng rất cần sự tham gia của quốc tế không chỉ lĩnh vực đầu tư trực tiếp vào các dự án mà còn tham gia vào giúp đỡ, xây dựng chính sách, cách thức tiến hành, trao đổi kinh nghiệm. Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng sẽ giúp đỡ, tư vấn Hiệp hội phát triển BĐS TP Cao Hùng trong việc tìm hiểu pháp luật, cơ chế chính sách, các mối quan hệ với chính quyền địa phương, tìm các đối tác trong nước… khi tham gia đầu tư vào thị trường BĐS tại Việt Nam.
Với mong muốn học hỏi kinh nghiệm về phát triển đô thị, quản lý BĐS với DN các nước trên thế giới, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ hợp tác, trao đổi thông tin với Hiệp hội phát triển BĐS TP Cao Hùng trong thời gian tới.
Theo : Báo Xây dựng điện tử