Tôn vinh sự nghiệp phát triển đô thị

Thứ hai, 10/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong bối cảnh phát triển hiện nay của cả nước nói chung và của hệ thống đô thị nói riêng, sự công nhận và tôn vinh đối với sự nghiệp phát triển đô thị có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng.

Thành phố Đà Nẵng đang đổi thay.

Ngày 20-10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1519/QÐ-TTg về việc lấy ngày 8-11 hằng năm là "Ngày đô thị Việt Nam". Trong bối cảnh phát triển hiện nay của cả nước nói chung và của hệ thống đô thị nói riêng, sự công nhận và tôn vinh đối với sự nghiệp phát triển đô thị có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng để cùng nhau chung sức xây dựng đô thị Việt Nam hiện đại, văn minh, có bản sắc và một cộng đồng đô thị có cuộc sống ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn và phát triển bền vững.

 

Ðô thị - động lực phát triển đất nước

 

Trong xã hội hiện đại, quá trình đô thị hóa là một tất yếu không thể phủ nhận. Các đô thị cực lớn trên thế giới có xu hướng ngày càng tăng ở các nước đang phát triển. Nếu năm 1960, cả thế giới mới chỉ có hai thành phố có số dân hơn 10 triệu người thì đến năm 1999 đã là 17 thành phố và dự kiến trong 15 năm tiếp theo sẽ có đến 43 thành phố, trong đó 18 thành phố là của châu Á. Tiến trình phát triển đó của đô thị đang đặt ra đối với các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế những cơ hội và thách thức rất đặc thù, đòi hỏi cần có sự nhận thức đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của mỗi thành phần kinh tế - xã hội trong công cuộc phát triển đô thị.

 

Nằm ở vị trí giao thoa của các tuyến giao thông huyết mạch đường bộ và đường thủy giữa châu Âu và châu Á, giữa núi và biển, giữa các nền văn hóa phương Ðông và phương Tây, các đô thị của Việt Nam như Hội An, Phố Hiến đã từ lâu có tên trên bản đồ thế giới. Không chỉ đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế và an ninh quốc phòng, các đô thị trong lịch sử của đất nước như 36 phố phường Thăng Long - Hà Nội, cố đô Huế, hay Sài Gòn - Gia Ðịnh còn là những di sản văn hóa vật thể sống động kết tinh những giá trị văn hóa độc đáo đã được thế giới công nhận.

 

Trong 10 năm từ 1998 đến nay, số lượng đô thị của toàn quốc đã tăng đáng kể từ 633 đô thị lên 743 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mạng lưới đô thị cả nước được xây dựng và hình thành rõ nét các vùng đô thị hóa, trong đó có các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển của cả vùng.

 

Nhìn chung, quy hoạch chi tiết xây dựng ở các đô thị đã được triển khai rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và đầu tư của các thành phần kinh tế và dân cư. Việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch đã và đang góp phần tạo ra những động lực mang tính đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, tạo đà cho sự phát triển của các vùng khó khăn, góp phần giảm chênh lệch giữa các vùng, miền trong cả nước. Ðây cũng là những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển các đô thị Việt Nam.

 

Với trách nhiệm quản lý nhà nước ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã và đang từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc ngành với mục tiêu: Phủ kín hoạt động, phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng trách nhiệm, đổi mới thông thoáng, hội nhập thị trường, đơn giản thủ tục và phát huy nguồn lực. Các bộ luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về xây dựng, quy hoạch đô thị, kinh doanh bất động sản, nhà ở, quản lý kiến trúc đô thị, phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, v.v các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý có hiệu quả cho phát triển, quản lý đô thị và các ngành, lĩnh vực khác có liên quan.

 

Một công trình bên đường Lê Văn Lương nối dài Hà Nội.

 

Những bất cập và thách thức

 

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ của công tác phát triển đô thị trong những năm vừa qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị cũng đã bộc lộ những bất cập cơ bản, cần được chú trọng giải quyết trong giai đoạn tới.

 

Cũng giống như nhiều đô thị tại các nước đang phát triển, các đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề như dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động việc làm, mất cân đối phát triển giữa các vùng đô thị hóa và vùng ven đô ...

 

Ðồng thời, các vấn đề lớn mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập kinh tế, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao và yêu cầu phát triển bền vững cũng đang đặt ra các thách thức cho công tác phát triển đô thị. 

 

Năng lực và trình độ quản lý đô thị của các địa phương chưa đáp ứng được tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị, dẫn đến những bất cập trong việc quản lý đất đai, nhà ở, quản lý trật tự xây dựng đô thị, trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động của người dân.

 

Sự phát triển về quy mô đô thị chưa đi đôi với nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ đô thị, dẫn đến thường xuyên và phổ biến ở các đô thị lớn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường còn nặng nề, chậm được khắc phục. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. 

 

Ngoài ra, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các ngành dẫn đến chồng chéo trong thực tế triển khai đã làm hạn chế đáng kể hiệu quả kinh phí đầu tư, vốn đã rất khiêm tốn trong lĩnh vực này. Thực tiễn đó cho thấy, trong bối cảnh hiện nay, các đô thị rất cần phải có một nhạc trưởng để điều tiết thống nhất các nguồn lực phục vụ công tác phát triển đô thị.

 

Ngoài ra, các vấn đề rất đặc thù của các đô thị cực lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đòi hỏi cần được sự quan tâm giải quyết một cách tổng thể và đồng bộ.
 

Phát triển đô thị bền vững

 

Trong tư duy, nhận thức và môi trường phát triển mới, đô thị Việt Nam có đủ điều kiện, cơ hội và nguồn lực để phát triển bền vững, đồng bộ, hiện đại; có môi trường sống trong sạch, an toàn; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế; các vùng đô thị hóa phát triển năng động, thịnh vượng, sáng tạo, kinh tế vững mạnh, bảo đảm mối liên kết phát triển hài hòa giữa các vùng;  giữa khu vực đô thị và nông thôn.

 

Vì vậy, để thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia theo các thời kỳ, công tác quy hoạch xây dựng có vai trò quan trọng với nhiệm vụ xác lập phương hướng, các chương trình, kế hoạch phát triển, bảo đảm việc cải tạo, xây dựng có trật tự, kỷ cương, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

 

Công cuộc xây dựng và phát triển đô thị là một quá trình bền bỉ và liên tục theo những mục tiêu nhất quán đã đề ra. Vì vậy, song song với những nỗ lực của Nhà nước trong đầu tư phát triển đô thị, chính quyền các đô thị cần đặc biệt chú trọng thu hút và phát huy tiềm lực của các thành phần kinh tế trong xã hội. Các cấp chính quyền đô thị cần chủ động xây dựng, đề xuất những cơ chế chính sách quản lý, xây dựng và phát triển đô thị phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của từng địa phương, từng đô thị.

 

Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực quản lý đô thị để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng đa dạng và phức tạp của quá trình đô thị hóa.

 

Nguyễn Hồng Quân
Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Xây dựng
 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)