Phấn đấu trở thành đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai gần, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chương trình đột phá. Một trong số đó phải kể đến là cải cách dịch vụ hành chính minh bạch, thân thiện, xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó, phát huy hiệu quả quản lý, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, tạo động lực để phát triển KT – XH.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường ứng dụng CNTT, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Những năm qua, công tác cải thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh được các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp ghi nhận, góp phần thúc đẩy KT – XH của tỉnh.
Trong đó nổi bật là sự cải tiến không ngừng của Trung tâm phục vụ Hành chính công với hệ thống phần mềm một cửa điện tử trong toàn tỉnh, kết nối liên thông đồng bộ trạng thái giữa Cổng dịch vụ công tỉnh Vĩnh Phúc tại địa chỉ https://dichvucong.vinhphuc.gov.vn với Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn. Từ đó, tạo thành một hệ thống đồng bộ, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Hiện nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh đang cập nhật 772 dịch vụ công mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời triển khai 268 dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai thực hiện các TTHC qua hình thức trực tuyến được quan tâm, chú trọng. Trong đó, điển hình là việc thu phí và lệ phí.
Được biết, từ 1/6/2020 Vĩnh Phúc chính thức triển khai thu phí, lệ phí dịch vụ công trên nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến tháng 3/2021, cấp tỉnh thanh toán trực tuyến được 2.582 khoản phí và lệ phí, thu được số tiền 672 triệu đồng.
Ngoài ra, từ tháng 12/2020, Chính phủ đã lựa chọn Vĩnh Phúc là địa phương thí điểm dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đất đai trước khi nhân rộng trên toàn quốc; dịch vụ này đến từng hộ gia đình cá nhân trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến nay, tại cấp tỉnh có 1.400 giao dịch nộp lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân với tổng số tiền thu được trên 4,5 tỷ đồng …
Điển hình, bộ phận một cửa của UBND huyện Tam Dương luôn kịp thời tuyên truyền, phổ biến để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp biết và thực hiện các hình thức phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.
Xử lý và giải quyết kịp thời những phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến TTHC.
Năm 2021, UBND huyện phấn đấu thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC đầy đủ trên phần mềm một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh, tỷ lệ văn bản đi ký số đạt 100% đối với cả 2 cấp huyện và xã.
Tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC đã tiếp nhận mức độ 3 và 4 đối với cấp huyện trên 30%, mức độ 4 đối với cấp xã trên 20%.
Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch có yêu cầu thanh toán trên 25% đối với cả 2 cấp.
Tỷ lệ TTHC thực hiện 4 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) ở cấp huyện đạt trên 50%, cấp xã đạt trên 80%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cải cách dịch vụ công, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính còn gặp một số khó khăn do nhiều TTHC không có đủ căn cứ để điều chỉnh, còn lúng túng khi tiếp nhận hồ sơ giải quyết cho các đơn vị, bộ phận một cửa các cấp.
Nhiều TTHC có thể gộp lại, tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa hoặc thực hiện song song nhưng hiện nay vẫn chưa được điều chỉnh nên phải thực hiện theo quy định của Trung ương.
Bộ TTHC ở cấp huyện, cấp xã trên phần mềm một cửa trong thời gian dài không còn phù hợp với quy định của pháp luật, gây lúng túng cho các cơ quan tiếp nhận, giải quyết TTHC cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC.
Dịch vụ công mức độ 3 và 4 nhìn chung còn chậm và chưa đánh giá được hết tính khả khi nên chưa đáp ứng được chỉ tiêu Chính phủ giao.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và các địa phương tập trung vào triển khai hiệu quả phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã.
Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, đáp ứng đủ số lượng dịch vụ công, mức độ phục vụ hồ sơ phát sinh từ tất cả các cấp…
Phối hợp với các sở, ban, ngành trình công bố các TTHC mới; giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh về TTHC trong quá trình hoạt động.
Tiếp tục triển khai giải pháp kỹ thuật để kết nối, trao đổi thông tin giữa các hệ thống của tỉnh và các hệ thống của Bộ, ngành trung ương, đảm bảo không ảnh hưởng đến cấu trúc định dạng các gói tin mà phần mềm đã thực hiện từ trước.
Đẩy mạnh cắt giảm thời hạn giải quyết TTHC, đơn giản hóa quy trình giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, nhà nước, của tỉnh về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC đến toàn thể cán bộ, công chức sở, ngành, đơn vị và nhân dân.
Phấn đấu duy trì kết quả giải quyết TTHC trả trước và đúng hạn cấp tỉnh, đạt từ 98% trở lên; cấp huyện, cấp xã đạt từ 95% trở lên. Giảm số hồ sơ các cơ quan, đơn vị trả lại và tổ chức cá nhân xin rút xuống còn dưới 3%.