Cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trong đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được xác định là một trong những yếu tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CCHC. Do đó, hằng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu ban hành văn bản theo đúng thẩm quyền, đảm bảo tính khả thi để đáp ứng tốt nhu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, qua đó góp phần tích cực vào việc xây dựng thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu CCHC trong giai đoạn hiện nay.
Kiến thức, kỹ năng của công chức tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từng bước được nâng cao- Ảnh: H.N
Qua 5 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ - CP, ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật này, công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp quy trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong thực hiện CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Công tác ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, năng lực soạn thảo văn bản của cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Các văn được ban hành theo đúng thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc trình tự thủ tục và các yêu cầu về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định của pháp luật. Hệ thống văn bản QPPL của tỉnh đã dần đáp ứng các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh.
Về mặt nội dung, điểm nổi bật trong công tác xây dựng hệ thống văn bản QPPL của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 so với giai đoạn 2001 - 2010 là hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế không chỉ chú trọng đến việc ban hành các văn bản phục vụ phát triển kinh tế mà còn tập trung nhiều hơn cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường... Điều này đã thể hiện được tư duy mới trong xây dựng văn bản QPPL; thể hiện tính cân đối, đồng bộ về mọi mặt… Có thể khẳng định, đến nay Quảng Trị đã xây dựng được một hệ thống văn bản QPPL khá hoàn thiện phục vụ đắc lực hoạt động quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật ở địa phương, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, góp phần quan trọng thúc đẩy CCHC.
Bên cạnh xây dựng, ban hành văn bản QPPL, công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo hệ thống văn bản QPPL của tỉnh phù hợp với quy định của trung ương cũng như tình hình hình thực tiễn của địa phương, trực tiếp góp phần đẩy mạnh CCHC. Đặc biệt, từ khi Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 ra đời, hệ thống thể chế của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, chất lượng văn bản được nâng lên, sai sót có xu hướng giảm. Việc xử lý văn bản sau kiểm tra đã được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, các văn bản QPPL có sai sót về nội dung đều được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện quy trình, thủ tục ban hành văn bản QPPL theo quy định của luật có lúc, có nơi chưa nghiêm túc, đặc biệt là đối với cấp xã; việc tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của văn bản QPPL có nơi, có lúc chưa thực sự rộng rãi, đúng đối tượng, các cơ quan và tổ chức được lấy ý kiến đôi khi chỉ góp ý mang tính hình thức hoặc không góp ý, làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ xây dựng của văn bản; đối với cấp huyện và cấp xã với tính chất, vị trí là các cơ quan chấp hành và thừa hành, chủ yếu tổ chức thực hiện các văn bản của cấp trên nhưng vẫn còn tình trạng ban hành văn bản quy định lại nội dung của văn bản cấp trên dẫn tới việc lãng phí chi phí hành chính và kéo dài thời gian có hiệu lực của văn bản cấp trên. Công tác theo dõi, đánh giá việc thi hành các văn bản QPPL ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả; việc huy động sự tham gia của Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa sâu rộng…
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên và thực hiện tốt hơn công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL. Quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng liên quan và giá trị pháp lý của thủ tục này đối với việc ban hành văn bản. Hoàn thiện và hướng dẫn chi tiết các quy định của pháp luật về thẩm định dự thảo văn bản QPPL nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng về nội dung thẩm định; hồ sơ và thời gian thẩm định; giá trị pháp lý của báo cáo thẩm định và các điều kiện đảm bảo cho công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác soạn thảo, ban hành văn bản QPPL. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn tài chính khác nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL ở địa phương.
Có thể thấy rằng, công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hệ thống văn bản QPPL dần được nâng cao về chất lượng, tăng cường về hiệu lực so với thời gian trước đây, góp phần thúc đẩy CCHC. Do đó, muốn tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý hành chính nhà nước thì cần tiến hành đồng bộ nhiều hoạt động khác nhau, trong đó việc thường xuyên quan tâm rà soát và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản nói chung và văn bản QPPL nói riêng là rất cần thiết và quan trọng, góp phần đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy công tác CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh.