Quảng Ninh: Thanh toán không dùng tiền mặt - Điểm nhấn trong thanh toán dịch vụ công

Thứ năm, 29/10/2020 14:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Với những tiện ích mang lại, ngày càng có nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch hằng ngày. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Quảng Ninh, hình thức này đối với các dịch vụ công tại tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, vượt xa kế hoạch đặt ra.

Nhân viên Điện lực Cẩm Phả hướng dẫn khách hàng sử dụng internet banking để thanh toán tiền điện hằng tháng. Ảnh: Hoàng Nga

Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đoan cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt giúp ngành ngân hàng hạn chế lưu thông tiền mặt, tăng cường hiệu quả công tác quản lý tiền tệ. Đứng ở góc độ người tiêu dùng, hình thức này không chỉ thanh toán nhanh, mà còn có tính bảo mật cao hơn, hạn chế được nhiều rủi ro khi sử dụng tiền mặt. Trước đây, ngành ngân hàng đã triển khai rất nhiều giải pháp để người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn biết và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, cùng với các hình thức thông tin, tuyên truyền, các ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ tiện ích cho khách hàng khi thực hiện hình thức này, như đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng thanh toán điện tử và các loại thẻ ngân hàng, nâng cao hệ số sử dụng thẻ thanh toán ngân hàng; phối hợp với các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước qua ngân hàng; đẩy mạnh liên kết với các tổ chức cung ứng dịch vụ phục vụ đời sống, như điện, nước, viễn thông, siêu thị..., hay các dịch vụ du lịch, như nhà hàng, khách sạn, tàu biển, khu vui chơi giải trí... Các ngân hàng cũng tập trung phát triển hệ thống máy POS để thực hiện thanh toán thẻ ngân hàng; đa dạng hóa và phát triển các hình thức thanh toán quốc tế theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, một số điểm thuận lợi để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển tại tỉnh, như: Các hệ thống thanh toán của các tổ chức tín dụng có tính an toàn, ổn định cao, chưa gặp rủi ro, sai sót do hệ thống; thời gian thanh toán/chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng chỉ vài giây, đối với các món thanh toán/chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng thì chậm nhất là sau 1-5 phút (những ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian có thể lâu hơn). Quảng Ninh là địa phương tích cực phát triển thành phố thông minh, là địa bàn phát triển nhanh các ngành du lịch, dịch vụ, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên…, kéo theo nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.

Từ đầu năm 2020 tới nay, xuất hiện dịch Covid-19, do hạn chế tiếp xúc nơi đông người, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn có xu hướng diễn ra nhiều hơn. Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, tổng doanh số thanh toán của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong tháng 10 đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng 9/2020; trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 121.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 76% tổng thanh toán, tăng 8,6% so với tháng 9/2020.


Phát triển nhanh về dịch vụ, du lịch góp phần tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt tại Quảng Ninh.

Đáng chú ý, thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công của tỉnh tăng trưởng rất nhanh. Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí... theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, chỉ sau gần 2 năm triển khai, đã có 28/30 ngân hàng thương mại có mặt tại Quảng Ninh chủ động phối hợp với các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để tổ chức thực hiện dịch vụ thu ngân sách.

Hiện 100% các khoản thu nộp NSNN của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh được thực hiện qua các ngân hàng thương mại hoặc qua hệ thống nộp thuế tự động; 8.889 người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử, 99,66% số doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử tại cơ quan thuế đạt (vượt mục tiêu 80% theo Quyết định số 507/QĐ-UBND); 100% Kho bạc Nhà nước lắp POS phục vụ việc thu ngân sách nhà nước. Phần lớn việc thanh toán các dịch vụ công như: Dịch vụ điện, nước, viễn thông, y tế, học phí... đã được thanh toán qua ngân hàng, trong đó thu dịch vụ thanh toán tiền điện đạt 83% doanh số tiền điện (vượt mục tiêu 80%).

Cùng với đó, 100% các trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng, trên 90% số sinh viên nộp học phí qua ngân hàng (vượt mục tiêu 80%); 60% bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện thanh toán bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (vượt mục tiêu 50%).

Theo thống kê của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, đơn vị đã triển khai thanh toán tiền sử dụng nước sạch qua ngân hàng đến 100% xí nghiệp nước trong tỉnh (vượt mục tiêu 70% theo Quyết định số 507/QĐ-UBND); đến nay có 11% tổng số khách hàng của Công ty thanh toán tiền nước qua ngân hàng với 50% doanh số thanh toán.

Ngành ngân hàng cùng với các cơ quan, đơn vị của tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu thực hiện thanh toán 100% đối với các dịch vụ công. Cùng với đó, tiếp tục các hình thức khuyến khích người tiêu dùng, các đơn vị cung ứng dịch vụ sử dụng rộng rãi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng luôn sẵn sàng lượng tiền mặt trong thanh khoản, cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Dự kiến tổng thu tiền mặt tháng 10 toàn tỉnh đạt 40.000 tỷ đồng, tăng 3,1% so tháng 9/2020; tổng chi tiền mặt tháng 10 là 41.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so tháng 9/2020.

Nguồn: Quangninh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)