Tổng quan về ngành gốm sứ xây dựng 2017

Thứ tư, 27/12/2017 09:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo xếp hạng của tạp chí chuyên ngành gốm sứ hàng đầu thế giới Ceramic World Review thì năm 2016 gốm sứ xây dựng Việt Nam đứng hàng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Tây Ban Nha về sản lượng sản xuất và tiêu thụ. Năm 2017, tiếp tục là một năm tăng trưởng mạnh về đầu tư. Gắn liền với điều đó là triển vọng và thách thức. Hiệp hội gốm sứ xây dựng Việt Nam xin cung cấp những dữ liệu sau với mục đích cập nhật những thông tin mới nhất để các nhà đầu tư cũng như các nhà buôn có cái nhìn toàn diện về sự pháttriển của ngành ceramic Việt Nam.

I. Sự phát triển của ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam 2016-2017

1. Công suất thiết kế

Tính đến 2017 có khoảng 60 công ty sản xuất gạch ceramic và granite với công suất thiết kế (kể cả đang triển khai xây dựng để đưa vào sản xuất năm 2018) là 706,5 triệu m2, tăng khoảng 15% so với năm 2016. Trong đó, granite danh nghĩa là 169,5 triệu m2, gọi là công suất danh nghĩa vì các nhà máy đầu tư dây chuyền đủ điều kiện sản xuất granite không tráng men nhưng do nhu cầu thị trường nên lại sản xuất granite tráng men mài.

Tính đến tháng 1/2017, có 6 công ty sản xuất gạch cotto lát nền và tấm treo, với sản lượng 31 triệu m2.

Tính đến tháng 9/2017, có 23 công ty sản xuất sứ vệ sinh với tổng công suất thiết kế là 21.750.000 sản phẩm.

2. Quy mô sản xuất

- Với gạch ốp lát: Có 7 công ty có sản lượng từ 1,5-2 triệu m2/năm, 8 công ty có công suất dưới 5 triệu m2/năm, còn lại hầu hết các công ty có công suất tối thiểu 6 triệu m2/năm, trong đó có khoảng 30 công ty có công suất tối thiểu từ 10 triệu m2/năm. Đã có những công ty đầu tư tại một địa điểm với công suất tới 30 triệu m2/năm, cá biệt là tới 50 triệu m2/năm.

- Với gạch lát cotto và tấm treo: Đã đầu tư tập trung tại Viglacera Hạ Long với công suất 14 triệu m2/năm.

- Với sứ vệ sinh: Quy mô các nhà máy chủ yếu từ 500.000 sản phẩm trở lên. Một số nhà sản xuất có danh tiếng về chất lượng sản phẩm như Toto, Inax, Viglacera. Đầu tư tư nhân với sản lượng lớn và tập trung tại một địa điểm tới 3,5 triệu sản phẩm/năm là Công ty Hào Cảnh ở Tiền Hải – Thái Bình.

Ngoài ra, có nhiều nhà đầu tư với quy mô nhỏ (chỉ khoảng 100.000 sản phẩm một cơ sở) ở vùng Tiền Hải - Thái Bình với tổng sản lượng tới 2,5 triệu sản phẩm/năm.

3. Sản xuất thực tế

- Với gạch ốp lát ceramic và granite: trung bình từ năm 2016 và dự kiến đến năm 2017, các nhà máy chỉ khai thác khoảng 80-85% công suất thiết kế, như vậy dự kiến 2017 các nhà máy sản xuất khoảng 500 triệu m2 (vì còn nhiều cơ sở đang xây dựng). Riêng granite không tráng men do nhu cầu thị trường nên chỉ sản xuất thực tế khoảng 50% năng lực hiện có.

- Với gạch cotto: Các đơn vị có bản khai thác hết công suất thiết kế.

- Với sứ vệ sinh: Các công ty lớn sản xuất khoảng 85% công suất thiết kế, các công ty có công suất nhỏ đều khai thác 100% công suất thiết kế. Tổng sản lượng sản xuất thực tế 2016 và dự kiến 2017 đạt khoảng 16 triệu sản phẩm/năm.

II. Chất lượng và chủng loại sản phẩm

1. Với gạch ốp lát

Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Các chỉ tiêu cơ lý theo tiêu chuẩn cơ sở, đạt và vượt tiêu chuẩn nhà nước và châu Âu.

Mẫu mã, trnag trí bề mặt phong phú, tiến bộ rõ rệt.

Kích thước đa dạng: Các kích thước nhỏ đến 500x500mm đạt khoảng 65-70%, các kích thước lớn từ 600x600mm trở lên đạt khoảng 40% sản lượng sản xuất.

2. Với sứ vệ sinh

Các đơn vị hàng đầu về chất lượng và sản lượng vẫn là Toto, Inax, Viglacera. Các đơn vị này có tỷ lệ sản xuất tới trên 60% là xí bệt, trong đó các sản phẩm khó như bệt liền khối tới 30-35% hoặc các sản phẩm khác khá đa dạng với chất lượng cao và kích thước lớn.

Các đơn vị vùng Thái Bình áp đảo về sản lượng nhưng chất lượng trung bình. Đa số các đơn vị này chủ yếu sản xuất bệt rời và các sản phẩm khác kích thước nhỏ chất lượng trung bình.

III. Tiêu thụ sản phẩm

1. Tiêu thụ nội địa

Luân phiên hàng năm, các đơn vị đều tồn kho khoảng 15 ngày đến 1 tháng sản xuất vào cuối kỳ của năm tài chính. Như vậy, có thể nói với sản lượng sản xuất thực tế trong năm, các đơn vị đều tiêu thụ hết sản phẩm. Tuy nhiên, giá sản phẩm tiêu thụ có xu hướng tăng. Do đó, lợi nhuận có xu hướng giảm, nên các đơn vị đã tăng cường công tác quản trị để tiết giảm chi phí và đã từng bước chú trọng áp dụng các biện pháp công nghệ cải tiến và cũng đầu tư thiết bị mới một cách phù hợp để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên việc này còn nhiều đơn vị chưa thật mạnh dạn.

Hai năm gần đây, gạch ốp lát thực sự đã và đang là nhu cầu không chỉ ở thành phố, ở các khu đô thị mà cả vùng nông thôn. Đây chính là yếu tố tiềm năng cho sự phát triển ngành gạch ốp lát Việt Nam.

Sứ vệ sinh: Với công suất sản xuất thực tế, cơ bản sứ vệ sinh đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.

2. Xuất khẩu

Gạch ốp lát: Năm 2016, xuất khẩu gạch ốp lát 181,5 triệu USD, khoảng 86% so với năm 2015 và 83% so với năm 2014. Sở dĩ có sự sụt giảm vì trong những năm qua thị trường bất động sản hồi phục nên các doanh nghiệp chú trọng hơn vào thị trường nội địa. Năm nay, 2017, dự kiến xuất khẩu gạch ốp lát ước đạt khoảng 230 triệu USD.

Sứ vệ sinh: Năm 2016, sứ vệ sinh xuất khẩu được 94,5 triệu USD, xấp xỉ bằng năm 2015 (95 triệu USD), nhưng chỉ bằng 85% so với năm 2014 (139 triệu USD), việc sụt giảm của năm 2015, 2016 cũng chủ yếu do tiêu thụ nội địa tăng lên bởi thị trường bất động sản trong nước hồi phục.

Dự kiến năm 2017, xuất khẩu sứ vệ sinh đạt khoảng 110 triệu USD. Nhìn chung về giá trị xuất khẩu sứ vệ sinh hàng năm đều đạt trên 30%, vì vậy sứ vệ sinh đảm bảo sự phát triển tốt và có tiềm năng.

Tổng lượng xuất khẩu gốm sứ xây dựng năm 2017 dự kiến đạt khoảng 340 triệu USD và dự kiến tăng trưởng xuất khẩu khoảng 5-10% hàng năm.

3 .Nhập khẩu

Gạch ốp lát: Nhập khẩu chính ngạch năm 2016 đạt 93,2 triệu USD, nhưng nhập khẩu tiểu ngạch và buôn lậu gian lận thương mại từ Trung Quốc được cho là lớn hơn nhiều, thậm chí gấp 3 đến 4 lần con số nêu trên. Năm 2017, mới 9 tháng nhưng Việt Nam đã nhập tới 184,7 triệu USD gạch ốp lát, đứng vào hàng thứ 5 trong tổng xuất khẩu 2,342 tỷ USD gạch ốp lát 9 tháng của Trung Quốc (Việt Nam chỉ nhập gạch ốp lát Trung Quốc sau Mỹ, Philippine, Indonesia và Hàn Quốc).

Các số liệu xuất khẩu gạch ốp lát sang Việt Nam từ Hải quan Trung Quốc là số liệu tin cậy. Nó là số lượng rất lớn, một mặt nào đó đã nói lên rằng chất lượng gạch ốp lát Việt Nam còn khá hạn chế.

Sứ vệ sinh: Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 23 triệu USD, tương đương lượng nhập khẩu 2015. Dự kiến năm 2017, lượng nhập khẩu sứ vệ sinh khoảng 25 triệu USD. Sứ vệ sinh vận chuyển khó hơn nên lượng nhập khẩu tiểu ngạch và buôn lậu, gian lận thương mại ít hơn. Sứ vệ sinh các loại cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc là chủ yếu.

IV. Những tồn tại

Những tồn tại trước đây một phần do vấn đề lịch sử để lại của quá trình phát triển, một phần do sự thiếu bứt phá trong đầu tư và nâng cấp thường xuyên. Có thể nêu lên một số điểm cơ bản như sau:

Còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ và phân tán khó tạo ra sự liên kết hỗ trợ, do đó không có điều kiện chuyên môn hóa cao và sâu nên lợi ích tổng hợp của toàn ngành giảm, khó bứt phá.

Các nhà máy đều đầu tư thiết bị và công nghệ từ khâu gia công nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng, nên vừa lãng phí đầu tư, vừa tốn kém chi phí vận hành, nên chi phí khó giảm tới mức có thể.

Nguyên liệu được khai thác phân tán. Việc gia công nguyên liệu còn yếu tố thủ công nên tiêu chuẩn hàng hóa nguyên liệu chưa thật đảm bảo, rất ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Việt Nam mới sản xuất chủ yếu được frit cơ bản và cũng mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Các oxyt kim loại cũng có nhiều loại frit phối trộn đồng bộ vẫn chủ yếu nhập ngoại.

Các thiết bị cơ khí, thiết bị truyền dẫn và các thiết bị phụ trợ khác không phát triển nên không tham gia được vào các đầu tư mới cũng như không phục vụ kịp thời cho sản xuất.

V. Triển vọng ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam

Nhu cầu tiêu dùng nội địa hàng năm kể cả lượng nhập khẩu, nếu giảm trừ bớt lượng xuất khẩu thì nhu cầu thực vẫn lớn hơn lượng sản xuất trong năm, đó là thực tế đã diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát huy công suất tực tế luôn chỉ đạt 80-85% công suất. Đó cũng là thực tế bởi nhu cầu bảo dưỡng thiết bị để duy trì công suất ổn định hàng năm cũng cần 10-15% thời gian là tối thiểu.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào thị trường khu vực và thế giới nên lượng gạch ốp lát cho nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. Dự kiến mức xuất khẩu gồm sứ xây dựng Việt Nam năm 2018 đến 2020 lần lượt là 400 triệu USD, 500 triệu USD và 600 triệu USD.

Nhập khẩu gạch ốp lát từ Trung Quốc hàng năm rất lớn, do đó nếu gạch ốp lát Việt Nam liên tục được đổi mới công nghệ, bổ sung thiết bị, cập nhật tiến bộ kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm tốt hơn thì hạn chế được gạch ốp lát chất lượng cao đang phải nhập từ Trung Quốc. (Theo ước tính hàng năm gạch ốp lát Trung Quốc tiêu thụ ở thị trường Việt Nam chiếm từ 25-30%).

Từ những căn cứ trên đây, có thể nói rằng gạch ốp lát Việt Nam trong những năm tới vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng, tối thiểu 5% /năm. Tuy nhiên, thị trường cải tạo, nâng cấp để cập nhật công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất mới là thị trường hiện hữu và tiềm năng cho các nhà cung cấp thiết bị từ Trung Quốc và EU. Đó cũng là nhu cầu thiết thực của các nhà sản xuất để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam đã và đang đóng góp vào nền kinh tế quốc dân với doanh thu khoảng 3 tỷ USD/năm và nó hoàn toàn đủ điều kiện để phát triển ổn định trong nhiều năm tới. Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, các nhà sản xuất cần đánh giá đúng năng lực cụ thể của đơn vị mình, để không ngừng cập nhật thiết bị, công nghệ để đảm bảo sản xuất ngày càng tốt hơn, giá thành hạ hơn, đáp ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.


Nguồn: Tạp chí Vật liệu xây dựng, Số 12/2017

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)