Quy hoạch và quản lý cao độ nền đô thị theo định hướng thoát nước bền vững

Thứ năm, 09/11/2017 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1.Đặt vấn đềTrong thời gian vừa qua, vấn đề cao độ nền xây dựng đã được các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng quan tâm, đã có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc xác định cao độ nền, quy hoạch chiều cao, quản lý và cung cấp thông tin về cốt nền. Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, việc thay đổi định hướng cao độ nền chỉ một vài cm cũng gây ra những tác động to lớn đền nhiều lĩnh vực, cũng như tạo ra những dư luận không tốt trong cộng đồng. Trong khi đó, tại các đô thị vừa và nhỏ, việc lựa chọn cao độ nền cũng là một bài toán hóc búa với việc cân đối giữa yêu cầu về phòng chống ngập lụt, an toàn cho người dân và các hoạt động đô thị với khả năng và điều kiện tài chính của đô thị cũng như của các nhà đầu tư và người dân. 

Cao độ nền xây dựng được tính toán và xác định trong các đồ án quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết) và đây là yêu cầu bắt buộc trong công tác quy hoạch đô thị. Trong quy hoạch chung xây dựng đô thị chỉ xác định cao độ nền xây dựng khống chế cho từng khu vực, trên các trục đường giao thông chính và nếu đủ điều kiện có thể xác định cho toàn đô thị. Trong quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị thì việc xác định bao gồm từ cốt nền đường, hè đường, nền công trình xây dựng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên khu vực được lập quy hoạch chi tiết. Mức độ chính xác của việc xác định cao độ nền xây dựng cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, có thể ví dụ một số điểm như sau: Chất lượng công tác khảo sát đo đạc địa hình để lập bản đồ, chất lượng của các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy văn, các số liệu thống kê tình hình ngập úng lũ lụt…và cả trình độ và năng lực của cán bộ thiết kế.

Cao độ nền xây dựng được sử dụng nhiều trong công tác quản lý phát triển đô thị, cũng như trong công tác thiết kế các công trình xây dựng. Việc xác định cao độ nền là một trong những cơ sở thông tin đầu vào không thể thiếu được phục vụ cho cấp phép xây dựng, thiết kế kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng công trình. Việc xác định cao độ nền khống chế nhằm bảo đảm thoát nước tốt nhất cho nền khu vực thiết kế, góp phần bảo vệ an toàn cho các công trình được xây dựng tại đô thị, quyết định cho việc phòng chống ngập úng, tạo nên sự phối hợp hợp lý giữa các công trình đường day, đường ống và giữa công trình này với đường giao thông… Ngoài ra còn góp phần quan trọng trong các giải pháp về không gian các công trình kiến trúc với nền đất xây dựng.

Các đồ án quy hoạch chung hiện nay việc xác định cao độ xây dựng khống chế còn thiếu cơ sở, trong khi đó trong nhiều bản vẽ quy hoạch chi tiết nội dung quy hoạch cao độ nền được nghiên cứu sơ sài hoặc có khi không thiết kế dẫn đến việc xác định cao độ nền xây dựng chỉ được thể hiện tại một số điểm khống chế mà không cụ thể và chính xác hơn ở nhiều khu vực. Công tác thẩm định quy hoạch phần lớn chỉ quan tâm đến tổ chức, không gian, hướng phát triển đô thị, mạng lưới giao thông, chỉ giới xây dựng, ít khi đặt vấn đề sâu các nội dung hạ tầng kỹ thuật khác trong đó có cao độ nền.

Công tác quản lý cao độ nền xây dựng trong đô thị hiện nay do cơ quan quản lý quy hoạch hoặc quản lý xây dựng ở địa phương thực hiện. Tuy nhiên, việc quản lý chủ yếu trên giấy tờ, việc cấp phép xây dựng ít khi sử dụng đến nội dung cao độ nền khống chế mà chủ yếu chỉ quan tâm đến tầng cao, chiều cao, mật độ xây dựng và các yếu tố về không gian và kiến trúc khác. Chính vì vậy, cao độ nền trong đô thị không còn tuân theo các nguyên tắc đã xác định trong quy hoạch, đôi khi còn phá vỡ những quy định này dẫn đến việc làm giảm khả năng lưu thông nước mặt trong đô thị gây ngập lụt cục bộ và các vấn đề về giao thông, mỹ quan chung của đô thị.

Qua những phân tích ở trên có thể thấy rằng việc thay đổi cách tiếp cận và quy trình, nội dung công tác quy hoạch cao độ nền trong quy hoạch đô thị cũng như việc quản lý theo quy hoạch đô thị là thực sự cần thiết. Việc thay đổi phải hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị, tạo ra điều kiện tốt nhất cho việc tiêu thoát nước đô thị theo định hướng thoát nước bền vững, cũng như góp phần giảm thiểu, thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các hoạt động đô thị.

2. Quản lý cao độ nền trong quy hoạch đô thị

Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và hệ thống các nghị định và thông tư hướng dẫn kèm theo, cao độ nền là một nội dung quan trọng của công tác chuẩn bị kỹ thuật.

Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị bao gồm việc xác định khu vực thuận lợi cho việc xây dựng trong từng khu vực và đô thị; xác định lưu vực thoát nước chính, khu vực cấm và hạn chế xây dựng, cốt xây dựng, mạng lưới thoát nước mặt và công trình đầu mối, giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai – khoản 2, điều 37, Luật Quy hoạch đô thị.

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng cũng đã chỉ ra quy hoạch cao độ nền (quy hoạch chiều cao hay còn gọi là san đắp nền đô thị) là một trong những biện pháp chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với các khu đất xây dựng trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

Các biện pháp chuẩn bị kỹ thuật bắt buộc đối với khu đất xây dựng:

- San đắp nền đô thị (quy hoạch chiều cao)

- Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa.

- Những biện pháp chuẩn bị kỹ thuật khác như: hạ mực nước ngầm; tránh trượt lở, đất; phương án giảm thiểu thiệt hại do tác động của thiên tai (lũ quét, động đất, triều cường…) – Mục 3.1.1, chương 3, QCXDVN 01-2008

Yêu cầu về nội dung quy hoạch cao độ nền đối với từng loại quy hoạch cũng đã đạt được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch đô thị, nghị định 37/2010/NĐ-CP về Lập, thẩm định, phê duyệt và Quản lý quy hoạch đô thị cũng như tại thông tư 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù. Tùy theo từng loại hình quy hoạch, sẽ có yêu cầu riêng về mức độ chi tiết của việc xác định cốt xây dựng, cụ thể là: Đối với quy hoạch chung đô thị phải xác định cốt xây dựng cho toàn đô thị và từng khu vực chức năng trong đô thị, đối với quy hoạch phân khu đô thị phải xác định cốt xây dựng cho từng ô phố, đối với quy hoạch chi tiết đô thị phải xác định cốt xây dựng cho từng lô đất. Tuy nhiên, trong thực tế lập quy hoạch việc xác định cốt nền xây dựng thường được thông qua việc đưa ra thông số về cao độ xây dựng khống chế tối thiểu cho từng khu vực (khu dân dụng, khu công nghiệp, khu cây xanh…) và các thông số về cao độ nền thiết kế tại các nút giao của các tuyến đường giao thông (với cấp tuyến đường theo loại hình quy hoạch).

Với các quy định trong hệ thống văn bản pháp quy hiện nay, công tác quản lý cao độ nền trong quy hoạch đô thị về cơ bản đã được quan tâm khá đầy đủ, tuy nhiên với việc chỉ quan tâm và đưa ra các khống chế về cao độ nền tại các tuyến đường giao thông và việc xác định một cao độ nền xây dựng khống chế cho toàn đô thị, cho một khu vực đô thị là chưa đầy đủ và lại làm hạn chế việc linh hoạt trong việc quản lý cao độ nền trong quá trình quy hoạch, tạo ra các xu hướng san lấp các khu vực thấp trũng để đảm bảo cao độ nền khống chế mà không xét đến lợi ích về lưu chứa nước, chống ngập úng của các khu vực thấp trũng, hay việc tạo ra các khu đất, công trình chủ động lưu chứa nước, phòng chống ngập úng với các cao độ xây dựng đương nhiên phải thấp hơn cao độ xây dựng khống chế đã được xác định dựa trên việc lập các tính toán nhằm đảm bảo việc vượt qua mức nước ngập tính toán với tần suất thiết kế kèm theo một hệ số dự phòng từ 0,3-0,5m (Mục 3.1.4, Chương 3, QCXDVN 01:2008)

3. Quy hoạch cao độ nền đô thị và định hướng thoát nước bền vững.

Bên cạnh các yêu cầu thông thường của công tác quy hoạch cao độ nền đô thị như đảm bảo độ dốc nền phù hợp cho công tác tiêu thoát nước đô thị, đảm bảo độ dốc nền, cao độ nền phù hợp để tổ chức không gian đô thị, bố trí các công trình kiến trúc và hệ thống pháp quy, khi lồng ghép với các định hướng phát triển đô thị bền vững nói chung và định hướng thoát nước bền vững nói riêng, công tác quy hoạch cao độ nền phải bổ sung thêm một số nguyên tắc, tiêu chí mới.

Quy hoạch cao độ nền đô thị phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng tối đa đặc điểm địa hình tự nhiên. Ví dụ như khi thiết kế một tuyến đường đi trong đô thị, nếu trường hợp đi thẳng thì theo địa hình tự nhiên sẽ tạo ra đường dốc vượt chuẩn khi đó phương án đầu tiên phải nghĩ đến là việc điều chỉnh hướng tuyến đường để đảm bảo gắn với địa hình và vẫn giữ được độ dốc đường đạt chuẩn, tiếp đó phải xem xét đến việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật khác để bổ trợ cho khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông của tuyến đường, cuối cùng khi không còn giải pháp nào khác thì mới tính đến việc điều chỉnh cao độ nền kết hợp với việc nắn chỉnh tuyến để đảm bảo việc điều chỉnh cao độ nền hiện trạng là ít nhất, kèm theo đó là các giải pháp nhằm đảm bảo việc điều chỉnh cao độ nền đô thị phải đảm bảo ít làm thay đổi bề mặt phủ của nền hiện trạng nhất, hoặc việc thay đổi bề mặt phủ không dẫn đến việc giảm khả năng thấm hút, hoặc phải có giải pháp bổ trợ tăng cường khả năng thấm hút của các bề mặt nhân tạo để hỗ trợ cho khả năng thấm hút tự nhiên của các bề mặt phủ bị thay đổi theo yêu cầu phát triển đô thị.

Quy hoạch cao độ nền đô thị phải đảm bảo phải giữ lại và phát huy tối đa hiệu quả các vùng lưu chứa nước tự nhiên trong công tác thoát nước cũng như các nhu cầu về không gian mở của đô thị và có giải pháp hỗ trợ bổ sung cho việc lưu chứa nước của các vùng trũng bị san lấp. Với nguyên tắc này, vừa đảm bảo cho việc cân bằng đào đắp tại chỗ, vừa đảm bảo thể tích lưu chứa nước tự nhiên không bị giảm đi do quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Cũng với nguyên tắc này khái niệm cao độ nền xây dựng khống chế cho một đô thị hoặc khu vực phát triển đô thị không còn nhiều giá trị trong công tác quản lý mà sẽ chỉ còn là trị số dùng để tham khảo. Các khu vực có cao độ nền dưới cao độ nền xây dựng khống chế trong đô thị sẽ trở thành các khu vực bán ngập nước và có thể vẫn được xây dựng các công trình nhằm phục vụ cho các hoạt động dân dụng trong thời điểm không bị ngập nước cũng như ngay cả khi bị ngập nước. Quy hoạch cao độ nền đô thị phải không làm ảnh hưởng hoặc phải có giải pháp giải quyết các ảnh hưởng đến các trục tiêu nước tự nhiên là cần thiết, các trục tiêu thoát nước phải có vùng đệm (hành lang hai bên trục tiêu) phù hợp để vừa bảo vệ chính trục tiêu trước nguy cơ bị xâm hại bởi các hoạt động đô thị vừa để dự phòng thoát nước khi lưu lượng vượt quá lưu lượng tính toán của trục tiêu.

Quy hoạch cao độ nền đô thị phải tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tuy nhiên không phải việc xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với công tác quy hoạch cao độ nền không phải là dựa vào các kịch bản biến đổi khí hậu để xây dựng mô hình ngập lụt rồi từ đó cộng thêm cho cao độ khống chế của đô thị một trị số cố định nào đó để vượt qua mức ngập lụt đã được tính toán. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là một yếu tố khó dự đoán và với các kịch bản hiện nay mực nước biển đang ngày càng cao trong vòng 30-50 năm tới có thể lên mức 0,5m và trong vòng 100 năm tới có thể lên đến trên 1,0m, vì vậy, việc dâng cao độ nền khống chế toàn đô thị là không khả thi về cả mặt kinh tế (khối lượng đắp nền cực lớn), không có tính kỹ thuật (các giải pháp cho 30-50 năm không thể đáp ứng được các nguy cơ trong 100 năm, trong khi nếu giải quyết cho các nguy cơ 100 năm, thì lại không phù hợp với thời kỳ quy hoạch ngắn hạn hơn) cũng như không phù hợp với thực trạng phát triển đô thị (các khu vực việc đô thị hiện hữu đã ổn định về cao độ nền không thể thực hiện việc nâng cốt nền, thực trạng ở nhiều đô thị việc nâng cao độ các tuyến đường không những giải quyết được vấn đề ngập úng mà còn làm trầm trọng hơn do tạo thành các khu dân cư bị bao bọc bởi các tuyến đường có tác dụng như những con đê ngăn nước thoát khỏi khu vực).

4. Kết luận

Công tác cao độ nền đô thị không nên được hiểu đơn thuần là việc xác định cao độ nền xây dựng khống chế tại vị trí giao cắt của các tuyến đường hay tại các lô đất xây dựng công trình như hiện nay mà phải hướng đến các nội hàm quan trọng hơn, đó là việc tạo ra môi trường tốt nhất cho công tác tiêu thoát nước đô thị, cũng như việc tạo dựng không gian bố trí các công trình cũng như hệ thống hạ tầng giao thông đô thị một cách thuận tiện, tận dụng được địa hình tự nhiên, giảm chi phí cho việc chuẩn bị mặt bằng, đất đai cho phát triển đô thị.

Quy hoạch cao độ nền gắn với định hướng thoát nước bền vững phải đảm bảo cân bằng các yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường, trong đó yếu tố tự nhiên cần phải được tôn trọng tối đa, các giải pháp nhân tạo chỉ được thực hiện khi không còn cách nào khác. Theo đó quy hoạch cao độ nền phải bảo vệ được địa hình tự nhiên, mặt phủ, giữ lại các trục tiêu thoát chính và hành lang bảo vệ, sử dụng một cách hiệu quả các khu vực thấp trũng để hình thành các vùng bán ngập sử dụng đa năng, bù đắp khả năng thấm hút, khả năng lưu chứa nước bằng các mặt phủ, công trình nhân tạo, tăng cường sử dụng các giải pháp mềm dẻo, linh hoạt trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp công trình (giải pháp cứng) luôn là giải pháp có mức ưu tiên thấp nhất trong quá trình quy hoạch cao độ nền đô thị.

Quy hoạch cao độ nền đô thị gắn liền với định hướng thoát nước bền vững là giải pháp đúng đắn để giải quyết bài toán đô thị, đặc biệt là vấn đề ngập úng trong đô thị cũng như việc tăng cường mỹ quan và hỗ trợ các giải pháp giao thông đô thị. Quy hoạch cao độ nền đô thị gắn với định hướng thoát nước bền vững cũng sẽ tạo ra sự linh hoạt cho việc đưa ra các quyết sách trong bối cảnh các đô thị Việt Nam đang phải chịu những tác động mạnh mẽ và khó lường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 88/2017 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)