Cải tạo ngõ hẻm trong đô thị theo hướng bền vững

Thứ hai, 10/10/2016 15:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Số lượng các ngõ hẻm trong đô thị ở Việt Nam rất lớn, nên ngõ hẻm chiếm một vai trò quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng kĩ thuật đô thị. Ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, riêng khu vực đường Chu Văn An, với hơn 600 hộ dân đã có gần 70 hẻm lớn nhỏ khác nhau, thông ra các quận lân cận. Có những hẻm chính bề rộng 1-3m, còn phần nhiều là những hẻm nhỏ “li ti” chiều ngang từ 1m trở xuống, có những ngõ cụt chỉ rộng 60m… Tương tự như vậy, ở các thành phố lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…các ngõ hẻm cũng chằng chịt trong đô thị…

Các đường hẻm nằm rải rác trong khu dân cư, khu thương mại, trung tâm thành phố với nhiều kích thước, chiều dài khác nhau. Phần lớn các ngõ hẻm đều có lưu lượng xe cộ thấp và chu kỳ xuất hiện không thường xuyên. Điều này dẫn đến việc sau một thời gian sử dụng đường hẻm đều bị xuống cấp, mặt đường lồi lõm, không gian thiếu thân thiện, kém hấp dẫn vì ít được quan tâm nhất trong toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các hẻm luôn trong tình trạng ứ đọng nước vào mùa mưa rất mất vệ sinh và mỹ quan. Một số hẻm còn trong tình trạng quá dơ bẩn, an ninh kém, thu hút tội phạm và trở thành nơi “không ai dám qua lại” dễ dàng trở thành nơi nuôi dưỡng các căn bệnh truyền nhiễm…

Kinh nghiệm cải tạo ngõ hẻm của các nước phát triển

Ở Mỹ, tổng chiều dài các ngõ hẻm ở Los Angeles là 900 dặm (khoảng 1450km), gồm 12.300 đoạn hẻm (theo Cassidy, Newell, & Wolch, 2008), kết hợp lại thành 3 dặm vuông, bằng một nửa kích thước công viên Griffith và gấp 2 lần kích thước công viên trung tâm (Central park) ở New York. Trong khi đó, mạng lưới hẻm ở Baltimore là hơn 600 dặm tuyến tính (theo thống kê năm 2008). Với 1.900 dặm các hẻm phố công cộng, tương đương với 3.500 (mẫu Anh) tổng diện tích bề mặt đường hẻm, Chicago lại là thành phố có số lượng hẻm chiếm tỷ lệ lớn và quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng của mình (theo thống kê của Sở GTVT Chicago 2007). Tỷ lệ này là lớn nhất so với các thành phố khác trên thế giới. Tuy nhiên, ngay cả ở các thành phố lớn của Mỹ, với số lượng đường hẻm lớn như vậy, đối với các ưu tiên của việc quy hoạch và xử lý hạ tầng, các con hẻm hầu hết đều bị xem nhẹ.

Từ năm 2006, chiến dịch “Hẻm xanh” đã được khởi động và đã tiến hành trên nhiều thành phố lớn ở Mỹ. “Hẻm xanh” là một trong những dự án  của “cơ sở hạ tầng xanh” – một trong những mục tiêu đã luôn được nhắc đến trong hơn nửa thế kỉ qua ở các nước phát triển. Chương trình đã bắt đầu với những dự án thí điểm trong năm 2006, và cho tới năm 2010, hơn 100 đường “hẻm xanh” đã hoàn thành. Bắt đầu là Chicago, sau đó là San Francisco, Los Angeles, Detroit, Seatle, Minneapolis, Denver,… dự án đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và sự tham gia của chính quyền và người dân.

Không ở Mỹ, các thành phố khác như Montreal và Vancouver ở Canada và một số thành phố khác ở Anh, Pháp…cũng đã tiến hành dự án cải tạo các ngõ hẻm theo hướng bền vững nhằm tạo nên một số môi trường sống tốt và an toàn cho người dân.

Một số ví dụ khác ở Anh: Quá trình cải tạo 1 hẻm nhỏ ở Meddlesbrough, Teeside, Anh: Đã có một thời gian dài con hẻm nhỏ này là nơi thống trị của rác và chuột. Giờ đây, nó đã trở thành một ốc đảo yên bình dành cho những người dân trong khu phố chia sẻ thời gian nghỉ ngơi với nhau. Ý tưởng này là của bà Mavis Arnol, người đã trải qua thời gian dài sinh sống và lớn lên ở đây, chứng kiến con hẻm luôn trong tình trạng dơ bẩn, không an toàn cho trẻ em, thu hút tội phạm và ảnh hưởng xấu đến xã hội. Năm 2005, bà đã nhận được 1 khoản chợ cấp 6800 bảng Anh và tập hợp những người hàng xóm của mình lại để cùng làm một điều gì đó tốt đẹp hơn cho khu phố. Trải qua 8 năm, họ đã biến con hẻm nhỏ thành 1 khu vườn xinh đẹp với rất nhiều cây xanh, hoa quả. Cà chua, táo, lê là một trong số những nông sản được trồng ở đây.

Giờ đây chiến dịch “hẻm xanh” không còn là của 1 cá nhân hay 1 nhóm dân cư tự phát mà đã trở thành dự án chung của chính quyền và người dân và thậm chí còn kêu gọi được sự tài trợ của các doanh nghiệp.

Dù ở Châu Âu hay Mỹ, hay ở Việt Nam, sự đô thị hóa luôn kèm theo nhiều vấn đề trong xã hội. Việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Xây dựng môi trường sống bền vững, xanh sạch đẹp là điều mà bất cứ đô thị nào cũng cần hướng đến.

Đề xuất cải tạo ngõ hẻm ở Việt Nam theo hướng bền vững

Dựa trên kinh nghiệm dự án “hẻm xanh” của các thành phố lớn ở Mỹ, tác giả xin chọn lọc một số giải pháp có thể áp dụng trong việc cải tạo ngõ hẻm ở Việt Nam

1. Về mặt hạ tầng kỹ thuật


- Xử lý vấn đề thoát nước mưa: Nếu chuyển đổi vật liệu lát nền thành vật liệu thấm nước, thì 80% lượng nước mưa rơi trên những bề mặt này sẽ thấm ngược vào đất, giảm hiện tượng ngập úng, cung cấp lượng nước ngầm, và tiết kiệm tiền thuế người dân phải chi trong vấn đề xử lý thoát nước. Ở những khu vực đất không được thấm nước tự do, vật liệu mặt đường thấm nước có thể sử dụng kèm với hệ thống thoát nước ngầm như đường ống ngầm thoát nước hoặc rãnh thoát nước để làm chậm và làm giảm bớt áp lực dòng chảy. Vật liệu thấm nước bao gồm: Gạch lát đường thấm nước có lỗ hoặc không, bê tông thấm nước, nhựa đường thấm nước.

Hoặc trong trường hợp không thể thay thế hết toàn bộ vật liệu mặt đường chúng ta vẫn có thể xử lý thay vật liệu thấm nước 1 đoạn giữa đường.

- Giảm nhiệt: Nếu các con hẻm đều sử dụng vật liệu có bề mặt phản xạ ánh sáng, phản xạ nhiệt, sẽ cải thiện chất lượng và làm mát không khí vào những ngày nóng, đồng thời giảm chi phí làm mát đường. Ngoài ra, còn giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị” - Hiện tượng 1 khu vực đô thị ấm hơn vài độ so với khu vực xung quanh do sự tập trung các tòa nhà với mật độ cao và lượng nhiệt bị hấp thụ bởi các bề mặt đường phố bị bức xạ ngược trở lại (khi sử dụng vật liệu thông thường)

- Sử dụng vật liệu tái chế: Tất cả các con hẻm được xây dựng với vật liệu tái chế thì sẽ giảm được chất thải từ ngành công nghiệp và xây dựng (phải đưa ra các bãi chôn lấp, gây ô nhiễm đất) và làm giảm gánh nặng khai thác các nguồn tài nguyên.

+ Bê tông tái chế có thể dử dụng làm cốt liệu trong bê tông hỗn hợp và có thể dùng làm lớp lót dưới mặt đường. Bê tông tái chế là sản phẩm của các công trình và cầu đường sau khi bị phá hủy, trước đây được xử lý tại các bãi chôn lấp, gây ra nhiều lo ngại về ô nhiễm môi trường, nay nên được sử dụng lại để tiết kiệm chi phí.

+ Vụn sắt – một sản phẩm phụ của ngành sản xuất thép, có thể sẽ là 1 phần của bê tông hỗn hợp, giảm thiểu lượng chất thải công nghiệp.

+ Cao su lốp tái chế cũng có thể được sử dụng để làm mặt đường.

- Tiết kiêm năng lượng và giảm độ chói: Sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu quả và hợp lý, tạo môi trường sống an toàn. Nên dùng loại điện  “dark sky” giảm độ chói và vẫn đảm bảo nhìn thấy những vì sao trên trời vào ban đêm.

2. Cây xanh và cảnh quan

Một số giải pháp:

- Nên trồng các cây thân nhỏ, cao, thẳng, tán rộng trong đường hẻm để giảm lượng nhiệt chiếu xuống mặt đường (có thể nằm trên đường hẻm hoặc nằm phía trong hàng rào nhà trong hẻm đối với hẻm quá hẹp)

- Trồng các loại cây bản địa để dễ thích nghi với điều kiện thời tiết, nước và đất của địa phương. Chọn các loại cây tạo cảnh quan đẹp, nhưng không cần phải chăm sóc, tưới nước bón phân thường xuyên.

- Lắp đặt các khu vườn nhỏ với cỏ và cây bụi, hoặc có thể xây dựng các mương sinh học để hấp thụ và lọc nước trước khi nước tràn lên đường hẻm (xử lý một phần vấn đề thoát nước trong hẻm)

- Sử dụng thùng hứng nước mưa hoặc bể chứa để lưu trữ nước mưa từ mái nhà, có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả việc tưới cây.

- Tập hợp rác thải hữu cơ sinh hoạt của các hộ gia đình  cho vào các thùng ủ phân – phương pháp này đơn giản, không quá đắt tiền để làm phân bón cho các cây lớn và cây bụi. Phương pháp này vừa tiết kiệm được chi phí xử lí rác thải trong các khu dân cư, vừa cung cấp chất cho nguồn đất thành thị vốn nghèo dinh dưỡng.

- Lắp đặt cái mái che từ các hàng quán trong hẻm một cách thẩm mĩ để tăng hiệu ứng che nắng, che mưa cho người đi bộ. Không gian trong hẻm thường dài, hẹp và cao, các mái che giúp tạo ra không gian thoải mái và thân mật hơn.

- Tùy theo dặc điểm của mỗi loại hẻm, có thể lắp đặt các vật dụng: Ghế ngồi nghỉ, chỗ đỗ xe đạp, thùng rác…hoặc có thể lắp 1 số trò chơi nhỏ cho trẻ em nếu hẻm rộng.

3. Lựa chọn chức năng hoạt động cho hẻm:

Một vài hẻm với vị trí hoặc vai trò đặc biệt có thể khai thác được nhiều chức năng đa dạng như: Thương mại, dịch vụ, khu ẩm thực, giải khát, tổ chức biểu diễn nghệ thuật (âm nhạc đường phố, triển lãm hội họa)…không những thu hút dân cư từ các khu phố lân cận mà còn trở thành một điểm du lịch lí tưởng của thành phố. Vấn đề này không những đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng của nhà thiết kế, sự quản lý tốt của chính quyền mà còn yêu cầu sự hợp tác nhiệt tình của người dân trong khu phố.

- Đặt tên riêng cho hẻm: Tên cho hẻm đã trở nên phổ biến ở Mỹ sau khi chương trình cải tạo “hẻm xanh” được tiến hành. Điều này chỉ nên áp dụng đối với những hẻm có chức năng đặc biệt, được khai thác thành công khi trở thành một điểm đến đặc sắc với nhiều hoạt động thú vị.

- Việc lắp đặt cổng riêng cho hẻm cũng cần được xem xét. Vì một số lí do an ninh hoặc đảm bảo sự riêng tư cần thiết khi diễn ra các hoạt động nghệ thuật có thể thu vé hoặc ngăn một số phương tiện xe thô sơ ra vào hẻm khi tổ chức sự kiện, một số hẻm đã xin chính quyền được lắp đặt cổng riêng.

Những giải pháp đã đề xuất ở trên cũng đã xem xét đến vấn đề chi phí. Mặc dù kinh phí cải tạo bỏ ra ban đầu có thể lớn hơn nhưng về lâu dài thì sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận hành và bảo dưỡng. Vấn đề bền vững vẫn nên được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Thay lời kết

Khoảng cách từ các nhóm nhà đến công viên cây xanh không phải lúc nào cũng gần, thậm chí có thể rất xa, không phải lúc nào con người cũng có thời gian để đi tới các công viên, các địa điểm vui chơi nghỉ ngơi trong thành phố. Trong khoảng bán kính 5km xung quanh nhà lại là nơi nghỉ ngơi vui chơi an toàn dành cho trẻ em và người già, đem lại sự an tâm cho gia đình và càng thắt chặt tình hàng xóm láng giềng. Ngõ hẻm chính là các không gian lí tưởng xứng đáng nhận được sự đầu tư để trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn. Với những đề xuất ở trên, tác giả mong muốn góp một phần vào việc  xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn cho cư dân đô thị theo hướng bền vững. Bên cạnh các dự án cải cách giao thông đô thị với quy mô lớn, chúng ta cũng nên xem xét đầu tư cải cách đô thị từ những con hẻm nhỏ mà số lượng không hề nhỏ này.


(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 8/2016)

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)