Tiếp cận mô hình tích hợp về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông

Thứ sáu, 23/09/2016 09:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quá trình đô thị hoá đã kéo theo nhiều lĩnh vực kinh tế, xây dựng và kiến trúc cảnh quan phát triển. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hoá quá nhanh dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững, trong đó có lĩnh vực tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan (TCKGKTCQ) ven sông - những vấn đề đặc biệt phải quan tâm và giải quyết là: (1) Thiếu tầm nhìn quy hoạch tổng thể, hệ thống cho một dự báo phát triển toàn diện trong tuơng lai; (2) Việc gìn giữ những giá trị sinh thái, giá trị văn hoá lịch sử, giá trị xã hội; (3) Không kết nối đuợc giữa phát triển kiến trúc cảnh quan với phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết 3 vấn đề lớn như vậy cần nghiên cứu từ những bài học kinh nghiệm của thế giới. Bài viết, thông qua khảo sát, sẽ tiếp cận một số mô hình tích hợp TCKGKTCQ ven sông Thames (Vương Quốc Anh), sông Giang Châu (Trung Quốc) và sông Hàn (Hàn Quốc), từ đó, rút ra những kinh nghiệm để có thể áp dụng vào thực tiễn TCKGKTCQ ven sông miền Trung Việt Nam.

Kinh nghiệm TCKGKTCQ ven sông Thames

Sông Thames là con sông lớn nhất nước Anh, với 2 bờ Nam – Bắc, chảy qua London – thành phố lớn nhất Châu Âu. Sông Thames là một thành phần không gian quan trọng trong cấu trúc của không gian đô thị London. Nghiên cứu về TCKGKTCQ ven sông Thames cho ta nhiều bài học về sự đa dạng loại hình kiến trúc, nghệ thuật tạo hình – điêu khắc… mạng lưới giao thông phát triển đô thị theo hướng phi tập trung bên sông.

Đa dạng nhưng hài hòa về loại hình kiến trúc

Về cơ bản, không gian lõi đô thị vẫn là những không gian hành chính, thương mại dịch vụ với nhiều quảng trường và lối đi ven sông… Trong quá trình phát triển sau này, một số công trình hiện đại vẫn được xây chen trong khu vực. Sự phát triển của London gia tăng trong thế kỉ 18, và trở thành thành phố lớn nhất thế giới (1831-1925). Những thập kỉ 1950, 1960 và 1970 là giai đoạn bùng nổ hàng loạt các công trình kiểu loại kiến trúc ở London, đa dạng đến nỗi khó có thể định ra bất cứ phong cách kiến trúc đặc thù nào. Như nhiều thủ đô khác, mật độ dân số ở London cao tại khu trung tâm, thấp dần ở lân cận, và thấp hơn ở ngoại ô. Sự đa dạng này, một mặt tuân thủ theo cấu trúc tự nhiên của ven sông kết nối với cảnh quan chung quanh và cảnh quan phát triển. Mặt khác, là do TCKGKTCQ vô cùng sáng tạo để tạo ra những quần thể độc đáo, tuân theo các cơ cấu chức năng của đô thị. Từ đó, hình thành cơ cấu kiến trúc cảnh quan ven sông.

TCKGKTCQ ven sông Thames gắn với phát triển hình thái kinh tế - xã hội

Sự phát triển của London và không gian ven sông Thames gắn liền với sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật là hệ thống giao thông. Mật độ hệ thống mạng lưới đường giao thông cao nhất ở khu vực lõi và giảm dần ra phía bên ngoài đô thị. Các công trình kiến trúc cổ chủ yếu tập trung ở khu vực lõi và giảm dần ra phía ngoài. Mật độ cây xanh và rừng ven sông cũng tăng dần từ lõi ra vùng ngoại vi.

Giữ gìn nghiêm ngặt cảnh quan di tích, bảo tồn và nối kết phát triển cảnh quan hiện đại.

Bài học lớn nữa là mặc dù London là thành phố hiện đại, nhưng cảnh quan chung vẫn được gìn giữ. Những không gian kiến trúc được xây dựng sau này luôn tuân theo những quy định đảm bảo sự hài hòa về phong cách, có khả năng kết nối giữa các giá trị kiến trúc cũ và mới. Kết quả là không gian ven sông giống như một cuốn sách lịch sử của sự phát triển đô thị: Quá khứ và hiện tại được đan xen trong sự hài hòa của không gian kiến trúc.

Chủ động trong quy hoạch chiến lược về phát triển kiến trúc cảnh quan đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.

Sông Thames vừa là lá phổi xanh của London, là nguồn cung cấp nước chính, vừa là trục cảnh quan. Không gian 2 bên sông được tính toán kỹ lưỡng để hình thành và phát triển từ sớm với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, và nhiều công trình văn hóa, du lịch, di sản, công viên sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường bám dọc theo 2 bên bờ sông. Tuy vậy, một số chuyên gia cảnh quan vẫn nuối tiếc rằng giá như London có được một quy hoạch hoàn hảo hơn.

Kinh nghiệm TCKGKTCQ ven sông Hàn, Hàn Quốc

Sông Hàn hay Hàn Giang dài 514km, chảy qua Seoul, rồi đổ ra biển Hoàng Hải. Ở địa phận Seoul, sông rộng tới 1km và có đến 25 cây cầu bắt qua sông. Trước khi công nghiệp hóa bắt đầu, cảnh quan sông Hàn và bản thân dòng sông Hàn thơ mộng ẩn chứa vóc dáng một dòng sông với cảnh quan tự nhiên, sáng đẹp.

Phát hiện và kiên quyết sửa sai trong TCKGKTCQ

Cấu trúc không gian đô thị Seoul không thể nằm ngoài quá trình hình thành và phát triển không gian ven sông Hàn. Thế nhưng, ngay từ đầu quá trình đô thị hóa Seoul đã phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì không tính toán chiến lược, mặc nhiên biến sông Hàn như một cột trụ trong thương mại, vận chuyển, và thậm chí như một “ống cống cho chất thải công nghiệp và đô thị”; cả dòng sông và hai bên bờ sông Hàn đã trở thành điển hình cho tình trạng ô nhiễm… Khi người ta bừng tỉnh nhận ra giá trị đích thực của nó, sông Hàn được nhìn nhận là báu vật trong lịch sử phát triển của thủ đô Hàn Quốc. Từ quan điểm nhìn nhận giá trị dòng sông và thể hiện sự sửa sai một cách quyết liệt, những thập kỉ cuối cùng đã trở thành tâm điểm của chính phủ tài trợ cho môi trường để làm sạch và biến sông Hàn thành viên ngọc sinh thái của thủ đô.

TCKGKTCQ ven sông Hàn theo hướng thân thiện môi trường

Để ngăn chặn tình trạng quá tải, quy hoạch sử dụng đất tiết kiệm, tập trung phát triển tại các điểm chính, và chuyển hướng phát triển đô thị thân thiện với con người, môi trường; giới hạn mở rộng của Seoul trong vòng 15 km bán kính từ trung tâm thành phố, bởi vành đai xanh hình vòng để ngăn chặn sự mở rộng xây dựng quá mức…Các thành phố vệ tinh đã được phát triển ở bên ngoài của vành đai xanh.

Chính quyền Seoul điều chỉnh quy hoạch để hướng sự phát triển kinh tế, xã hội ven sông Hàn, trong đó có tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan như xây dựng các cầu vượt khác nhau, hiện thực hóa sử dụng đất theo hướng xanh. Các dự án điều chỉnh đất được thúc đẩy, vừa cải tạo cấu trúc không gian đô thị của hiện tại, vừa tạo ra những vùng đất đô thị mới. Ban đầu, công cuộc điều chỉnh quy hoạch dường như là đối phó đảm bảo thoát nước bớt lũ lụt, chống ô nhiễm, sau đó là khai thác các trật tự không gian mới, phát triển không gian công cộng và cung cấp các cơ sở hạ tầng.

Từ những năm 1970, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch theo hướng xanh, sử dụng trong phát triển các khu đô thị mới, cung cấp đất để xây dựng nhà ở và các công trình công cộng đô thị khác. Điều này làm tăng giá trị đất, và chứng tỏ rằng quy hoạch đồng bộ theo hướng bảo vệ môi trường làm tăng các giá trị của công trình và giá trị chất lượng cuộc sống.

TCKGKTCQ ven sông đảm bảo môi trường nhưng giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội.

Để sử dụng đất hiệu quả hơn, Seoul đã hạn chế nhà ở riêng lẻ, khuyến khích phát triển chung cư. Hơn nữa, áp dụng quy hoạch đô thị trong điều chỉnh đất phát triển mật độ thấp, trung và cao ở trung tâm thành phố và tiểu trung tâm.

Trung tâm cũ của Seoul là một nơi kinh doanh sầm uất, phần lớn những cung điện, văn phòng chính phủ, trụ sở các tập đoàn, khách sạn và chợ truyền thống. Phân khu chức năng rõ ràng, nằm bên bờ bắc của sông. Từ khi sông Hàn được làm sạch, các khu ở thiếu kiểm soát ven sông đã dần được thay thế bằng các công trình văn hóa và không gian công cộng phục vụ cộng đồng và khách du lịch. Các đoạn hạ lưu sông Hàn được tổ chức lối đi cho người đi bộ, xe đạp, công viên, nhà hàng…

Hàn Quốc đã dỡ bỏ đường cao tốc để phục hồi lại kênh Cheogy ngay giữa lòng thành phố Seoul. Tính hiệu quả của các dự án phát triển không gian ven sông không chỉ là lợi nhuận kinh tế thuần túy, mà phải tính cả các giá trị xã hội làm cho cuộc sống của đại đa số người dân được cải thiện thông qua việc làm, thu nhập và môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Kinh nghiệm TCKGKTCQ ven sông Châu Giang – Trung Quốc

Nghiên cứu về TCKGKTCQ của sông Châu Giang, Trung Quốc có thể cho ta nhiều bài học về thất bại và hơn nữa là về thành công ngoạn mục.

Châu Giang có chiều dài 2.200km, có lưu lượng lớn thứ 2 ở Trung Quốc, chảy từ khu vực miền Nam Trung Quốc đến đoạn giữa Hồng Kông và Ma Cao, rồi đổ ra biển Đông. Lưu vào Châu Giang là hợp lưu của sông Tây Giang, Bắc Giang và Đông Giang.

Chính quyền có cái nhìn rất sớm đối với thiết kế đô thị và TCKGKTCQ

Chính quyền biết đặt cái lõi của quy hoạch đô thị dựa trên dòng sông để phát triển kinh tế hiệu quả. Những hòn đảo giữa dòng sông không chỉ là nơi gìn giữ được các chức năng bảo vệ các hệ sinh thái, mà còn là nơi khai thác về nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, về mặt mỹ quan, người ta có thể cảm nhận ngay tính kỳ vĩ của các thực thể này trong hệ thống cảnh quan của dòng sông.

Chính quyền đã biết huy động các nhà chuyên môn để kết hợp lợi thế tự nhiên của những dòng sông, những nhà kinh tế và những nhà kiến trúc cảnh quan đã phối hợp khá tốt, làm cho Đồng bằng Châu Giang trở thành một “công viên kinh tế khổng lồ”

Xây dựng mối quan hệ tốt giữa TCKGKTCQ và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa TCKGKTCQ với phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả bền vững, chúng ta thấy đây là mối quan hệ thích ứng giữa những khái niệm rộng, then chốt. Các nhà TCKGKTCQ và các nhà quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế chú ý khá tốt đến các tập hợp khái niệm như sinh thái, thẩm mỹ, bền vững, kinh tế xanh, kinh tế du lịch, và hẹp hơn như hành lang xanh, hành lang sinh thái, vùng bán ngập, vùng ẩm ướt, những quần đảo ven sông, công viên sông, hồ thủy sinh, công viên trung tâm, thảm hoa,… Và họ luôn tính đến độc đáo và sự nối kết hệ thống giữa các thực thể cảnh quan. Đối với họ, đô thị hóa, phát triển kinh tế và tổ chức kiến trúc cảnh quan ven sông và từ dòng sông được đặt trong mối quan hệ thống nhất; những mâu thuẫn nội tại trong lĩnh vực đa dạng và phức tạp đều được giải quyết để tạo ra hiệu quả kinh tế, phát triển lâu dài, bền vững mà vẫn giữ được môi trường, sinh thái. Họ nâng cao tư tưởng giữ gìn sinh thái, môi trường vì chất lượng sống, vì đời sống kinh tế xã hội. Theo tư tưởng đó, “khu vực này đã nhanh chóng trở thành một siêu vùng đô thị đầu tiên của thế giới, với mạng lưới dày đặc các đô thị đông đúc với dân số là 100 triệu người; trên thực tế là một “thành phố vô tận”.

Nếu phát triển kinh tế là nâng cao chất lượng cuộc sống, thì tổ chức kiến trúc cảnh quan không thể chỉ tính đến kinh tế mà không nghĩ sâu xa và nghiêm túc về những vấn đề khác, trong đó thẩm mỹ và văn hóa dường như là sự lựa chọn ta có thể thấy được ở tổ chức kiến trúc cảnh quan ven sông Châu Giang. Vì vậy có thể nói Châu Giang là một trong những điển hình của thế giới về khai thác hiệu quả kinh tế trong tổ chức kiến trúc cảnh quan…

Khai thác triệt để thành quả công nghệ hiện đại xử lý nhiều vấn đề trong đô thị hóa và tổ chức kiến trúc cảnh quan

Ứng dụng hiệu quả công nghệ hiện đại là ý chí lớn của các nhà chuyên môn. Từ một số vùng bán ngập, bằng ứng dụng công nghệ cao, họ có thể vừa đảm bảo môi sinh vừa tận dụng đất ‘dường như khó có thể xây dựng’ để những nơi này thành nơi ở không những thuận tiện mà nâng cao những giá trị thẩm mỹ cảnh quan.

Chính vì thế, tổ chức kiến trúc cảnh quan đi đôi với đô thị hóa đã tạo ra các thành phố chính của vành đai Châu Giang cùng với đồng bằng Châu Giang, khu vực đông dân thứ hai tại Trung Quốc và là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới.

Tận dụng các kênh rạch từ sông lớn để tạo nên không gian mở, sự thông thoáng giữa các quần thể cảnh quan có giá trị và chức năng khác nhau, như giao thông, thẩm mỹ, nuôi dưỡng hệ sinh thái, nối kết không gian xanh với kiến trúc hiện đại…

Ứng dụng công nghệ cao thành công làm cho các nhà chuyên môn chủ động thể hiện các ý tưởng trong TCKGKTCQ. Họ đưa các yếu tố kinh tế, nhất là du lịch, thương mại rất rõ khi tổ chức không gian ven sông; họ có thể biến nơi ấy trở thành nơi hội tụ giữa trời mây, đất, nước, con người, trong hoạt động vui chơi, giải trí và thương mại… Bãi tắm ven sông, những thảm xanh tưởng chừng vô tận, giữa các nhà chọc trời, tạo ra một hệ thống cảnh quan hài hòa, sinh động.

Kết luận

Khảo sát cho thấy TCKGKTCQ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng phát triển đô thị . Có thể quy thành các nhóm giải pháp như sau: (1) Chủ động trong quy hoạch chiến lược về phát triển kiến trúc cảnh quan đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội là một kinh nghiệm mang tầm chiến lược để phát triển đô thị ven sông; nhất là đối với các đô thị đang ở giai đoạn đầu phát triển như thành phố Đồng Hới có sông Nhật Lệ chảy qua, (2) TCKGKTCQ ven sông đảm bảo môi trường nhưng giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế xã hội rất thích hợp cho nhiều đô thị phát triển ven sông ở Việt Nam, nhất là các đô thị ở Trung Bộ như Đà Nẵng, (3) Khai thác triệt để thành quả công nghệ hiện đại xử lý nhiều vấn đề trong đô thị hóa và tổ chức kiến trúc cảnh quan là kinh nghiệm có thể được tính đến cho TCKGKTCQ ở nhiều thành phố, nhất là các thành phố lớn hiện nay ở nước ta, (4) Phát hiện và kiên quyết sửa sai trong TCKGKTCQ cần phải xem là một nguyên tắc ứng xử, nhất là đối với các nhà chức trách trong chính quyền mỗi đô thị. Không kiên quyết sửa sai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà con cháu chúng ta phải gánh chịu, (5) Đa dạng nhưng hài hòa về loại hình kiến trúc, (6) TCKGKTCQ ven sông theo hướng thân thiện môi trường cũng cần xem như những quan điểm khi quy hoạch và TCKGKTCQ.

Cùng với những kinh nghiệm vừa nhận diện, chúng ta có thể thấy các hướng mới hiện ra như để kết nối thành mô hình tích hợp như sau:

+ Xu hướng dành “đất” cho “nước” là xu thế chủ đạo thay vì xu hướng dành “đất’ từ “nước” như trước đây.

+ Xu hướng tích hợp đa dạng hóa các hoạt động tại không gian mở ven sông để chuyển từ không gian mở thuần túy sang không gian công cộng, tăng cường sức sống và sự sôi động cho không gian ven sông, tăng cường hiệu quả sử dụng đất.

+ Xu hướng kết nối kiến trúc cảnh quan không gian ven sông với hệ thống không gian mở đô thị nhằm hướng tới tạo lập hạ tầng sinh thái.

+ Xu hướng kết nối không gian mở công cộng trong đô thị bằng các giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan với tâm điểm là không gian ven sông, hướng tới tạo dựng bản sắc đô thị.

+ Xu hướng bảo tồn thiên nhiên, văn hóa không gian ven sông là thước đo sự phát triển bền vững.

+ Khu vực nào có hạ tầng kinh tế phát triển, gần trung tâm đô thị, khu vực đó có kiến trúc cảnh quan phát triển mạnh.

Những mô hình mang tính tích hợp như vậy đáng được chúng ta xem là những bài học lớn. Từ đó có thể vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam nói chung, của Trung Bộ nói riêng.


Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 7/2016

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)