Những vấn đề ưu tiên hàng đầu về thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng

Thứ sáu, 30/09/2016 15:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Có thể nói, thời điểm hiện tại khá khẩn cấp đối với thế giới và đặc biệt với Việt Nam vì ngày 8/8/2016 – ngày Earth Overshoot Day đến sớm hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm đánh dấu con người đã sử dụng hết nguồn tài nguyên thiên nhiên (cát, nhiên liệu, nước…) của cả một năm nhanh hơn là chúng tự sản sinh. Đây cũng là thời điểm báo động về việc con người làm ô nhiễm không khí và nước. Kể từ năm 1971, càng ngày Earth Overshoot Day lại càng gần. Năm nay, Earth Overshoot Day sớm hơn năm trước 5 ngày, và xảy ra sớm nhất từ trước đến nay. 

Khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Đây là thời điểm thích hợp để suy nghĩ kĩ về thiết kế, xây dựng không gian sống và qua đó cần đặt ra những ưu tiên về thiết kế công trình. Rất cần phải: suy nghĩ thấu đáo hơn: Con người cần gì, làm thế nào để sử dụng ít năng lượng, hay có nên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời hay tuabin chạy bằng sức gió, chi phí và lợi ích của thiết kế xanh là gì…? Nhưng thử thách thật sự không phải là tạo ra những tòa nhà “không” tiêu dùng năng lượng hay những sản phẩm được gắn mác “xanh” mà là biến chuyển của nền văn minh nhân loại tới ngưỡng nền sinh thái tự nuôi sống được Trái đất.

Rõ ràng, con người cần tiết kiệm hơn trước đây. Nếu chúng ta cắt giảm tiêu dùng, hay đừng quá tham vọng, đời sống sẽ trở nên bền vững hơn. Tất cả nên được tối ưu hóa – tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm năng lượng, lựa chọn thiết kế theo kiểu thụ động là những chiến lược hay, mà đối tượng hưởng lợi trước tiên chính là gia chủ (vì họ tiết kiệm được chi phí), và sau đó là Trái đất. Chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo về sự vận hành của xã hội, bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, trong đó vòng quay kinh tế cũng giống như vòng quay của nguồn tài nguyên thiên nhiên và dòng chảy của năng lượng. Trên cơ sở đó, KTS cần tạo ra công trình và các giá trị mà con người có thể tái sử dụng và tái tạo, hạn chế xây dựng công trình gây lãng phí, ô nhiễm mà con người không thật sự cần đến.

Đồng thời, chúng ta cần thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt trong bối cảnh nền quản trị chưa đủ mạnh, để từ đó tạo dựng một xã hội phát triển thịnh vượng, hài hòa, gắn kết với thiên nhiên. Dân số thế giới hiện nay là 7.35 tỷ người, lên đến 10 tỷ người năm 2050, với sự xuất hiện của hàng trăm thành phố lớn, nhưng nguồn tài nguyên ngày càng bị hạn hẹp. Chúng ta nên ưu tiên thiết kế không gian sống kết nối thông minh với thiên nhiên và hãy bắt đầu bằng công cộng xây dựng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Đó là những ưu tiên hàng đầu trong kiến trúc, để làm giảm những tác động của môi trường.

Chúng ta nên triển khai ngay từ bây giờ và coi đây là một cơ hội. Vì thiết kế công trình xanh vẫn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam, trong điều kiện nhu cầu sử dụng hiệu quả năng lượng ngày càng tăng.

Một số dự án nổi bật về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả xây dựng như sau:

1. Trung tâm thương mại Big C Green Square: Trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam nhận được giải vàng LEED (Tiêu chuẩn thiết kế công trình vì môi trường và năng lượng của Mỹ) và giải bạc LOTUS (Hệ thống chỉ tiêu đánh giá công trình xanh của Việt Nam). Công trình sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên hệ thống mái bãi đỗ xe và sở hữu một trong những công viên công cộng lớn nhất dành cho dân địa phương.

Dựa trên cách tiếp cận thiết kế tích hợp, đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm nhất, phù hợp với khí hậu trong nhà, công trình này đươc thiết kế chỉ sử dụng 388kWh/m2/năm, so với các trung tâm thương mại khác (thông thường 519/550kWh/m2/năm) giảm 25-30% năng lượng. Điều này góp phần tiết kiệm 15 tỷ đồng mỗi năm và số tiền tiết kiệm này sẽ tăng lên trong từng năm.

Ngay từ ban đầu, nhiệm vụ đặt ra cho thiết kế phải là một tòa nhà ít sử dụng năng lượng. Để triển khai, một loạt các nhân tố thiết kế được đặt ra, trong đó phải kể đến vỏ ngoài của mặt đứng và mái phải kín và cách nhiệt tốt, sử dụng ánh sáng tự nhiên ban ngày và hệ thống chiếu sáng tiêu thụ ít năng lượng như LED và T5.

Các nhân tố khác cũng được xem xét và cân nhắc: Kính E-Low với giá trị SHGC cao, mái với chỉ số SRI thấp (hữu dụng trong việc cản nhiệt), tận dụng gió trời và không khí trong lành của mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Hệ thống làm mát cho công trình là sự kết hợp của việc sử dụng các hình thức công nghệ khác nhau, trong đó phải kể đến hệ thống điều hòa hai chiều Cop Ahu.

Ngoài ra, một kho làm lạnh cũng được sử dụng để giữ nhiệt. Nó sẽ tạo ra nước lạnh vào ban đêm khi giá tiền điện khá rẻ.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên toàn bộ mái bãi đỗ xe ngoài trời nằm ở phía Tây công trình, góp phần tạo ra năng lượng sạch, miễn phí tiêu dùng điện. Tính ứng dụng này ngay sau đó cũng được áp dụng rộng rãi trên toàn bộ hệ thống điện EVN, vì tính đến thời điểm này hệ thống đã chứng tỏ sự vận hành tốt mang lại sự bền vững và phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Thiết kế tổng thể của Big C Green Square nhằm tối ưu hóa khí hậu bên trong nhà mang lại không khí thoải mái, dễ chịu và trong lành. Thiết kế mặt đứng và đường giao thông công cộng tạo điều kiện thông gió, tăng cường ánh sáng bên trong tòa nhà, không gian mở ra ngoài vườn và bãi đỗ xe. Ánh sáng tự nhiên sẽ được tối ưu hóa bằng cách mở rộng cầu thang cuốn gần mặt đứng bằng kính rất lớn, hình mái vòm ở khu văn phòng.

Như vậy, ý tưởng thiết kế hệ thống thông gió là sự kết hợp cân bằng của gió tự nhiên và gió cơ học, góp phần tăng tính linh hoạt và tối ưu hóa không khí bên trong nhà, đáp ứng được một trong những tiêu chuẩn của Leed và Lotus.

Cảnh quan xanh kết hợp với đa dạng sinh thái luôn là một phần quan trọng trong quá trình thiết kế kiến trúc. Đối với công trình này, ta dành một nơi để thiết kế công viên có sân chơi rất rộng cho trẻ em, lần đầu tiên một không gian cộng đồng xanh nhất được xây dựng trong khuôn viên của một siêu thị tại Việt Nam. Chiến lược bền vững này đã chứng tỏ hiệu quả khi mà siêu thị ngày càng nhận được sự quan tâm và yêu mến của người dân địa phương.

2. Big C Đà Lạt: Nét độc đáo của dự án được thể hiện thông qua hình ảnh lối ra vào chính được thiết kế lượn sóng và giếng trời hình chiếc lá bằng kính chiếu sáng xuống quảng trường rộng nằm trên 2 tầng hầm.

Kết quả của sự sáng tạo này là có rất nhiều không gian công cộng góp phần bảo tồn cảnh quan thiên nhiên lãng mạn của thành phố Đà Lạt. Đây được xem là một trong những không gian công cộng lớn nhất trong thành phố, nơi người dân có thể chiêm ngưỡng phong cảnh hùng vĩ của hồ Xuân Hương.

Dự án siêu thị Big C Đà Lạt đã tận dụng bối cảnh hiện trạng khu đất như nguồn năng lượng địa nhiệt tự nhiên (dưới lòng đất mát hơn trên bề mặt) được sử dụng để làm mát không khí bên trong tòa nhà đồng thời góp phần tiết kiệm điện năng. Dựa vào khí hậu Đà Lạt (mát mẻ bốn mùa đặc biệt là ban đêm) kết hợp với hệ thống điều hòa hoạt động hiệu quả, dự án tạo ra hiệu quả tiết kiệm năng lượng rõ rệt, góp phần giảm 20% tiêu thụ điện năng so với các siêu thị Big C thông thường.

3. Chung cư cao tầng Gamuda CT1: Là một ví dụ điển hình khác của chiến lược thiết kế thụ động/ tiết kiệm năng lượng/ và nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho chủ đầu tư. Sự thành công của dự án giúp chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh chóng, đồng thời làm giảm các chi phí vận hành, tăng doanh thu bán hàng, doanh thu cho thuê nhà cũng như chiếm giữ thị phần cao hơn so với các đối thủ trong cùng ngành.

Chi phí vận hành giảm nhờ hoạt động hiệu quả của hệ thống điều hòa, điện thắp sáng tiêu dùng ít năng lượng, tối ưu hóa sức nóng từ phía Tây (thiết kế ít căn hộ và cửa kính hơn). Bên cạnh đó, việc thiết lập các vùng đệm (cản nhiệt nhờ khu vực bể bơi hay không gian xanh ở trong vườn hay trên sân thượng) góp phần làm mát tầng trên cao và hệ thống kính cản nhiệt tiết kiệm 5-10% năng lượng điện tiêu thụ.

4. Dự án POP-UP E-HOME: Là một series nhà ở thân thiện với môi trường, ý tưởng của dự án giống như vòng quay nền kinh tế đi từ A-Z, không tạo ra lãng phí, không gây ô nhiễm.

Ý tưởng này hoàn toàn là cách tiếp cận mới về phong cách và không gian sống, đời sống hiện đại được kết nối thông minh với thiện nhiên.

Mục tiêu của dự án giúp giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm, do đó đã sử dụng 30% nguồn rác thải tái chế trong bê tông, vật liệu tái tạo làm từ tre, rác thải bằng gỗ dùng cho nội thất, kim loại tái chế dùng trong kết cấu. Và cuối cùng, dự án hoàn toàn có thể di rời và tái sử dụng, như một phần trong ý tưởng của vòng quay kinh tế.


(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 8/2016)
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)