Xu hướng xây dựng mới có sử dụng cấu trúc gỗ truyền thống

Thứ sáu, 25/07/2014 10:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế khá lên, nhiều người bắt đầu phá nhà gỗ thay thế bằng nhà xây kiên cố. Gỗ tháo ra từ căn nhà cũ được người dân dùng để đóng các vật dụng lặt vặt, làm củi hoặc nguyên căn hay từng phần bán cho những người săn lùng nhà gỗ cũ mang về tân trang, phục dựng thành công không gian nghỉ ngơi, thờ cúng. Sau khi mua về, tùy loại nhà, chất gỗ, với những ngôi nhà còn nguyên vẹn chỉ cần tân trang lại chút đỉnh, lắp ghép bán cho khách; với những ngôi nhà đã bị hư hại nhiều, không thể phục dựng nguyên trạng, người mua xả ra bán từng phần…

Hiện nay, không chỉ các khu du lịch, nhà hàng, resort cao cấp có xu hướng dựng những công trình kiến trúc gỗ, đồ sộ từ chất gỗ quý mà ngày càng nhiều người dân có nhu cầu này.

Đặc trưng kiến trúc truyền thống tái lắp dựng

Về mặt bằng tổng thể:

Kiến trúc truyền thống gọi tắt là nhà gỗ tái lắp dựng trong khuôn viên vườn và vị trí khu đất không tuân thủ những yêu cầu chuẩn mực về mặt phong thủy như ở nhà vườn truyền thống. Hình thái khu vườn, vị trí cổng ngõ, vị trí bình phong, bể nước, thứ tự nhà chính, phụ có nhiều khác biệt do vị trí và hình thái của lô đất xây dựng nằm trong khu dân cư có sẵn hoặc khu đô thị mới, không thể thay đổi, cải biến về hướng nhà cho phù hợp với phong thủy.

Đối với khu du lịch, nhà hàng, resort cao cấp, là những tổ hợp kiến trúc có yêu cầu về mặt cảnh quan, tiểu cảnh, công năng khác biệt nên các nhà gỗ được tái lắp dựng phân tán tùy thuộc ý đồ thiết kế hoặc sở thích của chủ nhà. Tuy vậy, tổng thể của tổ hợp công trình vẫn được sắp đặt hài hòa và cố gắng tạo ra những không gian, góc nhìn đẹp về phía kiến trúc gỗ hoặc ra sân vườn, cảnh quan bên ngoài.
Đối với nhà gỗ được tái lắp dựng trên sân thượng của nhà ở sẵn có (thường là nhà 2 -3 tầng) thì khuôn viên vườn hầu như không thay đổi. Xung quanh nhà gỗ là khoảng không gian rất hẹp chỉ đủ để làm lối đi, thỉnh thoảng chủ nhà sắp đặt vài chậu cây kiểng trang trí. Loại nhà này nằm trong khu dân cư với những ngõ, hẻm hẹp nên rất khó để cải thiện góc nhìn từ nhà gố ra xung quanh hoặc từ mặt đất có thể cảm thụ được nhà gỗ.

Về công năng sử dụng

Chức năng nhà gỗ cũng có nhiều thay đổi. Đôi khi chủ nhà chỉ sử dụng lại bộ khung gỗ mà không lắp vách để tạo ra những không gian mở, thoáng. Từ chức năng ở và thờ cúng, nhà gỗ được chuyển thành café, nhà hàng ăn uống, gallery,… để phục vụ cho đông người hơn, do đó cách bài trí nội thất, trang trí cũng thay đổi cho phù hợp.

Do tổ hợp nhiều công trình với chức năng khác nhau nên ở nhà hàng, resort… thường sử dụng nhà cầu ( đôi khi nhà cầu cũng là nhà gỗ) hoặc kiến trúc gạch để kết nối các khối nhà, vì vậy cách tiếp cận nhà gỗ cũng có nhiều thay đổi, không chỉ phía trước mà cả bốn phía của nhà đều có bậc cấp và lối vào. Đối với nhà gỗ lắp trên tầng thượng được chủ nhà sử dụng làm không gian thờ cúng, kết hợp uống trà thư giãn và đôi khi có sắp đặt cả giường ngủ. Do ở vị trí trên cao nên lối tiếp cận duy nhất của nhà gỗ này là từ cầu thang của nhà chính ( bê tông cốt thép) và của ra vào lại bố trí ở vách phía sau của nhà gỗ, còn bộ cửa bức bàn phía trước chỉ có thể mở ra ban công và không thể kết nối với cầu thang.

Về cấu trúc gỗ

Cấu trúc gỗ của nhà tái lắp dựng không có nhiều thay đổi so với nguyên bản. Người ta chỉ tân trang bằng sơn bóng và xử lý những chỗ bị trầy xước, mối mọt. Ưu điểm của nhà gỗ là có thể tháo lắp dễ dàng mà không làm thay đổi về kết cấu, thẩm mĩ. Loại kết cấu gỗ với nhiều chi tiết điêu khắc trang trí được ưa chuộng, nhất là các phủ đệ xưa. Những người tái sử dụng nhà gỗ ở Huế do có cơ hội quan sát nhiều nhà gỗ ở Cung đình, lăng tẩm, phủ đệ, làng truyền thống nên có sự am hiểu về kết cấu gỗ, do vậy rất kén chọn về vẻ đẹp, chất lượng gỗ và loại gỗ của nhà gỗ tái lắp dựng.

Việc tái lắp dựng nhà gỗ cũng có nhiều thay đổi linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế như có thể không lắp vách ngăn, đá tảng không lớn và cầu kỳ, sàn nhà có thể lát gạch gốm hoặc gạch men hiện đại… Nhìn chung, chủ nhà rất tâm huyết trong việc tái lắp dựng và trang trí để khơi gọi lại không gian truyền thống cho ngôi nhà.

Về xuất xứ, nhà gỗ được thu thập từ nhiều vùng miền nên loại gỗ, tuổi thọ của gỗ cũng khác nhau, đòi hỏi cách bảo quản cũng khác nhau. Đối với nhà gỗ lắp dựng trên tầng thượng thì chủ nhà cần tìm mua một nhà gỗ ba gian hai chái có kích thước tương đồng với sân thượng của mình. Các nhà gỗ tái lắp dựng trong tổ hợp nhà hàng, resort đôi khi khác nhau về cấu trúc, kích thước, loại gỗ và điêu khắc trang trí, thậm chí được thu mua từ nhiều vùng miền nên kích thước và phong cách trang trí cũng khác nhau.

Những thay đổi thường thấy khí tái lắp dựng kiến trúc truyền thống

Hiện nay, đối với nhà hàng, resort gallery… và cả nhà ở thì vị trí gần đường giao thông chính, dễ tiếp cận hoặc dễ nhận biết được quan tâm lựa chọn nhiều hơn so với hướng và hình thế khu đất xây dựng. Do vậy, khuôn viên, ngoại thất xung quanh nhà gỗ tái lắp dựng cũng được đơn giản hóa và cải tiến cho phù hợp với vị trí lắp dựng.

Do sùng bái và muốn tôn vinh nhà gỗ nên chủ nhà thường cho tôn nền rất cao ( ba bậc đến năm bậc) trước khi lắp dựng nhà gỗ. Cao độ nhà gỗ được sắp đặt cao hơn đỗ cao các công trình khác, cao hơn đất tự nhiên, tăng sự sinh động cho tổng thể công trình.

Nhà gỗ được đặt trong tổ hợp công trình đa dạng về công năng gồm nhiều chi tiết trang trí, hệ thống mát quạt, bóng điện chiếu sáng… Nhà gỗ không còn giữ chức năng cũ, thậm chí không là công trình chính quan trọng trong tổ hợp công trình mà chỉ là nơi nghỉ ngơi thư giãn, phụ trợ cho kiến trúc kiên cố có chức năng chủ đạo ở vị trí trung tâm.

Nhà gỗ tái lắp dựng thường được chủ nhà cho sơn hoặc đánh bóng lại. Ưu điểm của cấu trúc gỗ truyền thống là sau khi được sơn lại sẽ trở nên bền và đẹp hơn, tạo ra không khí tươi mới cho ngôi nhà.

Chủ nhà cũng linh hoạt kết hợp nhà cũ với nhà mới, kiến trúc gỗ với kiến trúc bê tông cốt thép hiện đại bằng cách tổ hợp và kết nối bằng các nhà cầu hoặc trong trừng nhà gỗ tái lắp dựng cũng có thể thay thể vách gỗ bằng vách tường gạch kiên cố, chống ẩm mốc.

Nhà gỗ xây mới

Bối cảnh: Xu hướng xử dụng gỗ trong xây dựng nhà ở ngày càng nhiều. Để chuẩn bị cho việc xây nhà, nhiều người đã dành thời gian, tiền của để tích cóp một khối lượng gỗ lớn trong nhiều năm. Cũng có một số người không tìm mua được những nhà cổ ưng ý đã thuê thợ mộc thiết kế bộ khung gỗ để sắp đặt phía trước làm không gian thờ và tiếp khách.
Đặc trung nhà gỗ mới

Về mặt bằng tổng thể: Nhà gỗ mới thường nằm trong những khu quy hoạch mới với các lô đất có kích thước giống nhau: chiều rộng 6 đến 10m chiều sâu 20 đến 25m. Chủ nhà thường chọn mua lô đất có hướng phù hợp với tuổi của mình. Cũng giống như các nhà cổ trong khu phố cổ, nhà gỗ xây mới thường là nhà 3 gian không chái để không ảnh hưởng ( thoát nước mưa) đến nhà bên cạnh. Nhà 3 gian mới có bước cột lớn nên chiều ngang nhà lớn gần bằng chiều rộng lô đất, vì vậy không thể bố trí lối đi ở hai bên tường đầu hồi. Nhà 3 gian được đặt lùi vào sâu trong khuôn viên đất để tạo khoảng sân và những bài trí phong thủy như bể can, bình phong, cổng ngõ, hàng dậu ( chè tàu)…

Về công năng sử dụng: Nhà gỗ xây mới vẫn giữ chức năng chính là không gian thờ cúng và tiếp khách, tùy theo sở thích của chủ nhà có thể bố trí phòng ăn gia đình và phòng ngủ cho khách.
Về cấu trúc gỗ:  Cấu trúc gỗ mới rất đa dạng về kiểu dáng, trang trí tùy vào sở thích và thẩm mỹ của chủ nhà. Do tình cảm vọng về quê hoặc ấn tượng với loại cấu trúc gỗ ở địa phương nào mà chủ nhà có thể đặt thợ địa phương, vùng miền đó thiết kế và lắp dựng bộ khung nhà gỗ tương tự.

Những thay đổi thường thấy ở nhà gỗ xây mới

Kích thước khu đất hẹp chiều ngang không phù hợp để bố trí nhà gỗ. Thực tế các nhà cổ tại các khu phố gặp phải bất tiện trong sử dụng khi phải đi xuyên qua nhà gỗ để tiếp cận các công trình phía sau. Do không có hai chái hai bên nên phía trong nhà thường không được thông gió và rất tối. Chủ nhà thường trổ kính mảng lớn ở tường đầu hồi để lấy sáng từ khe hở với hai bên nhà bên cạnh, do đó các chi tiết cửa, tường… không phù hợp với kiến trúc gỗ.

Tâm lý chung của người dân khi xây nhà là muốn xây cao hơn nhà bên cạnh, do đó chủ nhà thường tôn nền rất cao (ba bậc đến năm bậc) để lắp dựng nhà gỗ, mái của nhà gỗ cũng dốc hơn nhà cổ để đạt được độ cao độ nóc tương xứng với nhà 2 hoặc 3 tầng bên cạnh. Điều này cũng gây khó khăn cho việc thoát nước vào mùa mưa do sự chênh lệch về cao độ nền giữa các lô đất.

Nhà gỗ xây mới được chủ nhà cho sơn và đánh bóng vừa để bản quản gỗ và giúp gỗ sáng đẹp hơn. Chủ nhà linh hoạt liên kết kiến trúc gỗ với kiến trúc bê tông cốt thép bằng các xê nô thu nước, giảm các đầu kèo trang trí và lợp ngói hiện đại.

Qua phân tích, đánh giá hai loại nhà gỗ tái lắp dựng và nhà gỗ xây mới, có thể rút ra nhận xét sau:

Ưu điểm:

Việc tái sử dụng kiến trúc gỗ truyền thống trong bối cảnh nguồn gỗ ngày càng cạn kiệt là cách tiết kiệm hiệu quả bên cạnh việc trồng cây gây rừng, hồi sinh các rừng gỗ quý phục vụ trong xây dựng.

Nhà gỗ qua thực tế sử dụng đã phát huy được ưu điểm về mặt kết cấu, thẩm mỹ được người dân ưa chuộng, duy trì và phát huy. Đặc biệt nhà gỗ ba gian đã khẳng định là cấu trúc được sử dụng làm không gian thờ cúng hiệu quả nhất.

Các thế hệ người Việt Nam vẫn dành tình cảm đặc biệt, ưa chuộng và vận dụng kiến trúc gỗ truyền thống trong xây dựng nhà ở hiện đại.

Tồn tại

Phần lớn nhà gỗ được tái lắp dựng trong tổ hợp nhà hàng, gallery, resort … với công năng sử dụng thay đổi, không còn là kiến trúc chính, cùng với việc bố trí những tiện nghi hiện đại vào trong nhà gỗ không còn phù hợp với bối cảnh sử dụng mới, tạo sự hiểu biết sai lệch về chức năng và giá trị của nhà cổ.

Nhà gỗ được thu mua từ nhiều vùng miền khác nhau nên kích thước và phong cách trang trí cũng khác nhau, gây khó khăn trong việc tái lắp dựng, trang trí và bảo quản. Người sử dụng không có thói quen, kinh nghiệm trong sử dụng kiến trúc truyền thống nên gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt và bảo quản nhà gỗ.

Nhà gỗ được lắp dựng tùy tiên không tuân thủ yêu cầu an toàn như các cột không tựa trên đầu cột mà đặt trực tiếp lên dầm hoặc lưới sàn. Việc đặt công trình trên sân thượng khiến giữa hiên và nhà gỗ không có chênh cao độ vì vậy nước mưa dễ tràn ngược và trong nhà khi trời mưa.

Việc kết hợp nhà gỗ với nhà bê tông cốt thép một cách tự phát, không có tư vấn của chuyên gia, KTS và quá trình lắp dựng không đồng bộ, cùng với sự thiếu quản lý của địa phương làm cho việc sử dụng kiến trúc gỗ không ăn nhập với kiến trúc hiện đại.

Kết luận

Việc tái lắp dựng nhà gỗ hoặc xây nhà gỗ mới là một quan điểm mới về bảo tồn kiến trúc truyền thống cũng như phương pháp xây dựng truyền thống. Nếu được điều tra trên diện rộng sẽ thống kê được số lượng cũng như loại cấu trúc và trang trí gỗ nào phổ biến, được ưa chuộng để nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao giá trị nhà gỗ trong kiến trúc hiện đại.

Hiện nay, xu hướng xây dựng mới này diễn ra rời rạc, rải rác trên khắp vùng miền cả nước, đây là quy luật tất yêu của sự phát triển. Tuy vậy nếu việc thu mua nhà gỗ có tổ chức và hệ thống hơn, cùng với sự quản lý chặt chẽ của địa phương cộng thêm tư vấn của người làm chuyên môn sẽ giúp cho người dân xây dựng nhà mới có sử dụng cấu trúc gỗ truyền thống hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 6/2014

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)