Định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long phát triển đô thị bền vững về môi trường

Thứ tư, 02/07/2014 08:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1581/QĐ-TTg, ngày 09/10/2009. Tỉnh Vĩnh Long nằm trong Vùng đô thị trung tâm gồm Đô thị hạt nhân thành phố Cần Thơ và các Đô thị vệ tinh độc lập Thành phố Long Xuyên, Cao Lãnh. Các Đô thị này kết hợp với nhau thành một Vùng đô thị trung tâm của Vùng ĐBSCL là đầu mối giao thông có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội phát triển.

- Về vị trí: Vĩnh Long là Tỉnh nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, giữa sông Tiền và sông Hậu cách TP Hồ Chí Minh 136km và kế cận TP Cần Thơ. Tỉnh Vĩnh Long có vị trí ở giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL chịu tác động về 2 phía của 2 trung tâm lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.

- Tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên 1.504,90 km2, bằng 3,7% diện tích vùng ĐBSCL và bằng 0,4% diện tích cả nước. Tỉnh Vĩnh Long gồm 8 đơn vị hành chính trực thuộc là: Thành phố Vĩnh Long là tỉnh lỵ, hiện là đô thị loại 3; Thị xã Bình Minh hiện là đô thị loại IV; 6 thị trấn là huyện lỵ: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân. Dân số năm 2011 là 1.028.550 người, mật độ sân số bình quân 683 người/km2, tỷ lệ đô thị hóa đạt trung bình khoảng 25%.

Trong thời gian qua, các đô thị đã tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan môi trường được quan tâm. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng tại địa phương. Kết quả đạt được cụ thể:

-Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%; Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (1/2000) đối với các đô thị đạt 100%; Tỷ lệ phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh có 89/89 xã được phê duyệt, đạt 100%.

- Về phát triển kết cấu hạ tầng: Hiện trạng kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh đạt tiêu chuẩn theo cấp đô thị khoảng 60%.

- Về hạ tầng xã hội tại các đô thị, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục… đã được đầu tư xây dựng qua các năm cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dâ. Đã và đang hoàn thành hạ tầng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 tại thị trấn ở các huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, đô thị ở Vĩnh Long vẫn còn những hạn chế:

- Cấu trúc không gian đô thị chưa hợp lý, diện tích đất dành cho công trình công cộng, phúc lợi chưa nhiều, diện tích đất cây xanh đô thị còn thấp; Công tác xây dựng còn tồn tại tình trạng tự phát, phát triển theo xu hướng “vết dầu loang” trên những khu vực còn tiềm năng đất nông nghiệp, dọc theo các tuyến giao thông. Do đó, về lâu dài sẽ đem lại hiệu quả xấu về môi trường, chất lượng dịch vụ công và các vấn đề an sinh xã hội khác.

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ và quá tải; tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra nhiều nơi; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do rác thải, nước thải chưa được xử lý; quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường… Bên cạnh đó, những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng… là vô cùng lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đô thị, điều kiện, môi trường sống của dân cư.

- Tác động của đô thị hóa làm tăng thêm thêm diện tích xây dựng, kênh, mương bị thu hẹp và bị san lấp, làm cho quá trình thấm nước trong đô thị giảm gây nên hiện tượng gia tăng dòng chảy sông mặt trong đô thị, dẫn đến ngập lụt, úng nước trong mùa mưa, gia tăng dòng chảy sông và làm khô hạn, nước biển thâm nhập mặn về mùa khô.

- Các đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư khu đô thị, khu, cụm công nghiệp đa phần sử dụng đất nông nghiệp làm mặt bằng mà chưa nghiên cứu kỹ tác động, hậu quả về mặt kinh tế, xã hội và cũng như chưa đưa ra phương án xử lý bền vững.

- Chất lượng đồ án quy hoạch chưa đảm bảo, năng lực tư vấn tham gia lập quy hoạch còn hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch, thậm chí điều chỉnh nhiều lần, quy hoạch chưa thực hiện đã phải điều chỉnh do chưa phù hợp, giải pháp quy hoạch chưa mang tính khả thi cao thiếu sâu sát thực tế, hoặc còn chủ quan theo ý kiến chủ đầu tư… .

Là một tỉnh nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều điều kiện đặc thù về địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, do vậy phát triển đô thị bền vững luôn là vấn đề được quan tâm trên nhiều phương diện và trong từng lĩnh vực, với từng giai đoạn khác nhau. Quan điểm phát triển đô thị và đô thị bền vững của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 195/QĐ-TTg ngày 16/02/2012; Chương trình phát triển đô thị và nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011-2015 chương trình hành động chuyên đề của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết đại hội IX Đảng bộ Tỉnh và Nghị quyết XI của Đảng về quan điểm phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững.

Định hướng về Vĩnh Long phát triển đô thị và đô thị bền vững:

- Gắn quy hoạch tỉnh vào phát triển không gian của vùng ĐBSCL, giải quyết mối liên kết chung, phát huy thế mạnh của từng đô thị trong xu thế phát triển hài hòa của cả tỉnh xứng tầm khu vực. Quy hoạch, xây dựng các đô thị Vĩnh Long phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết chùm đô thị.

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống đô thị, phân bố một hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp. Kết hợp giữa cải tạo các đô thị cũ và xây dựng các đô thị mới để tạo thế cân bằng phát triển giữa các vùng và phù hợp với đặc thù phát triển giữa các vùng và phù hợp với đặc thù phát triển của từng vùng. Chú trọng phát triển khu vực trọng điểm theo hướng đô thị hóa để các điểm đô thị thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, điều chỉnh phân bố lại dân cư.

Phát triển đô thị và đô thị bền vững Vĩnh Long cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục triển khai và thực hiện các chương trình hành động chuyên đề của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết đại hội IX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết XI của Đảng và các kế hoạch của UBND tỉnh về cụ thể các chương trình hành động của Tỉnh ủy giai đoạn 2011-2015.

- Phát triển Vĩnh Long theo hướng đô thị bền vững theo các nguyên tắc cơ bản sau:

+ Ít xâm phạm đến môi trường tự nhiên;

+ Hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm môi trường;

+ Đảm bảo giữa việc phát triển dân số đô thị và môi trường phải hài hòa, cân bằng để phát triển kinh tế và văn hóa theo hướng đô thị phát triển bền vững.

- Rà soát quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết từ cách tiếp cận (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế,…) để phát triển đô thị theo định hướng phát triển bền vững. Từng bước xây dựng hệ thống đô thị có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đạt chuẩn tương ứng, tạo môi trường đô thị trong sạch, được phân bố và phát triển hợp lý trên từng địa bàn nhằm phát huy các thế mạnh để phát triển ổn định, bền vững và hoàn chỉnh kế hoạch sử dụng đất.

- Kết hợp chặt chẽ quá trình đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tập trung nguồn lực thích đáng cho việc đầu tư nâng cấp phát triển các đô thị nhỏ, thị trấn để giữ được vai trò đầu tàu hoặc làm nhiệm vụ trung tâm tăng trưởng cấp huyện, của một xã, hay của một cụm xã làm điểm tựa thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.

- Quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại của dân cư.

- Quy hoạch và hình thành các khu sản xuất – dịch vụ, các công trình kinh tế - xã hội, các khu nhà ở, khu tái định cư, các trục giao thông theo quy hoạch nhằm tạo động lực thúc đẩy, thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển đô thị và đô thị bền vững của tỉnh.

- Tập trung thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống, sự công bằng của mọi tầng lớp dân cư, cải thiện môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Xác định các chỉ giới đỏ và chuẩn bị quỹ đất xây dựng các hệ thống môi trường đô thị: công viên cây xanh, công trình công cộng cảnh quan, hệ thống thoát và xử lý nước, thu gom và xử lý rác thải,…

- Tăng cường công tác quản lý vai trò quản lý Nhà nước trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị.

- Công tác trật tự, an ninh và ổn định xã hội.

Giải pháp để Vĩnh Long phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững.

Phát triển bền vững về kinh tế:

- Xác định công tác quy hoạch luôn đi trước trong quá trình xây dựng, đầu tư và thực hiện quy hoạch, đảm bảo đầu tư theo quy hoạch. Quy hoạch có sự tham gia rộng rãi của công chúng và các bên liên quan, hợp nhất các ngành thay vì “mạnh ai nấy làm”…Trên cơ sở phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững cần được tính toán phù hợp với tiềm năng sẵn có và triển vọng phát triển của địa phương, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn tài nguyên: đất đai, nguồn nước, năng lượng và lao động đô thị.

- Phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững, phát triển nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn: Quan tâm giải quyết tốt vấn đề tam nông “nông nghiệp, nông thôn và nông dân” như là 3 trụ cột ở khu vực nông thôn. Đô thị hóa nông thôn, trên cơ sở duy trì mô hình nông thôn truyền thống, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, quản lý tốt môi trường sản xuất, hạn chế ô nhiễm từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm năng lượng, bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống.

- Tập trung cao cho phát triển công nghiệp sạch và tiểu thủ công nghiệp vùng trọng điểm nhằm tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.

Phát triển bền vững về xã hội:

- Quy hoạch xây dựng tạo nên sự hấp dẫn cho đô thị, đánh giá đúng điều kiện địa lý và nguồn tài nguyên, phát huy vị trí, chức năng và vai trò của từng đô thị; cân đối đất đai, cơ sở vật chất và tạo lập môi trường thích hợp cho người dân để tái tạo sức lao động cao nhất cho xã hội.

- Thực hiện tốt công tác tái định cư, phân bố hợp lý dân cư và lao động nhằm phát triển đồng bộ, giảm thiểu sự chênh lệch giữa đô thị - nông thôn, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới… Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhân dân và thúc đẩy quá trình đô thị hóa đồng bộ tại đô thị và nông thôn.

- Tập trung đầu tư phát triển cơ sở sản xuất, các khu, cụm công nghiệp và trung tâm thu hút lao động; Tập trung đào tạo nhân lực cho nông thôn thông qua các lớp khuyến nông, tạo điều kiện cho nông dân đa dạng hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát triển bền vững về môi trường:

- Quy hoạch phân vùng chức năng hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, chỗ làm việc, đi lại, nghỉ ngơi giải trí…

- Tạo dựng môi trường cảnh quan, môi trường văn hóa xã hội phù hợp với điều kiện địa phương và thể hiện rõ các giá trị vật chất và tinh thần của đô thị; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư đô thị về bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng thói quen phát thải dân cư đô thị tích cực (nhà vệ sinh tự hoại, tiết kiệm nước sinh hoạt và năng lượng, không thải rác ra sông rạch đường sá, phân loại rác…) kết hợp với tăng cường kiểm tra và xử lý hành chính về môi trường đô thị.

- Quy hoạch các khu sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, giải pháp xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt để hạn chế nhiễm bẩn nguồn nước mặt; tổ chức quản lý việc xả nước vào nguồn nước, thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

- Đẩy mạnh bảo vệ môi trường nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại trong nông nghiệp, nông thôn…vào các chương trình, dự án về quy hoạch bố trí dân cư nông thôn theo tiêu chí quy hoạch nông thôn mới.

Phát triển đô thị và đô thị bền vững là sự nghiệp của toàn dân, đảm bảo cơ chế dân chủ, công bằng xã hội, lấy khoa học công nghệ làm động lực, và con người là trung tâm của sự phát triển. Vĩnh Long phấn đấu phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế để phát triển vững chắc, đảm bảo nhu cầu hiện đại của người dân, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.


Nguồn Tạp chí Kiến trúc, số 5/2014

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)