Việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch,thiết kế và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ hai, 17/10/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đề Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay, đe doạ sự tồn vong của nhân loại trên trái đất. BĐKH đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của hầu hết các nước trên thế giới. Theo kết quả điều tra nghiên cứu và dự báo gần đây của Uỷ ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNIPCC) thì Việt Nam là một trong 5 quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nền nhất của BĐKH và nước biển dâng.
Nhận thức được những tác động của BĐKH đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/2008/QĐ - TTg ngày 2/12/2008 thành lập Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là xây dựng và cập nhật kịch bản BĐKH đối với Việt Nam. Tháng 6/2009, Bộ Tài nguyên và môi trường đã công bố kịch bản BĐKH đầu tiên của Việt Nam. Đây là những dự báo mang tính định hướng để các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với BĐKH. Theo đó, một số quan điểm của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH được xác định như sau:

- Ứng phó với BĐKH được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính hệ thống, tổng hợp, ngành, liên ngành, vùng, liên vùng, bình đẳng về giới, xoá đói, giảm nghèo.

- Các hoạt động ứng phó với BĐKH được tiến hành có trọng tâm trọng điểm; ứng phó với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài; đầu tư cho ứng phó với BĐKH là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững; ứng phó hôm nay sẽ giảm được thiệt hại trong tương lai.

- Các yếu tố biến đổi khí hậu phải được tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các cấp, các ngành, các địa phương cả trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tổ chức thực hiện…

Với những tính chất rộng lớn và đa lĩnh vực như vậy của các ảnh hưởng của BĐKH, bài viết này chỉ đề cập một phần tổng quan các vấn đề mang tính phương pháp luận trong việc nhận dạng các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Từ đó có những điều chỉnh hoặc có những ngoại lệ trong việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và  các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quy hoạch, thiết kế và quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Về mặt lý thuyết, các quy chuẩn, tiêu chuẩn này cũng cần được xem xét, cập nhật theo các kịch bản BĐKH quốc gia. Trong lúc chúng ta chưa làm được việc đó, thì việc cho phép áp dụng các ngoại lệ phù hợp với những thay đổi thực tế là điều cần thiết. Bởi thay đổi hay điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn là một vấn đề rất lớn cần có các điều tra, thống kê hiện trạng hiệu quả hoạt động của các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các điều tra xã hội học về mức độ tác động đến các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đối với những đô thị chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước biển dâng cũng với những biến động bất thường của thời tiết. Đồng thời cần tiến hành các điều tra xã hội học về sự suy giảm các ứng dụng hay hiệu quả dụng các công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có đối với cộng đồng  dân cư nói riêng và đối với đô thị nói chung.

2. Ảnh hưởng của BĐKH đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

BĐKH mang hai đặc trưng cơ bản là sự cực đoan của thời tiết và mực nước biển dâng. Sự cực đoan của thời tiết đó là sự vận động không tuân theo quy luật tự nhiên mà thể hiện sự biến đổi bất thường của các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, mưa, nắng, gió bão… Các yếu tố này có thể tập trung vào một khu vực bất kỳ và vào một thời điểm bất kỳ nào đó trong năm mà không theo quy luật thông thường. Chẳng hạn trận mưa có lưu lượng cực kỳ lớn và xảy ra trong thời gian dài gây nên những trận đại hồng thuỷ kinh hoàng (ở Ấn Độ, Bănglađét, Pakixtan…). Sự cực đoan của thời tiết còn thể hiện ở tình trạng khô hạn kéo dài  khiến nhiều khu vực trên thế giới phải đối mặt với hạn hán và sự thiếu nước nghiêm trọng (ở các nứơc châu Phi, châu Á…). Cả hai đặc trưng trên đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị nói chung và hệ thống tiêu thoát nước nói riêng. Hậu quả của quá trình trên là hầu hết các đô thị hiện nay đều phải đối mặt với nạn úng ngập, sạt lở đất. Các trận mưa kéo dài và có cường độ lớn vượt quá cường độ tính toán cho lũ của các con sông lên nhanh đe doạ sự an toàn của các con đê, đe doạ đến tính mạng và tài sản của người dân đô thị. Ngoài sự tương tác của các biến thiên về khí hậu không theo quy luật gây nên những bất lợi cho hoạt động của hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đã nêu ở trên, thì sự nóng lên của trái đất làm tan các tảng băng ở Bắc và Nam cực, làm giãn nở nước của đại dương dẫn đến mực nước biển dâng cao làm ngập các cửa xả, làm giảm khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước thành phố gây úng ngập dài ngày…Lũ lụt, nước biển dâng cao gây ách tắc giao thông, gây ngập các bãi chôn lấp rác thải, ngập hệ thống cống rãnh và các công trình xử lý nước thải…dẫn đến môi trường đô thị bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng khô hạn kéo dài làm cạn kệt các dòng sông gây nên sự xâm nhập của nước biển vào sâu trong đất liền. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình thu nước được xây dựng trên các con sông gần với cửa biển bị nhiễm mặn, hoặc dòng sông bị cạn kiệt không có đủ lưu lượng để cung cấp cho các nhà máy nước…

Tại Hội thảo quốc tế: Hà Nội thiên niên kỷ, thành phố quá khứ và tương lai (tổ chức tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội), nhiều báo cáo của các chuyên gia đã chỉ rõ những ảnh hưởng của BĐKH tại một số thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng… Gần đây nhất (tháng 12/2010) là một loạt các Hội thảo về BĐKH trong khuôn khổ dự án: Khảo sát đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với đô thị Việt Nam, cũng đã làm sâu sắc thêm những căn cứ khoa học về đánh giá những tác động của BĐKH đối với các đô thị Việt Nam. Kết quả điều tra khảo sát của đề tài nghiên cứu đã làm sáng tỏ thêm điều mà hiện nay nhiều người lo ngại về sự làm việc kém hiệu quả của các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị mà nguyên nhân là do tác động của BĐKH. Ngoài ra, còn nhiều Hội nghị quốc gia và quốc tế khác đánh giá và dự báo các ảnh hưởng của BĐKH đối với đô thị nói chung và hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói riêng. Các dự báo này được xây dựng dựa theo kịch bản dự báo gia tăng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

3. Vấn đề lồng ghép các kịch bản BĐKH và các nghiên cứu, điều tra khảo sát hiện trạng ảnh hưởng quy hoạch, thiết kế và quản  lý các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị

Kịch bản BĐKH của Việt Nam được Bộ Tài nguyên môi trường công bố tháng 6 năm 2009 dựa trên các kịch bản về phát thải khí nhà kinh toàn cầu theo 3 mức độ: phát thải thấp, phát thải trung bình và phát thải cao để đưa ra các dự báo về sự thay đổi của khí hậu ảnh hưởng đến nhiệt độ, chế độ mưa, mực nước biển dâng cho Việt Nam. Theo kịch bản này thì các BĐKH đối với nhiệt độ và lượng mưa được dự báo cho 7 vùng khí hậu, đó là: Tây bắc, Đông bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.

Các kịch bản về mực nước biển dâng cho Việt Nam được tính toán theo kịch bản phát thải thấp nhất (B1), kịch bản phát thải trung bình (B2) và kịch bản phát thải cao nhất (A1F1). Theo đó, mực nước biển dâng được dự báo theo các mốc thời gian các năm: 2020, 2030, 2040, 2050, 2060, 2070, 2080, 2090 và 2100. Kết quả tính toán theo kịch bản phát thải thấp, phát thải trung bình và phát thải cao cho thấy vào giữa thế kỷ 21 mực nước biển dâng thêm 28- 33cm và đến cuối thế kỷ 21 mực nước biển dâng thêm 65- 100cm so với thời kỳ 1980- 1999.

Với những thực tế như vậy, cần có những nghiên cứu đưa ra các ngoại lệ khi áp dụng các quy định trong các quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay. Bởi vì hầu hết các quy chuẩn, tiêu chuẩn này được xây dựng khi các vấn đề về BĐKH chưa được nghiên cứu nhiều và cũng chưa trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu như hiện nay. Ví dụ, nên xem xét lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế liên quan đến đánh giá, lựa chọn đất xây dựng đô thị, tính toán cốt nền xây dựng do ảnh hưởng của thuỷ văn, hải văn…Các vấn đề về quy hoạch bãi chôn lấp chất thải rắn, lựa chọn vị trí các công trình thu nước của hệ thống cấp nước đô thị, các công trình xử lý nước thải…Đặc biệt, vấn đề quy hoạch giao thông và quy hoạch thoát nước đô thị cần có những xem xét, điều chỉnh thích ứng với BĐKH và nước biển dâng. Điều này được cụ thể hoá ở chương III: Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật; chương IV: Quy hoạch giao thông; chương V: Quy hoạch cấp nước; chương VI: Quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang trong QCXDVN 01: 2008/BXD. Cũng tương tự như vậy là các quy định trong QCVN 07: 2010/BXD về hạ tầng kỹ thuật đô thị, cũng một số các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế khác theo kịch bản của BĐKH và nước biển dâng.

Về phương diện quản lý, chúng ta cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, kèm theo đó là các chế tài cần thiết để xử lý các hành vi vi phạm.Những văn bản này rất quan trọng thể hiện tính đồng bộ, tính hệ thống của công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhưng dường như các yếu tố ảnh hưởng của BĐKH chưa được đề cập một cách chính thức trong các văn bản đó. Mặc dù một số vấn đề nêu trên có thể đã được đề cập ở các văn bản riêng rẽ khác. Nhưng dù sao nếu được lồng ghép vào sẽ tiện lợi hơn khi thực hiện hay sử dụng chúng. Ví dụ: Các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị  và quy định về quản lý không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị… Vấn đề là nghiên cứu xem xét bổ sung, lồng ghép như thế nào các dự báo về ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành…

Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, các căn cứ để xem xét đề xuất áp dụng ngoại lệ là các nghiên cứu điều tra khảo sát hiện trạng và kịch bản BĐKH mà đã được các cơ quan có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, kịch bản BĐKH luôn được cập nhật hàng năm, do vậy các đề xuất này cũng phải được xem xét lại tương ứng.

Một khía cạnh khác cũng cần thiết phải đề cập tới, đó là những yếu tố tích cực có thể có của BĐKH và nước biển dâng đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Vấn đề này ít được đề cập trong các nghiên cứu hiện nay (kể cả một số điều tra khảo sát hiện trạng). BĐKH và nước biển dâng  là một thảm hoạ, nhưng trong một số lĩnh vực và trong những điều kiện cụ thể của phát triển kinh tế - xã hội thì nó lại là một cơ hội. Cơ hội đầu tư, cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất…Điều này đã được đưa ra tại Hội nghị quốc tế về BĐKH ở Copenhagen (Đan Mạch) và gần đây nhất tại Hội nghị Cancun (Mexico). Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp các khu vực trồng lúa nay bị ngập mặn có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, hải sản…Còn trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị điều đó là gì? Có thể chúng ta còn cần nhiều  nghiên cứu về vấn đề này. Chẳng hạn, vấn đè giao thông đô thị ở các thành phố ven biển, việc nước biển dâng cao có thể là cơ hội để phát triển tiềm năng giao thông đường thuỷ…

4. Kết luận

Để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng chúng ta đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của để xây dựng Kịch bản BĐKH ở cấp quốc gia, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều dự án trong nước và hợp tác quốc tế với nguồn kinh phí lớn. Kết quả các điều tra khảo sát hiện trạng, các nghiên cứu lý thuyết của các nhà khoa học có tâm huyết về ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị là công phu, có ý nghĩa thực tiễn và có độ tin cậy cao. Chính vì vậy, người viết bài này mong muốn có những đầu tư nghiên cứu tiếp, theo hướng ứng dụng các kịch bản, các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đó vào thực tiễn quy hoạch, thiết kế và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, không chỉ riêng lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Không nên để các kịch bản và các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án chỉ đơn thuần là nghiên cứu nằm trên giấy, rồi để trong tủ hồ sơ, tài liệu của cơ quan quản lý. Vì như vậy sẽ là một sự lãng phí chất xám rất lớn. Đó cũng là mong muốn của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học.

Nguồn: Tạp chí  Xây dựng số 8/2011.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)