Đề xuất mô hình quảng trường phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam

Thứ ba, 04/10/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ những đô thị cổ đại đến những đô thị hiện đại, quảng trường luôn hiện hữu như một yếu tố không thể thiếu trong không gian và đời sống cộng đồng đô thị. Trong không gian đô thị, cần đề cập đến vai trò quảng trường trong việc tạo dựng cảnh quan thành phố và định hướng không gian đô thị.

Cảnh quan thành phố là một chuỗi ấn tượng thị giác và những cảm thụ về hình ảnh liên hoàn trong sự chuyển động của con người, nhận được từ những thay đổi về kiến trúc, phong cảnh và đặc biệt về không gian đô thị. Những đường phố chật hẹp mang lại những cảm xúc khác với một không gian một quảng trường được mở bừng ra sau chỗ rẽ và như vậy, chúng đã tạo ra ấn tượng về một địa điểm. Qua đó, nó giúp con người định hướng, nắm bắt được cấu trúc không gian thành phố.

Hơn nữa, một cảm xúc mạnh mẽ sẽ xuất hiện khi có một dấu hiệu mạnh thu hút thị giác (một tượng đài, một cột biểu tượng, một không gian rộng mở hay một dấu ấn nào khác…) cho chúng ta ấn tượng về không gian hiện hữu ở đây và ý niệm về một không gian kế tiếp không gian mà chúng ta vừa tiến vào. Chính vì vậy, quang cảnh thành phố có thể chia tách ra thành 2 phần là quang cảnh hiện hữu và quang cảnh mới hiện. Một chuỗi những quang cảnh này tạo nên ấn tượng và  cảm xúc về thành phố và thúc đẩy sự hoạt động của cộng đồng. Trong các ví dụ trên, quảng trường luôn đóng một vai trò quan trọng, dù là các đô thị ở phương Tây, hay các đô thị ở phương Đông.

Còn trong đời sống cộng đồng, ở các nước phương Tây, quảng trường được coi giống như một “phòng khách” của thành phố. Cuộc sống và tính cách cởi mở, hướng ngoại khiến người ta thích gặp nhau nơi đông người. Ngày nay, đời sống đô thị hiện đại giúp họ có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm việc, người ta ra khỏi nhà, đến quảng trường để trò chuyện, tiếp xúc, hay chỉ để nhìn ngắm cuộc sống diễn ra xung quanh.

Người phương Đông có tính cách rụt rè và kín đáo hơn, thường có xu hướng thích quay quần với gia đình, người thân trong phòng khách hơn là gặp gỡ với người lạ ở những nơi đông người. Người Việt Nam ta cũng vậy, nhìn chung họ có thói quen du nhập lối sống ở thôn quê về thành thị. Quen với mảnh vườn và bờ dậu trước cửa hoặc sau nhà, họ cho rằng không gian công cộng kề cận với nhà mình là thuộc về mình. Họ duy dưỡng tình cảm và các mối quan hệ xóm giềng là nét đặc trưng của dân quê, do vậy họ ưa sử dụng vỉa hè trước nhà làm nơi giao lưu, thay vì bước ra quảng trường đô thị, như thói quen của người phương Tây.

Nhịp điệu cuộc sống công nghiệp hoá kèm theo lối sống đô thị bắt đầu tác động đến những mối quan hệ xóm giềng và những thói quen từ cuộc sông thôn quê, thay đổi dần cách suy nghĩ và dẫn tới những nhu cầu mới của người dân thành thị. Việc hình thành một quảng trường, xét về mặt văn hoá xã hội, có ý nghĩa tích cực đến sự thay đổi thói quen chiếm hữu không gian vỉa hè, tăng cường các giao tiếp xã hội và góp phần xây dựng bộ mặt mới cho các thành phố, đặc biệt các thành phố lớn.

Như vậy, ở phương Tây hay phương  Đông trong đó có Việt Nam, quảng trường đều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên không thể nói rằng một quảng trường ở châu Âu có thể trở thành mẫu mực ở châu Á hoặc một quảng trường ở đô thị châu Á thua kém quảng trường ở châu Âu về tổ chức không gian. Bởi quảng trường ngoài việc chịu ảnh hưởng của cấu trúc không gian đô thị, bản sắc đô thị, còn chịu tác động của văn hoá xã hội và kinh tế của mỗi quốc gia. Hơn thế, sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, khí hậu mỗi vùng, miền tất yếu chi phối một công trình công cộng không mái che như quảng trường, tác động tới hình hài và bố cục không gian của chúng.

Chính vì vậy, xác định một mô hình quàng trường phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam nhằm định hướng cho việc cải tạo, kiện toàn không gian kiến trúc các quảng trường hiện hữu, xây dựng các quảng trường mới là kỳ vọng và nỗ lực giải quyết của chúng tôi trong các nghiên cứu được tóm tắt sau đây.

Quan điểm về mô hình phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam

Tiết kiệm quỹ đất:

Quan điểm tiết kiệm quỹ đất sử dụng dành cho quảng trường đặc biệt cần thiết  đối với phần các đô thị cũ và các phần đô thị mở rộng từ đô thị cũ. Ngoài việc đảm bảo phù hợp với sự phát triển chậm của hạ tầng tại các đô thị, với điều kiện kinh tế, còn giải được các bài toán về vấn đề xã hội (như giải phóng mặt bằng) nảy sinh trong quá trình đô thị hoá ở Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm “tiết kiệm” không có nghĩa là giảm bớt diện tích quảng trường, theo chúng tôi, đó có thể là sự sử dụng kết hợp các công năng, hoặc sử dụng đồng thời theo nhiều lớp (ví dụ làm quảng trường bên trên các đường ngầm hay bãi đỗ xe ngầm…).

Sử dụng hỗn hợp:

Việc sử dụng hỗn hợp dễ thu hút được nhiều người đến quảng trường và cũng phù hợp với đặc tính của người phương Đông. Quan điểm của chúng tôi về  sử dụng hỗn hợp là tạo ra sự đa công năng của quảng trường, tạo điều kiện cho các hoạt động có chọn lọc. Ví dụ một quảng trường mang tính chất kỷ niệm, tôn vinh có thể được bổ sung công năng lưu niệm, bảo tàng… và bên cạnh các không gian dành cho hoạt động cộng đồng có thêm các không gian cho dịch vụ, bán hoa, sách báo… Ngoài tác dụng làm tăng số lượng hoạt động, còn tăng hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, quan điểm này cũng phù hợp với thực trạng các quảng trường ở đô thị Việt Nam hiện nay, khi chúng đang được sử dụng khá đa dạng, dù đó là tự phát.

Phù hợp khí hậu:

Là một không gian công cộng ngoài trời, điều kiện khí hậu có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động sử dụng quảng trường, đây cũng là những yếu tố làm nên sự khác biệt trong tổ chức không gian kiến trúc quảng trường ở các vùng khí hậu khác nhau. Việt Nam được chia làm 2 vùng khí hậu chính với 7 tiểu vùng, mỗi vùng có những đặc điểm riêng. Tuy nhiên, nhìn chung là nắng nóng mưa nhiều. Vì vậy, quảng trường cần được thông thoáng theo các hướng gió tốt (tùy theo từng vùng), chắn gío lạnh (ở vùng khí hậu phía Bắc) và che chắn hợp lý. Các yêu cầu này, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hình thái không gian kiến trúc quảng trường.

Phù hợp  với các không gian cộng cộng và quảng trường hiện hữu:

Ở các thành phố lớn hiện nay, chúng ta đang sở hữu một quỹ không gian  công cộng, quảng trường, dù không nhiều và còn dang dở, nhưng cũng góp phần định hình một cấu trúc không gian đô thị. Đó là những vườn hoa nằm trong lòng thành phố, những  mảng xanh ven hồ, dọc theo bờ sông, bờ biển rất dễ bắt gặp ở các đô thị Việt Nam, là những quảng trường hiện hữu trong đô thị…Quan điểm này nhằm hướng tới khả năng cải tạo, kiện toàn và biến đổi các quảng trường và không gian công cộng hiện hữu một cách thuận lợi nhất, dễ chấp nhận nhất từ phía người dân đô thị.

Phù hợp cấu trúc đô thị:

Quan điểm này luôn luôn đúng với tất cả các đô thị, không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các đô thị lớn ở Việt Nam, hiện đang thiếu một hệ thống quảng trường phù hợp với cấu trúc không gian của nó, thì quan điểm này nhấn mạnh tới góc độ tái lập, bổ sung vào hệ thống cấu trúc đó những quảng trường như nó phải có

Quảng trường mang tính văn hoá-  nghệ thuật:

Quan điểm này phù hợp với truyền thống Việt Nam, luôn tôn trọng đề cao tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, hướng tới xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó một yêu cầu đặc biệt đối với các quảng trường ở các đô thị lớn, nhất là các quảng trường trung tâm. Là tạo lập tính tư tưởng, tính văn hoá cho không gian quảng trường, bằng tổ chức không gian kiến trúc, bằng ngôn ngữ và phương tiện kiến trúc- nghệ thuật, xuất phát từ đề tài lịch sử, các danh nhân, các truyền thống của thành phố.

Xác định một mô hình quảng trường phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam.

Mô hình này, với tư cách là một chỉnh thể không gian- công trình, sử dụng vào mục đích công cộng, sẽ được xác định bởi chính mục đích sử dụng và hình thái không gian kiến trúc của nó. Để có một mô hình mang tính khái quát cao và đảm bảo sự đa dạng của quảng trường chúng tôi đưa ra những quy định về tổ chức giao thông, tỷ lệ giữa các thành phần, yêu cầu về hình thức kiến trúc, hay nội dung của các tác phẩm nghệ thuật… mà tìm ra những hình thái không gian phù hợp nhất, những mục đích và tính chất sử dụng phù hợp nhất theo các quan điểm đã đưa ra.

Xác định không gian quảng trường phù hợp: việc xác định hình thái không gian quảng trường phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam được dựa trên những loại hình thái chính là:

- Quảng trường có hình thái không gian định hình, là quảng trường được bao quanh bởi các công trình kiến trúc, có bố cục khép.

- Quảng trường có hình thái không gian định hướng là quảng trường có bố cục bởi công trình, nhóm công trình theo không gian mở định hướng.

- Quảng trường có hình thái không gian hạt nhân  là quảng trường mà không gian là một trật tự được xác định bằng một yếu tố “hạt nhân” chi phối không gian.

- Quảng trường có hình thái không gian nhóm là tập hợp các quảng trường mà mỗi quảng trường đơn lẻ đại diện cho một phần chưa hoàn thiện của một trật tự cao hơn.

- Quảng trường có hình thái không gian vô định hình là quảng trường không có cơ cấu và giới hạn cụ thể, nhưng có ít nhất một trong các yếu tố cấu thành.

Như vậy, hình thái không gian kiến trúc quảng trường phải phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam, được xác định là Định hướng và Hạt nhân.

Xác định mục đích và tính chất sử dụng quảng trường phù hợp:

Mục đích và tính chất sử dụng của quảng trường ảnh hưởng tới diện mạo kiến trúc, quiy mô và tỷ lệ quảng trường. Qua đó, nó tác động tới tính chất không gian quảng trường. Chính vì vậy, chúng tôi xem xét sự phù hợp về mục đích và tính chất  sử dụng của quảng trường theo các quan điểm đã đưa ra, đồng thời với sự phù hợp về hình thái không gian kiến trúc quảng trường. Như vậy, quảng trường có mục đích sử dụng, tính chất sử dụng phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam là: kỷ niệm- tôn vinh, nghỉ ngơi- giải trí và quảng trường giao thông.

Đề xuất mô hình quảng trường phù hợp:

Tuy nhiên cả 3 loại quảng trường trên, không có loại nào đáp ứng đầy đủ 5 quan điểm mà chúng tôi đưa ra. Trong đó, có thể nhận thấy, quảng trường giao thông, nếu chỉ sử dụng đơn thuần cho mục đích này sẽ mất hẳn đi vai trò của nó đối với các hoạt động cộng đồng. Các quảng trường khác, nếu cũng chỉ sử dụng đơn thuần cho mục đích này sẽ mất hẳn đi vai trò của nó đối với các hoạt động cộng đồng. Các quảng trường khác, nếu cũng chỉ sử dụng đơn thuần vào một mục đích sẽ không đáp ứng được quan điểm về tiết kiệm quỹ đất. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đề xuất mô hình quảng trường phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam sẽ là quảng trường kết hợp công năng trên, một mặt đáp ứng được tất cả các quan điểm mà chúng tôi đã đưa ra, mặt khác, cũng đa dạng hơn về hình thái không gian.

Mô hình quảng trường phù hợp với đô thị lớn ở Việt Nam

Bằng phương pháp loại trừ và suy luận logic khoa học, chúng tôi đã xác định được mô hình quảng trường phù hợp với các đô thị lớn ở Việt Nam. Đây là mô hình mang tính khái quát, được mô tả dựa trên sự khác biệt về hình thái không gian kiến trúc, về mục đích, tính chất sử dụng của quảng trường mới, cải tạo, kiện toàn không gian kiến trúc các quảng trường hiện hữu ở đô thị lớn Việt Nam mà vẫn đảm bảo sự đa dạng, tính cá biệt và quan trọng hơn là cái “hồn” của mỗi quảng trường.

Cũng cần phải nói thêm rằng, một đô thị, không phải chỉ có những quảng trường như mô hình đã đề xuất, chúng cần có nhiều quảng trường với các công năng khác nhau, đáp ứng các nhu cầu hoạt động cộng đồng khác nhau. Mỗi đô thị lớn, cũng rất cần có một quảng trường hành chính- chính trị, những quảng trường văn hoá công cộng khác. Vì vậy, mô hình chúng tôi đưa ra không phải và không thể áp đặt cho tất cả các quảng trường ở đô thị. Mô hình quảng trường phù hợp ở đây, nên hiểu rằng dùng để định hình cho không gian kiến trúc các quảng trường ở đô thị lớn Việt Nam, ở những vị trí nhất định. Và một ý nghĩa khác rất quan trọng, là sự định hướng cho quy hoạch mạng lưới quảng trường trong không gian đô thị, xác định những vị trí, tính chất sử dụng của hình thái không gian của chúng, nhằm đạt được sự chấp nhận của cộng đồng dân cư, cũng như của cơ thể đô thị.

 

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 52/2011.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)