Lựa chọn và phối kết cây xanh trong khu đô thị mới ở Hà Nội

Thứ tư, 09/11/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cây xanh với bất cứ đô thị nào cũng có vai trò quan trọng trong tạo lập môi trường sinh thái, trong tổ chức môi trường sống của con người và tạo lập cảnh quan đô thị.

Việc tổ chức hệ thống cây xanh, mặt nước có nhiều vai trò tác dụng lớn như: nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, tạo mỹ quan đô thị, điều hoà khí hậu, cải thiện đáng kể các loại ô nhiễm, ngăn bụi, giảm tiếng ồn, hạ nhiệt độ, giữ độ ẩm, tăng sự trao đổi ô xy… thoả mãn tâm sinh lý của dân đô thị.

Cây xanh ở Hà Nội là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc đô thị. Cùng với hệ thống mặt nước và công trình kiến trúc, cây xanh đã tạo nên nhiều cảnh quan đẹp và tạo ra môi trường vi khí hậu trong lành cho người dân Thủ đô Hà Nội. Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng nhiều khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thiết kế , xây dựng các không gian xanh trong các khu đô thị mới chưa được quan tâm đúng mức, cũng có những điều bất cập như: chưa có nghiên cứu thiết kế phối kết giữa các yếu tố tạo cảnh như: cây xanh, mặt nước và công trình kiến trúc nên tính nghệ thuật và thẩm mỹ chưa cao. Việc thiết kế, lựa chọn cây trồng không đa dạng dẫn tới không gian xanh trong các khu đô thị mới cũng đơn điệu. Việc thiết kế, tổ chức không gian, màu sắc hình khối, bố cục cây xanh, mặt nước chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ mật độ cây xanh trong khu ở cũng thấp, bố cục cũng đơn điệu. Trên vỉa hè trong các khu đô thị mới cũng rất ít cây, ở một số nơi trên đường phố cũng không có cây; cây trồng tự phát, tỷ lệ cây và lựa chọn cây chưa phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu ở cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Trên một số đường phố lớn, cây xanh chưa được thiết kế kết hợp với thảm trang trí, đôi khi cũng che khuất tầm nhìn của người đi lại. Một số cây xanh bị chết nên việc khôi phục và nâng cấp là hết sức cần thiết. Nghiên cứu thực trạng hệ thống cây trồng trong các khu đô thị mới ở Hà Nội hiện nay cho thấy: hệ thống cây trồng không được quy hoạch, thiết kế tuyển chọn và bố trí trên các cơ sở khoa học. Hệ thống cây xanh đang bộc lộ những yếu kém cả về hình thức, chất lượng cũng như trong công tác quản lý và bảo vệ cây xanh cũng còn nhiều bất cập.

Thông qua khảo sát đánh giá hiện trạng cây xanh trồng trong các không gian công cộng như: các công viên, vườn hoa, vườn dạo…của các khu đô thị mới tại Hà Nội có thể đưa ra những nhận xét về thực trạng cây trồng như sau:

 Sự đơn điệu trong tuyển chọn loài cây trồng

Nhìn danh mục hiện trạng các loài  cây xanh trồng ở các công viên vườn hoa, vườn dạo chúng ta chỉ thấy xuất hiện phần lớn các loài cây như: xà cừ, phượng vĩ, sữa, móng bò hoa tím. Ngay cả loài Cau Vua cũng trồng quá nhiều gây nên sự nhàm chán khi đến các công viên, vườn hoa. Những người trồng cây đó không hề chú ý đến đặc điểm sinh trưởng, giá trị sử dụng của  từng loại cây trồng. Ví dụ: xà cừ không phù hợp trồng ở vườn hoa, vườn dạo vì chỉ một cây xà cừ khi trưởng thành có thể chiếm một khoảng không gian lớn ảnh hưởng tới các cây trồng khác. Xà cừ chỉ thích hợp tạo bóng mát trên các đường phố lớn, có vỉa hè rộng. Phượng vĩ thích hợp trồng xen kẽ ở các khoảng trống. Phượng vĩ là loài cây ưa sáng mạnh và rụng lá vào mùa đông, nếu trồng dày hoặc ở nơi thiếu ánh sáng cây sẽ chậm phát triển và ít hoa. Tương tự như vậy, cây Sữa không nên trồng nhiều và nhất là trồng trong khu dân cư. Mùa hoa Sữa với nồng độ cao là một trong nguyên nhân gây nên viêm mũi nếu hít thở trong thời gian dài.

Bố trí phối kết giữa các loại cây trồng chưa phù hợp

Như chúng ta đã biết, cây gõ có cây cao lớn, cây nhỡ, cây nhỏ. Mỗi loài cây khi trưởng thành sẽ chiếm một khoảng không gian riêng. Do vậy, khi bố trí cây trồng không nến bố trí tập trung một loài cây trên một diện tích, nhất là ở công viên vườn hoa cần phải có sự bố trí phối cảnh và thay đổi cảnh quan tuỳ theo không gian.

Chất lượng, tiêu chuẩn cây trồng kém

Tiêu chuẩn cây xanh trồng trên đường phố và trong công viên, vườn hoa có những đặc điểm giống nhau nhưng cũng có những điểm khác nhau. Cũng vì vậy, số lượng loài cây trồng trên đường phố có hạn chế nhnưg số lượng loài cây trồng trong công viên, vườn hoa là rất đa dạng về loài cây, phong phú về hình dạng, màu sắc và giá trị sử dụng. Chúng ta không thể đưa một số loài cây trồng trên đường phố để trồng tràn lan trong các vườn hoa, công viên. Ở đây phải có sự tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định bố trí trồng các loài cây trong công viên, vườn hoa

Thiếu chăm sóc và nuôi dưỡng cây

Cây xanh trồng trong công viên, vườn hoa sau một thời gian phải có chế độ chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ. Việc chăm sóc này hướng tới sự hoàn thiện tạo vẻ đẹp cho công viên, vườn hoa, không chỉ riêng đối với cây bụi, cây hoa, cây viền, cỏ… mà cũng đối với những cây gỗ để tạo dáng và điều chỉnh cho cây. Hầu hết  cây trồng trong khu đô thị mới tại Hà Nội đều có xu hướng phát triển tự nhiên, ít có sự chăm sóc bởi bàn tay con người. Ở những công viên, vườn hoa yêu cầu cần có tính nghệ thuật cao, cần có những tác động điều chỉnh, tạo dáng trước khi cây bước vào giai đoạn sinh trưởng, phát triển ổn định.

Như vậy, công tác thiết kế và bố trí trồng cây xanh trong các khu đô thị mới tại Hà Nội cần được thể hiện cao tính phong phú về mỹ thuật, tính nhân văn phù hợp với đặc điểm sinh thái, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan. Trong điều kiện không tốn quá nhiều công sức và tốn kém về kinh tế để tạo dựng hệ thống cây xanh trong khu đô thị mới, đó là điều cần quan tâm trong công tác quy hoạch và thiết kế.

Việc thiết kế hệ thống cây xanh trong các khu đô thị mới phụ thuộc vào mối quan hệ giữa không gian kiến trúc và cây xanh đô thị, tuỳ từng khu vực chức năng có giải pháp thiết kế cây xanh, mặt nước khác nhau phù hợp với từng tính chất của khu vực. Từ đó, chúng ta sẽ lựa chọn giải pháp bố cục, phối kết cây xanh sao cho phù hợp với cảnh quan chung của khu vực.

Một số hình thức  bố cục và phối kết, chọn lựa cây xanh đề xuất trong các khu đô thị mới:

- Hình thức phối kết cây độc lập:

 Cây xanh có thể được bố trí độc lập trong không gian, do đó chúng thường là loại cây có hình dáng tương đối độc đáo, có khả năng thu hút sự cảm thụ thị giác. Cây độc lập trong thiết kế cây xanh đô thị thường được bố trí làm trung tâm bố cục phong cảnh và kiêm luôn cả cận cảnh do cây có thể cho phép quan sát ở khoảng cách gần (cây thân gỗ thấp hoặc cây bụi, cây cảnh được cắt xén theo các khối hài hoà với công trình). Cây độc lập có khả năng tham gia tích cực vào việc tổ chức bố cục kiến trúc đô thị.

Đối với các vườn nhỏ trong các khu đô thị mới, ở các khu vực chức năng, cây độc lập thường là lại cây nhỏ- cây cảnh, có giá trị trang trí, nhấn mạnh, tôn tạo kiến trúc và làm mềm mại những đường nét khô cứng của kiến trúc công trình. Đối với công trình, nhưng cây đứng độc lập, kết hợp với màu sắc, tán lá có tác dụng phân chia lại nhịp điệu của kiến trúc công trình giúp cho cảnh quan kiến trúc công trình hài hoà và có tỷ lệ đẹp hơn.

- Hình thức phối kết theo nhóm cây:

Bao gồm một số cây được tổ hợp trong một bố cục trọn vẹn, có khả năng tổ chức bố cục thẩm mỹ như cây độc lập. Các nhóm cây có thể tổ hợp nhiều loại cây khác nhau trên cơ sở một cây chủ đạo, tạo thành một bố cục thống nhất với hình dáng và màu sắc đa dạng, làm cho không gian thêm minh động. Ngoài ra, nhóm cây có thể sử dụng để tạo đường viền, khung phong cảnh, điều chỉnh hướng nhìn, hay có thể theo một ý đồ nhất định như: khép kín, mở, chắn tầm nhìn, báo hiệu điểm rẽ hoặc điểm kết thúc trục đường.

- Hình thức phối kết theo hàng cây:

Là các cây được trồng theo một tuyến đường cách nhau một khoảng nhất định (theo yêu cầu chức năng và điều kiện sinh trưởng của cây). Hàng cây có thể được trồng theo các đường thẳng, tròn, cong hoặc tự do. Hàng cây có tác dụng nhấn mạnh trục tổ hợp chính, điều chỉnh hướng thụ cảm thị giác của người quan sát, tạo nhịp điệu phân vị trí bề mặt công trình. Tuỳ  khoảng cách bố trí giữa các cây trong hàng mà hàng cây có loại thưa và dày.

Hàng cây che bóng mát thường trồng dày theo kiểu ô cờ, tạo hiệu quả che nắng cao, nhưng những mảng cây này có thể sẽ che chắn tầm nhìn, hạn chế wj cảm thụ về cảnh quan. Do vậy, khi thiết kế nhưng mảng cây này phải đặt đúng vị trí để không che chắn vẻ đẹp của công trình.

- Hình thức phối kết theo cây làm tường:

Thường là những cây bụi, được cắt tỉa và có độ cao  từ 2,5m trở lên, dùng để bao kín một không gian, chia cắt không gian một cách tự nhiên, tạo điều kiện tổ chức các không gian đóng- mở linh hoạt theo các yêu cầu những chức năng cụ thể.

- Hình thức phối kết theo hàng rào:

Là loại tường cây xanh có chiều cao từ 0,5- 2,5m, thường được cắt tỉa theo các hình học, được sử dụng để trang trí hoặc phân chia không gian một cách ước lệ. Hàng rào cây xanh có thể kết hợp tạo thành các hình khối hài hoà với công trình, tạo khả năng chuyển tiếp các công trìinh kiến trúc với thiên nhiên.

- Hình thức phối kết theo đường viền:

Là hàng cây bụi cao < 0,5m, thường được sử dụng để làm viền bồn hoa, làm đường bao, các dải trang trí và làm nền cho màu sắc của hoa. Các đường viền cây xanh chủ yếu phân chia không gian một cách ước lệ, không cần tầm nhìn, do đó rất thích hợp với những không gian công cộng.

- Hình thức phối kết theo mảng cây xanh:

Là khu vực tập trung cây xanh trên một diện tích nhất định theo nhiều hàng hoặc trồng tự do. Mảng cây xanh không chỉ có tác dụng điều chỉnh bố cục dodo thị, che đi những không gian thiếu thẩm mỹ, mà cũng có hiệu quả cao về mặt sinh thái, điều chỉnh chế độ vi khí hậu khu vực.

- Hình thức phối kết theo dàn cây leo:

Trong cảnh quan đô thị vừa có tác dụng trang trí, vừa có tác dụng tạo bóng mát, tạo thoáng. Trong đô thị, giàn cây leo thường được tổ chức ở nhữg khu nghỉ, dừng chân hoặc bãi để xe, có tác dụng che nắng, tạo nét mềm mại, sinh động trong không gian, đáp ứng tốt nhu cầu tâm sinh lý người dân đô thị.

- Phối kết theo thảm cỏ:

Là một yếu tố trang trí và tạo vi khí hậu cần thiết trong kiến trúc phong cảnh đô thị. Trong thiết kế cây xanh đô thị thường dùng hai loại cỏ: cỏ trang trí và cỏ hoàn thiện bề mặt địa hình.

- Phối kết với hoa:

Là yếu tố được trang trí và giáo dục thẩm mỹ  cao, có tác dụng hoàn chỉnh bố cục, nhấn mạnh trọng tâm. Do vậy, thường được kết hợp với những không gian nhỏ, tạo tác phẩm nghệ thuật tạo hình hoặc tạo điểm nhấn chủ đạo trong không gian. Không gian hoa được bố trí ở những nơi như quảng trường, nơi giao lưu cộng đồng, khu nghỉ…

Nhu cầu phát triển đô thị đòi hỏi phải trồng nhiều cây xanh bóng mát. Ngàoi tác dụng tạo bóng mát nó còn có tác dụng tạo cảnh quan đẹp, cải thiện và bảo vệ môi trường. Cây xanh bóng mát trong các khu đô thị mới ở Hà Nội phải đạt những tiêu chuẩn sau:

Cây phải là loài cây thích nghi được với đặc điểm điều kiện tự nhiên và môi trường Hà Nội, là cây gỗ sống lâu năm, cây thân thẳng, không có gai, không có nhựa mủ độc, cây có thớ gỗ dai và khó gãy cành. Tán lá cây phát triển, cành toả đều cho nhiều bóng mát, cây chịu được việc tỉa cành, cắt xén.

Đề xuất lựa chọn laọi cây trồng trong các Khu đô thị mới ở Hà Nội:

- Cây trồng độc lập: trong các Khu đô thị mới tại Hà Nội  có thể chọn trong số 4 loài cây sau: đa lông, đa tía, đa búp đỏ, bồ đề.

- Cây trồng theo hàng tạo cảnh quan: dầu rái, kim giao, bách xanh, ngọc lan.

- Cây trồng ven hồ, mặt nước: lộc vừng, bụt mọc, liễu.

- Cây gỗ tạo cảnh: vàng anh, sau sau, lan tua.

- Cây gõ nhỏ có hoa đẹp: hoa ban, móng bò hoa tím, muồng hoàng yến, muồng hoa đào, thàn mát, bằng lăng, vông nem.

- Cây gỗ có dáng đẹp: bách tán, trắc bách diệp, sến xanh, ngọc lan vàng, sanh.

Ngoài ra , trong các khu đô thị mới có thể bố trí  những cây thân gỗ họ cau dừa như: cau bụng, cau xẻ, cau lùn, cau cảnh vàng.

Như vậy, việc nghiên cứu lựa chọn  và bố cục cây xanh trong các khu đô thị mới tại Hà Nội có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong việc hình thành bộ mặt nghệ thuật kiến  trúc cảnh quan của các khu đô thị mới. Thông qua việc nghiên cứu lựa chọn, bố cục cây xanh sẽ phát huy tính hiệu quả, tính thẩm mỹ cũng như phát huy hết hiệu suất sử dụng của cây xanh để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí của người dân.

 

 Nguồn: Tạp chí Quy hoạch, số 53/2011.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)