Đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị khu phố Pháp Hải Phòng trong phát triển đô thị

Thứ sáu, 11/10/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo tiến trình phát triển lịch sử, các đô thị tổng hợp dưới thời Pháp thuộc như Hà Nội, Sài Gòn - Gia Định, Hải Phòng đã hình thành hệ thống các công trình kiến trúc khá hoàn chỉnh, được xây dựng quy mô với chất lượng kiến trúc - nghệ thuật cao. Đô thị hoá và phát triển nhanh đã làm cho nhiều di sản bị ảnh hưởng, bị xâm hại hoặc biến mất, làm mai một các giá trị tinh thần của cộng đồng. Việc nghiên cứu, đánh giá các giá trị của di sản để bảo tồn, duy trì sự phát triển tiếp nối của di sản trong phát triển đô thị là rất cần thiết tại thời điểm hiện tại. Đánh giá đúng tiềm năng di sản đô thị hiện có sẽ là cơ sở để xác định và đề xuất các giải pháp bảo tồn thích hợp, có tính thực tiễn cao cho các khu phố cổ, cũ của các đô thị Việt Nam - trong đó có Khu phố Pháp ở Hải Phòng (KPP HP).

PHƯƠNG PHÁP LUẬN BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ CỦA NAHOUM COHEN


Theo lý thuyết Quy hoạch bảo tồn và trùng tu đô thị của KTS Nahoum Cohen, trong giai đoạn đô thị hóa, quy hoạch với tư cách là một hệ thống sẽ liên quan nhiều hơn tới việc bảo tồn mạng lưới đô thị truyền thống. Thông qua việc bảo tồn trên quy mô đô thị, sẽ củng cố công tác quy hoạch và đề xướng cơ sở logic cho việc nghiên cứu quy hoạch tổng thể. Công việc bảo tồn trên quy mô đô thị và khu vực không độc lập với việc quy hoạch đô thị vì chúng cộng sinh với nhau. Để thiết lập phương pháp luận bảo tồn, cần kết hợp chặt chẽ việc bảo tồn đô thị trong môi trường quy hoạch ngay từ khi đang được thai nghén. Do vậy, bảo tồn có tác động tích cực trong quy hoạch tổng thể, không chỉ đối với những địa điểm bảo tồn mà cả trong việc nghiên cứu các khu vực khác của đô thị.


Phương pháp luận bảo tồn sẽ sử dụng những dữ liệu gốc đã được nghiên cứu, đặc điểm cấu trúc đô thị và kết quả đánh giá tiềm năng bảo tồn. Sử dụng phương pháp khoa học để bảo tồn một cách đúng đắn di sản đô thị - vốn rất tinh tế và rất dễ bị làm hư hỏng hay sai lệch các đặc trưng hình thành qua nhiều thế kỷ - sẽ tác động đến sự phối kết đô thị và liên quan đến quy hoạch đô thị mới. Quy hoạch mới bắt buộc phải tính đến những liên kết từ các yếu tố đô thị trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tài liệu gốc cho khu vực bảo tồn đô thị chủ yếu được sử dụng như một phương tiện trợ giúp cho việc ra các quyết định bảo tồn. Việc vẽ bản đồ khu vực bảo tồn sẽ giúp đánh giá tổng thể và chi tiết về quy mô của công tác bảo tồn vì không thể thực hiện bảo tồn mà không có cơ sở.


Những cấu trúc chính tạo nên đô thị cần được xác định và lựa chọn để bảo tồn hay nghiên cứu. Việc phân loại sẽ được bắt đầu với mạng lưới chung của đô thị, sau đó là các khu vực và khu đất - kể cả các quảng trường và đường phố - sẽ được định vị và đánh dấu trên bản đồ. Các thành tố đô thị này được liên hệ với môi trường địa lý nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng. Những đặc điểm nhận dạng các cấu trúc đô thị được đề xuất trong quá trình bảo tồn gồm có: Mạng lưới chính; các khu vực; các khu đất; phân chia đất; yếu tố cơ bản; yếu tố thứ cấp; yếu tố tự nhiên. Mỗi một yếu tố trên cần được mô tả đặc điểm nhận dạng, quy mô và các kích thước cơ bản của chúng.



Bảng 1: Tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản đô thị trong KPP Hải Phòng
 

PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ THÍCH HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM


Trong điều kiện Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ các bản chất của di sản đô thị để xây dựng phương pháp đánh giá thích hợp. Các yếu tố chính cần quan tâm gồm có:


+ Xác định đối tượng cần bảo tồn, khu vực cần bảo tồn: di sản đô thị được nhìn nhận trong sự tồn tại gắn bó của nó với đời sống xã hội. Trong nhiều trường hợp, sự gắn bó này đã trộn lẫn yếu tố cũ - mới trong lịch sử tồn tại của một di sản. Đối tượng di sản cần bảo tồn có thể là công trình vật thể (chính) và các hoạt động bên trong và xung quanh (cộng sinh). Phạm vi nghiên cứu để xác định đối tượng/khu vực cần bảo tồn cũng được mở rộng hơn, xuất phát từ thực tế đời sống và nhận thức về di sản đô thị đã có sự tiếp biến từ di tích sang quần thể di tích rồi tiến tới di sản đô thị. Đối tượng cần bảo tồn có thể là sự đa dạng về loại hình và phong cách kiến trúc; hình thái tuyến phố; cảnh quan đặc trưng; cấu trúc mạng đường phố; diện mạo đô thị chung; sự chuyển hóa và tiếp biến về hình thái giữa các khu vực đô thị; các hoạt động sống của cộng đồng.


+ Tìm dữ liệu gốc, phân tích dữ liệu gốc để xác định các thành phần cần bảo tồn: Ở các đô thị Việt Nam, ranh giới giữa di sản và các khu vực khác của đô thị thường bị xóa nhòa bởi quá trình phát triển đô thị, sức ép từ sự gia tăng dân số và công tác quản lý thiếu chặt chẽ. Sự pha trộn nhiều phong cách, kiểu dáng cũng làm cho việc xác định các dữ liệu gốc về kiến trúc, đô thị khó khăn hơn. Việc xác định các kỹ thuật xây dựng, các loại vật liệu được sử dụng trong quá khứ cơ bản thông qua việc khảo cổ, khảo sát tỉ mỉ hiện trạng di sản có thể cho phép nhận diện về lịch sử và truyền thống xây dựng. Trong trường hợp di sản có sự chồng lớp về xây dựng nhiều lần do trải qua nhiều lần trùng tu thì việc khảo sát và phân tích chính xác các lần thay đổi này sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng thể về di sản.


Khi lịch sử đô thị tất yếu đã có một quá khứ phát triển lâu dài thì sự đa dạng của các phong cách kiến trúc là điều hiển nhiên. Việc xác định các phong cách kiến trúc sẽ cho phép thống kê được sự đa dạng của các phong cách qua các thời kỳ (nếu có). Thông qua phong cách kiến trúc hiện diện cụ thể ở các công trình, có thể đoán biết và phân tích được những thay đổi của xã hội, con người và các điều kiện tự nhiên qua các giai đoạn lịch sử.


+ Đánh giá tiềm năng bảo tồn: việc đánh giá tiềm năng bảo tồn cần được tiến hành trên phạm vi tổng thể đô thị, rồi tới các cấu trúc thành phần đô thị, các khu vực đô thị đặc thù, các công trình/cụm công trình cụ thể. Việc đánh giá tiềm năng bảo tồn từng công trình/cụm công trình cần được thực hiện dựa trên các tiêu chí chính về giá trị lịch sử - niên đại, phong cách và nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật và vật liệu, chức năng hoạt động, tình trạng công trình... Bên cạnh các yếu tố hữu hình, có thể định lượng cụ thể, còn có các yếu tố vô hình, định tính, như các hoạt động đô thị, các nguồn lực kinh tế - xã hội hỗ trợ cho công tác bảo tồn. Các yếu tố này cũng rất quan trọng và cần được xác định chính xác nhất trong khả năng cho phép, để có thể xác định tính khả thi của công việc bảo tồn. Các nguồn lực kinh tế - xã hội bao gồm: Nguồn lực từ khu vực Chính phủ; Nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ; Nguồn lực từ các doanh nghiệp; Nguồn lực từ du lịch; Nguồn lực từ khu vực tư nhân.


Công tác bảo tồn di sản thường phải phụ thuộc vào chính quyền và các nguồn nhân lực/vật lực từ bên ngoài. Do những mục tiêu sâu xa và dài hạn mà người dân ít có có cơ hội tham gia và kiểm soát quá trình bảo tồn. Các di sản đô thị cần được bảo tồn, cải tạo và trở thành những thành phần bình đẳng trong các đô thị hiện đại.  Quan điểm về bảo tồn và phát triển tiếp nối các di sản đô thị của GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, các di sản không chỉ cần bảo tồn, mà còn cần được tiếp tục sử dụng, tiếp tục phát triển, chính sự khơi dòng chảy liên tục cho cuộc đời kiến trúc của mỗi đô thị là sự đảm bảo cho các di sản của nó tồn tại mãi mãi trong sự cân bằng bền vững, loại bỏ mâu thuẫn đối kháng giữa bảo tồn và phát triển.



Hình 2:  Bản đồ phân vùng đánh giá tiềm năng bảo tồn  trong KPP Hải Phòng


Hình 3: Bản đồ phân loại  các thành phần đô thị theo tiềm năng di sản
 

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ DI SẢN KHU PHỐ PHÁP HẢI PHÒNG


Sự phát triển của đô thị có thể là những thách thức đối với công tác bảo tồn di sản đô thị, đồng thời cũng là cơ hội. Trong lúc không phải di sản nào cũng được công nhận giá trị xác đáng, thì nhà quản lý và hoạch định phải có sự hiểu biết và sáng suốt để biến những thách thức do sự phát triển trở thành những cơ hội để di sản tham gia vào sự phát triển của đô thị.


Những thách thức lớn đối với bảo tồn di sản đô thị trong KPP HP gồm có:


- Đô thị hoá khu vực trung tâm với việc tăng mật độ, xen cấy các công trình cao tầng (đã xảy ra).

- Chuyển đổi chức năng các công trình di sản: một số khách sạn, biệt thự cũ bị chuyển đổi chức năng, bị phả bỏ thay thế bằng các dự án nhà cao tầng.


- Kiểm soát đô thị thiếu chặt chẽ: chính quyền đã cấp phép xây dựng cho các công trình có khối tích và hình thức xa lạ với khu phố Pháp như khách sạn Hoàng Long, tòa nhà văn phòng Central...


- Cải tạo và trùng tu sai phương pháp: do thiếu thông tin gốc, việc nghiên cứu không đầy đủ và bài bản, thiếu chặt chẽ khi phê duyệt và cấp phép xây dựng, cải tạo, trùng tu...


- Thương mại hóa quá mức: làn sóng đầu tư kiếm lợi nhuận từ bất động sản đã tạo ra mâu thuẫn lớn giữa bảo tồn di sản và phát triển nóng. Ngay cả khi nhìn nhận mâu thuẫn này một cách nhẹ nhàng hơn dưới góc độ bảo tồn tiếp nối, thì cũng rất khó chấp nhận việc thương mại hóa quá mức sẽ làm di sản bị biến mất và thay thế bằng các công trình mới mang lại lợi nhuận cao hơn.


- Chưa có kế hoạch bảo tồn di sản đô thị bài bản, thiếu hành lang pháp lý: đến tháng 9/2012, chính quyền Thành phố mới chỉ công nhận 03 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc là di tích cấp Thành phố (theo quyết định số 177/QĐ-UB ngày 28/01/2005) là quá ít ỏi và không tương xứng với quy mô, giá trị của khu phố Pháp Hải Phòng.


Để có định hướng và giải pháp bảo tồn phù hợp, cần xác định chính xác đặc trưng của di sản kiến trúc - đô thị Việt Nam nói chung và KPP HP nói riêng. Phương pháp luận bảo tồn di sản đô thị - vốn được KTS Nahoum Cohen xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các đô thị châu Âu và Cận Đông - cần được điều chỉnh cho phù hợp với các đặc điểm và tính chất của di sản đô thị Việt Nam. Việc lượng hóa một khái niệm định tính trừu tượng là “tiềm năng di sản” thành tỷ lệ % (để có thể phân loại so sánh giữa các địa điểm) được thực hiện bằng cách đánh giá theo 5 tiêu chí tương đối “thô” với độ chính xác không cao (mỗi tiêu chí có phổ điểm rộng từ 0% đến 20%). Để việc đánh giá đạt được độ chính xác, tin cậy cao hơn, cần xây dựng một hệ tiêu chí chi tiết và đồng đều hơn gồm 20 tiêu chí - sát với đặc trưng đô thị Việt Nam. Tổng điểm của từng tiêu chí so với số điểm tối đa (100đ) sẽ biểu thị tương đối chính xác (bằng tỷ lệ %) tiềm năng di sản của khu vực/địa điểm đó.



Bảng 4: Tổng hợp kết quả đánh giá tiềm năng bảo tồn các cấu trúc


Bảng 5: Tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản kiến trúc trong KPP Hải Phòng
 

 

ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG BẢO TỒN DI SẢN ĐÔ THỊ TRONG KHU PHỐ PHÁP HẢI PHÒNG

Để đánh giá tiềm năng bảo tồn cho KPP HP một cách tương đối chính xác thì cần chú ý ba yếu tố sau:


+ Cách thức sử dụng đất đai: phân chia lô đất vuông vắn, các không gian công cộng trên các đường phố (vườn hoa, điểm dừng chân…), quảng trường và các thành phần chức năng cơ bản (khu hành chính, thương mại, văn hóa, sản xuất…), nhà ở thường theo kiểu nhà biệt thự làm nên cấu trúc đô thị hoàn chỉnh. Đây là yếu tố quan trọng cần chú ý trong việc bảo tồn cấu trúc đô thị.


+ Phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, vật liệu của các cụm công trình và công trình lịch sử: các công trình đô thị có giá trị bảo tồn cần phải liên hệ với nhau thông qua ngôn ngữ của các phong cách kiến trúc, hoặc có chung các đặc điểm kỹ thuật, vật liệu đặc trưng mới có thể tạo nên các giá trị riêng của mình. Ở KPP HP có 2 yếu tố cần quan tâm: các phong cách kiến trúc và kỹ thuật xây dựng. Cần đánh giá đúng tiềm năng bảo tồn của cấu trúc tổng thể đô thị khu phố Pháp - vốn dĩ khá hoàn chỉnh trong sử dụng và phong phú về nghệ thuật kiến trúc, thẩm mỹ - nên rất cần được bảo tồn. Không nên phá vỡ các cấu trúc này bằng cách xen cấy các công trình mới không hài hòa về phong cách, tỷ lệ, hình thức… với các công trình, không gian sẵn có.


+ Cách thức hoạt động và sử dụng các địa điểm: hoạt động đô thị trong KPP HP cần được xem như một tiềm năng bảo tồn. Đề cập đến cách thức sử dụng của một đô thị nghĩa là xác định vai trò của nó trong việc tổ chức hoạt động cho người dân. Vấn đề này cần được xác định cụ thể cả về chất (định tính) và lượng (định lượng). Những đánh giá thuộc về định lượng có thể thông qua cường độ sử dụng các công trình, để đánh giá các hoạt động nổi trội của đô thị, từ đó đi đến quyết định bảo tồn những địa điểm có tính đặc trưng nhất về hoạt động (sử dụng). Những đánh giá về mặt định tính khó hơn nhiều bởi liên quan đến vị thế của địa điểm, các giá trị văn hóa, lối sống đặc thù của các khu vực đô thị cần được bảo tồn.


Đánh giá đúng tiềm năng bảo tồn này có thể giúp duy trì các hoạt động sống đặc thù của người dân ở đây, làm cho các địa điểm lịch sử có được đời sống lâu dài trong đô thị hiện đại - điều mà quy hoạch đô thị chưa và không thể làm được.


KPP HP cần được phân lập thành 5 khu vực đặc thù: 1/ Khu Nam sông Cấm; 2a/Các ô phố dọc trục Điện Biên Phủ; 2b/Các ô phố dọc trục Đinh Tiên Hoàng - Hoàng Văn Thụ; 3/Khu phố bản xứ cũ; 4/Trục cảnh quan trung tâm và 5 không gian cảnh quan đô thị đặc thù gồm: dải vườn hoa trung tâm; quảng trường nhà hát thành phố; bến Bính; vườn hoa Lạc Long; sông hồ trong nội thị.


Mỗi khu vực này sẽ được xác định đặc điểm, giá trị, soi chiếu vào hệ tiêu chí đánh giá được xây dựng như bảng 1 để có kết quả về tiềm năng di sản của từng khu vực và tổng thể đô thị KPP.


Để đánh giá tiềm năng di sản ở cấp độ vi mô, cần chia ô nhỏ hơn để khảo sát. Phương thức chia ô vuông như một số nghiên cứu khác đã làm là ví dụ tham khảo tốt về phương pháp thực hiện. Song đối với KPP HP, việc khảo sát theo lưới ô vuông một cách cơ học có thể không phản ánh đúng sự phân bố tiềm năng trong khu vực. Do đặc thù văn hóa sinh hoạt mà các hoạt động đô thị ở Việt Nam thường diễn ra dọc theo đường phố, cho nên việc khảo sát với trọng tâm là các địa điểm/không gian công cộng quan trọng (đường phố, quảng trường,..) sẽ xác thực hơn, phù hợp với thực tiễn hơn. Sau khi tiến hành khảo sát theo từng ô phố, kết quả đánh giá tiềm năng di sản của các ô phố trong KPP HP (đã tích hợp kết quả khảo sát và điều tra xã hội học, tuy nhiên cần có thời gian để xử lý thông tin kỹ hơn) được thể hiện trong hình 3.


Xây dựng hệ tiêu chí để xác định tiềm năng di sản của từng công trình kiến trúc thời Pháp thuộc trong khu phố Pháp như bảng 4. Kết quả đánh giá các công trình sẽ tích hợp với kết quả đánh giá các khu vực đặc thù để có kết quả đánh giá tổng hợp tiềm năng di sản kiến trúc - đô thị theo hướng tích hợp các giá trị di sản đô thị và di sản kiến trúc.


Với phương pháp tiếp cận về bảo tồn di sản đô thị đã được mở rộng, kết hợp với xây dựng hệ tiêu chí đánh giá phù hợp trong điều kiện Việt Nam và Hải Phòng, các thành tố của đô thị, các công trình kiến trúc, các hoạt động đô thị đều được quan tâm đánh giá với kết quả cho thấy KPP HP có tiềm năng bảo tồn tương đối cao. Kết quả đánh giá là cơ sở để đề xuất các nhóm giải pháp cơ bản bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc - đô thị trong KPP HP.

 

KẾT LUẬN


- Phương pháp đánh giá tiềm năng di sản đô thị là cách tiếp cận mới về bảo tồn đô thị trong thời hiện đại (khác với bảo tồn di tích vốn bảo tồn tuyệt đối các giá trị nguyên gốc của công trình, bảo tồn di sản đô thị có độ mở hơn và phạm vi tác động cũng rộng hơn). Phương pháp này bao trùm đối tượng rộng lớn là đô thị và cho phép công tác bảo tồn đô thị song hành với phát triển các hoạt động mới của đô thị nhưng vẫn lấy các cấu trúc tổng thể và thành phần của đô thị làm đối tượng bảo tồn. Các công trình lịch sử có giá trị được thống kê là di sản đô thị sẽ trở thành tài sản vô giá để gắn kết - phát triển du lịch di sản và du lịch văn hóa.


-  Áp dụng phương pháp này cho bảo tồn các khu phố lịch sử của đô thị truyền thống Việt Nam với đặc điểm thường gặp là: đô thị có khu phố của người Việt và khu phố Pháp thời thuộc địa chứ không hoàn toàn bao trùm cả thành phố như ở châu Âu. Các đô thị như Hà Nội hay Sài Gòn - Gia Định có khu phố Việt và khu phố Pháp giãn cách với nhau một cự ly nhất định, hoặc như trường hợp Hải Phòng thì hai khu phố này lại phát triển tiếp cận rồi giao thoa và hài hòa với nhau. Chính vì vậy mà việc khảo cứu cấu trúc khu phố, phân chia các cấu trúc thành phần theo tuyến phố, lô phố và ô phố rất cần được nghiên cứu như một đặc thù của các đô thị truyền thống Việt Nam.


- Cần xem xét để áp dụng phương pháp này cho KPP HP với những đặc trưng  riêng: Cấu trúc khu phố thời thuộc địa còn nguyên vẹn; Có đầy đủ chuỗi phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa (Thực dân tiền kỳ; Cổ điển; Tân cổ điển; Địa phương Pháp; Đông Dương; Neo Gothic; Cận hiện đại; Art Decor); Mang đặc trưng riêng của một đô thị vừa và nhỏ, nặng về công nghiệp càng biển; Tay nghề thợ thủ công và xây dựng rất mộc mạc, thô phác hơn so với Hà Nội, Sài Gòn, Huế nên chuyển tải những căn tính rất riêng của Hải Phòng; Có dải cảnh quan được hình thành từ con sông Lấp làm trung tâm rất độc đáo. Có thể xem Hải Phòng là đô thị sinh thái đầu tiên khi xây dựng đô thị hiện đại ở Việt Nam.


Tài liệu tham khảo:
1. Khuất Tân Hưng (2012), Phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị, tài liệu hội thảo, TPHCM
2. Hoàng Đạo Kính (2012), Văn hóa Kiến trúc, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội
3. Nguyễn Hồng Thục (2012), Phương pháp luận bảo tồn di sản đô thị, Đè tài nghiên cứu cho cục Di sản Văn hóa, Hà Nội
4. Nguyễn Hông Thục (2007), Giá trị sử dụng của di sản đô thị truyền thống với cuộc sống đương đại, tạp chí kiến trúc, Hà Nội
5. Viện Bảo tồn di tích & Urban Solutions (2008) , Quản lý di sản đô thị trong bối cảnh phát triển đô thị ở Việt Nam: Tài liệu hướng dẫn cho những nhà hoạch định, Hà Nội
6. Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Nghiên cứu hướng dẫn bảo tồn, cải tạo và phát triển các di sản kiến trúc đô thị Việt Nam, Đề tài RG 16-05, Hà Nội
7.Nahoum Cohen(1999), Urban Conversation, Nhà xuất bản MIT, Hoa Kỳ

ThS.KTS Nguyễn Quốc Tuấn

Nguồn ảnh và thông tin: Tác giả
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 8/2013

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)