Văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỉ 21

Thứ năm, 10/10/2013 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Văn hóa kiến trúc thừa nhận những cái mới tiến bộ, hợp lý kể cả những cái tiên phong. Như vậy không có một “văn hóa kiến trúc vĩnh cửu” mà là Văn hóa kiến trúc của một không gian và thời gian xác định. Đó là Văn hóa kiến trúc Việt Nam đầu thế kỷ 21, kiến trúc thể hiện phong cách kiến trúc nhiệt đới kết hợp với giá trị kiến trúc truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm chất thải vào môi trường. 

Khi bàn về kiến trúc, chúng ta thường nói tới truyền thống, tính dân tộc trong kiến trúc, nói về bản sắc dân tộc của kiến trúc Việt Nam.

 

Truyền thống là “Nền nếp, thói quen tốt đẹp được lưu giữ từ đời này qua đời khác”, còn bản sắc là “sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng khác” (Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên).

 

Như vậy truyền thống trong kiến trúc Việt Nam là những giải pháp, những cách làm, sáng tạo về cách ứng xử trong xây dựng, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, lễ giáo, khí hậu, địa hình và con người, với lao động của các dân tộc Việt Nam, được coi là tốt, được lưu giữ, kế tục, truyền tụng từ đời này qua đời khác. Nhờ đó tạo ra một đặc điểm, sắc thái, đặc tính riêng về kiến trúc, khác với các dân tộc khác, đó là Bản sắc kiến trúc Việt Nam.

 

Nhưng truyền thống luôn thuộc về quá khứ, luôn bị hạn chế về kinh tế, vật liệu, khoa học công nghệ. Ngay cả tư tưởng, đạo đức, thị hiếu thẩm mỹ của con người cũng thay đổi theo sự tiến bộ của văn minh xã hội.

 

Vì vậy không phải tất cả những gì là truyền thống đều là “tốt”, là “hay”, đều phải noi theo. Ngay cả những sáng tạo xuất sắc trong quá khứ, cũng chưa chắc đã thích hợp với thời hiện đại. Xin dẫn vài ví dụ. Mái ngói “âm / dương” truyền thống cách nhiệt, chống bụi mưa tốt, nhưng không bền lâu, sản xuất vật liệu và lắp đặt quá thủ công, nên ngày nay gần như không còn tồn tại.



Tòa nhà Grand View, Phú Mỹ Hưng
 

Trước đây nhà Miền Bắc và Trung Bộ làm bằng tre, gỗ, lợp tranh, ngói, phải làm thấp, nhỏ chủ yếu để tránh gió bão. Nhà nhỏ, thấp (có lúc phải khom người mới vào được nhà) không phải là “truyền thống/ dân tộc” mà là kết quả của một công nghệ lạc hậu, vật liệu thô sơ. Vì vậy người dân lúc nào cũng ước mơ “nhà cao, cửa rộng”.

Nhà ở các đô thị cổ Việt Nam luôn là nhà liền kề, bám mặt phố để buôn bán, nên mật độ cao, nhà nọ tiếp nhà kia, kín đặc, bức bối, không còn đất cho vườn cây, thảm cỏ, môi trường sống trở nên nặng nề, u ám, ẩm ướt. Đô thị hiện đại, dân số tăng hàng trăm lần, với các tòa nhà cao tầng... Nếu cứ tiếp tục phát triển nhà chia lô, với lượng xe cơ giới dày đặc, liên tục, sẽ đầy bụi và khí thải, chẳng còn không khí trong lành để thở.

Phần lớn các nhà cao tầng hiện nay, trẻ em còn thiếu chỗ để chơi đùa, chạy nhảy, người hàng xóm gặp nhau bên ngoài không còn nơi để trò chuyện dăm câu. Sống trong chung cư ngày nay, thanh niên nam nữ ít có chỗ để gặp gỡ, người cao tuổi không có nơi để hàng ngày ngồi uống trà, chơi cờ, bàn thế sự ở một không gian không bị bao bởi bốn bức tường, giống như ngồi trước hiên nhà.


Bên cạnh đó, sự phát triển của văn minh xã hội, của khoa học công nghệ, của phát triển năng lượng, của cuộc sống vật chất hưởng thụ sang trọng đang đẩy thế giới tới bờ vực của sự hủy diệt, đòi hỏi người thiết kế, người xây dựng phải thay đổi cách tư duy, phải đổi mới để ứng phó. Đó chính là kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh để tạo ra các công trình xanh, mà kiến trúc truyền thống còn chưa quan tâm đầy đủ.


Văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21 (hay giai đoạn đầu của thế kỷ 21) phải có bốn nội dung chủ yếu dưới đây.

KIẾN TRÚC XANH CỦA THẾ KỈ 21

Với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và đô thị hóa mạnh mẽ, đã đẩy loài người đứng trước nguy cơ diệt vong bởi sự suy thoái của hệ sinh thái và môi trường toàn cầu, của Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng trầm trọng, mà lĩnh vực xây dựng phải gánh chịu một nửa phần trách nhiệm. Trước nguy cơ đó, trào lưu kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh xuất hiện nhằm tạo ra các “Công trình xanh” với các nội dung cơ bản là bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái, giảm tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, bảo tồn tài nguyên và tạo môi trường sống tốt nhất cho con người bên trong và bên ngoài công trình. Công trình xanh đã trở thành một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng thế giới với gần 100 nước tham gia. Điều đáng quan tâm là phong trào này ở Việt Nam mới còn ở giai đoạn khởi động, trong khi trên thế giới đã xuất hiện gần 30 năm nay. Kiến trúc và xây dựng Việt Nam nhất định phải tham gia không chỉ vì trách nhiệm chung với toàn thế giới mà còn bởi Việt Nam là một trong ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.



Diamond Plaza, Tp Hồ Chí Minh
 

PHONG CÁCH KIẾN TRÚC NHIỆT ĐỚI, CẬN NHIỆT ĐỚI

Kiến trúc thích ứng với khí hậu của mỗi vùng, và cũng góp phần tạo ra kiến trúc truyền thống và bản sắc địa phương. Tuy nhiên nội dung này khi tách riêng, muốn nói đến một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn, bao gồm đặc điểm kiến trúc chung của nhiều quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Vì vậy nó tạo ra một phong cách kiến trúc riêng, được gọi là phong cách kiến trúc nhiệt đới / cận nhiệt đới. Chúng tôi muốn đề cập đến vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm ướt với lãnh thổ nằm sát biển của Việt Nam. Ba đặc điểm của kiến trúc ở đây là:

Giảm bức xạ mặt trời:

Bức xạ mặt trời nhiệt đới có cường độ cao gần như quanh năm làm nóng nhà. Vì vậy nhà cửa ở đây phải không phơi nắng. Các bề mặt nhà nên đan xen sáng tối, cửa sổ, tường kính phải được che nắng. Điều này hoàn toàn trái ngược với kiến trúc miền giá lạnh muốn lấy nhiều năng lượng mặt trời để sưởi ấm nhà và đón thêm ánh sáng tự nhiên trong mùa đông. Chính sự sáng tạo thông minh và đa dạng các hình thức cấu tạo che nắng kết hợp nhuần nhuyễn với các tổ hợp kiến trúc mặt chính đã tạo ra “Phong cách kiến trúc nhiệt đới”.

Kiến trúc thoáng hở, đón không khí tự nhiên, giảm thiết bị sử dụng nhiều năng lượng.

Mặt khác không khí miền này tuy ẩm ướt nhưng không quá nóng mà tương đối mát mẻ suốt ngày đêm và quanh năm. Phần lớn đó là không khí biến, khá sạch sẽ, vì vậy nhà cửa cần thông thoáng, đón không khí bên ngoài, giảm tối thiểu việc sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng. Sự di chuyển của không khí có vận tốc (khoảng 1 - 2 m/s) trở nên cần thiết để làm tăng tiện nghi nhiệt cho con người. Điều này đôi khi làm cho người thiết kế vùng lạnh và nóng khô không hiểu được.

Kiến trúc chống lại các biến động của khí hậu với bão, lụt, nước dâng, hạn hán, động đất...

Những tòa nhà cao tầng bọc kính ví như Grand Plaza, TP. Hồ Chí Minh là những tòa nhà cần sử dụng điều hòa không khí ít lợi dụng được không khí tự nhiên, kể cả khi nó nằm ngay gần biển với không khí mát mẻ quanh năm. Các cấu tạo bên trong giảm trực xạ mặt trời và ánh sáng quá dư thừa không tránh khỏi hiệu ứng nhà kính và sẽ phải trả giá về năng lượng. Nhiều tòa nhà được thiết kế hiện đại chắc chắn phải sử dụng biến đổi khí hậu để cải tạo vi khí hậu, và khử thêm phần nhiệt thừa do bức xạ mặt trời đưa vào nhà.

Để tăng cường thông thoáng và ánh sáng tự nhiên cho các tòa nhà cao tầng có mặt bằng “chặt, đặc”, không gì tốt hơn sử dụng các sân trong, giếng trời. Những ngày mưa bão phía sân trong sẽ phát huy hiệu quả. Vì vậy người ta gọi chúng là “Lõi sinh thái / Ecological Core” của tòa nhà. Tòa nhà Grand View ở Phú Mỹ Hưng cũng vậy. Sân trong cũng thường gặp trong các đền, chùa Việt Nam để thông thoáng và lấy ánh sáng, chứ không chỉ thấy trong các tòa nhà hiện đại.

TIẾP NHẬN, CHẮT LỌC NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC

Suy cho cùng thì kiến trúc truyền thống chính là những giải pháp kiến trúc phù hợp trước hết với khí hậu bản địa, sau đó là lối sống và lao động của người dân. Do sống hàng ngàn năm trong cùng một loại khí hậu, với điều kiện kinh tế khó khăn, người dân thích ứng dần với tự nhiên và tạo thành “tính quen khí hậu”.

Một là người Việt quen sống với độ ẩm không khí cao. Nếu độ ẩm 60% ở các nước châu Âu được coi là môi trường lý tưởng, thì ở Việt Nam lại bị coi là quá khô.

Hai là trong môi trường nhiệt độ không quá cao (300C - 350C) nhưng độ ẩm gần tới mức bão hòa, người dân quen lợi dụng thông gió tự nhiên có vận tốc, hoặc sử dụng quạt khi thiếu gió. Khi chưa có quạt điện, người Việt Nam đã dùng quạt nan tre, quạt mo, quạt giấy như là một “thiết bị” không thể thiếu trong gia đình từ người cố nông đến ông bà địa chủ. Sau này các nghiên cứu khoa học về sinh khí hậu mới xác nhận rằng khi có gió vận tốc 1,0 m/s nhiệt độ không khí như giảm được 30C, còn khi vận tốc gió 1,5 m/s nhiệt độ không khí như giảm được tới 3,50C - 40C.

Ngày nay thông gió tự nhiên xuyên phòng được coi là chiến lược thiết kế kiến trúc khí hậu quan trọng bậc nhất tại miền khí hậu nóng ẩm.

Xin đưa ra một vài giải pháp được coi là truyền thống của kiến trúc Việt Nam rất đáng được đưa vào nhà cao tầng đô thị, đặc biệt các chung cư:

Khoảng sân có thể coi là một trong những nét đặc trưng nhất của kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam, gắn với sản xuất nông nghiệp, lợi dụng năng lượng mặt trời để phơi phóng, không chỉ lúa ngô mà cả đồ đạc, áo quần. Đây còn là nơi tụ họp xóm giềng ban đêm, nơi gặp gỡ, chơi đùa cho con trẻ. Trong khi các chung cư cao tầng hiện đại ở nước ta sân không còn xuất hiện, thì khu nhà ở Habita - 67 tại Canada hoặc Singapore đã được áp dụng rất tuyệt vời.

Không gian chuyển tiếp trong ngoài, không gian nửa kín/ nửa hở mà người Nhật Bản gọi là “không gian năng lượng zê-rô”, hoàn toàn khác với không gian chuyển tiếp trong khí hậu giá lạnh, là không gian đóng kín, không gian “cách nhiệt”. Đó có thể là cái hiên để đón gió mát, tiếp khách, ngồi uống trà, treo giò lan, lồng chim hay che không cho trực xạ chiếu lên tường, lên cửa nhà và tránh tạt mưa. Đang phơi ngô, lúa, gặp trận mưa rào, hiên là nơi trung chuyển nhanh chóng. Những ngày mưa dầm dề, hiên là nơi phơi áo quần, đồ đạc.

Vườn cây, đường đi dạo, nơi gặp gỡ cộng đồng và tập luyện thể dục thì bất cứ dân tộc nào cũng ưa chuộng, nhưng có lẽ trong xóm làng người Việt đã từ lâu quen với các lễ hội bên sân đình. KTS Ken Yeang (Malaysia) cho rằng, trước đây người ta quen sống trên mặt ngang, với những con đường có bóng cây, hồ nước, ghế nghỉ chân, có thể ghé các cửa hàng mua bao thuốc, gói kẹo… Khi lên nhà cao tầng tưởng chừng những không gian này không còn tìm thấy, nhưng chúng ta đã có thể gặp lại một con đường dài 700m trên lầu 1 của khu chung cư Sky Garden tại TP Hồ Chí Minh với với nhiều trẻ em chơi đùa chạy nhảy mà không sợ xe cộ; người lớn tuổi đi lại, nghỉ ngơi, mua bán mà không có khói bụi.

ÁP DỤNG VÀO CÔNG TRÌNH NHỮNG CÔNG NGHỆ HIÊN ĐẠI

Từ nửa cuối thế kỷ 20 khoa học công nghệ đã phát triển vượt bậc. Việc đưa vào tòa nhà các công nghệ thu nhiệt từ mặt trời của công trình VietinBank Tower tại Hà Nội, năng lượng gió, địa nhiệt và năng lượng sinh học hay các công nghệ xử lý nước thải tại chỗ, chế biến chất thải rắn, thu và xử lý nước mưa để sử dụng tại Chung cư Star City, Hàn Quốc như là những ví dụ đáng noi theo.

KẾT LUẬN

Chỉ có văn hóa kiến trúc mới có thể phát triển theo văn minh của xã hội, với cuộc sống của con người và tiến cùng với khoa học, công nghệ, trong khi đã chắt lọc, lưu giữ tất cả những gì tốt đẹp của truyền thống, phù hợp, thích ứng với thiên nhiên, khí hậu, phong tục, tập quán và công việc của con người địa phương hiện đại. Không chỉ có vậy, văn hóa kiến trúc còn phải đáp ứng được tất cả những gì hiện nay cuộc sống tại nơi ta sống và trên trái đất đòi hỏi. Chỉ văn hóa kiến trúc mới có điều kiện thuận lợi để phát triển và thực hiện mọi ý tưởng sáng tạo dựa trên nền khoa học và công nghệ hiện đại. Văn hóa kiến trúc thừa nhận những cái mới tiến bộ, hợp lý kể cả những cái tiên phong. Như vậy không có một “văn hóa kiến trúc vĩnh cửu”, mà là Văn hóa kiến trúc của một không gian và thời gian xác định. Đó là văn hóa kiến trúc Việt Nam đầu thế kỷ 21.

PGS.TS PHẠM ĐỨC NGUYÊN - Hội Môi trường Xây dựng VIệt Nam

Tài liệu tham khảo
1- Anna Ray - Jones ( Edited ). Sustainnable Architecture in Japan. The Green Buildings of Nikken Sekkei. 2000. Wiley- Academy.
2-Victorian solar Energy Council: Solar efficient design for housing . A manual for Architects and Designers.
3- Phạm Đức Nguyên. Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở Việt Nam. NXB Trí thức, 2012.
4- PGS. TS. Nguyễn Việt Anh. Một số giải pháp cấp thoát nước đô thị bền vững để ứng phó hiệu quả với Biến đổi khí hậu.


Nguồn ảnh: Internet
Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 7/2013

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)