Trong lĩnh vực phát triển nhà ở Nhật Bản gặp những khó khăn đặc biệt. Do sự phát triển đô thị ở Nhật Bản hầu hết diễn ra ở các khu vực đồng bằng chật hẹp nên dẫn tới tình trạng mật độ dân cư cao ở một số vùng. Năm 2000 có tới hơn 44% dân cư sống vẻn vẹn trên 6% diện tích của Nhật Bản. Do đó sự cạnh tranh về đất đai hết sức quyết liệt và hậu quả là giá nhà đất tăng vọt.
Nhìn chung để có thể mua được nhà, người Nhật Bản vẫn thường phải vay nợ nhiều. Có lúc giá nhà cao gấp 13 lần thu nhập hàng năm của mỗi gia đình. Thêm nữa, tâm lý chung của người Nhật là vẫn thích hình thức sở hữu nhà ở riêng. Năm 1998 hơn 60% dân số Nhật Bản sống trong các căn nhà riêng.
Nhật Bản hiện đạt bình quân khoảng 32 m2 nhà ở/người (thấp hơn Mỹ đạt 60 m2/ người, Đức 38m2/ người, Pháp 35 m2/ người). Ở Nhật Bản một ngôi nhà điển hình thường có 4,8 phòng, rộng 90 m2 và bình quân 0,6 người/phòng. Hiện có nhiều người Nhật Bản sống trong các căn hộ hoặc các phòng nhỏ ở chung cư và họ phải tận dụng triệt để khoảng không gian chật hẹp đó. Các tấm cửa kéo (gọi là fusuma) được người ta sử dụng để ngăn các phòng thành các khu khác nhau, nhà bếp thường là một phần của phòng khách còn máy giặt chiếm một khoảng trong phòng tắm. Nhà chung cư thường được xây dựng nhiều ở các vùng ngoại vi thành phố. Giữ vệ sinh trong nhà ở và nơi công cộng là đức tính nổi bật của người dân Nhật Bản .
Mùa hè ở Nhật Bản nóng và ẩm, do đó nhà thường được xây sao cho thoáng gió. Nhìn chung các căn phòng có cửa sổ và cửa ra vào trượt đẩy để có thể được tháo lắp nhằm biến 2 phòng nhỏ thành một phòng lớn. Trong một căn nhà truyền thống thì cửa ra vào, các hành lang và nhà bếp được lát nền gỗ, trong khi các phòng khác có nền được trải bằng các tấm thảm cói (tatami). Ngày nay đa số nhà ở Nhật Bản được xây theo kiểu hiện đại chủ yếu bằng thép, bê tông, gỗ. Hầu hết các ngôi nhà riêng và căn hộ tập thể sử dụng gỗ đánh bóng và thảm để lát nền, song trong phòng ngủ thì thường vẫn còn để lại thảm tatami.
Khi vào một căn nhà ở Nhật Bản, bạn phải cởi giày và đi dép. Khi bước vào phòng trải tatami thì bạn phải bỏ dép ra và để ngoài hành lang. Ban đêm người Nhật có thể ngủ trên giường hay trên tấm đệm nhồi bông được gọi là futon. Nhà ở Nhật Bản có một phòng tắm tách biệt hẳn với nhà vệ sinh và chỉ dùng để tắm. Bồn tắm hình chữ nhật dùng để chứa nước nóng. Trước khi bước vào bồn tắm mỗi người phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ kì cọ sạch sẽ. Do vậy, một bồn nước có thể dùng cho cả gia đình.
Trên thực tế có sự giảm đáng kể không gian sống đối với các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Vào đầu thế kỷ 20, diện tích mặt bằng trung bình ở mức 165m2/ người những tới những năm 1930 giảm xuống còn 100m2 và tới những năm 1990 chỉ còn 90m2.
Vấn đề nhà ở tại các vùng đô thị của Nhật Bản phát sinh vào đầu thế kỷ 20 khi Nhật Bản bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, từng bước, Nhật Bản nhận thức rằng vấn đề nhà ở là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước và vấn đề này cần tới những đạo luật để tạo dựng hành lang pháp lý. Tới những năm 1950, Nhật Bản đã có tới 3 đạo luật thiết lập một khuôn khổ chung cho chính sách nhà ở tại Nhật Bản. Cũng trong năm 1950, Công ty cho vay mua nhà ở của Chính phủ ra đời có chức năng như một phương tiện chuyển ngân quỹ nhà nước thành các khoản cho vay dài hạn, lãi suất thấp để người dân mua được nhà. Năm 1951, Nhật Bản ban hành “Luật nhà ở tập thể”, cho phép chính quyền địa phương được quyền xây nhà ở tập thể cho các gia đình thu nhập thấp thuê với sự trợ cấp của Chính phủ trung ương. Tới năm 1955 thì Công ty nhà ở Nhật Bản được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận của Chính phủ trong việc cung cấp nhà ở cho các khu dân cư đô thị.
Từ thực tế của Nhật Bản cho thấy vấn đề phát triển nhà ở của mỗi quốc gia là vô cùng phức tạp, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, đặc điểm lịch sử phát triển (đặc biệt là lịch sử đô thị hoá...), tập quán sinh sống của dân tộc, triết lý về nhà ở văn hoá cuộc sống gia đình... Vấn đề phát triển nhà ở gắn bó mật thiết, phụ thuộc lớn vào trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước, song nó cũng có tính độc lập tương đối với yếu tố kinh tế, với mức bình quân GDP/đầu người (ví dụ, nước Nga đạt bình quân 16m2 nhà ở/ người khi GDP bình quân đầu người mới đạt 200 USD/người, trong khi đó Nhật Bản chỉ đạt bình quân 32m2 nhà ở/người khi GDP bình quân đầu người đạt mức 34.000 USD tức là gấp khoảng 17 lần của Nga. Nước Pháp đạt bình quân 35m2 nhà ở/ người khi GDP đạt mức 24.000 USD/ người).
Việt Nam chúng ta đang cố gắng phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Cách đây nửa thế kỷ, Nhật Bản đã từng quan tâm đến vấn đề này. Khi đó, Nhật Bản chú tâm tới việc phát triển loại hình nhà ở Công - doanh, là loại nhà ở có tiền thuê thấp do Chính phủ trợ cấp cho những người có thu nhập thấp. Cách làm là Chính phủ trích tiền, giúp đỡ chính quyền địa phương xây dựng, loại nhà này chỉ dành cho những người có thu nhập thấp thuê với tiền thuê chỉ bằng nửa mức giá của thị trường. Năm 1951, Nhật Bản ban hành “Luật nhà ở Công - doanh”, xác định tính chất điều kiện sử dụng... nhà ở Công - doanh. Trong quá trình sinh sống, gia đình nào có thu nhập vượt quá tiêu chuẩn quy định thì không được tiếp tục thuê nhà Công - doanh mà ngay lập tức phải thuê nhà với giá cao hơn. Thường là các hộ này sẽ tìm thuê nhà ở mới nơi khác. Để đảm bảo nguồn nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở Công - doanh được chia làm hai loại: Loại một do nhà nước trợ giúp 50% giá thành công trình. Ở Nhật Bản loại hình nhà ở Công - doanh chiếm khoảng 8% số nhà ở hiện có, đạt số lượng 2,4 triệu căn hộ. Vào năm 1988 Nhật Bản có hơn 42 triệu căn hộ, trong đó có hơn 37 triệu căn hộ có người ở thường xuyên, trung bình 3,2 người sống trong một đơn vị ở.
Nhật Bản là đất nước với nhiều sự tương phản. Về kinh tế, Nhật Bản là cường quốc đứng thứ hai thế giới. Là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về khoa học, kỹ thuật nhưng Nhật Bản vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống độc đáo. Nhật Bản gồm bốn đảo chính (Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku) và gần 7.000 đảo nhỏ. Đặc điểm nổi bật của Nhật Bản là có một hệ thống núi chạy qua vùng nội địa của cả bốn hòn đảo chính. Ở một đất nước có nhiều núi non như vậy, các vùng đồng bằng không nhiều nên con người sáng tạo ra nhiều cách để tận dụng tối đa. Chấm phá với cuộc sống đô thị dân cư đông đúc, rất nhiều toà nhà chọc trời và các trang trại có quy mô nhỏ được thâm canh, với những cánh đồng lúa liền kề khu đô thị và các thửa ruộng bậc thang trên sườn đồi. Lịch sử nhà ở Nhật Bản phản ánh hai hướng chính: ảnh hưởng từ trong nước (bao gồm điều kiện khí hậu, cấu tạo đất và các loại hình thiên tai như động đất, bão nhiệt đới...) và ảnh hưởng từ nước ngoài (như kiểu kiến trúc và cách xây dựng). Đặc điểm riêng của nhà ở Nhật Bản đã bắt đầu nổi lên từ thời tiền sử và hình thành vững chắc trước khi có sự liên hệ với văn hoá nước ngoài vào khoảng thế kỷ thứ năm sau công nguyên.
Trên thế giới, các nhà thầu xây dựng Nhật Bản đã được đánh giá rất cao trong bảng xếp hạng. Trong danh sách các nhà thầu xây dựng lớn nhất thế giới được công bố mỗi năm luôn góp mặt những nhà thầu xây dựng Nhật Bản lừng danh. Mới đây, Nhật Bản chiếm tỷ trọng 18% trong tổng số danh sách 200 nhà thầu xây dựng lớn nhất thế giới, chỉ xếp dưới Mỹ là quốc gia có nhiều nhà thầu lớn nhất chiếm tới 23% trong tổng số.
Ở Nhật Bản, nhà thầu xây dựng lớn nhất và nổi tiếng là nhà thầu Kajima Corporation, được xếp hạng tám thế giới (sau các nhà thầu Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc) với doanh số đạt hơn 16,2 tỉ USD. Nhà thầu lớn thứ hai Nhật Bản (và đựoc xếp hạng thứ 10 thế giới) là tên tuổi Taisei Corporation có doanh số 16,1 tỉ USD bị tụt bốn bậc trong bảng xếp hạng 2007. Tiếp theo là các tên tuổi như Simizu (thứ 16 thế giới, doanh số 14,2 tỉ USD), Daiwa House (thứ 18 thế giới, doanh số 13,9 tỉ USD), Sekisui House (thứ 19 thế giới, doanh số 13,7 tỉ USD)...
Nguồn: Sài Gòn Đầu tư &Xây dựng số 5/2009