Giải pháp nâng cao chất lượng và giảm thiểu sự cố công trình xây dựng

Thứ sáu, 07/08/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quản lý chất lượng công trình xây dựng (QLCLCTXD) từ lâu đã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vận động toàn ngành ĐT - XD thực hiện, đặc biệt trong tình hình hiện nay và lâu dài, khi mà đồng vốn nhà nước đổ hàng năm vào các công trình xây dựng vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn, cả ở những thành phố lớn, có tốc độ xã hội hoá đầu tư cao. Từ khi có Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành NĐ 209/2004/ NĐ - CP ngày 16/12/2004; NĐ 49/2008/NĐ - CP ngày 18/4/2008 sửa đổi, bổ sung NĐ 209/2004/NĐ - CP và Bộ cũng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Thông tư và những văn bản hướng dẫn, giải đáp cho các địa phương, trong công tác QLCLCTXD. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành NĐ 23/2009/NĐ - CP ngày 27/2/2009 thay thế NĐ 126/2004/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chánh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có QLCLCTXD, theo hướng phạt nặng, để hoạt động này ngày càng đi vào nề nếp. NĐ 23/2009/NĐ - CP đến 01/5/2009 mới có hiệu lực, chắc chắn tính răn đe trong ngành sẽ cao, CLCTXD sẽ dần được tốt hơn, đều khắp hơn, khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những “hạt sạn” trong thực tế, đã ảnh hưởng trực tiếp bấy lâu nay đến CLCTXD, cần được nhận thức, để bổ sung cơ chế, bổ khuyết các văn bản pháp luật đã ban hành và giúp cho những công trình xây dựng, ngoài việc ngày một nâng cao về chất, còn để ngăn ngừa từ đầu, giảm thiểu sự cố công trình - một mặt khác của QLCT - vẫn thường xảy ra, xảy ra mà không có báo cáo kịp thời, quy trách nhiệm kịp thời khi mà hàng năm, trong cả nước có trên 6000 dự án, trong đó 75% là dự án nhóm C, với chủng loại công trình đa dạng và sự cố cũng rất đa dạng. Nhiều sự cố khi xảy ra việc khắc phục rất lâu dài, tốn kém, thậm chí khó sửa chữa và dẫn đến lãng phí tài sản xã hội.

1. Vấn đề “bán thầu” trong các hoạt động xây dựng:

Luật Hình sự có qui định tội danh bán thầu, nhưng trong hoạt động xây dựng lại có thầu chính, thầu phụ và thầu phụ thậm chí “nhiều bậc”.

Luật Đấu thầu định nghĩa nhà thầu chính lại khác với định nghĩa của Luật Xây dựng. Luật Đấu thầu không bắt buộc nhà thầu chính phải thực hiện phần việc chính, như Luật Xây dựng, nghĩa là cho phép nhà thầu chính chuyển hầu hết các công tác thực hiện, kể cả công tác phức tạp nhất, sang cho các thầu phụ khác sau khi ký hợp đồng đến lượt các thầu phụ này chưa dừng ở đó, lại “khoán gọn việc” đến những thầu phụ thứ cấp tiếp... và đến trực tiếp người thực hiện, giá trị nhận việc đã bị giảm thấp đáng kể - nhiều tầng nấc trung gian đã hưởng lợi khá nhiều; thuế thu nhập doanh nghiệp bị thất thu lớn, vì khoán hầu hết mà không theo hợp đồng giao việc cụ thể, có đăng ký thuế. Sự việc không được pháp luật chi phối, chủ đầu tư thấy trước mắt, vẫn dửng dưng và thường thì nhận giá trị thực hiện thấp sẽ dẫn đến:

- Chất lượng công việc không cao.

- Thiết bị sử dụng không tiên tiến; cũ; hết hạn, dễ xảy ra sự cố do không an toàn.

- An toàn lao động không được coi trọng; bảo hộ lao động chỉ ở mức tối thiểu.

- Biện pháp thi công sơ sài tốn kém, để ít tốn kém, lại càng dễ dẫn đến sự cố!

Công trình xây dựng có đặc thù là không chấp nhận phế phẩm, thứ phẩm. Nhưng nếu chất lượng không cho phép nghiệm thu, nghĩa là loại thứ phẩm thì vẫn cho phép nhà thầu sửa chữa. Sửa không đạt lắm, rồi cũng nghiệm thu. Mà đã nghiệm thu thì phải thanh toán đủ giá trị hợp đồng!

Không làm rõ nội dung bán thầu, thực tế còn phát sinh bất cập khác. Ngay chính các Tổng công ty, công ty lớn, uy tín, sau khi thắng thầu, ra văn bản “uỷ quyền thực hiện hợp đồng” hay “khoán 10” lại cho các công ty thành viên, các xí nghiệp, các Đội của mình để trực tiếp thực hiện. Thường thì công việc này, đơn vị đứng tên hợp đồng sẽ giữ lại một tỉ lệ % thoả thuận - rồi chỉ đứng tên và quản lý thì không cao, thậm chí thiếu trách nhiệm!

Bất cập thầu chính - thầu phụ đã dẫn đến một thực trạng là các công ty xây dựng hầu như không được lực lượng lao động có tay nghề bằng hợp đồng dài hạn, có mua bảo hiẻm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ theo quy định, lợi dụng sơ hở của quy định thiếu chặt chẽ về “lao động thời vụ” hiện hành, để đỡ phải lo, để chi phí thấp. Thiệt đơn, thiệt kép vẫn là người trực tiếp lao động và CLCTXD thực tế cũng do họ tạo ra. Vấn đề cần được giải quyết cơ bản, khép vào luật, hành xử theo luật, để tránh cảnh “mua - bán” rộ lên trong ngành xây dựng hiện nay. Người lao động phải tích luỹ được, nghĩa là có dư, theo tinh thần NĐ 99/2007/NĐ - CP ngày 13/6/2007 về quản lý chi phí ĐT - XD, để họ an tâm, tăng năng suất, nhà thầu mua sắm thiết bị tốt, hiện đại và trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động. CLCTXD do đó sẽ khởi sắc hơn. Cần có những giải pháp cụ thể, thực tiễn để bảo vệ người lao động, qua đó góp phần tích cực đảm bảo CLCTXD.

2. Vấn đề “chủ đầu tư” các dự án vốn ngân sách

NĐ 12/2009/NĐ - CP ngày 12/2/2009 và TT 03/2009/TT - BXD ngày 26/3/2009 triển khai thực hiện NĐ này, đã làm rõ vai trò các chủ đầu tư những dự án vốn ngân sách, theo hướng các Ban Quản lý Dự án địa phương (cấp Quận, Huyện) vẫn tiếp tục tồn tại. Điều này phù hợp tình hình thực tiễn trong cả nước, khi mà hàng năm, vốn ngân sách các cấp đầu tư cho những dự án phát triển hạ tầng xã hội và hệ thống kỹ thuật đô thị vẫn còn rất nhiều. Thế nhưng, phải nhìn nhận rằng có tỉ lệ khá lớn các công trình xây dựng ở các địa phương, chất lượng yếu hơn hẳn so với những công trình được đầu tư từ nguồn vốn khác, nhất là vốn tư nhân. Lý do:

- Hầu hết các dự án vốn không cao, được chỉ định thầu cả tư vấn, rồi xây lắp và chỉ một số nhà thầu “quen biết” nhận được - không loại trừ đó là những công ty “sân sau”. Điều này dẫn đến tiến độ có trễ, cũng không dám phạt; chất lượng có kém cũng phải bảo vệ cho nhau! Đó là sự thật! Kể cả những hợp đồng thực hiện quy hoạch chi tiết 1/2000 - mà chủ trương của UBND TP.HCM đòi hỏi phải phủ kín, vì thực hiện trễ hạn 3 năm, cũng không ngoại lệ. Bản thân tư vấn quy hoạch được chỉ định thầu - đang bị lợi dụng để giao việc tập trung cho một vài tổ chức, cá nhân “khuất” nên chất lượng không cao, tiến độ quá chậm, là điều không quá khó hiểu!

- Những công trình vốn lớn, phải đấu thầu, hiện nay số lượng nhà thầu tham dự rất ít, thường cũng không quá 5! Và có những nhà thầu “chuyên” đấu thầu dự án vốn ngân sách, xuất hiện với mật độ dày ở nhiều dự án ở một quận, huyện hay một vài quận, huyện. Giá trị tiết giảm qua đấu thầu rộng rãi trong cả nước (tại TP.HCM cũng không ngoại lệ), chỉ khoảng dưới 3%! Điều này nói lên thực trạng:

Đấu thầu chỉ là hình thức, tốn thời gian! Nếu chỉ định được nhà thầu đủ năng lực, có lương tâm nghề nghiệp chịu giảm (2 - 3)% so với dự án được duyệt, còn tốt hơn nhiều so với cách đấu thầu hiện nay. Từ đó làm cho Luật Đấu thầu chưa đi vào các dự án xây dựng, trong khi việc đấu thầu cần tiến hành một cách hiệu quả, công bằng, minh bạch.

Cách thanh toán, trong những công trình vốn ngân sách vốn dĩ phức tạp, chậm và giá cả chưa hẳn phù hợp. Phải “quen” mới tham gia được.

Chất lượng trung bình, kém, vẫn tìm cách để nghiệm thu và dẫn đến chủ sự than phiền, công trình sớm bị lạc hậu, xuống cấp ngay khi hết thời gian bảo hành (thường là 1, 2 năm đối với công trình công cộng) và kinh phí nhà nước tiếp tục rót cho. Những Báo cáo kinh tế - kỹ thuật để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo... sau đó, cũng là một kiểu lãng phí! Tại TP.HCM, có những công trình đã lún, hoàn thiện kém, sửa chữa nhiều lần và rồi “cố gắng” nghiệm thu. Chúng ta phải chấp nhận xài “thứ phẩm” ngay từ đầu!

Không chỉ công trình xây dựng, mà cả những công trình giao thông cũng thế, đặc biệt là những công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách. Việc cắm biển “đường chờ lún” ở 2 đầu mỗi cầu dọc theo các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ để tránh chịu trách nhiệm khi người dân sử dụng đã nói lên sự yếu kém trong QLCLCTXD là thoả hiệp miễn cưỡng với thứ phẩm, dù nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cho người sử dụng con đường, cái cầu hàng ngày. Tại TP.HCM, năm 2009 sẽ đào khoảng 50 km để đặt cống hộp; đã đào nhiều km trong năm 2008, nhìn lại, chất lượng con đường được bàn giao đưa vào sử dụng sau khi đặt cống không đạt độ phẳng quy định, lồi lõm quá lớn, thậm chí gây tai nạn cho người; hầu hết các nắp hố ga đều không đạt - nhưng rồi đều được nghiệm thu, thanh toán đủ? Chủ đầu tư đã quá dễ dãi khi quản lý đồng tiền ngân sách đầu tư công trình xây dựng; tư vấn giám sát cũng đã bỏ qua lương tâm nghề nghiệp khi thực hiện trách nhiệm được giao. Lỗi có hệ thống!

3. Vấn đề xã hội cho người lao động và mua bảo hiểm nghề nghiệp

NĐ 99/2007/NĐ - CP ngày 13/6/2007 mà Chính phủ đã ban hành, là sự đổi mới thật sự trong việc quản lý chi phí các dự án đầu tư xây dựng, khi các chi phí cần được tính đúng, tính đủ và các định mức, đơn giá, suất đầu tư... được chuyển sang dạng công bố, mềm dẻo hơn, thay vì ban hành dạng quyết định bắt buộc phải theo. Đã có chỉ số giá xây dựng định kỳ công bố, để các địa phương tham khảo sự biến động giá cả, được hướng dẫn, dễ theo dõi, xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề an sinh xã hội cho người lao động trong ngành xây dựng lại chưa được quan tâm đúng mức, chưa được Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành chuẩn chung, trong một rừng văn bản pháp luật có hiệu lực hiện nay, để bảo vệ chính người lao động, để họ an tâm hơn trong công việc của mình, để qua đó CLCTXD được cải thiện hơn từ ý thức của người làm ra sản phẩm.

Như đã trình bày, hầu hết các công ty hiện nay đều không ký hợp đồng lao động dài hạn với người lao động của mình, trong khi sản lượng, sản phẩm của công ty đều do người trực tiếp lao động làm ra. Theo Luật Lao động của Việt Nam, họ phải được mua bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ - như các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn thực hiện. Họ phải được bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt đối với nước ta - nước XHCN, công bằng, văn minh. Mua BHYT, BHXH, sẽ làm chi phí xây dựng tăng, suất đầu tư tăng - bắt buộc phải chấp nhận, và đó là tính đúng, tính đủ và là sự cần thiết mà chúng ta đã làm quá chậm. Việc mua BHYT, BHXH sẽ phức tạp đối với lao động có tay nghề và lao động phổ thông (thời vụ), rất cần sự hướng dẫn chi tiết và quy định thời gian chuyển tiếp để kiểm tra, xử phạt; chắc chắn được người lao động ngành xây dựng hoan nghênh và là bước cơ bản đề họ an tâm với công việc nặng nhọc, đầy rủi ro, dễ phát sinh bệnh nghề nghiệp và qua đó, CLCTXD dễ được đảm bảo từ đầu.

Chi phí ĐT - XD còn cần được tính đến một cách đầy đủ, các công việc hiện nay như ở các công trình do nhà thầu nước ngoài đang thực hiện trên địa bàn, như:

- Chi phí huấn luyện an toàn, lao động: Thực hiện bài bản, làm nhiều lần, thậm chí làm hàng ngày, dễ nhớ, dễ hiểu không hình thức, không quá nhiều chữ nghĩa qui định như ta hay làm, để đi vào não của người lao động, để họ luôn nhớ. Do vậy, phải suy nghĩ, dùng công cụ hình ảnh, huấn luyện thường xuyên... nên tăng chi phí là đương nhiên.

- Chi phí sắm trang thiết bị bảo hộ đầy đủ, thay mới thường xuyên để đảm bảo an toàn, còn làm cho người lao động cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy vững tâm khi thực hiện công việc và do đó năng suất sẽ cao, chất lượng sẽ tốt.

- Chi phí mua bảo hiểm nghề nghiệp, cho cả con người lao động và thiết bị sử dụng. Cần qui định chặt chẽ hơn Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện nay, theo đó nhà thầu buộc phải mua, chứ không chỉ khuyến khích mua bảo hiểm này. Chính các công ty bán bảo hiểm sẽ là cánh tay uốn dài của QLNN về CLCTXD, về an toàn trong xây dựng vì khi bán, họ phải có đủ cán bộ năng lực kinh nghiệm để xem xét, để kiểm tra định kỳ, để tránh rủi ro và bản thân nhà thầu cũng có chỗ dựa vững chắc khi có những sự cố ngoài ý muốn, để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại được thực hiện chắc chắn và không ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đây cũng là yêu cầu cho hội nhập.

Nếu các phương tiện giao thông, sử dụng phải có thời hạn, thì hiện nay các thiết bị và những phụ kiện của nó trong nhiều công trình xây dựng, sử dụng “vô hạn”, gây nguy hiểm bất kỳ. Việc kiểm định còn sơ sài và nhiều phụ kiện chắp vá, rệu rã, nguy hiểm... vẫn được sử dụng ngang nhiên trong các công trường!!

Và nếu chúng ta không qui định, không bắt buộc, sẽ là tự nguyện và tự nguyện sẽ luôn phát triển theo dạng “đơn giản nhất”, dẫn đến chi phí thấp, giá cạnh tranh, như hiện nay, và cuộc sống người lao động, CLCTXD, 2 nội dung cùng song song để phát triển, chắc chắn sẽ khập khiễng. Xin hãy bỏ dần quan điểm là lao động rẻ. Rẻ vì không được tính đúng tính đủ cho họ, cho những gì xã hội phải giúp họ, bảo vệ họ!

4. Vấn đề tư vấn đấu thầu (TVĐT)

Hiện nay, để chọn nhà thầu, chủ đầu tư thường phải thuê đơn vị tư vấn, đặc biệt đối với những gói thầu xây lắp, thiết bị giá trị lớn. Để làm tư vấn đấu thầu cá nhân trong tổ chức đó chỉ cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu. Chứng chỉ này được cấp khi đương sự theo một khoá học 3 ngày (mà thường thì ngắn hơn!) và hầu như đậu 100%. Có chứng chỉ, khi đăng ký kinh doanh là đơn vị có quyền làm tư vấn cho tất cả các gói thầu, các quy mô, các mức độ phức tạp khác nhau - đặc biệt là trong mua sắm trang thiết bị. Nói cách khác, tư vấn đấu thầu không cần chứng chỉ hành nghề, không được phân hạng trong hoạt động của mình, và kết quả:

- Những hồ sơ mời thầu đều là những file giống nhau, chỉ thay đổi tên chủ đầu tư công trình, vốn,.. còn nội dung quan trọng là chất lượng, tiêu chuẩn phải theo cho từng loại công việc; trang thiết bị phù hợp... thì không được xem nặng.

- Giá thấp nhất là thắng thầu? Và nhà thầu có phương án kỹ thuật xấu hơn, ít an toàn hơn... vẫn thắng thầu.

- Để làm tư vấn đầu tư, không cần tốt nghiệp đại học có chuyên ngành phù hợp và đã kinh qua thực tiễn (thiết kế, thi công, mua sắm thiết bị chuyên ngành...). Điều này đặc biệt bất cập khi tư vấn mua sắm trang thiết bị theo công nghệ mới, hiện đại.

Và nếu đấu thầu thực chất, nhà thầu phá giá dễ thắng thầu, nếu đấu chân gỗ, tiết kiệm qua đấu thầu không đáng kể và nhà thầu “ruột” sẽ thắng, để rồi sau đó tiến độ bê trễ, chất lượng kém, rất khó xử lý.

Cần thay đổi qui định về tư vấn đầu tư, như thông lệ các nước, để bản thân nhà tư vấn đủ năng lực, thực hiện trách nhiệm quan trọng của mình là tìm giúp chủ đầu tư nhà thầu đáp ứng yêu cầu cụ thể, với các chi phí được thanh toán đầy đủ, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của từng công trình với tiến độ phù hợp.

5. Vấn đề chứng chỉ hành nghề (CCHN) và thông tin về thành tích nhà thầu

Hiện đều đã có qui định chi tiết, nhưng việc thực hiện trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng về những thành tích (tốt, xấu) của nhà thầu (xây dựng, tư vấn các loại) còn chậm. Thiết nghĩ cần tiến hành khẩn trương đủ chừng mực là sàng lọc tốt xấu, khi số lượng doanh nghiệp về xây dựng, tư vấn xây dựng chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM đã đăng ký kinh doanh trên 20.000!

Quá trình cấp CCHN hiện nay đã “thoáng”, sắp đến sẽ chuyển hẳn cho các địa phương thực hiện. Bộ Xây dựng vẫn chưa có giải pháp nhằm ngăn chặn một cá nhân xin CCHN ở nhiều địa phương, để rồi khi vi phạm, bị thu hồi, còn giữ những CCHN khác để sử dụng tiếp (?!).

 

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng, số 5 - 2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)