Công tác quản lý cấp nước tại các đô thị Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

Thứ hai, 05/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đềHệ thống cấp nước có vai trò quan trọng đối với đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đô thị. Mặc dù kết quả hoạt động của các công ty cấp nước Việt Nam được xem là khả quan, nhưng vẫn chưa phát huy hết công suất thiết kế, tỷ lệ thất thoát, thất thu còn cao. Vì vậy, cần phải nỗ lực để cải thiện hiệu suất hoạt động cũng như sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả.

Mấy năm gần đây, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành một số văn bản pháp luật nhằm chuẩn hoá dần bộ máy tổ chức và cải cách cơ chế quản lý cho phù hợp trong thời kỳ đổi mới. Song trên thực tế, những mô hình quản lý và chính sách hiện hành liên quan đến vấn đề quyền sở hữu, những phát sinh trong quá trình cổ phần hoá, tính tự chủ và trách nhiệm của các công ty cấp nước… Cần phải thay đổi theo hướng cập nhật nhất quán nhằm khuyến khích, động viên các công ty cung cấp dịch vụ nước sạch một cách hiệu quả.

Dịch vụ cấp nước đô thị Việt Nam chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, với hiệu quả và chất lượng dịch vụ không đồng đều giữa các khu vực. Hầu hết các công ty đều không được tự chủ về nguồn vốn. Vốn đầu tư cho lĩnh vực cấp nước chủ yếu là vốn ODA (70%) mà thiếu đi nguồn huy động từ thị trường trong nước. Hiện nay, đã có những tín hiệu cho thấy có thể huy động được vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Việc đầu tư cho phát triển hệ thống cấp nước tập trung tại các thị trấn phải được lưu tâm hơn nhiều, vì hiện mới chỉ có 1/3 trong tổng trên 600 thị trấn có nước máy.

2. Thực trạng công tác quản lý cấp nước đô thị

2.1. Hiện trạng hệ thống cấp nước đô thị

Các nhà máy nước: Tính đến năm 2008, toàn quốc có khoảng gần 300 nhà máy nước với tổng công suất 5 triệu m3/ngày đêm. Trừ các nhà máy nước của các thành phố trực thuộc trung ương và các đô thị tỉnh lỵ mới được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp cải tạo có công nghệ tương đối hiện đại, còn lại là các nhà máy nước cũ có công nghệ lạc hậu và chưa có điều kiện quản lý tự động hoá các khâu khai thác vận hành.

Mạng lưới đường ống: Tổng chiều dài đường ống làm nhiệm vụ truyền tải và phân phối nước trên toàn bộ hệ thống cấp nước trong cả nước vào khoảng 15.000 km. Trong số đó có tới trên 30% đã được lắp đặt trên 30 năm chưa được sửa chữa thay thế. Đây là khâu yếu nhất hiện nay của hệ thống cấp nước các đô thị. Mạng lưới cấp nước hiện tại đáp ứng được 70% nhu cầu dùng nước. Nhiều đường ống vẫn tiếp tục xuống cấp và hư hỏng. Tình trạng đục đấu trái phép đường ống vẫn chưa chấm dứt. Thêm vào đó, mạng lưới đường ống xây dựng trước đây phần lớn chưa có quy hoạch hợp lý, chồng chéo qua một số giai đoạn nâng cấp, cải tạo. Chất lượng ống không đồng đều, nhiều tuyến ống cũ đã xuống cấp nghiêm trọng xen kẽ với các đường ống mới lắp đặt, gây khó khăn cho công tác quản lý. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước trong đô thị còn cao hơn 30%.

Trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng trên mạng lưới còn thiếu và lạc hậu. Các giếng thăm xây dựng chưa đúng quy cách và không thuận tiện cho việc kiểm tra và vận hành, sửa chữa. Các thiết bị trên mạng lưới như: van xả khí, van xả cặn, họng cứu hoả, gối đỡ, van khoá, đồng hồ khu vực còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng, lạc hậu. Các thiết bị điều khiển từ xa chưa được tăng cường, nên việc quản lý mạng lưới hầu hết mang tính chất thủ công. Chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu trong quản lý và vận hành tự động hoá các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng trên mạng lưới.

Nhu cầu dùng nước: Hiện nay trong các đô thị Việt Nam, nước sạch chưa thoát khỏi tình trạng bao cấp, vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Tính đến đầu năm 2008, ở khu vực đô thị trên toàn quốc tiêu chuẩn dùng nước với mức bình quân khoảng 100 lít/người/ngày đêm. Ở những thành phố lớn và những đô thị có tốc độ phát triển nhanh đang phải đối mặt với một thực tế thiếu nước sạch phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Chất lượng nước: Phần lớn nước cung cấp cho người dân chưa đạt tiêu chuẩn cho phép, một số chỉ tiêu lý, hoá và vi trùng còn cao hơn giới hạn cho phép (như: hàm lượng cặn, sắt, amôniăc, nitrit, coliform…). Hiện nay vấn đề ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng, đặc biệt là hàm lượng amôni xuất hiện và gia tăng trong nhiều nguồn nước, nên chất lượng nước ăn uống sinh hoạt ở nhiều đô thị chưa thể kiểm soát được.

Áp lực nước: Chỉ có một số ít đô thị hiện nay cung cấp nước cho người dân đảm bảo áp lực và lưu lượng cho 24 giờ trong ngày. Còn lại, đa số các đô thị áp lực trong mạng lưới mới đạt được cấp nước cho tầng 1, còn tầng trên đều phải dùng bơm cục bộ.

2.2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về cấp nước đô thị

Về cơ cấu tổ chức quản lý cấp nước đô thị: Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính thực hiện quản lý nhà nước về cấp nước tại địa phương. Nhưng nhìn chung các tổ chức này chưa phát huy hết được yêu cầu nhiệm vụ. Trong cơ cấu tổ chức của Sở không có bộ phận chuyên quản. Về tổ chức phải có một bộ phận chuyên môn để thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước của Sở đưa ra. Có như vậy mới phát huy vai trò quản lý nhà nước về cấp nước thành hệ thống từ trung ương đến địa phương. Sở còn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về khai thác và sử dụng, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu giá cả và giúp tỉnh quản lý các doanh nghiệp cấp nước. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ về cấp nước ở nhiều tỉnh và thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều thành lập công ty cấp nước hoặc công ty cấp thoát nước, giao cho các Sở Giao thông công chính quản lý đối với thành phố trực thuộc trung ương (trừ TP. Hà Nội) và các Sở Xây dựng quản lý đối với các tỉnh. Vai trò chủ đầu tư phát triển cấp nước ở một số đô thị chưa rõ. Có nơi thực hiện và quản lý dự án cấp nước từ vốn vay nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Về cơ chế, chính sách quản lý cấp nước đô thị: Việc xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp quy, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật, xây dựng chiến lược qui hoạch cấp nước cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung đã có, nhưng còn thiếu. Công tác hướng dẫn, kiểm tra đối với các địa phương trong việc cụ thể hoá cơ chế chính sách, xây dựng và quản lý các dự án phát triển, khai thác sử dụng công trình cấp nước còn hạn chế, chưa được thường xuyên sâu sát, nhất là ở các đô thị nhỏ còn nhiều yếu kém. Các chính sách về quản lý và phát triển ngành nước, đặc biệt là chính sách tài chính chưa được qui định cụ thể và chưa được chấp hành nghiêm túc. Chưa có chính sách huy động các nguồn vốn trong toàn xã hội từ mọi thành phần kinh tế, để thúc đẩy sự phát triển ngành. Cần nghiên cứu lược bớt một số thủ tục thực hiện các dự án, để thu hút các nhà đầu tư và tài trợ. Các luật, nghị định, thông tư liên quan đến ngành cấp nước đã có, xong các văn bản dưới luật như: Chỉ thị, qui định, qui tắc, điều lệ để quản lý cấp nước đô thị còn thiếu. Việc thi hành pháp luật còn yếu, chưa có bộ máy và cơ chế để thực hiện các luật lệ, qui định đã ban hành.

Về năng lượng quản lý cấp nước đô thị: Trình độ quản lý của các công ty cấp nước chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình đổi mới. Các công ty cấp nước thiếu đội ngũ cán bộ, công nhân được đào tạo đúng chuyên môn, trình độ quản lý và vận hành kĩ thuật. Việc chỉ đạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý và thông tin kinh tế kỹ thuật chuyên ngành cũng như việc chỉ đạo phối hợp đào tạo cán bộ, công nhân ngành nước còn chưa hoàn chỉnh. Hệ thống dịch vụ cấp nước còn mang tính độc quyền. Sự phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác quản lý cấp nước còn nhiều hạn chế. Sự hiểu biết của cán bộ làm việc trong các phòng ban chuyên môn tại địa phương về công tác quản lý cấp nước, cũng như việc phổ biến các văn bản quản lý cấp nước chưa được lĩnh hội thường xuyên và đầy đủ. Sự tham gia của cộng đồng trong công tác đầu tư, quản lý và cung cấp dịch vụ chưa được huy động đầy đủ.

Về đầu tư tài chính cấp nước đô thị: Ngành nước được sự ưu tiên đầu tư của Chính phủ từ nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước (viện trợ ODA, viện trợ của các tổ chức quốc tế, đầu tư của các hãng tư nhân, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi lớn từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Châu Á). Đến năm 2005 hệ thống cấp nước của 5 thành phố trực thuộc trung ương và 58 tỉnh đã được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh. Trong giai đoạn 2006 đến năm 2010 tiếp tục đầu tư vào các đô thị vừa và nhỏ là các đô thị có hệ thống cấp nước phần lớn chưa được đầu tư hoặc cải tạo, nên vẫn ở trong tình trạng lạc hậu về kỹ thuật và đang bị xuống cấp nhanh chóng, mới chỉ phát huy được tối đa 70% công suất. Tuy nhiên, đối với các đô thị loại nhỏ, với nguồn vốn đầu tư như hiện nay, ít có cơ hội được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung.

3. Công tác quản lý nhà nước về cấp nước đô thị

3. 1. Mục tiêu phát triển cấp nước đô thị

Để cải thiện một cách căn bản tình hình cấp nước đô thị hiện nay, cần thực hiện theo các biện pháp cơ bản: Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ cấp nước đô thị; giảm tỉ lệ thất thoát và thất thu nước; cải tạo nâng cấp các công trình cấp nước hiện có, đảm bảo vận hành đúng công suất thiết kế; tạo mọi điều kiện để các công ty cấp nước tự chủ về tải chính, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ công ích và chính sách xã hội; lập lại kỷ cương trật tự trong ngành cấp nước đô thị ở tất cả các khâu: quy trình công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý nhà nước, quản lý công cộng.

Để xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài, bền vững, cần tiến hành cải cách tổ chức và quản lý ngành cấp nước ở các cấp; xoá bỏ cơ chế bao cấp, áp dụng cơ chế thị trường, dùng các khoản thu tiền nước để trang trải chi phí và phát triển ngành, đồng thời thực hiện chính sách xã hội; đào tạo cán bộ và đổi mới công tác quản lý phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ phát triển khoa học kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ mới thông qua chuyển giao công nghệ hiện đại hoá các hệ thống cấp nước đô thị; đẩy mạnh sản xuất thiết bị, vật tư, phụ tùng trong nước theo tiêu chuẩn ngành càng cao được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận; áp dụng các tiêu chuẩn quy phạm và luật lệ tiên tiến để đưa ngành nước Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực, phù hợp với chính sách mở cửa và mở rộng hợp tác quốc tế.

3.2. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước trên lãnh thổ Việt Nam; ban hành và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, định hướng phát triển cấp nước ở cấp quốc gia.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc: Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách về cấp nước đô thị và khu công nghiệp trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp ở cấp quốc gia; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về cấp nước đô thị và khu công nghiệp; hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động cấp nước đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sức khoẻ cộng đồng, ban hành quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tổ chức kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy chuẩn nước sạch trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư cho các công trình cấp nước; làm đầu mối vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đầu tư phát triển cấp nước theo thứ tự ưu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bồ Tài chính: Thống nhất quản lý về tài chính đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đầu tư phát triển cấp nước; Phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch, ban hành khung giá nước sạch và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện trên phạm vi đô thị và khu công nghiệp toàn quốc.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý; qui định chức năng, nhiệm vụ, phân cấp quản lý về hoạt động cấp nước cho các cơ quan chuyên môn và Uỷ ban nhân dân các cấp do mình quản lý. Sở Xây dựng các tỉnh và Sở Giao thông công chính các thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và khu công nghiệp;

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và phát triển các dịch vụ cấp nước cho các nhu cầu khác nhau theo địa bàn quản lý, phối hợp với sự phát triển cộng đồng và tham gia vào quy hoạch chung của vùng về cấp ước; khi có nhu cầu về cấp nước, Uỷ ban nhân dân các cấp phải áp dụng các biện pháp thích hợp để lựa chọn hoặc thành lập mới đơn vị cấp nước, hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức giám sát việc thực hiện Thoả thuận thực hiện dịch vụ cấp nước của đơn vị cấp nước trên địa bàn do mình quản lý, bảo đảm các dịch vụ cấp nước đầy đủ, có sẵn để sử dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của cộng đồng.

3.3. Công tác đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước và phân phối nước

Công tác đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước và phân phối nước hầu hết do chính quyền các đô thị chịu trách nhiệm. Vốn đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước trước đây lấy từ ngân sách nhà nước. Trong cơ chế thị trường các doanh nghiệp có tính tự chủ cao, họ có thể vay vốn để đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và cung cấp nước. Chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò của mình trong kiểm tra, kiểm soát để nhằm đảm bảo cung cấp nước cho mọi nhu cầu dùng nước trong đô thị và đạt được mục tiêu trong quản lý kinh doanh nước sạch. Để đáp ứng nhu cầu quan trọng và chính đáng của các đô thị về việc cung cấp nước sạch, nhà nước cần tiến hành một số hoạt động đầu tư như: Tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cũng như những thành phần kinh tế tư nhân để cải tạo và xây dựng mới các hệ thống cấp nước với các mô hình thích hợp cho mỗi vùng, mỗi đô thị; Nhà nước phải sử dụng công cụ pháp luật và xây dựng giá cả về nước cho tất cả các loại khách hàng; các công ty cấp nước có quyền tự chủ trong kinh doanh và tự lực lập nghiệp để tạo ra nguồn doanh thu từ các hoạt động của công ty; tạo ra được năng lực tài chính đủ mạnh để thu hút các khoản vay vốn với các điều kiện thương mại hoá nhằm đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống cấp nước hiện có. Uỷ ban nhân dân các đô thị cần thực hiện chức năng giám sát và xem xét những chính sách và mục tiêu do các cơ quan kiểm tra đề ra. Song cần lưu ý, UBND địa phương tương ứng cần tránh gây phương hại đến quyền tự chủ và tự lực tài chính của các công ty cấp nước địa phương.

3.4. Đổi mới cơ chế chính sách quản lý nhà nước về cấp nước

Cần phải chuyển các công ty cấp nước sang hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo cho các doanh nghiệp cấp nước hoạt động kinh doanh phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ thì điều kiện tiên quyết là phải tính đúng, tính đủ mọi chi phí sản xuất theo định mức kinh tế kỹ thuật và giá thành sản xuất. Hoặc nói cách khác, giá nước máy phải đảm bảo thu hồi vốn đầu tư để trả nợ vay và tái tạo tài sản cố định. Tuy nhiên, giá nước sạch sinh hoạt phải phù hợp với mức sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, vì vậy giá nước sinh hoạt không được tăng đột biến. Đây là bài toán phức tạp, đòi hỏi phải có cách giải quyết khoa học.

Căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành khung giá nước theo khu vực và theo công nghệ. Khung giá có giá sàn và giá trần. Trong giai đoạn đầu chuyển các công ty cấp nước sang hoạt động kinh doanh, cần tiếp tục cơ chế bù giá chéo cho các đối tượng sử dụng nước. Đối với các đô thị có khả năng cung cấp nước máy thấp hơn nhu cầu sử dụng, nên áp dụng giá luỹ tiến để tiết kiệm nước và đảm bảo tính công bằng xã hội.

3.5. Các biện pháp quản lý giảm thất thoát và thất thu nước

Kiểm soát thất thoát: Để kiểm soát rò rỉ hiệu quả, cần sử dụng phương tiện hiện đại. Điều khiển lưu lượng và áp lực ở các tuyến chính bằng các van chặn điều khiển từ xa để xử lý kịp thời theo dõi liên tục lưu lượng nước không đo đếm được bằng các ghi chép hàng ngày để có sự điều chỉnh kịp thời trong việc thu tiền nước.

Phát hiện rò rỉ: Để phát hiện chỗ rò rỉ kịp thời tránh thất thoát nhiều, ngoài việc trang bị các thiết bị phát hiện có hiệu quả, cần có quan hệ thường xuyên với khách hàng, nâng cao dân trí để thu thập thông tin kịp thời về vị trí và tình trạng rò rỉ.

Sửa chữa rò rỉ: Các chi nhánh nước phải có đơn vị sửa chữa lưu động nhanh, được trang bị xe và vật tư dự phòng để có thể nhanh chóng đến nơi xẩy ra sự cố, khi có thông tin thì sửa chữa kịp thời.

Sử dụng hệ thống ghi thu hoá đơn: Sử dụng hệ thống ghi thu hoá đơn bằng máy vi tính, sẽ kiểm soát tương đối chính xác khối lượng nước thực tế sử dụng qua đồng hồ. Do đó sẽ giảm được thất thu do có sự nhầm lẫn hoặc gian lận của cán bộ thu tiền nước. Nếu có điều kiện hiện đại hoá công tác quản lý, nên sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) làm công cụ áp dụng biện pháp quản lý mạng lưới đồng hồ đo nước bằng điều khiển từ xa. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để chống thất thu nước.

Lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng và đồng hồ đo nước: Các nhánh vào các khu dân cư, khu nhà ở đều nên lắp đồng hồ đo lưu lượng, tất cả các hộ dân đều phải lắp đồng hồ đo nước, tuyệt đối không dùng nước khoan.

Chính sách giá nước: Chính sách giá nước hợp lý góp phần thu được đầy đủ số tiền đã được các đối tượng trên tiêu thụ.

Mô hình quản lý khách hàng: Xây dựng mô hình quản lý khách hàng, trong đó có sự tham gia của chính quyền, công an địa phương và đại diện người dân.

Nâng cao dân trí và tăng cường hiệu quả pháp luật: Bằng cách phổ biến kiến thức, phát động phong trào tiết kiệm chống lãng phí nước, đưa ra các hình phạt cho những hành vi vi phạm pháp luật.

Sự tham gia của cộng đồng: Vận động sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý mạng lưới cấp nước có sự chỉ đạo trực tiếp của các đoàn thể, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, tham gia thực hiện pháp luật bảo vệ công trình cấp nước và nguồn nước.

4. Kết luận

Hiện nay, nhiều đô thị trong cả nước đã được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước với quy mô lớn, tốc độ nhanh để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất. Điều đặc biệt quan trọng là các công ty cấp nước đã chuyển sang hoạt động kinh doanh thực sự khi thực hiện tính giá tiêu thu nước sạch theo nguyên tắc tính đúng tính đủ mọi chi phí. Doanh nghiệp cấp nước có điều kiện tự chủ về tài chính và đó là điều kiện tiên quyết để lĩnh vực cấp nước phát triển bền vững.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với các công ty cấp nước khả năng tự chủ, tính trách nhiệm là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển. Với hướng đi đó các công ty cấp nước có thể chuyển đổi thành các công ty TNHH mà chính quyền đô thị là cổ đông duy nhất. Điều này làm tăng tính bền vững và mang lại cơ hội cổ phần hoá cho các công ty trong tương lai.

Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng để việc thực hiện các văn bản quy phạm ngành đạt hiệu quả cần có một cơ quan giám sát ở cấp quốc gia nhằm xem xét lại những phương án được đề xuất; tránh tình trạng xung đột lợi ích khi các UBND tỉnh vừa ban hành giá nước vừa là chủ sở hữu các công ty cấp nước. Xu hướng đầu tư cho lĩnh vực cấp nước là chuyển dần từ nguồn vốn ODA sang các nguồn tài chính hỗn hợp tiến tới dựa hoàn toàn vào nguồn tài chính trong nước. Với tư cách là đơn vị bảo lãnh vay ngân hàng cho các công ty cấp nước, UBND tỉnh sẽ đóng vai trò trung gian giúp hỗ trợ có hiệu quả hơn về mặt chi phí và nâng cao hiệu quả của dịch vụ. Đồng thời, việc phát hành trái phiếu của các công ty cấp nước còn là một kênh huy động vốn khác nhưng để nắm bắt tốt hơn các cơ hội ấy, các công ty cấp nước cần được hoàn thiện hơn thông qua quy định kế toán tài chính, qua kiểm toán, Benchmarking và sự phát triển hệ thống định giá.

 

Nguồn: Tham luận của PGS. TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội & Thách thức”, tháng 11 - 2008

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)