Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

Thứ ba, 23/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua quá trình đô thị hoá đã và đang diễn ra nhanh chóng trên phạm vi của cả nước. Được sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, các ngành và lãnh đạo chính quyền địa phương cùng với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế (ADB, WB, . .)  và các nước trên thế giới nên nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật  đô thị như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn . . của các đô thị đặc biệt các đô thị tỉnh lỵ được đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển khá nhanh, bộ mặt đô thị khởi sắc. Sự phát triển của hệ thống đô thị vừa qua trong đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng đã góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, từng bước nâng cao chất lượng đô thị, cải thiện đời sống của người dân đô thị, góp phần xoá đói giảm nghèo tạo lập một nền tảng phát triển bền vững đô thị. 

I. Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị

1.1. Giao thông đô thị: Hiện nay tổng chiều dài đường bộ trong cả nước là 251.786km trong đó chiều dài đường đô thị đạt trên 8500Km. Trong những năm qua nhiều con đường mới được xây dựng, chất lượng đường đô thị được cải thiện đáng kể. Ở các đô thị loại III trở lên hầu hết các tuyến đường chính được rải nhựa, nâng cấp hệ thống thoát nước, hè đường, chiếu sáng và cây xanh. Nhiều dự án về giao thông đô thị được triển khai với việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các trục giao thông đối ngoại, cửa ô, trục giao thông hướng tâm, các nút giao cắt, đường vành đai đã góp phần nâng cao năng lực thông qua tại các đô thị. Giao thông công cộng đã, đang hình thành và phát triển tại các đô thị: Các thành phố, thị xã như Cần Thơ, Cao Lãnh, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Sơn La … đã tổ chức các tuyến giao thông công cộng phục vụ vận chuyển khách đặc biệt tại hai thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giao thông công cộng đang là phương tiện không thể thiếu được. Hà Nội dự kiến năm 2007 khối lượng vận chuyển đạt trên 400 triệu lượt hành khách, thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 370 triệu lượt hành khách….Hiện nay hai thành phố này đang tiến hành lập dự án đầu tư, xây dựng một số tuyến giao thông công cộng vận chuyển hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm , xe buýt nhanh ( BRT).           

Nhìn chung giao thông đô thị của các đô thị Việt nam có những hạn chế đó là:

- Sự liên kết giữa giao thông đối ngoại và giao thông đô thị chưa được tốt, chưa đóng vai trò góp phần làm giảm ách tắc cho khu vực đô thị ,việc phân luồng vận tải hàng hoá, hành khách chưa rõ ràng. Các đô thị nhỏ và vừa đường trục chính đô thị đồng thời là quốc lộ chạy qua đã gây mất an toàn giao thông.        

- Phân cấp hạng đường trong đô thị không rõ ràng: Hiện tại nhiều đường phố có qui mô không tương xứng với cấp hạng mà nó đảm nhận (đường chính đô thị chỉ có mặt cắt rộng 12-21m, số làn xe chỉ đạt 3-4 làn trong khi đó qui định mặt cắt 50-60m tương ứng số làn xe 6-8làn)+ Mật độ mạng lưới đường thấp: Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM; Hải Phòng, Đà Nẵng mật độ chỉ đạt từ 4 - 5,5Km/Km2; Các đô thị loại II; III mật độ đường thấp đạt khoảng 2,5 - 3Km/Km2. Mạng lưới phân bố không đều. Đường đô thị được phân bố tốt và cao ở khu vực đô thị cũ nhưng thấp và không đều ở khu vực cải tạo và khu vực mới .

+ Cấu trúc mạng lưới đường nội thị dạng hỗn hợp, thiếu sự liên thông - đường phố ngắn, nhiều giao cắt, chiều rộng hẹp. Nhiều đường phố chưa mở rộng được theo quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng không triển khai được do nhiều nguyên nhân trong đó giải phóng đền bù đóng vai trò quan trọng.

+ Nút giao nhau phần lớn cùng mức (kế cả với đường sắt). Nhiều nút nhỏ, hẹp bán kính không đủ để thông xe, công tác cải tạo khó khăn. Nhiều điểm giao cắt không hợp lý (đường hẻm, nhỏ giao cắt trực tiếp với đường trục chính, các ngã 3 quá gần nhau. . .). Phần lớn các nút giao cắt là quá tải đặc biệt trong các giờ cao điểm tạo ra các xung đột dòng phương tiện gây ách tắc giao thông. Một số nút giao nhau khác mức được xây dựng gần đây tuy đã góp phần giải quyết ùn tắc nhưng việc xây dựng không đồng bộ với cải tạo, mở rộng đường dẫn tới nút không bị tắc nhưng nhiều đường phố dẫn tới nút bị ách tắc. 

+ Tỷ lệ đất dành cho giao thông nói chung còn quá thấp hầu hết mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị trong khi đó theo yêu cầu tỷ lệ này phải đạt khoảng 20-25%.

+ Sự bùng nổ lớn về phương tiện giao thông cá nhân. Xe máy và xe đạp thường chiếm trên 80%, cơ cấu phương tiện.

+ Lòng đường, hè phố và hành lang giao thông bị chiếm dụng dưới nhiều hình thức. Việc hợp lý hoá sử dụng hè dưới danh nghĩa sử dụng tạm thời hay phân cấp quản lý ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông cho người đi bộ, an toàn giao thông và tính đồng bộ – thống nhất trong quản lý khai thác hạ tầng và góp phần tạo nên hình ảnh xấu cảnh quan của đô thị. 

+ Bến bãi, đỗ xe thiếu trầm trọng, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh quá thấp hầu hết <1% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Một vài đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đã có một hệ thống các bến, bãi đỗ xe công cộng nhưng hầu hết bến bãi có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế không đáp ứng yêu cầu.       

1.2. Cấp nước đô thị

Đến nay hầu hết các đô thị tỉnh lỵ (63 tỉnh) đều đã và đang có các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống cấp nước. Nhu cầu cấp nước tại các đô thị lớn và khu công nghiệp về cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tính đến cuối năm 2007, tổng công suất thiết kế cấp nước đạt khoảng 4,82 triệu m3/ng.đ tăng khoảng 2,5% so với năm 2006. Công tác lập dự án, tìm kiếm nguồn tài trợ được các ngành các cấp quan tâm đúng mức. Công tác quản lý dự án, quản lý sản xuất kinh doanh nước sạch có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ thất thoát thất thu giảm đáng kể trung bình khoảng 32%. Tổng giá trị thực hiện đầu tư 5 năm 2001-2005 đạt khoảng 14.500 tỷ đồng trong đó ODA chiếm khoảng 61%.

Tỷ lệ cấp nước của dân đô thị đạt trung bình 70% ( tỷ lệ này đạt 75-90% tại các đô thị lớn như Hà Nội đạt 88,5% và TP. Hồ Chí Minh đạt 87%). Mức sử dụng nước sạch bình quân đạt 80-100l người/ngày đêm.

Mặc dù tỷ lệ thất thoát, thất thu từ 45-50% (2000) xuống <35% (2005) nhưng vẫn ở mức quá cao so với mục tiêu đề ra (<30%). Việc đầu tư chỉ mới quân tâm đến trạm, nhà máy – hệ thống phân phối gồm cải tạo hệ thống cũ, mở rộng mạng mới chưa được quan tâm đầy đủ nên công suất khai thác tại nhiều nhà máy nước mới chỉ đạt khoảng 72,6% so với công suất thiết kế (có địa phương chỉ đạt trên dưới 50% công suất thiết kế như Thị xã Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái…).  

1.3. Thoát nước đô thị

Trong số 63 đô thị tỉnh lỵ đã có 32 đô thị có các dự án về thoát nước và vệ sinh môi trường từ nguồn vốn ODA. Tổng mức đầu tư khoảng 32.000tỷ đồng. Nhiều dự án lớn được triển khai thực tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng … bước đầu phát huy có hiệu quả như dự án thoát nước giai đoạn I của Hà Nội, dự án xử lý nước thải tại lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, lưu vực Tầu Hủ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Kênh Tẻ, Dự án TN –VSMT Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng….. đã góp phần làm giảm mức độ ngập úng tại các đô thị này. Nếu như trước đây hầu như không có nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị thì đến nay nhiều nhà máy/trạm này đã được đầu tư xây dựng tại Hà Nội, Buôn Ma Thuột, Hạ Long, Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, TP. Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên: Tất cả các đô thị ở Việt Nam ch­ưa có hệ thống thoát n­ước thải riêng mà còn là hệ thống chung cho cả thoát nước mưa và nước thải. Các hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp, thường xảy ra tình trạng úng ngập cục bộ, đặc biệt đối với các đô thị lớn (ví dụ: ngập úng nghiêm trọng đặc biệt xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh trong năm nay).. Tỷ lệ dân được hưởng dịch vụ thoát nước còn rất thấp, khoảng 50-60% tại các đô thị lớn, tại các đô thị nhỏ chỉ chiếm khoảng 25%. Nước thải hầu như chưa được xử lý - Tất cả nước thải công nghiệp trừ một số cơ sở hoá chất có xử lý cục bộ, hầu hết các cơ sở y tế, bệnh viện đều chưa có hoặc có trạm xử lý nhưng rất ít trạm hoạt động có hiệu quả phần lớn nước thải vẫn xả thẳng vào hệ thống nước thải công cộng. Nước thải không được xử lý gây nên ô nhiễm nặng nề các dòng sông lớn như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, sông Đáy, sông Cầu… 

1.4. Quản lý chất thải rắn

Chất thải rắn là nguyên nhân gây nhiễm bẩn đất và nước. Chất thải rắn ở đô thị ngày càng có những diễn biến phức tạp lại chưa được quản lý và xử lý tốt. Chất thải từ các nguồn như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, y tế và sinh hoạt đô thị đang ngày càng tăng nhanh về chủng loại, số lượng và tính độc hại. Phần lớn các khu công nghiệp, nhà máy công nghệ chưa hiện đại được xây dựng mới hoặc chuyển từ nội thành ra ngoại thành hoặc các khu công nghiệp nằm xen kẽ khu dân cư. Nhiều khu công nghiệp chưa có thiết bị xử lý chất thải rắn hoặc chưa chú ý đầu tư đúng mức cho công tác xử lý chất thải.

Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại phát sinh hằng năm đều tăng ví dụ tại 3 vùng kinh tế trọng điểm có khoảng 113.118 tấn. Lượng chất thải rắn y tế phát sinh trên phạm vi cả nước ước tính khoảng 34 tấn/ ngày đêm, trong đó 1/3 lượng chất thải y tế nguy hại tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, 2/3 còn lại ở các tỉnh, thành khác. Hiện nay, tại 58 tỉnh thành được thống kê có hơn 1450 làng nghề với các nghề cơ bản như chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, tái chế chất thải rắn (giấy, nhựa, kim loại...), dệt nhuộm... Khối lượng lớn chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất từ các làng nghề này đang gây ra ô nhiễm nặng nề nguồn nước, không khí và môi trường khu dân cư.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại các đô thị lớn như Hà Nội đạt khoảng 95%, Tp Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ cao gần 100% tổng lượng chất thải rắn phát sinh. Tỷ lệ thu gom bình quân toàn quốc vào khoảng 55- 60%. Hầu hết chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp không được phân loại tại nguồn, mà được thu gom lẫn lộn, sau đó được vận chuyển đến bãi chôn lấp mà cũng phần lớn là các bãi chứa rác lộ thiên không đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Về xử lý chất thải rắn đô thị cho đến nay chủ yếu vẫn là đổ thải vào các bãi lộ thiên, không có sự kiểm soát kỹ thuật, mùi hôi và nước rác là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Cho đến nay mới chỉ có 32/64 tỉnh, thành có dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó có 13 đô thị đã và đang được đầu tư xây dựng. Một số dự án xử lý chất thải rắn tại đô thị chưa phát huy hiệu quả do lựa chọn công nghệ chưa thích hợp.

1.5. Cấp điện và chiếu sáng đô thị

1.5.1 Cấp điện

Tất cả các đô thị ở Việt Nam đều đã được điện khí hoá. Khu vực nông thôn, tỷ lệ điện khí hoá tăng từ 51% đến 88% số hộ gia đình trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2004. Việc tiếp cận cấp điện của Việt Nam tiệm cận sát hơn với mức tiếp cận của các nước giàu hơn trong khu vực.

Hệ thống cấp điện được chuyển tải trên 2 dạng cơ bản: Cáp ngầm và đường dây trên không. Phần lớn là đô thị cũ nên hệ thống đường dây chủ yếu đi trên không gây mất an toàn và làm xấu mỹ quan đô thị. Hiện nay Hà Nội đang có dự án ngầm hoá hệ thống cấp điện trước mắt cho 5 tuyến phố chủ yếu với kinh phí khoảng 200 tỷ. Tp.Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành ngầm hoá cáp điện lực – cho đến nay có khoảng 10% số km cáp điện lực được ngầm hoá. Tuy nhiên việc ngầm hoá đòi hỏi vốn đầu tư lớn vì thế cần phải có các lộ trình thích hợp.

1.5.2 Chiếu sáng đô thị

Hiện nay tất cả các đô thị của Việt Nam đều có điện chiếu sáng với mức độ khác nhau. Tại các đô thị loại đặc biệt và loại I như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... có 95-100% các tuyến đường chính được chiếu sáng, các đô thị loại II, III (Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hoá, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang, Buôn Ma Thuột…), tỷ lệ này chiếm gần 90%. Các đô thị loại IV và loại V tập trung chiếu sáng đường phố chính chủ yếu là những đoạn quốc lộ, tỉnh lộ đi qua đô thị.

- Tốc độ phát triển của hệ thống chiếu sáng tăng hàng năm, năm sau tăng hơn năm trước ví dụ tại TP.Đà Nẵng số lượng đèn chiếu sáng tăng bình quân từ 15% đến 52%; số Km chiếu sáng tăng từ 13 đến 30%. Tp.Hồ chí Minh số đèn năm 2005 tăng so với 2004 12,79%; năm 2006 so với năm 2005 tăng 24,32%. Riêng tốc độ phát triển của hệ thống chiếu sáng TP. Hà Nội rất cao với mức tăng bình quân khoảng 20%/năm.

+ Nguồn điện cung cấp cho chiếu sáng ngày càng ổn định và chất lượng cao hơn.

+ Hình thức chiếu sáng đa dạng và phong phú: Chiếu sáng không chỉ tập các đường phố chính, các đường nhánh, ngõ phố ….mà chiếu sáng đã chú trọng đến các công trình kiến trúc, các điểm nhấn của đô thị, các công trình quảng cáo …góp phần tạo nên bộ mặt của đô thị văn minh, hiện đại về ban đêm với sự độc đáo, quyến rũ và hoành tráng.     

+ Thiết bị chiếu sáng không ngừng cải tiến: Phong phú và đa dạng về chủng loại, hiện đại và đẹp về hình thức, kiểu dáng kết cấu, giá cả hợp lý.

+ Nguồn sáng (bóng đèn) sau thí điểm hiện đang được khuyến khích sử dụng trên diện rộng (dần dần đi đến bắt buộc) các loại nguồn sáng tiết kiệm năng lượng như bóng huỳnh quang T8 (36W, 32W,18W), T5, bóng Compact, chấn lưu hiệu suất cao.  

Tuy nhiên:

 - Chất lượng chiếu sáng chưa cao, tỷ lệ đường phố chính có nơi đạt tới100% được chiếu sáng nhưng hiệu suất sáng, cường độ sáng, độ rọi không đảm bảo – nhiều nơi vẫn còn cảnh tranh tối, tranh sáng mất an toàn giao thông. Tỷ lệ ngõ xóm được chiếu sáng còn rất thấp ngay tại đô thị đặc biệt tỷ lệ này chiếm khoảng 35%, các đô thị loại IV, V hầu như tất cả ngõ xóm đều không được chiếu sáng. Chiếu sáng các công trình kiến trúc, chiếu sáng quảng cáo, không gian cây xanh mặt nước …. vẫn còn tự phát, manh mún, tuỳ tiện chưa có sự kết hợp hay cụ thể hơn chưa có hướng dẫn hay quy định cụ thể về loại hình công việc này.     
 
-
Nguồn sáng (bóng đèn), thiết bị chiếu sáng hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng vẫn còn sử dụng phổ biến.

1.6. Cây xanh đô thị

Trong thời gian qua, mặc dù công tác phát triển cây xanh đô thị đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Diện tích cây xanh đô thị từng bước tăng dần cả về số lượng và chất lượng, cây trồng đặc biệt ở các đô thị lớn ngày càng phong phú. Tuy nhiên, qua khảo sát và thống kê thì có thể đánh giá chung như sau:

Tỷ lệ bình quân diện tích đất cây xanh trên đầu người còn thấp phần lớn < 10m2/người ( TP. Hà Nội đạt 5,54m2/người). Tỷ lệ diện tích đất cây xanh trên diện tích đất tự nhiên đô thị cũng thấp so với các đô thị trong khu vực và trên thế giới có thể ví dụ một vài đô thị như sau: Thị xã Bắc Cạn khoảng 0,03%; thị xã Hoà Bình: 0,27%; thị xã Cao Bằng: 1,02%; Tp.Điện Biên: 1,15% và thị xã Kon Tum khoảng 0,03%; Plei Ku : 0,18; Quy Nhơn khoảng 8,34%; Tp.Mỹ Tho: 5,1% và Tp.Huế khoảng 4,2%

Ngoài ra: Quản lý về cây xanh vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, tỉa cành, mé nhánh, khai thác một cách tuỳ tiện diễn ra khá phổ biến làm giảm diện tích độ che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Nhiều đô thị tiến hành công tác cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố dẫn đến việc chặt hạ hàng loạt cây xanh. Việc tỉa đọt, chặt nhánh không đúng quy trình, kỹ thuật góp phần làm suy yếu và giảm tuổi thọ của cây. Trồng cây xanh ở những nơi công cộng trên đường phố, vườn hoa, công viên và cây trong các loại khuôn viên vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, phân tán, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương.

1.7. Nghĩa trang

Qua nghiên cứu, thống kê và quản lý trong những năm qua có thể rút ra một số đánh giá về quy hoạch và quản lý xây dựng nghĩa trang như sau:

- Việc xây dựng và mở rộng ranh giới nội thị đã làm cho các nghĩa trang trước kia ở khu vực ngoại thị hoặc vùng giáp ranh ngày càng dần trở nên “lọt thỏm” trong nội thị, việc di dời gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nghĩa trang hiện không đảm bảo được khoảng cách ly tối thiểu đến khu dân cư, thậm chí có nơi tình trạng ranh giới giữa nghĩa trang và khu dân cư không được phân định rõ ràng. Bên cạnh đó, phần lớn các nghĩa trang dạng này trước đây được xây dựng và phát triển tự phát không có quy hoạch, phụ thuộc vào phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, điều kiện kinh tế của người dân địa phương. Ngoài ra nhiều nghĩa trang có ranh giới được xác định tại các đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tối thiểu như đường giao thông, cấp điện – chiếu sáng, cấp nước, thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường đã có nhưng còn nhiều bất cập hoặc chưa được xây dựng đồng bộ.

- Do không có các quy định chung về chỉ tiêu sử dụng đất, kiến trúc công trình và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khuôn viên nghĩa trang, các quy định cụ thể về kích thước, kiểu dáng mộ xây, vật liệu xây dựng, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng mỗi đô thị, làng, xã nào cũng có nghĩa trang, việc chôn cất lộn xộn, tùy tiện, diện tích đất xây dựng được tận dụng tối đa, mộ phần xây dựng theo nhiều hướng, bằng nhiều loại vật liệu, màu sắc, kích cỡ to, nhỏ, kiểu dáng khác nhau không thống nhất tạo nên bộ mặt rất xấu về cảnh quan kiến trúc và lãng phí đất cũng như bảo vệ môi trường.

- Việc sử dụng hình thức địa táng ở Việt Nam, đặc biệt là tập tục chôn 3 năm rồi cải táng (miền Bắc) mà phần lớn các nghĩa trang chưa áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm khu vực, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư sống xung quanh nghĩa trang và phụ cận. Ngoài ra, hình thức địa táng cùng với việc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang tại các địa phương còn yếu kém làm cho diện tích đất nghĩa trang ngày càng gia tăng (nhiều nơi diện tích đất nghĩa trang nhiều hơn đất ở, đất canh tác) gây sức ép lớn đối với nhu cầu đất cho xây dựng và phát triển đô thị. 

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì đất nghĩa trang cả nước năm 2000 là 93.741ha bình quân đầu người là 12m2. Vùng có đất nghĩa trang bình quân trên đầu người cao nhất là Bắc Trung Bộ 29m2, duyên hải Nam trung bộ 26m2, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu long khoảng 4,3 - 4,4m2 (tại vùng này ít có nghĩa trang tập trung phần nhiều chôn cất trong ruộng vườn của từng nhà).

- Việc tự phát xây dựng nhà mồ, lăng mộ, lăng tẩm hoặc việc ganh đua xây dựng những ngôi mộ nguy nga bề thế (có nơi chiếm hàng trăm m2 như ở Thái Bình, Hải Phòng, Huế và một số tỉnh miền trung khác….) tại một số nghĩa trang hoặc ngay trong các khu dân cư thiếu sự quản lý về xây dựng và kiến trúc công trình cũng đang ngày càng tạo thêm nhiều sức ép về quỹ đất của địa phương, tốn kém tiền của và tạo điều kiện thuận lợi cho các tiêu cực như: giành đất, giữ đất, buôn bán đất, sử dụng đất lãng phí..., ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và xã hội, khó quản lý, kiểm soát...

II. Đánh giá chung về phát triển kết cấu hạ tầng trong những năm vừa qua:

2.1. Những thành tựu chung

Cũng như các quốc gia trên thế giới, sự phát triển hài hoà giữa hạ tầng kỹ thuật với các ngành kinh tế sẽ là động lực thức đẩy nền kinh tế phát triển tốc độ nhanh và bền vững. Trước những đòi hỏi của quá trình đô thị mới và hợp tác quốc tế sâu rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của nước ta có những biến đổi đáng kể và thể đánh giá như sau:

a. Về cơ bản đã giải quyết được một phần sự mất cân đối giữa cung và cầu: Nhìn nhận khách quan trong thập niên gần đây hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư tập trung hơn và hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu cơ bản phát triển của đô thị

b. Chất lượng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được cải thiện rõ rệt: Đó là chất lượng phục của giao thông công cộng ngày càng tốt hơn, các dịch vụ cung cấp nước nước sạch, công tác xã hội hoá trong việc thu gom vận chuyển chất thải rắn có nhiều tiến bộ, cấp điện và chiếu sáng đô thị được cải thiện, dịch vụ cung cấp thông tin liên lạc phát triển nhanh chóng….

c. Diện đầu tư phát triển cho lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật không chỉ tập trung vào các đô thị lớn, các đô thị tỉnh lỵ mà quan tâm nhiều hơn vào các đô thị vừa và nhỏ tập trung vào các đô thị vùng duyên hải miền Trung; Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; các đô thị và cửa khẩu biên giới phía Bắc.....Lĩnh vực được chú ý ưu tiên là cấp nước sạch, thoát nước và vệ sinh môi trường.

d. Huy động vốn đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị từ nhiều nguồn: Từ ngân sách nhà nước, ODA; FDI hay của các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên theo WB thì có được thành công trong những năm qua là nhờ một phần quan trọng ở mức đầu tư cao dành cho cơ sở hạ tầng- Khoảng 9-10% GDP hàng năm được đầu tư vào ngành giao thông, năng lượng, viễn thông, cấp nước và vệ sinh- đây là một tỷ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng cao so với chuẩn quốc tế.

e. Hệ thống các văn bản pháp quy ngày càng hoàn thiện hơn và đồng bộ hơn: Trong những năm qua nhiều văn bản như Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường....... các nghị định của Chính phủ như: Xây dựng ngầm, thoát nước đô thị và khu công nghiệp, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, quản lý chất thải rắn… cũng như nhiều thông tư hướng dẫn thị hành được ban hành. Ngoài ra nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn (Quy hoạch xây dưng; xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Xây dựng ngầm; Đường đô thị…… có liên quan được nghiên cứu và hoàn thiện.

g. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thịtừ Trung ương đến địa phương được hình thành và củng cố.

2.2. Những bất cập và yếu kém

a. Công tác quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị: Hiện nay các quy hoạch này phần lớn là một nội dung cơ bản của Quy hoạch xây dựng đô thị nên có những hạn chế nhất định như: Chất lượng chưa cao, tầm nhìn còn hạn chế; công tác dự báo nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa vững chắc, nhiều phát sinh được phát hiện chậm và chậm được điều chỉnh. Trong thời gian vừa qua đã tiến hành một số quy hoạch xây dựng chuyên ngành như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.Hồ chí Minh, Hà Nội; Quy hoạch hệ thống bến bãi đỗ xe Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Tp.Hồ chí Minh hay Quy hoạch thoát nước; Quản lý chất thải rắn; Quy hoạch cấp nước cho 3 vùng kinh tế trọng điểm ….tuy nhiên thời gian triển khai dài, sự cập nhật số liệu, tài liệu còn chậm, tính thống nhất và đồng bộ với quy hoạch xây dựng vùng hay quy hoạch chung xây dựng đô thị chưa rõ nét, tính dự báo còn hạn chế.

b. Chất lượng cung cấp dịch vụ tuy có được cải thiện nhưng chưa đáp ứngđượcyêu cầu: Tỷ lệ dân cư đô thị chưa được cấp nước chiếm khoảng trên 30%. Tỷ lệ thất thoát thất thu còn khá cao >30%; trên 50% bãi chôn lấp chất thải rắn bị coi là nguồn ô nhiễm môi trường cần phải đóng cửa, các dòng sông lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến nguồn cấp nước, tình trạng úng ngập đô thị ( như tại Tp. Hồ chí Minh, Hà Nội...) chưa được giải quyết, ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng đặc biệt tại các đô thị lớn, tai nạn giao thông ngày càng gia tăng…

c. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng còn thiếu và các giải pháp huy động vốn … chưa được triển khai một cách tích cực hay giải ngân còn chậm. Các dự á sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tiến độ triển khai chậm. Tình trạng đầu tư vẫn còn dàn trải, nhiều công trình dở dang, thiếu vốn hoặc công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến hàng loạt công trình chậm ….

d. Cơ chế chính sách có nhiều tiến bộ song đi vào cuộc sống còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ hoặc phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

e. Tổ chức bộ mấy và phân công trách nhiệm: Mặc dù đã có những văn bản hướng dẫn như tổ chức bộ máy quản lý về hạ tầng kỹ thuật tại các địa phương chưa thống nhất có địa phương đã thành lập nhưng lồng ghép vì thế chức năng nhiều khi không rõ ràng. Cán bộ thiếu.

III. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị 

3.1. Quan điểm cơ bản

- Phải coi trọng việc phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi địa phương và cả nước vì đó là tiền đề để thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước

- Uư tiên phát triển KCHTĐT đi trước một bước.

- Chủ động hội nhập và tận dụng tối đa các cơ hội và sẵn sàng đối phó với các thách thức

- Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển KCHTĐT.

- Đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng, có thể nâng cấp được, hạn chế chắp vá, manh mún trong đầu tư và phát triển mới KCHTĐT.

3.2. Một số định hướng lớn về phát triển KCHTĐT

- Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật

- Phân cấp mạnh cho cơ sở từ quy hoạch, quản lý đầu tư, tạo nguồn vốn cho phát triển KCHTĐT (vốn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật và vốn cho phát triển nhà ở)

- Tiếp tục cải cách hành chính. Tăng cường kiểm tra nhất là chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí..

3.3. Một số giải pháp cơ bản

a. Công tác quy hoạch xây dựng

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, bảo đảm sự thống nhất quy hoạch xây dựng với quy hoạch phát triển ngành. Hoàn thiện các quy hoạch xây dựng: Cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, giao thông đô thị….trong đó tập trung và các quy hoạch có ý nghĩa liên vùng, liên đô thị

- Hoàn thiện và nâng cao chất lượng lập quy hoạch xây dựng đô thị đặc biệt chất lượng quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị.

b. Công tác huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng

- Hoàn thiện một số chính sách về đầu tư, tài chính, tín dụng tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào xây dựng và phát triển KCHTĐT.

Đa dạng hoá các nguồn tài chính; mở rộng diện cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị; thành lập quỹ phát triển đô thị nguồn chủ yếu từ đấu giá đất; phát hành trái phiếu đô thị; quỹ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển thị trường bất động sản; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng đô thị; xây dựng cơ chế chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng…..

c. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện như: Hướng dẫn Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn có liên quan đến lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị.........

d. Đẩy nhanh thực hiện các dự án hạ tầng có ý nghĩa quan trong quốc gia

Đẩy nhanh việc xây dựng đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, cầu lớn qua sông. Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu có hiệu quả tình trạng ngập úng đô thị (đặc biệt tại Tp.HCM); tình trạng ách tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và cải thiện môi trường tại các đô thị....tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ hành khách công cộng.

e. Phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

g. Tổ chức lại bộ máy quản lý, tiếp tục phân cấp mạnh cho chính quyền cơ sở, tăng quyền hạn của UBND các cấp đồng thời với tăng cường quyền giám sát của Hội đồng nhân dân và vai trò của cộng đồng. 

IV. Kết luận  

Trong những năm qua quá trình đô thị hoá đã và đang diễn ra nhanh chóng trên phạm vi của cả nước. Được sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, các ngành và lãnh đạo chính quyền địa phương cùng với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế (ADB, WB, . .) và các nước trên thế giới nên nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn . . của các đô thị đặc biệt các đô thị tỉnh lỵ được đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển khá nhanh, bộ mặt đô thị khởi sắc. Sự phát triển của hệ thống đô thị vừa qua trong đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng đã góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, từng bước nâng cao chất lượng đô thị, cải thiện đời sống của người dân đô thị, góp phần xoá đói giảm nghèo tạo lập một nền tảng phát triển bền vững đô thị. 

 

Nguồn: Tham luận của TS. Nguyễn Hồng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng tại Hội thảo "Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Cơ hội và thách thức", tháng 11/2008

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)