Đi tìm bản sắc địa phương cho quy hoạch - kiến trúc thành phố Pleiku

Thứ ba, 30/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thành phố Pleiku là đô thị tỉnh lỵ của Gia Lai, Pleiku có lịch sử hình thành gần 80 năm, với 220.000 dân, trong đó có 11% là đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích trên 260 km2. Thành phố có 42 buôn làng truyền thống của đồng bào các dân tộc được hình thành từ thế kỷ 19 đến trước thời Pháp thuộc, những buôn làng này là vốn quý của đô thị với bản sắc văn hoá truyền thống khá đậm nét, tạo nên nét đặc thù cho Pleiku. Chúng ta nói đi tìm một phong cách kiến trúc của TP. Pleiku có nghĩa là chúng ta cần nghiên cứu một cách toàn diện về kiến trúc lâu đời của các dân tộc bản địa. Điều đáng lưu ý là kiến trúc truyền thống cũng có những mặt tốt và chưa tốt, cho nên việc tìm ra những yếu tố quy hoạch - kiến trúc phù hợp địa hình, thời tiết, khí hậu, cảnh quan môi trường thiên nhiên của Pleiku đồng thời phù hợp với đời sống văn hoá mới, văn minh hiện đại là hết sức quan trọng.

Bản sắc địa phương của kiến trúc Pleiku là gì ? Làm thế nào để kiến trúc Pleiku có một phong cách đặc thù của miền núi cao nguyên?

Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần đề cập những nội dung liên quan đến kiến trúc truyền thống của các dân tộc bản địa nơi đây. Đó là những khía cạnh tốt đẹp của phong cách kiến trúc truyền thống, phong tục tập quán, các không gian văn hoá và lễ hội truyền thống; Những yếu tố thiên nhiên như: địa hình, cảnh quan, môi trường tự nhiên, cây xanh, mặt nước; Những điều kiện về kinh tế - xã hội, vật liệu xây dựng tại chỗ, kỹ thuật xây dựng truyền thống… chính là những thành tố mà chúng ta cần quan tâm nghiên cứu để đưa vào kiến trúc mới một cách hài hoà và có chắt lọc.

Về bản sắc kiến trúc địa phương hay phát huy phong cách kiến trúc truyền thống của Pleiku có thể đưa ra một số đặc trưng và giải pháp sau:

Đặc trưng về quy hoạch

Hình thái quy hoạch là đặc trưng rõ nét nhất của kiến trúc các đô thị miền núi Tây Nguyên nói chung và Pleiku nói riêng.

- Đó là truyền thống chọn đất, chọn hướng, giữ gìn tôn tạo địa hình, cảnh quan trong quy hoạch xây dựng buôn làng. Từ xa xưa, đồng bào đã có ý thức xây dựng buôn làng của mình một cách khoa học, buôn làng có những nét tương đồng, những điểm chung với quan niệm phong thuỷ của các nước phương Đông. Khi xây dựng buôn làng luôn tuyệt đối tôn trọng địa hình cảnh quan, không san ủi đất, không chặt cây, khai thác thiên nhiên, dựa vào điều kiện tự nhiên, trong 42 buôn làng ở TP. Pleiku vẫn còn duy trì phố biến hình thức nhà vườn cho đến ngày nay…. Cách thức tổ chức không gian trong quy hoạch buôn làng của đồng bào rất gần gũi với nguyên lý quy hoạch xây dựng tiểu khu nhà ở, nhóm nhà ở của kiến trúc hiện đại (các dạng quy hoạch như: ô bàn cờ, vòng tròn hướng tâm, theo tuyến, xương cá…).

- Từ truyền thống đấy, các nhà quy hoạch trước đây khi đặt nền móng xây dựng đô thị Pleiku đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn hình thái quy hoạch truyền thống của buôn làng, hình thành và phát triển một đô thị với nền quy hoạch khá dặc trưng của đô thị miền núi. Đó là hệ thống giao thông nhiều dốc, uốn lượn bám theo địa hình tự nhiên; Đó là các hồ nước tự nhiên và nhân tạo từ các khe suối, tụ thuỷ, nằm bên những cánh rừng thông ba lá xanh ngút ngàn; Đó là duy trì những buôn làng truyền thống đầy bản sắc đã tồn tại hàng trăn năm… trong đô thị góp phần làm nên điểm riêng cho Pleiku.

Do vậy khi quy hoạch xây dựng TP. Pleiku chúng ta có thể vận dụng kế thừa các truyền thống này:

- Không san ủi mặt bằng, hạn chế tối đa việc chặt cây, tạo khuôn viên cảnh quan cho từng công trình, tạo các khoảng xanh thoáng cho từng khu phố, các khu dân cư, giữ mật độ xây dựng các công trình công cộng không quá 50% diện tích khu đất, xây dựng đường, vỉa hè bám theo độ dốc địa hình tự nhiên nghiên cứu trồng các loại cây xanh trong đô thị phù hợp (thông, kơ nia, bằng lăng, sao, lim xẹt, dầu rái, long não…) tạo phong cách đặc trưng vốn có của đô thị miền núi.

- Khi quy hoạch các khu dân cư trong thành phố cần chú ý đặc thù Tây Nguyên với quỹ đất rộng, điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt (6 tháng mưa, 6 tháng nắng, một ngày có 4 mùa) hạn chế dạng nhà ống chia lô phố, mật độ dày đặc mà nên phổ biến hình thức nhà vườn, biệt thự với diện tích lô đất từ 200 - 400 m2; các khu phố hiện trạng đã phát triển có thể quy hoạch phát triển theo hướng hiện đại, tăng mật độ và chiều cao xây dựng, các khu đất còn trống kiên quyết giữ lại để tạo các khoảng không gian xanh, không gian công cộng cho thành phố; phải tận dụng tối đa các con suối, các điểm tụ thuỷ tự nhiên để tạo mặt nước với tác dụng giữ nước và cải tạo vi khí hậu.

- Trong quy hoạch xây dựng đô thị ở Tây Nguyên nói chung và của thành phố Pleiku cần đặc biệt lưu ý đến các không gian chức năng. Các đô thị Tây Nguyên không thể không có những không gian đặc trưng riêng của đô thị. Đó là không gian phục vụ, sinh hoạt lễ hội, không gian phục vụ các phong tục, tập quán lành mạnh, không gian phục vụ tín ngưỡng… các không gian này có thể bố trí tập trung hay phân tán, xen kẽ, dành để thể hiện những giá trị phi vật thể rất tiêu biểu của địa phương. Những không gian đặc trưng này có thể kết hợp trong các khu trung tâm đô thị, khu ở, các trục phố các khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, khi bố trí các không gian công cộng trong đô thị cần lưu ý không nên sao chép dập khuôn, nhất là trong các cấu trúc khu ở truyền thống. Cách thức tổ chức không gian ở truyền thống sẽ được áp dụng một cách linh hoạt, cụ thể cho từng trường hợp, đảm bảo thích ứng với nhu cầu của cuộc sống đô thi hiện đại, có bản sắc địa phương.

Mặt khác, việc tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong quy hoạch xây dựng cần được nghiên cứu cụ thể để làm nổi bật tính đặc thù của bản sắc địa phương một cách sâu sắc hơn, kỹ càng hơn. Đối với các đô thị ở Tây Nguyên đó là các chỉ tiêu như:

- Mật độ xây dựng: không quá 50% đối với công trình công cộng, các công trình công cộng đều phải có khuôn viên, có vườn, cây xanh, mặt nước. Các khu ở mới chỉ nên bố trí hình thái nhà vườn.

- Chỉ tiêu sử dụng đất: phải cao hơn quy định chung (có thể gấp 1,5 - 2 lần).

- Chỉ tiêu về san nền phải đảm bảo giữ được địa hình tự nhiên. Chỉ tiêu về giao thông, cây xanh mặt nước, cũng phải khác so với quy định.

Theo quy hoạch chung của TP. Pleiku đến năm 2020 đã được phê duyệt thì định hướng phát triển thành Thành phố hiện đại, bền vững trên cơ sở vừa bảo tồn vừa phát triển. Khu vực trung tâm cũ hiện nay được quy hoạch xây dựng hiện đại, tăng mật độ xây dựng và phát triển tầng cao (dưới 20 tầng), gắn với các khu trung tâm thương mại, dịch vụ có hạ tầng đồng bộ, tiện nghi. Các khu trung tâm mới, khu đô thị mới và các khu vực mở rộng không gian đô thị phát triển theo kiểu nhà vườn, biệt thự, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất thấp, dành nhiều không gian không gian thoáng để làm công viên, mặt nước, quảng trường… khai thác đặc trưng kiến trúc của các buôn làng trong TP. Pleiku. Đưa không gian văn hoá của buôn làng vào quy hoạch xây dựng đô thị, ví dụ không gian văn hoá cồng chiêng gắn với nhà rông, sân lễ hội, quảng trường, công viên, tượng đài… Riêng 42 buôn làng hiện có được quy hoạch giữ nguyên, nhằm tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị. Các khu vực liền kề với các buôn làng không được xây dựng công trình cao tầng, giữ khoảng cách ly cần thiết với buôn làng bằng các vành đai xanh, mặt nước, đồng ruộng.

Đặc trưng về kiến trúc

Truyền thống là nhà sàn, mái với độ dốc lớn, vật liệu chủ yếu là gỗ, tranh, tre, nứa, lá… mặt bằng nhà là không gian rộng thoáng rất ít vách ngăn, ít mở cửa, rất phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt của Gia Lai (một ngày có 4 mùa, biên độ nhiệt ngày có thể lên đến 15 - 17độ, quanh năm mưa dầm nắng bụi). Bên cạnh đó, kiến trúc truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc Pleiku còn có nhà rông, nhà mồ, tượng điêu khắc gỗ, cây nêu trong tổ chức lễ hội, các chi tiết hoa văn độc đáo… và phong tục, tập quán ở quây quần với ý thức cộng đồng rất cao. Yêu cầu đối với kiến trúc công trình nói chung ở Pleiku phải có là:

Đối với các công trình kiến trúc hiện đại xây dựng mới ở Pleiku

- Mặt bằng công trình cần bố trí thoáng, mở, hài hoà với quy hoạch tổng mặt bằng khuôn viên; không gian nội thất với hệ thống cửa hai lớp (trong kính ngoài chớp, hoặc ngoài kính trong chớp), công trình nên có hành lang trước và sau.

- Mái dốc đối với kiến trúc thấp tầng (dưới 6 tầng), vật liệu lợp bằng ngói, tôn… phủ rộng ra khỏi tường nhà; hạn chế tối đa việc làm mái bê tông cốt thép, nếu là mái bê tông thì phải có vật liệu lợp bên trên. Yêu cầu với mái phải có độ dốc lớn để chống chọi với mưa dầm, độ ẩm không khí cao và phải có những biện pháp kỹ thuật chống tốc mái khi có dông.

- Giữ địa hình với độ dốc tự nhiên, khi xây dựng chỉ nên san ủi cục bộ. Chú ý đưa yếu tố mặt nước, cây xanh vào trong kiến trúc.

- Khai thác các ưu điểm của nhà sàn, đặc biệt là trong nghiên cứu xây dựng nhà ở các khu quy hoạch mới, các loại nhà vườn, nhà biệt thự…

- Nghiên cứu khai thác các loại hoa văn, hoạ tiết, tranh, tượng truyền thống vào trang trí nội, ngoại thất chú ý sự cách điệu hiện đại, không nên đưa nguyên bản vào công trình mới.

- Tỷ lệ các công trình kiến trúc truyền thống cũng cần được chú ý khai thác phù hợp (ví dụ: nhà truyền thống của người Gia Rai nhìn phía bên: mái thường chiếm 2 phần, thân nhà chỉ 1 phần, phần cột sàn chỉ 1,5 mặt bên của thân… tỷ lệ này có thể tham khảo khi thiết kế kiến trúc ở Pleiku, đặc biệt là khi thiết kế nhà ở).

- Vật liệu xây dựng phù hợp với điều kiện thời tiết: gạch xây tốt với tường thiết kế dày, tường bao che nên dày > 250 cm; tường không nên ốp các loại gạch men mà nên dùng các loại sơn chống thấm trang trí; cửa nên dùng cửa nhựa, cửa gỗ sơn hoặc qua xử lý công nghiệp, mái ngói, tôn,, hoặch bê tông có lợp ngói, tôn. Tóm lại là công trình kiến trúc ở Pleiku phải đạt được yêu cầu 4 chống, đó là: Chống thấm; chống gió; chống ẩm và chống bụi.

Đối với nhà ở của đồng bào tại các làng trong TP. Pleiku

- Duy trì và cải tiến ngôi nhà sàn truyền thống phù hợp với đời sống mới, nếp sống văn minh hiện đại, từ bỏ các phong tục, thói quen lạc hậu;

- Nên sử dụng phần dưới nhà sàn làm khu vệ sinh, kho, bếp nấu (hiện nay nhiều làng đồng bào đã làm theo hướng này) để tăng diện tích sử dụng, tổ chức ăn ở hợp vệ sinh hơn.

- Giữ lại bếp lửa trên sàn nhà có nghiên cứu hệ thống hút khói đơn giản bằng tôn. Trong nhà sử dụng một số vách ngăn nhẹ để chia không gian.

- Đưa vật liệu mới bền chắc vào xây dựng nhà sàn.

- Nghiên cứu mô hình hộ ghép theo phong tục nối nhà của đồng bào.

Một trong những vấn đề quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững các đô thị ở Tây Nguyên đó là: Bảo tồn và phát huy giá trị buôn làng truyền thống trong các đô thị; kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá, bản sắc kiến trúc truyền thống của cộng động các dân tộc Tây Nguyên. Trong quy hoạch xây dựng phát triển đô thị vùng Tây Nguyên nói chung và TP. Pleiku nói riêng phải gắn với quy hoạch bảo tồn di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên của đô thị đặc biệt là hệ thống các buôn làng nằm trong đô thị. Đối với các buôn làng này cần phải được khoanh giữ bảo vệ một cách tuyệt đối, kể cả cảnh quan, môi trường thiên nhiên cũng như di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vốn có của buôn làng. Để vấn đề quy hoạch, bảo tồn xây dựng phát triển buôn làng truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên thành hiện thực thì cần có sự quan tâm đồng bộ của các ngành các cấp, đặc biệt là chính quyền đô thị và của cộng đồng dân cư. Bản thân người dân phải ý thức được giá trị và tự hào về bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Các không gian văn hoá của buôn làng cần được nghiên cứu đưa vào quy hoạch các không gian công cộng của đô thị, ví dụ không gian lễ hội truyền thống, không gian văn hoá cồng chiêng….

Một số đề xuất để thực hiện tốt việc khai thác bản sắc địa phương trong quy hoạch và xây dựng ở TP. Pleiku cũng như các đô thị khác ở Tây Nguyên:

- Đề nghị Chính phủ cần có quy định cụ thể cho các địa phương xây dựng các công trình kiến trúc, quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới trên cơ sở khai thác bản sắc kiến trúc đặc thù của từng địa phương. Những chuẩn mực được xác định về bản sắc kiến trúc địa phương cần phải đưa thành những nguyên tắc về kỹ thuật và thẩm mỹ khi xét duyệt, đánh giá và phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng cũng như công trình kiến trúc tại các đô thị ở Tây Nguyên.

- Bộ Xây dựng cần có quy định riêng về tiêu chuẩn quy hoạch đô thị cho khu vực Tây Nguyên, nhất là về tiêu chuẩn sử dụng đất đô thị.

- Các kiến trúc sư khi thiết kế kiến trúc trên địa bàn Tây Nguyên cần có một tấm lòng với bản sắc kiến trúc địa phương của nơi đây, hiểu chúng một cách sâu sắc để làm ra các tác phẩm kiến trúc có sức sống cho riêng từng đô thị vùng Tây Nguyên.

Để kết thúc bài viết, tôi xin trích dẫn lời của kiến trúc sư Kenzo Tange trả lời phỏng vấn Tạp chí Kiến trúc Việt Nam về tính dân tộc - hiện đại trong kiến trúc: “Cần thấu hiểu một cách tường tận và sâu sắc những nguồn gốc hình thành kiến trúc truyền thống, ở bất kỳ nơi nào kiến trúc truyền thống cũng được tạo dựng thông qua điều kiện tự nhiên, khí hậu, tập quán sinh hoạt của con người mà có được không gian, tỷ lệ và hình thức kiến trúc địa phương thích hợp, đó là cái hồn của kiến trúc truyền thống, cần phải nắm bắt và khai thác”.

 

Nguồn: Tham luận của TS. KTS. Nguyễn Hồng Hà - Chủ tịch UBND TP. Pleiku tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội & Thách thức”, tháng 11 - 2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)