Kịch bản nào cho phát triển vùng đô thị ở Việt Nam?

Thứ ba, 12/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quy hoạch đô thị mở đường đến những điều không chờ đợi… Trong cuốn “Thành phố của tương lai - lịch sử trí tuệ của quy hoạch và thiết kế đô thị" Peter Hall – 2002 có một số kịch bản về mở rộng đô thị và các mô hình lý thuyết, các kiểm chứng thực tế qua hơn 1 thế kỷ theo quan niệm phương Tây. Tất cả những mô hình liên quan đến phát triển vùng đô thị đều được phân tích khách quan từ thành công, thất bại của nó.

Điều đáng ngại là nhiều quy hoạch đô thị tức hoạch định tương lai xây dựng đô thị một cách khoa học có kế hoạch lại luôn là mô hình bị phá sản do cách tiếp cận quá cứng nhắc theo quan niệm có tính quyết dịnh luận cho rằng có thể tiên đoán tương lai nhân loại và đô thị. Nhưng kiểm lại những sự kiện và biến cố lớn của lý thuyết đô thị thế kỉ 20, tất cả đều bất ngờ, là ẩn số của cuộc “phiêu lưu đô thị”. Tất cả các kịch bản lý thuyết, quy hoạch đều hay và tuyệt hảo. Nhưng những gì nó thể hiện thì đáng buồn là chỉ có thể tin vào sự vận động của chính các cư dân hiện đại, từ cội nguồn văn hoá định cư trong suốt lịch sử cư trú của mình. Việc mở rộng vùng đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài các kịch bản chung của thế giới đô thị, nhưng còn các yếu tố nội tại mang tính dân tộc, tính địa phương cần tính đến trong “bàn cờ” đô thị hoá ở Việt Nam, tránh đi các yếu tố rủi ro cho dân cư và nền kinh tế đô thị - vốn đang mỏng manh và thiếu nguồn lực trong thời kì đầu xây dựng đô thị hiện nay ở Việt Nam.

Kịch bản từ phía quy hoạch và xây dựng đô thị

Từ khi xuất hiện trường phái Chicago những năm 20 của thế kỉ XX, thành phố đã trở thành đối tượng không chỉ của quy hoạch mà còn của các nhà nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt 30 năm trở lại đây, khi đô thị chịu sự biến đổi sâu sắc của “kỉ nguyên liên kết đô thị” trong trào lưu quốc tế hoá và hội nhập thì các biểu hiện của đô thị cũng khác xa với những quan niệm trước đó. Đầu thế kỉ XX chỉ có 4% dân số sống trong thành phố, năm 2008 có tới nửa dân số hành tinh là cư dân đô thị và “sự bành trướng đô thị” không chỉ ở các nước phát triển mà biểu hiện này lại thấy rõ hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam – đặc biệt những siêu thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 – 2008 đã công bố mở rộng thành các vùng đô thị siêu lớn.

Hiện tượng này làm nảy sinh vấn đề về việc sử dụng các phương pháp và công cụ hữu hiệu hơn để làm rõ các hiện tượng đô thị như: Sự xáo trộn cư trú giữa đô thị và nông thôn, sự di dân tự do vào đô thị, sự thay đổi lối sống truyền thống của các nhóm xã hội đang cư trú trong vùng… đặc biệt là sự xáo trộn về nghề nghiệp, kinh tế của cư dân vốn đã ổn định từ rất lâu đời… Nếu không kiểm soát được mô hình phát triển để dự báo thì đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn độn, manh mún của hoạt động đô thị, chưa nói đến những chiến lược phát triển, quy hoạch, không gian, tổ chức khu dân cư, trung tâm, cảnh quan, hạ tầng…

Kịch bản từ phía dân cư của vùng đô thị

Ngày nay người ta muốn tìm hiểu bản chất của đô thị hiện đại từ chính những con người sống trong thành phố, từ đó lý giải những cấu trúc đô thị nào làm con người cảm thấy thoải mái. Chính từ những điểm nhìn như vậy, những thành phố phi nhân tính, duy lý tuy có một cấu trúc hợp lý kể cả ở quy mô vùng đô thị được quy hoạch kĩ càng, nhưng lại dẫn đến sự chán ghét của cư dân. Khi phát triển các thành phố Việt Nam, những nghiên cứu này rất đáng quan tâm, vì những khu đô thị truyền thống, tính văn hoá và đặc điểm. Điều này các nước phát triển đã trải qua và hối tiếc.

Nếu hệ vấn đề đô thị đã làm thay đổi cấu trúc của đô thị, thì về phía nghiên cứu con người trong đô thị cũng cho thấy tính hiệu quả khi sử dụng công cụ khái niệm và phương pháp luận song hành với xây dựng đô thị đối với các thành phố hiện đại. Chỉ xin lấy ba ví dụ: tính không thuần nhất trong vùng đô thị, sự tách biệt văn hoá lối sống và xã hội, cuối cùng là sự tan rã cấu trúc đô thị.

1. Tính không thuần nhất của các khu dân cư giữa thành phố lớn với các điểm dân cư, giữa thành thị nông thôn trong vùng đô thị

Vấn đề này luôn luôn được đặt lên hàng đầu, là nguyên nhân sâu xa làm phá vỡ cấu trúc của mô hình cổ điển đã được đưa ra trong các lý thuyết vùng đô thị. Cái khó một phần là do sự khác nhau về lịch sử hình thành của các thành phố trong vùng công nghiệp và hành chính, các thủ đô chính trị và các thành phố dịch vụ, các thành phố cảng và du lịch, phần nữa là hệ quả của sự không kiểm soát được sự phát triển của các vùng nông nghiệp – nông thôn xôi đỗ trong các đô thị làm xáo trộn cấu trúc xã hội và các thành phần vốn đã ổn định. Những thành phố đang đô thị hoá như Hà Nội, Sài Gòn nếu phát triển quá nhanh thành vùng đô thị sẽ để lại hậu quả không hình thành nổi các đơn vị đô thị hoàn chỉnh trong vùng, do chính tính không thuần nhất về dân cư đưa lại. Vùng đô thị lúc này sẽ chỉ là các thành phần đơn chức năng monofonctionneile ghép lại chứ không thể trở thành các vùng đô thị đa trung tâm theo quy hoạch.

2. Tính khác biệt giữa lối sống và cấu trúc kinh tế xã hội trong vùng đô thị

Một thành phố thông thường là kết quả của những giai đoạn phát triển khác nhau của nó. Milan, Mexico, Paris cho thấy những bằng chứng của các thời kì khác nhau cũng tồn tại với nhau. Trường hợp của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy. Khi xây dựng một kiến trúc mới mẻ liên quốc gia với tính quốc tế, cao hay hậu công nghiệp đã xảy ra sự sắp xếp lại việc chiếm lĩnh không gian, sự di chuyển những tập quán, cũng như đưa những thành phố ấy vào mạng lưới siêu quốc gia. Sự cùng tồn tại của những thời kì khác nhau ấy trong bối cảnh hiện đại đang đẻ ra một sự không thuần nhất đa thời gian trong đó nảy sinh ra quá trình lai ghép, xung đột và trao đổi giữa các cư dân của chúng, tạo sự tách biệt rất bất lợi trong cấu trúc xã hội, vốn rất cần ổn định ở quy mô vùng.

Tính không thuần nhất và lai ghép ấy do tình trạng chen lấn đậm đặc của những công trình đô thị và cách tổ chức không gian, ra đời trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, đã tăng lên với sự xuất hiện của dân di cư từ nơi khác tới và từ những cộng đồng khác tới. Dân di cư đưa vào các thành phố lớn nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhiều cách ứng xử và các hình thái kiến trúc, bắt nguồn từ những văn hoá khác nhau. Quá trình này diễn ra với những đặc trưng giống nhau ở các thành phố lớn cũng như ở các thành phố ngoại vi, làm xoá bỏ đến một mức độ nào đó những khoảng cách ngày xưa được đào sâu giữa các thành phố phát triển và các thành phố kém phát triển.

Sự gặp gỡ đột ngột, đôi khi dữ dội, giữa cái hiện đại và cái cổ xưa, giữa những chuyên gia đô thị và các cư dân chưa quen với đô thị sẽ gây ra những xung đột trong xây dựng và quản lý đô thị. Bởi vì các đô thị ở Việt Nam nhìn bề ngoài có những biểu hiện chung, nhưng chúng thực sự rất khác biệt về lối sống, về nguồn kinh tế, cấu trúc xã hội, đặc điểm dân cư cần những hiểu biết và ứng xử thích hợp. Việc xây dựng các khu đô thị mới giống hệt nhau theo xu hướng quyết định của thị trường đã biến thành phố trở nên đồng nhất hoá một cách nông cạn, chưa nói đến quy mô vùng đô thị lại cần đến tính đa dạng của các trung tâm đa chức năng, đa chiều.

Ở những nước đang đô thị hoá có nền kinh tế chậm phát triển mong muốn đến mô hình thành phố phi tập trung với phân bố dân cư mật độ thấp còn rất nhiều lực cản vùng đô thị đang hướng tới mục tiêu này do sự bùng nổ dân số và xâm chiếm đất đai của dân chúng hay theo lối đầu cơ, với những hình thức ít dân chủ về mặt đại diện và của một trạng thái hỗn loạn bao giờ cũng gần làm như tan vỡ với cấu trúc đô thị. Ở quy mô vùng đô thị còn khó khăn hơn nhiều dễ tạo thành sự bất lực trong thực hiện và quản lý quy hoạch.

Trong trường hợp của các nước phát triển sự suy yếu của những cấu trúc  đã được quy hoạch có thể là một bước tiến có ý nghĩa giải phóng. Trong khi ở những nước nghèo, hệ tư tưởng phi tập trung hoá thường chỉ đạt tới chỗ khôi phục lại những nơi kết tụ dân cư không thể cai quản được, điều đó sẽ thường xuyên “khuyến khích” cho một sự cai trị độc tài và tập trung hoá, không muốn để cho các công dân lựa chọn và quyết định. Những nghiên cứu về xã hội học đô thị thường coi sự phá vỡ cấu trúc của các thành phố ấy như một sự kích thích để tổ chức các nhóm dân chúng, thanh niên, những người bảo vệ môi trường sinh thái đưa ra những giải pháp thay thế cho trật tự hay hỗn loạn. Những nghiên cứu khác lại coi phi tập trung hoá làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn, sự mở rộng các băng đảng, sự khủng bố đô thị, một cách đơn giản, nó đem lại cho những cấp chính quyền bảo trợ, hoặc thậm chí cho những hội cộng đồng một cơ hội để chiếm lĩnh những không gian công cộng bằng sự loại trừ hay sự phân biệt đối xử. “Do đó, việc thực hành dân chủ ở địa phương có thể tạo ra những kết quả phản dân chủ”.

Ở nhiều thành phố châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, rõ ràng tình trạng thiếu điều tiết không làm tăng thêm tự do, mà chỉ làm tăng thêm bất ổn và bất công mà thôi. Đối với những nước đó, hoàn cảnh hậu hiện đại, những gì đã đạt được đôi chút về quy hoạch đô thị bị mất đi, đời sống công cộng bị tàn lụi và mỗi người đi tìm những giải pháp thay thế riêng không phải cho một kiểu thành phố nào đó, mà là cho đời sống thành thị đang bị cảm thấy “ngột ngạt”.

Việc từ bỏ những chính sách nhất quán, cộng thêm với tình trạng thất nghiệp và bạo lực tăng lên, là nguồn gốc – như những nghiên cứu của Mike Davis về LosAngels và của Teresa P.R.Caldeira về Sao Pâulo – cho thấy một sự chia cắt không gian; những ai có thể làm được thì đều tự khép kín vào những “vùng lọt thỏm được bảo vệ kiên cố”. Thay vì tìm cách giải quyết những xung đột do tình trạng đa văn hoá đẻ ra, người ta lại khuyến khích sự chia cắt các nhóm bằng những bức tường, những lưới sắt và những thiết bị an toàn điện tử. Những công trình nghiên cứu nhân học mới đây đã cho thấy, bên cạnh những chướng ngại vật chất, đã có nhiều thay đổi về tập quán và nghi thức, cũng như những sự luận bị ám ảnh về sự bất ổn, hướng tới sự phân hoá đô thị, những bức tường tượng trưng làm vững chắc thêm những bức tường thật và do đó, góp phần vào việc thiết lập sự chia cắt đô thị.

3. Những nghiên cứu về sự phát triển của các tập quán tiêu dùng ở các nước đang đô thị hoá cho thấy một quá trình tan rã đô thị đã bộc lộ vài năm nay ở việc giảm tối thiểu các không gian giải trí, công cộng.

Hiện tượng trên một phần là do sự bất ổn, nhưng cũng còn một xu hướng được các phương tiện truyền thông địên tử tung ra làm người ta thích thử văn hoá tại nhà được phát thanh, truyền hình và video đưa vào các gia đình hơn là điện ảnh, sân khấu và những cuộc trình diễn thể thao buộc phải vượt những khoảng cách dài và đi qua những khu phố nguy hiểm của thành phố. Tự giam hãm ở nhà hoặc rơi vào tình trạng bạo lực, mệt mỏi và ô nhiễm. Đó là những cách để nói rằng thành phố là vô phương cứu chữa.

Khi Việt Nam chưa trải qua thời kì công nghiệp hoá và hiện đại hoá tư bản chủ nghĩa, các đô thị vẫn mang tính nông thôn truyền thống hơn là những đô thị công nghiệp hiện đại. Kinh tế gia đình đô thị không cho phép phân biệt rạch ròi giữa không gian sinh hoạt và không gian sản xuất, không gian gia đình và không gian đô thị. Người ta sinh hoạt cả trên vỉa hè, lòng đường xung quanh ngôi nhà của mình mà không bận tâm tới giao thông, cảnh quan, trật tự đô thị. Ý thức pháp luật không thể đổi tập quán truyền thống, nông nghiệp xa xưa được pha trộn với những đặc trưng văn hoá đô thị rời rạc nên chưa thể tạo ra những mô hình văn hoá đô thị đặc trưng như ở các đô thị tư bản công nghiệp hiện đại.

Việc hình thành các vùng đô thị cực lớn Hà Nội gồm 8 tỉnh với diện tích 13.436 km2 có bán kính ảnh hưởng 130 km, thành phố Hồ Chí Minh gồm 4 tỉnh ưu tiên phát triển gồm 7 tỉnh, có tầm nhìn dài hạn 50 năm nhưng còn để lại bao âu lo do tư tưởng “duy đô thị” có thể lấn át thực tế rằng Việt Nam chỉ mới bắt đầu vào “đô thị hoá”, chưa tụ hội đủ các điều kiện cho vùng đô thị vốn phải xây dựng trên nền của các đô thị hạt nhân hoàn chỉnh, liên kết, tương hỗ theo bài toán phát triển kinh tế vùng chứ không phải bài toán xáo trộn dân cư và nơi cư trú của thời kì đô thị hoá.

Các giải pháp đô thị ở nước ta phải được giải quyết trong điều kiện thực tiễn về bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội môi trường, thị trường và cảnh quan tự nhiên… và nhất thiết phải là các giải pháp liên kết các vấn đề đô thị một cách đồng bộ: chính sách phát triển đô thị, sử dụng đất, bất động sản, tài chính đô thị, dân số, nhân học đô thị, môi trường và quản lý đô thị được xếp theo thứ tự ưu tiên theo đặc điểm vùng, địa phương.


 Nguồn: Tạp chí Kiến trúc  Việt Nam tháng 5/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)