Nhìn lại một số dự án xử lý rác thải

Thứ tư, 06/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 1999, Chính phủ đã phê duyệt: “Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020” bằng quyết định số 152/1999 ngày 10/7/1999. Từ đó đến nay đã được gần 10 năm.

Trong thời gian này việc “Quản lý chất thải rắn” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là triển khai các dự án lớn của Ngân hàng Thế giới “WB”, Ngân hàng phát triển Á Châu ADB, các dự án ODA của các nước phát triển, như Đức Việt Trì, Nghệ An, Pháp Nam Định, Thái Nguyên, Hội An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ban Nha Cầu Diễn, Hà Nội, Đan Mạch Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Hà Lan Gò Cát, Đông Thạch, TP. Hồ Chí Minh. Mặt khác, nhiều chính sách, định hướng, quy hoạch, thể chế, tiêu chuẩn, hướng dẫn đối với công tác quản lý chất thải rắn dã được ban hành và đi vào cuộc sống. Các công ty môi trường đô thị đã phát triển mạnh cả về lượng và chất. Tại một số thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp đã có các dự án xử lý rác hoàn chỉnh, và do đó bộ máy quản lý vận hành cũng được mở rộng và nâng cao, trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý có tính đa dạng, phong phú và chất lượng công nghệ cao hơn nhiều so với trước đây.

1. Chất  thải rắn trong các đô thị

Theo báo cáo của Hội nghị môi trường toàn quốc năm 2004, tổng lượng chất thải rắn năm 2010 có thể tới con số 15 triệu tấn/năm, trong đó tới 80% là xuất phát từ các hộ gia đình, các nhà hàng, các khu kinh doanh, khu dân cư, khu vui chơi giải trí. Tỷ trọng chất thải công nghiệp chiếm khoảng 16-18%, còn lại là chất thải y tế và các chất thải khác.

Trong các khu đô thị, dân số chỉ chiếm khoảng 24% số dân cả nước nhưng lại phát sinh tới 6.441.000 tấn rác/năm. Ước tính mỗi người dân đô thị trung bình thải ra khoảng  0,8 kg rác mỗi ngày và chiếm hơn 50% tổng lượng rác thải của cả nước.

2. Vài nét về tình hình xử lý chất thải rắn

Trong nhiều đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Việt Trì, Quảng Ninh, Vinh, Thái Nguyên, Nam Định, Huế, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa Vũng Tàu, Biên Hoà, Cần Thơ, Long An… đều có dự án xử lý chôn lấp rác, hoặc dự án vệ sinh môi trường đô thị với nguồn vốn tài trợ ODA hoặc vay vốn của các tổ chức quốc tế hoặc của các nước song phương.

Dưới đây là một số nét đặc trưng của các dự án lớn

2.1 Thủ đô Hà Nội

Việc quản lý chất thải rắn được giao cho Công ty Môi trường Đô thị URENCO. Đây là một công ty chuyên ngành, có nhiều kinh nghiệm, lực lượng cán bộ cũng như trang thiết bị kỹ thuật khá đầy đủ, phục vụ tốt cho công tác quản lý chất thải rắn.

Lượng chất thải rắn ở Việt Nam Tấn/năm

Tên chất thải

Nguồn

Thành phần chính

Số lượng

Đô thị

Nông thôn

Tổng cộng

Chất thải đô thị

Các khu dân cư, thương mại

Thức ăn, nhựa, giấy, thuỷ tinh

6.440.000

6.385.000

12.826.000

Chất thải công nghiệp không nguy hại

Các cơ sở công nghiệp

Kim loại, gỗ

1.736.760

774.000

2.510.760

Chất thải công nghiệp nguy hạ

Các cơ sở công nghiệp

Chế phẩm xăng dầu, bùn thải, các chất hữu cơ

125.967

2.424

128.391

Chất thải y tế, lây nhiễm

Bệnh viện, các cơ sở y tế

Mô, mẫu bệnh phẩm, máu, xi lanh

-

-

21.522

Nguồn: Báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam, 2004

Ngay từ năm 1990, Hà Nội đã có  một trạm xử lý rác và chế biến phân Compost tại Cầu Diễn do UNDP tài trợ. Mặc dù công suất nhỏ 100 tấn/ngày, nhưng trạm xử lý đã hoạt động tốt trong nhiều năm và là nơi đào tạo tay nghề cho công nhân vận hành cũng như thu thập kinh nghiệm cho cán bộ quản lý. Sau đó vào năm 2000 chính phủ Tây Ban Nha  đã tài trợ mở rộng nhà máy chế biến rác Cầu Diễn với công suất 50.000 tấn/năm. Đến nay, dự án đang hoạt động tốt. Ngoài ra Urenco Hà Nội còn nhận được viện trợ của chính phủ Nhật Bản về trang thiết bị thu gom, vận chuyển, thí nghiệm cho công tác vệ sinh môi trường đô thị và cho dự án của khu liên hợp xử lý chất thải ở Nam Sơn.

2.2 Thành phố Hồ Chí Minh

Công ty Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh đang quản lý các dự án sau đây:

a. Dự án xử lý rác tại Gò Cát

Với diện tích 25 ha, hàng ngày xử lý khoảng 2500 tấn rác, chủ yếu là chôn lấp. Tại đây cũng có một công trình xử lý nước rỉ rác NRR công suất khoảng 400 m3/ngày với kinh phí viện trợ của Chính phủ Hà lan.

b. Dự án xử lý rác tại Phước Hiệp

Bãi rác có diện tích 43 ha, mỗi ngày tiếp nhận 3000 tấn rác để chôn lấp. Cơ sở hạ tầng như: đường xá, cây xanh, bể nước, mương thoát nước, điện chiếu sáng và các công trình phụ trợ khác đang hoạt động tốt. Hệ thống xử lý NRR có tổng công suất 1500 m3/ngày đang hoạt động và hoàn thiện dần.

c. Dự án xử lý rác tại Đông Thạch

Diện tích 40 ha, đã ngừng tiếp nhận rác. Tại đây có 2 công trình xử lý NRR của Công ty NUPHACO có công suất 250 m3/ngày. Hệ thống của Công ty Quốc Việt có công suất 500 m3/ngày. Hai hệ thống đang hoạt động độc lập và đều có hiệu quả nhất định.

Ngoài ra, thành phố cũng đã nghiên cứu phát triển khu xử lý rác tại Đa Phước, Bình Chánh với diện tích 70ha, và sau này là bãi rác Thủ Thừa Long An có diện tích 1700 ha.

Điểm nổi bật là khâu trang thiết bị thu gom và vận chuyển của Công ty còn chưa đáp ứng được nhu cầu về VSMT của Thành phố. Một số bãi rác, mặc dù đã từng tiếp nhận rác, nhưng vẫn còn khả năng gây ô nhiễm do các công trình xử lý NRR chưa hoàn chỉnh.

2.3 Thành phố Đà Nẵng

Tổng lượng rác của các thành phố ước chừng 600-800 tấn/ngày. Hiện nay đã thu gom được khoảng 85-90% rác thải sinh hoạt, 95% rác thải y tế chừng 70% rác thải công nghiệp.

Thành phố có bãi rác Khánh Sơn, diện tích 17 ha, chủ yếu làm chức năng chôn lấp. Hiện nay, Thành phố đang phát triển Bãi chôn lấp mới với diện tích 50 ha cùng với dự án chế biến phân Compost từ rác thải. Đây là dự án ODA của Chính phủ Tây Ban Nha có tổng kinh phí khoảng 5.700.000 USD.

Dưới đây xin giới thiệu khối lượng rác thải/ngày ở một số đô thị

STT

Tên thành phố

Lượng rác tấn/ngày

Tổng lượng rác

Lượng rác thu gom

1

Hà Nội

3.500

2.500

2

Hải Phòng

600

400

3

Hải Dương

120

70

4

Hạ Long

150

110

5

Hồ Chí Minh

5400

3300

6

Đồng Nai

350

160

7

Bình Dương

250

130

8

Bà Rịa Vũng Tàu

350

200

Nguồn: Báo cáo “Quản lý chất thải rắn trong các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam

Tuy vậy, Đà Nẵng hiện tượng đổ rác phế thải xây dựng bừa bãi còn phổ biến. Rác thải công nghiệp còn trộn lẫn, không được phân loại từ nguồn. Việc quản lý rác công nghiệp nguy hại còn hạn chế.

2.4 Thành phố Cần Thơ

Nổi bật nhất của Cần Thơ là một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đất chật người đông. Bãi rác Châu Thành diện tích 4,6 ha đã quá tải. Năm 2003, Thành phố mở bãi chôn lấp mới ở Tân Long Phụng Hiệp, rộng 20 ha, nhưng chủ yếu vẫn là chôn lấp. Công ty Môi trường Đô thị Cần Thơ đã có nhiều cố gắng tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải về bãi chôn lấp. Năm 2004 phát động phong trào “Thành phố Cần Thơ xanh” đã góp phần giữ cho môi trường đô thị, nhất là kênh, rạch, sông hồ sạch hơn.

Ngoài ra, các đô thị khác như: Hạ Long, Hải Dương, Thái Nguyên, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Nam Định, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Nha Trang, Biên Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu… đều có dự án xử lý chất thải rắn ở các mức độ khác nhau. Nhìn chung có những ưu, nhược điểm sau đây:

a. Tất cả các dự án xử lý chất thải rắn cũng như các dự án vệ sinh môi trường đô thị Ngân hàng thế giới đều đề cập đến vẫn đề thu gom, vận chuyển chất thải rắn mà tỷ trọng lớn kinh phí nằm trong khâu trang thiết bị xe máy như: xe quét rác, ép rác, phun nước, vận chuyển, máy đào, máy ủi, và một số trang thiết bị văn phòng cho các công ty Môi trường đô thị. Tỷ lệ thu gom và vận chuyển chất thải ngày một cao hơn. Trung bình hiện nay đã đạt được từ 70-75%. Một số đô thị đã đạt được tỷ lệ thu gom khá cao, từ 80-90%.

Thành phần chất thải sinh hoạt ở đô thị % theo trọng lượng

STT

Thành phần chất thải

Hà Nội

TP

HCM

Hải Phòng

Hạ Long

Bình Dương

Bà Rịa-Vũng Tàu

1

Chất hữu cơ, thức ăn rau, quả

49.1

60.14

53.22

53.7

69.36

69.87

2

Plastic, túi

nilon, mảnh nhựa, chai lọ

15.6

3.13

8.3

8.1

6.45

3 2.38

3

Giấy vụn, cat tông

1.89

5.35

6.64

12.5

5.47

4.12

4

Kim loại, vỏ hộp, sợi kim loại

6.03

1.24

0.3

0.4

1.43

0.86

5

Thuỷ tinh, mảnh vỡ, chai lọ

7.24

4.12

3.75

4.7

2.24

3.47

6

Cao su, giả da

0.55

3.23

3.65

0.8

2.27

1.16

7

Các chất nguy hại: bóng đèn, pin, acquy

0.90

1.27

1.75

1.10

0.23

0.14

8

Đất đá, gạch, cành cây, gỗ vụn

18.69

21.52

22.39

18.7

12.55

18.0

100

100

100

100

100

100

Nguồn: Theo báo cáo của Cục môi trường, 2004

b. Một số đô thị đã có dự án xử lý chế biến rác thành phân compost như Cầu Diễn Hà Nội, Nam Định, Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, tỷ lệ chất thải rắn được chế biến thành phân còn thấp và mới chiếm khoảng 40-45%, số còn lại chủ yếu là chôn lấp.

c. Trong tất cả các đô thị đều có bãi chôn lấp rác CLR. Một số bãi được thiết kế theo tiêu chuẩn vệ sinh, nhưng cũng tồn tại những bãi gây ô nhiễm nặng. Ngoài ra, tại đây đã nảy sinh nhiều vấn đề, thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng, làm người dân bất bình, phản đối.

3. Những tồn tại

3.1 Về khảo sát thiết kế lập dự án

a. Khi lập bãi CLR, chủ đầu tư phải tuyệt đối tuân theo các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành, ví dụ: TCVN 6696 - 2000; XDVN 261 - 2001; TCVN 6984 - 2001. Trong đó có vấn đề khoảng cách từ bãi CLR đến khu dân cư phải an toàn. Nhưng thực tế chính quyền đô thị không có đủ đất làm bãi CLR, nên đa số các bãi ở gần khu dân cư, thậm chí bị khu dân cư bao bọc, do đó ảnh hưởng môi trường của bãi rác đến dân cư là rất nghiêm trọng. Ví dụ: mùi xú uế nồng nặc, ruồi, muỗi bay khắp nơi, khắp chốn. Nước rỉ rác chảy tràn lan, không những làm các ao, hồ, sông rạch chảy qua bị ô nhiễm nặng mà còn phá hỏng tầng chứa nước ngầm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những bệnh đường ruột, tả, lỵ, thương hàn, ghẻ lở, hắc lào… mà các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều lần đề cập đến. Đó là các bãi CLR ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều lúc bức xúc đến mức nhân dân địa phương biểu tình, chặn không cho xe đổ rác vào bãi.

b. Nhiều tiêu chí kỹ thuật của bãi CLR bị vi phạm, như: Độ sâu chôn lấp, các lớp cách ly, hệ thống thoát nước, hệ thống giếng quan trắc, giếng thoát khí, vành đai cây xanh để chắn gió, chắn bụi, hạn chế ô nhiễm. Vi phạm phổ biến thường là bãi CLR không có các giếng quan trắc và hệ thống theo dõi lấy mẫu và phân tích các số liệu liên quan đến  các tiêu chí kể trên.

c. Hầu hết các bãi CLR không có hạng mục xử lý NRR, trong khi đó NRR do nước mưa, nước ngầm chảy vào hoặc do rác phân huỷ có các chỉ số BOD, COD, vi khuẩn và các độ bẩn khác rất cao. Thêm vào đó một số bãi CLR còn sử dụng thuốc diệt ruồi, chuột, diệt côn trùng, phun hoá chất EM, PM6, hoặc rắc vôi bột… Tất cả  các chất trên chỉ làm cho nồng độ NRR thêm xấu đi và hệ quả là ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng.

3.2 Đối với chủ đầu tư

Các công trình xử lý chất thải rắn và bãi CLR là những công trình không chỉ mang tính khoa học công nghệ chuyên ngành mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và người dân. Vì vậy đòi hỏi chủ đầu tư phải chuẩn bị dự án một cách hết sức nghiêm túc, đầy đủ và có một bộ máy với các cán bộ chuyên môn, năng lực giỏi phụ trách.

Thực tế nhiều chủ đầu tư còn nặng về hình thức và có các tồn tại sau đây:

a. Thiếu chuẩn bị một cách chu đáo. Ban quản lý được thành lập vội vàng, không có đủ cán bộ chuyên môn, chuyên ngành. Một số trường hợp cán bộ lãnh đạo chủ đầu tư là những người kiêm nhiệm, hoặc ở ngành khác vì một lý do nào đó bắt buộc chuyển đến.

b. Chủ đầu tư được tổ chức cơ sở vật chất như: Trang thiết bị, trụ sở, tài liệu, quy phạm tiêu chuẩn liên quan… không tương xứng hoặc không có.

Đặc biệt về đất làm bãi CLR hoặc khử lý rác thường không đạt như yêu cầu kỹ thuật, hoặc bị cắt xén. Nhiều lúc không được lựa chọn địa điểm chôn lấp mà phải tận dụng nơi mà địa phương có sẵn. Do đó thường vướng mắc về điều kiện cách ly, hoặc ở quá gần khu dân cư.

c. Chủ đầu tư thường chỉ chú ý đến các công trình bên trong bãi rác, mà ít quan tâm đúng mức đến đường sá ra vào bãi rác. Một thực tế cho thấy nhiều đoạn đường chở rác đến bãi chôn lấp đi qua khu dân cư. Xe chở rác có tải trọng lớn, đi lại thường xuyên và thường chở quá tải nên đường chóng hỏng, hay rơi vãi gây ô nhiễm, bụi bẩn cho khu dân cư. Hơn nữa đường cũ không được duy tu, sửa chữa kịp thời nên người dân thường quy kết là do xe chở rác mà đường xuống cấp, trời nắng thì bụi mù mịt, còn trời mưa thì lầy lội do tồn tại những ổ voi, ổ trâu với nhiều bùn đất. Thậm chí có nơi, có lúc người dân bất bình dẫn đến biểu tình ngăn cản xe chở rác vào bãi như đã từng xảy ra ở Nam Định, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Tây, Hà Tĩnh…

4. Về các công trình xử lý nước rỉ rác NRR

Như phần trên đã trình bày, đa số các bãi CLR đều không lắp đặt các công trình xử lý NRR. Có thể do chủ đầu tư không có chuyên môn do đó chưa thấy hết hiểm hoạ ô nhiễm môi trường. Thực tế bãi rác tại Gò Cát, Đông Thạch TP. Hồ Chí Minh, Tràng Cát Hải Phòng, Tây Mỗ Hà Tây, Làng Man Nam Định là những ví dụ rõ ràng nhất về ô nhiễm do nước rỉ rác NRR tạo ra. Hơn nữa để quyết định một dây chuyền công nghệ xử lý NRR là phải lập mô hình, nghiên cứu thực nghiệm trong nhiều tháng, và tất nhiên chi phí nghiên cứu không nhỏ đã khiến các chủ đầu tư bỏ qua công trình NRR, dẫn đến hậu quả ô nhiễm môi trường như ngày nay.

Một số ít bãi CLR có xây dựng các công trình xử lý NRR đơn giản, nhưng kết quả không được như mong muốn. Có công trình đưa vào vận hành, nhưng chỉ hoạt động trong vài tuần đầu tiên, sau đó các chỉ tiêu đều không đạt, thậm chí có công trình phải đóng cửa, như trạm xử lý NRR ở Tây Mỗ Hà Tây, Nam Sơn Hà Nội, Tân Cương Thái Nguyên, Cẩm Phả Quảng Ninh, Gò Cát TP. Hồ Chí Minh.

Một số trạm xử lý NRR, mặc dù có hợp tác với chuyên gia nước ngoài, nhưng kết quả xử lý vẫn chưa đạt, như trạm xử lý NRR Đông Thạch hợp tác với chuyên gia Hà Lan, nhưng chỉ tiêu COD còn tới 400 Mg/l. Trạm xử lý NRR Tân Dân TP.HCM có chỉ tiêu COD đầu ra còn 200 Mg/l. Trạm xử lý Tân Cương Thái Nguyên có nhiều chỉ tiêu đầu ra không đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945 - 1995 và TCVN 6984 - 2001.

Nguyên nhân các trạm xử lý NRR không hoạt động tốt, các chỉ tiêu đầu ra không đáp ứng được tiêu chuẩn Việt Nam là do:

- Nước rác có thành phần phức tạp. Các chỉ số BOD, COD, hàm lượng cặn, kim loại nặng đều rất cao. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều khiến nồng độ của NRR không ổn định. Các yếu tố trên đã làm cho công nghệ xử lý phức tạp và đòi hỏi phải được điều chỉnh liên tục theo từng giờ, từng ngày.

- Công nghệ áp dụng chưa phù hợp, đặc biệt cho công đoạn loại bỏ chất ô nhiễm trong NRR.

- Một số mô hình xử lý NRR đang áp dụng: Bể thu → Trạm bơm   Tuyển nổi   Bể UASB →  Aeroten + Bùn hoạt tính   Bể lắng   Hồ sinh học   Xả ra ao, hồ sông… Thì khâu cuối đều có chỉ số cao, không đạt tiêu chuẩn.

Vì vậy theo chúng tôi, để xử lý NRR có hiệu quả cần phải:

- Nghiên cứu cẩn thận cho từng bãi rác riêng biệt. Bắt buộc phải xây dựng mô hình thí nghiệm chi tiết cho từng công đoạn, đồng thời chạy mô hình cho cả mùa mưa và mùa khô.

- Khi lập dự án, cần dự trù kinh phí cần nghiên cứu chạy thử và có thời gian để chủ đầu tư chuẩn bị: cán bộ chuyên môn, khả năng tài chính, phương tiện, vật tư hoá chất nhằm tiếp thu và quản lý công trình như mô hình thử nghiệm yêu cầu.

- Xem xét và hoàn thiện hoặc bổ sung một số điều khoản về xử lý NRR trong các quy phạm hiện hành cho phù hợp, ví dụ TCVN 6984 - 2001

Tóm lại, trong thời gian vừa qua ngành môi trường đô thị nói chung và xử lý phân rác đô thị nói riêng đã làm được khá nhiều việc lớn. Tuy nhiên để phù hợp với yêu cầu của sự phát triển mạnh về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, cũng như  bảo vệ môi trường “Xanh, sạch, đẹp”, theo chúng tôi, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhà chuyên môn, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học nên có những bước đi cụ thể nhằm:

- Tổng kết, rút kinh nghiệm các dự án xử lý rác, đặc biệt là khía cạnh công nghệ, đầu tư, trang thiết bị của các dự án đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này.

- Cần quan tâm hơn nữa về công nghệ bãi CLR, nhất là các biện pháp theo dõi, quan trắc, lấy mẫu, thí nghiệm các quá trình phân huỷ rác.

- Đối với vấn đề nước rỉ rác: nên chọn ở mỗi vùng miền một một dự án thí điểm.

Tốt nhất là dự án có hợp tác với nước ngoài, được bố trí đủ kinh phí, có cán bộ theo dõi và báo cáo định kỳ, nhằm rút ra những kinh nghiệm để sau này có thể áp dụng hàng loạt cho các địa phương khác.

Nguồn: TC Xây dựng, số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)