Quy hoạch phát triển đô thị Hà Đông trong mối quan hệ với vùng Thủ đô Hà Nội

Thứ hai, 19/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Tây là tỉnh liền kề phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên khoảng 219.255 ha, trong đó thị xã Hà Đông là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh, có vị trí nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội.

Được xác định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 8 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây và đồng thời nằm trong nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm: Hà Nội, Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam, tỉnh Hà Tây nói chung, đô thị Hà Đông nói riêng đang đứng trước những thuận lợi và thách thức rất lớn trong quá trình đô thị hoá, phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Từ vị thế riêng của tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội, vấn đề được đặt ra là: quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị Hà Đông, với những điều kiện riêng của mình, sẽ định hướng phát triển đô thị theo định hướng nào, chức năng, tính chất và quy mô đô thị ra sao. Qua đó ta thấy được tác động nào là động lực phát triển kinh tế khu vực và cả tỉnh mà ta cần phải nắm bắt, trước xu thế phát triển, để từ đó thiết lập được mô hình phát triển mang sắc thái riêng nhưng vẫn phải gắn kết được với xu thế phát triển chung của khu vực và của Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đi ngược lại dòng lịch sử hình thành đô thị Hà Đông, như một sự phát triển tự nhiên, luôn thể hiện một mối liên hệ gắn bó trong cùng sự phát triển và mở rộng/ Lịch sử hình thành Hà Đông gắn liền với việc di chuyển tỉnh lỵ Hà Nội về Hà Đông. Năm 1888 triều đình nhà Nguyễn nhượng đất kinh thành Thăng Long Hà Nội cho người Pháp để xây dựng và mở rộng thành phố Hà Nội hiện đại làm thủ phủ Đông Dương. Ngày 26/12/1896 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển tỉnh lỵ Hà Nội vào vùng đất thị xã Hà Đông và tồn tại cho đến ngày nay. Qua nhiều lần sáp nhập, chia tách tỉnh từ tỉnh Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình và Hà Tây như ngày nay, song Hà Đông luôn luôn được chọn là đô thị tỉnh lỵ. Ngày nay, những năm đầu của thế kỷ XXI, khi mà Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong hội nhập kinh tế khu vực thì mối liên hệ đó càng trở nên rõ rệt. Nghiên cứu các bản đồ phát triển của Hà Nội, ta có thể thấy được quá trình phát triển của Thủ đô. Do những điều kiện tự nhiên, trong đó có sông Hồng với vai trò kiến tạo và chi phối quá trình phát triển của Hà Nội, thì từ xưa đến nay Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Tây. Với tốc độ đô thị hoá hiện nay, nhìn từ nhiều góc độ tự nhiên, xã hội, xu thế phát triển, thì các khoảng cách giữa hai đô thị Hà Nội và Hà Đông ngày càng gắn kết một cách nhanh chóng. Không gian hai đô thị đang lan toả rộng ra, dần hoà nhập làm một trong một tổng thể không gian đô thị chung.

Với xu thế phát triển tự nhiên đó, đồng thời cũng nằm trong định hướng phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội, không gian đô thị của Hà Đông đang hoà nhập vào Hà Nội và trở thành một phần của đô thị hạt nhân trung tâm Hà Nội. Trong quy hoạch Vùng Thủ đô, mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống đô thị trong vùng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các đô thị hạt nhân vệ tinh nhằm giảm sức ép phát triển đô thị tại trung tâm Hà Nội, Hà Đông nằm tại khu vực chuyển tiếp giữa trung tâm Hà Nội và vùng đối trọng phía Tây Hà Nội, là vùng phát triển các trung tâm du lịch-đô thị dịch vụ du lịch-đào tạo-công nghệ  cao của vùng và quốc gia.

Bên cạnh đó, Hà Nội với chức năng là Thủ đô của cả nước, là một đô thị hạt nhân có vị trí trung tâm của toàn vùng, hướng phát triển của Hà Nội hình thành các trung tâm mới để phát triển các vị thế mới cho đô thị: các trung tâm công nghệ cao, nghiên cứu khoa học, trung tâm văn hoá, du lịch, trung tâm thương mại và tài chính tầm cỡ quốc tế. Như vậy, nhu cầu mở rộng phát triển không gian của Thủ đô về phía Tây, trong đó việc Hà Đông trở thành một phần của không gian đô thị Hà Nội là tất yếu.

Hà Đông có sẵn những lợi thế để phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được kế thừa từ thời thực dân Pháp, hạ tầng xã hội  mà nền tảng là cộng đồng dân cư đã lâu dời hai bên dòng sông Nhuệ với một nền văn hoá lâu đời, tiếp đến là sự sát nhập của một bộ phận trí thức qua quá trình hình thành, sáp nhập, chia tách và thay đổi. Tiếp cận Thủ đô Hà Nội, thị xã Hà Đông có điều kiện thuận lợi tiếp cận các thông tin kinh tế, văn hoá, xã hội, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, có thể tạo thành một thể thống nhất gắn kết chặt chẽ về hệ thống hạ tầng chung và các mối quan hệ kinh tế thương mại, dịch vụ, văn hoá, xã hội. Là nơi tập trung các tuyến đường giao thông quan trọng QL6 đi qua thị xã liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh phía Tây Bắc-vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Hà Tây nói chung và thị xã Hà Đông nói riêng, có cơ hội liên kết với các tỉnh khác như Phú Thọ, Vĩnh Phúc và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, các khu chức năng phía Tây Nam Hà Nội: tuyến đường sắt trên cao từ Hà Nội dọc theo đường Nguyễn Trãi vào tới thị xã Hà Đông cũng là một yếu tố tạo nên sự thuận lợi trong việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông đô thị phục vụ cho thị xã. Ngoài ra thị xã Hà Đông cũng nằm gần tuyến đường Láng Hoà lạc, được nối kết bằng tuyến đường trục kinh tế Lê Trọng Tấn. Tuyến đường Láng Hoà lạc là nơi đang được đầu tư  nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và đô thị cho thị xã.

Với vị trí gần Thủ đô, địa hình tương đối bằng phẳng, đó là điều kiện thuận lợi cho Hà Đông trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội hoàn chỉnh, rất thuận lợi cho phát triển các khu đô thị mới, khu nhà ở... Tuy nhiên mức độ đô thị hoá hiện nay của Hà Đông mới chỉ chủ yếu giới hạn trong phạm vi hành chính của tỉnh, tốc độ phát triển ở mức thấp và chưa cân bằng với Hà Nội. Để đảm bảo định hướng phát triển của vùng nói chung và đô thị hạt nhân trung tâm Hà Nội, Hà Đông phải đảm bảo được sự phát triển hài hoà cân đối, đồng bộ, lâu dài và bền vững giữa thị xã và Thủ đô. Những việc cần làm là: phối hợp quy hoạch với Hà Nội, tổ chức không gian và phân khu chức năng hợp lý; hợp tác toàn diện trong khai thác và sử dụng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hợp tác về khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.

Về không gian, quá trình phát triển mạng lưới giao thông liên hệ vùng sẽ định hướng cho việc phát triển không gian đô thị. Giao thông liên hệ giữa các đô thị trung tâm với Hà Nội sẽ tạo sức hút đa chiều, cho phép thị xã phát triển giao thông đối ngoại từ dạng tuyến chủ yếu hiện nay, thành dạng mạng lưới. Không gian đô thị vì thế phát triển đồng đều về mọi hướng. Trên cơ sở kết nối không gian, sự phối kết hợp giữa các đô thị và đô thị vệ tinh  trung tâm cho phép sự liên kết, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giữa thị xã và Thủ đô, hình thành hệ thống hạ tầng đô thị loại 1.

Như vậy về định hướng chức năng, Hà Đông sẽ trở thành khu vực chức năng hỗ trợ cho Hà Nội về các dịch vụ nhà ở, thương mại, hạ tầng kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế, vui chơi giải trí. Là một phần của đô thị hạt nhân trung tâm, khu vực sẽ thu hút dân cư, các lực lượng lao động về sinh sống, làm việc, tuy nhiên cũng sẽ gia tăng áp lực dân số cho thị xã, kèm theo là các sức ép về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Với những lợi thế  phát triển của đô thị, Hà Đông là đô thị tỉnh lỵ giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh có những cơ hội thuận lợi để phát triển nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt, vấn đề đặt ra cho những người làm công tác quy hoạch là cần thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu quy hoạch hiện nay, đó chính là cơ sở xây dựng và tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Sự phát triển đô thị kéo theo là những chuyển dịch về cơ cấu lao động trong khu vực, đòi hỏi phải có định hướng phát triển lâu dài, ổn định cho lao động nông thôn, giải quyết các vấn đề xã hội. Hơn nữa phải xây dựng được mô hình đô thị đảm bảo cho vấn đề cân bằng sinh thái, môi trường và duy trì các vùng sinh thái nông nghiệp xung quanh đô thị.

Việc quản lý giữa thị xã và các khu vực xung quanh đòi hỏi biện pháp quản lý và định hướng phát triển không hạn chế trong các phân định về hành chính. Đồng thời các làng xóm trong đô thị, các khu vực ở cũ sẽ có những chuyển biến hình thái đô thị, đòi hỏi phải có biện pháp quản lý tổng thể xã hội cũng như kiến trúc, quy hoạch... để đảm bảo sự đống nhất và giữ được đặc trưng đô thị.

Phát triển đòi hỏi phải có đầu tư, do đó những chính sách và biện pháp để đảm bảo cho sự thu hút đầu tư, quy hoạch theo nhu cầu kinh tế thị trường, nhưng vẫn đảm bảo các định hướng phát triển bền vững, giàu bản sắc cũng là những vấn đề lớn đặt ra. Trong những năm gần đây và tương lai, nền kinh tế đang trên đà phát triển với tốc độ nhanh, không gian vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được hình thành và phát triển rõ rệt. Mối liên hệ với Thủ đô, của đô thị Hà Đông và các đô thị khác trong vùng sẽ diễn ra với những sức hút đô thị hoá mới. Quá trình phân vùng hoá chức năng của từng đô thị cũng sẽ rõ rệt hơn, sẽ tạo ra những động lực phát triển và khó khăn thách thức mới cho quá trình phát triển thị xã, để nó được hài hoà trong sự phát triển chung của Vùng Thủ đô và đảm bảo phát triển ổn định lâu dài, bền vững.

Trong một tương lai gần, về mặt không gian đô thị, Hà Đông sẽ nằm trong tổng thể của không gian Thủ đô. Với những tiềm năng, đặc trưng và lịch sử của mình, Hà Đông sẽ  thực sự trở thành một khu vực phát triển mới, năng động và giàu bản sắc.

 Vũ Đại Đồn-Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tây
Nguồn: Hội thảo khoa học Nửa thế kỷ 1956-2006 với sự nghiệp Quy hoạch xây dựng, Hà Nội, tháng 12/2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)