Công tác bảo hộ lao động ở Tổng công ty Xây dựng Hà Nội

Thứ sáu, 16/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, quy mô xây dựng và sản xuất ngày càng phát triển sử dụng nhiều công nghệ mới, nhiều chủng loại thiết bị vật tư, nên các nhân tố có thể gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động ngày càng gia tăng. Vì vậy đối với Tổng công ty Xây dựng Hà Nội việc thực hiện những biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ và giữ gìn sức khoẻ cũng như quyền lợi của người lao động, là một yêu cầu rất cấp thiết. Đây là nguồn động lực chủ yếu của quá trình sản xuất, là yếu tố quan trọng góp phần quyết định sự phát triển của Tổng công ty trong sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Công tác bảo hộ lao động BHLĐ thể hiện 3 tính chất rất cụ thể: Tính pháp luật, tính khoa học công nghệ, tính quần chúng, đã được lãnh đạo và Công đoàn Tổng công ty chỉ đạo triển khai thực hiện từng bước có hiệu quả trong nhiều năm nay.

Với 24 đơn vị thành viên, 2 trường đào tạo, 2 chi nhánh đóng trên địa bàn Bắc, Trung, Nam thi công xây dựng khắp mọi miền đất nước, kể cả các địa bàn vùng núi, vùng xa hải đảo và đất nước bạn,…Các đơn vị thuộc Tổng công ty đã thi công hàng trăm công trình, hạng mục công trình với giá trị sản xuất kinh doanh từng bước tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Điều đó khẳng định công tác BHLĐ luôn được các đơn vị coi trọng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường và để có công việc, các đơn vị đã tăng cường tiếp thị, hạ giá thầu,… nên chi phí cho công tác BHLĐ, đầu tư kinh phí thực hiện biện pháp kỹ thuật an toàn trên công trình còn hạn chế. Mặt khác trình độ của một số cán bộ trong bộ máy quản lý BHLĐ còn yếu nên ảnh hưởng đến việc kiểm tra, kiểm soát mọi hoạt động ở tất cả các công trình nên đã không triệt tiêu tối đa được các nguy cơ cũng như tai nạn lao động xẩy ra.

Trước thực trạng trên ngay từ đầu năm nghị quyết của Đảng uỷ Tổng công ty đã đề cập nhiều đến công tác BHLĐ và được nhắc lại nhiều lần trong các nghị quyết quý, tháng. Tổ chức Công đoàn và các phòng, ban chuyên môn đã phối hợp chặt chẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thực hiện Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-LĐTBXH-YT-TLĐLĐVN, các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công tác BHLĐ, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo, Công đoàn Tổng công ty, công tác BHLĐ từng bước được củng cố đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần hoàn thành kế hoạch và sự tăng trưởng hàng năm của Tổng công ty.

Công tác tổ chức bộ máy làm công tác BHLĐ luôn được Tổng công ty quan tâm. Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHLĐ của Chính phủ, các Bộ liên quan và Bộ Xây dựng, Tổng công ty đã phân cấp quản lý công tác BHLĐ từ Tổng công ty đến các công ty, đơn vị cơ sở; duy trì và tăng cường quản lý, chỉ đạo của Hội đồng BHLĐ các cấp, luôn kiện toàn bộ máy làm công tác an toàn lao động ATLĐ. Nhiều đơn vị đã thành lập phòng, ban BHLĐ trực thuộc Giám đốc Công ty. Hội đồng BHLĐ các cấp cũng đã được thành lập.

Bộ máy làm công tác BHLĐ hoạt động tích cực, có trách nhiệm, thực hiện nghiêm các nội dung của bảng phân cấp yêu cầu. Tổ chức tốt việc giao ban định kỳ tháng, quý và tổng kết năm nhằm kiểm điểm việc thực hiện và bàn biện pháp tích cực cho tháng, quý sau.

Tổng công ty đã nhanh chóng triển khai các văn bản của Nhà nước đến các đơn vị bằng công văn, chỉ thị, các văn bản nhắc nhở, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện. Nhiều chỉ thị của Nhà nước đã được thảo luận, phân tích trong nhiều cuộc họp để thực hiện tốt và phù hợp điều kiện chung của Tổng công ty.

Các chế độ báo cáo từ công ty đến Tổng công ty, từ Tổng công ty đến các cơ quan quản lý liên quan cũng được thực hiện đúng quy định. Nội dung báo cáo đã phản ánh đúng thực tế trong triển khai thực hiện. Các đoàn kiểm tra cấp trên cũng như các ban ngành liên quan đều đánh giá cao chất lượng các báo cáo đó.

Công tác BHLĐ đã được xây dựng thành kế hoạch và được thực hiện tốt. Hàng năm các đơn vị đều lập kế hoạch BHLĐ cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh chung của đơn vị trình Tổng công ty phê duyệt. Kế hoạch BHLĐ được lập trên cơ sở 5 nội dung nêu trong Thông tư Liên tịch số 14/1998 nêu trên, trong đó dự trù kinh phí cho từng quý, từng dự án, công trình. Sau đó tổ chức triển khai thực hiện có nghiệm thu, báo cáo kết quả và giá trị thực hiện. Chi phí thực hiện BHLĐ ở Tổng công ty tăng hàng năm: Nếu chi phí cho BHLĐ năm 2001 là 6,15 tỷ đồng thì năm 2002 là 10,1 tỷ và năm 2005 là 18,22 tỷ.

Do sử dụng lao động mùa vụ, ngắn hạn với số lượng lớn lại thường xuyên phải thay đổi địa điểm nên gặp không ít khó khăn trong ký hợp đồng lao động và thực hiện tốt BHLĐ. Trước thực trạng này Tổng công ty coi việc kiểm tra, kiểm soát các đơn vị thành viên thực hiện đầy đủ quy định về sử dụng lao động mùa vụ là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, giữ vững thương hiệu và tăng giá trị sản xuất kinh doanh hàng năm.

Định kỳ 2 tháng một lần Tổng công ty tổ chức giao ban an toàn, 6 tháng  và cuối năm tổ chức hội nghị chuyên đề công tác BHLĐ với các thành viên gồm Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Công đoàn, Ban BHLĐ Tổng công ty, các Phó Giám đốc, trưởng phòng, ban, các cán bộ chuyên trách về BHLĐ của các đơn vị thành viên. Các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng được đưa ra phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp hạn chế đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vị phạm theo đúng quy định của pháp luật và quy chế thưởng phạt của đơn vị.

Định kỳ 6 tháng các đơn vị thành viên tổ chức tự kiểm tra chấm điểm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường, thực hiện tốt BHLĐ tại cơ sở theo nội dung phân cấp quản lý BHLĐ của đơn vị. Định kỳ hàng năm Hội đồng BHLĐ Tổng công ty tổ chức kiểm tra chấm điểm việc thực hiện BHLĐ theo 3 nội dung chính và 67 nội dung chi tiết.

Công tác quản lý kỹ thuật ATLĐ trên công trình xây dựng luôn được quan tâm hàng đầu. Các giải pháp tổng thể như: Tổng mặt bằng thi công, vệ sinh môi trường, cấp điện nước, kho tàng, lán trại, đường thi công, phòng chống cháy nổ và biện pháp kỹ thuật an toàn luôn được lập và thực hiện nghiêm túc. Tại các công trình lớn, dự án phức tạp, đặc biệt là các khu vực có kết cấu phức tạp, các giải pháp tổng thể phải được lập, duyệt trước khi thi công, nghiệm thu đúng quy định, thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo TCVN 5308-91 “Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng” đảm bảo an toàn mới đựơc thi công. Trong 5 năm mặc dù thi công nhiều nhà cao tầng, nhiều công trình, dự án lớn và phức tạp có nhiều đơn vị tham gia thi công, nhưng đã từng bước hạn chế được nhiều nguy cơ, giảm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Nhiều sáng kiến hợp lý hoá sản xuất đảm bảo ATLĐ được áp dụng.

Công tác quản lý thiết bị đã có nền nếp và được duy trì tốt. Tất cả các máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đã được các đơn vị quản lý và thực hiện nghiêm túc việc kiểm định theo Thông tư số 23/2003/TT-BLĐTBXH. Do có sự quản lý và kiểm tra tốt đã kịp thời phát hiện những thiết bị chưa được kiểm định, chưa đảm bảo an toàn không cho đưa vào thi công nên đã hạn chế nguy cơ xẩy ra tai nạn.

Các đơn vị có yêu cầu bắt buộc đo kiểm môi trường hàng năm 11 cơ sở sản xuất, gia công đã thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về vệ sinh môi trường như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường gửi Sở Khoa học công nghệ và môi trường địa phương; hàng năm tổ chức đo kiểm môi trường lao động do Sở Y tế địa phương tiến hành, trường hợp phát hiện mức độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép đều có biện pháp xử lý ngay và được ghi bổ sung vào hồ sơ vệ sinh lao động xí nghiệp.

Công tác phòng cháy và chữa cháy PCCC được kết hợp chặt chẽ với lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Các công ty đều thành lập Ban chỉ huy PCCC, đội chữa cháy cơ sở, có phương án PCCC, có kế hoạch và đầu tư thiết bị PCCC tại nơi làm việc, công trình xây dựng. Hàng năm lực lượng PCCC cơ sở đều được tập huấn  và thực tập phương án PCCC. Công tác PCCC của nhiều đơn vị đã được Đoàn kiểm tra liên ngành, cảnh sát PCCC địa phương kiểm tra và đánh giá cao.

Công tác huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống công tác BHLĐ. Thực tế cho thấy nhiều vụ tai nạn lao động xẩy ra do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện chưa kỹ nhất là huấn luyện bước 3. Việc huấn luyện lực lượng cấp cứu tại chỗ do y tế chủ trì đã đạt được một số kết quả tốt. Hàng năm Tổng công ty đều tổ chức huấn luyện về BHLĐ cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý của các đơn vị thành viên; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về BHLĐ do cấp trên hoặc tổ chức quốc tế tổ chức; mở nhiều lớp huấn luyện về ATLĐ và vệ sinh lao động tại cơ sở nhất là huấn luyện bước 3 cho người lao động tại công trình.

Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại công trình được xác định là một trong những nội dung quan trọng và cần được thực hiện thường xuyên. Tổng công ty đã biên soạn và thông qua Hội đồng BHLĐ mẫu kiểm tra thống nhất cho tất cả các công ty thành viên gồm 3 nội dung cơ bản 67 nội dung chi tiết. Đây là mẫu kiểm tra đầy đủ các nội dung dựa trên cơ sở: TCVN 5308-91 “Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng”, Nghị định 06CP của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 14/1998 “Hướng dẫn thực hiện công tác BHLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh” và Bộ Luật lao động. Hàng năm Hội đồng BHLĐ, Ban BHLĐ của các đơn vị thành viên đã kiểm tra hàng ngàn lượt công trình, hạng mục công trình; Hội đồng BHLĐ, Ban BHLĐ Tổng công ty phối hợp với Công đoàn Tổng công ty đã kiểm tra trên 90 lượt công trình, hạng mục công trình lớn nhỏ.

Trên cơ sở các quy định của nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm BHLĐ, các đơn vị đã xây dựng và thực hiện Quy chế thưởng phạt về BHLĐ riêng cho đơn vị mình. Tuy nhiên việc thực hiện biện pháp này cần đi đôi với tuyên truyền giáo dục, đào tạo để người lao động hiểu được mục đích ý nghĩa của việc thực hiện tốt công tác BHLĐ. Hàng năm Tổng công ty đã đề nghị khen thưởng cấp Bộ, Tổng công ty cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tổng công ty đã đề ra phương hướng công tác BHLĐ năm 2006 và những năm tiếp theo như sau:

- Công tác BHLĐ phải được thực hiện đồng thời với quá trình tổ chức lao động, sản xuất thể hiện đầy đủ 3 tính chất: Pháp luật, khoa học công nghệ và quần chúng.

- Củng cố hệ thống tổ chức quản lý công tác BHLĐ của các đơn vị thành viên theo quy định của nhà nước.

- Các đơn vị phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ kỹ thuật nắm vững chuyên môn, đồng thời am hiểu về ATLĐ - BHLĐ phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến hợp lý hoá sản xuất. Kết hợp với tổ chức công đoàn duy trì hoạt động BHLĐ thật sự có hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm chỉnh việc lập và thực hiện kế hoạch BHLĐ cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh. Phải có quy định bắt buộc thực hiện chế độ BHLĐ, tỷ lệ kinh phí phù hợp cho công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban định kỳ và báo cáo định kỳ về BHLĐ.

- Kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cơ sở củng cố việc lập hồ sơ pháp lý về BHLĐ, đặc biệt đối với công nhân làm việc theo mùa vụ, ngắn hạn. Thực hiện nghiêm việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, BHLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động theo quy định của pháp luật.

- Hội đồng BHLĐ đơn vị chỉ đạo và thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra và tự kiểm tra. Cương quyết xử lý những vi phạm quy trình kỹ thuật ATLĐ và BHLĐ. Quyết tâm giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.

H. Phước

Nguồn: Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)