Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, quy trình, mô hình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tổ chức và từng người dân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng đã trả lời, làm rõ một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến việc triển khai các đề án chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội...
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là dùng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi tư duy, phương pháp, quy trình, mô hình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tổ chức và từng người dân.
Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc
Thời gian qua, việc triển khai các đề án liên quan đến chuyển đổi số có những vướng mắc về cách làm, đặc biệt các văn bản quy phạm pháp luật khi chưa lường hết sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ trong 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), có 1 dịch vụ liên quan đến xử phạt trực tuyến vi phạm hành chính giao thông đường bộ bằng camera, hay còn gọi là phạt nguội chưa triển khai được do luật quy định muốn phạt nguội thì người bị phạt phải đến trình diện, xác nhận ở cơ quan công an, nhưng nếu vậy thì không phải thực hiện trực tuyến nữa.
"Vậy chúng ta có dám làm trái quy định trong trường hợp cụ thể này mặc dù thấy đúng rồi hay không?", Phó Thủ tướng nêu thực tế và khẳng định, các cơ quan đã bàn rất trách nhiệm, báo cáo Chính phủ những vấn đề bức xúc liên quan đến người dân để triển khai tiếp.
Những vấn đề cần thời gian điều chỉnh một số các văn bản quy phạm pháp luật thì tiếp tục củng cố các điều kiện kỹ thuật, sẵn sàng thực hiện khi có điều kiện.
Điểm sáng dịch vụ công trực tuyến
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã trải qua quá trình rất dài trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, sau đó là số hóa, chuyển đổi số.
Mặc dù có những tiến bộ, nhưng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2021, 2022 đứng thứ 86 chỉ tăng 2 bậc so với năm 2018, trên 3 trụ cột là hạ tầng, dịch vụ công trực tuyến, nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, điểm sáng gần đây là đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, với 6.511 thủ tục hành chính, trong đó 4.200 dịch vụ được cung cấp trực tuyến (đạt 64%). Đồng thời, trong quá trình vận hành, các bộ ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa, bãi bỏ hàng nghìn thủ tục hành chính ít người sử dụng. Đây là bước rất căn bản.
Động lực cải cách từ chiến lược dữ liệu, chuyển đổi số
Đối với những ý kiến của đại biểu đề cập đến vai trò, tầm quan trọng của việc hình thành các cơ sở dữ liệu, Phó Thủ tướng khẳng định: Dữ liệu luôn rất quan trọng. Các nước đều có chiến lược về dữ liệu, chuyển đổi số.
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, để hoạch định ra một chiến lược về làm dữ liệu quốc gia, có 5 điều cần quan tâm.
Thứ nhất là sự quan tâm của Chính phủ, người dân về động lực cải cách bộ máy hành chính. Cụ thể là cải cách dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến, để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế tham nhũng vặt, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thể hiện Chính phủ hoàn toàn minh bạch, có trách nhiệm giải trình.
Thứ hai là qua việc phân tích dữ liệu để thúc đẩy đổi mới cung cách quản lý, mô hình quản trị và phương thức phát triển sản xuất của từng ngành, cơ sở.
Thứ ba là sự quan tâm hay động lực để bảo mật liên quan đến quốc gia và các tổ chức.
Thứ tư là động lực để bảo vệ quyền riêng tư của từng người dân.
Thứ năm là nhu cầu giám sát của nhà nước đối với xu thế, hành vi của các tổ chức và của người dân.
Chiến lược dữ liệu, chuyển đổi số của Việt Nam căn cứ vào cả 5 tiêu chí trên, trong đó nhấn mạnh động lực cải cách để làm Chính phủ minh bạch, có các mô hình sản xuất kinh doanh mới.
Phó Thủ tướng cho biết, giống như các nước, Việt Nam có 3 nhóm cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất liên quan đến người dân; doanh nghiệp; tài nguyên, quan trọng nhất là đất đai. Tuy nhiên, để cơ sở dữ liệu của các bộ ngành có được đầy đủ thông tin về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất thuộc lĩnh vực quản lý thì phải thực hiện kiên trì nhiều năm và đầu tư rất nhiều.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đã được các cơ quan bàn rất trách nhiệm, báo cáo Chính phủ những vấn đề bức xúc liên quan đến người dân để triển khai tiếp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đề án 06 có kết quả bước đầu đúng hướng
Về Đề án 06, Phó Thủ tướng cho biết đây là đề án liên quan rất cụ thể đến người dân được Chính phủ lựa chọn tập trung làm điểm để đạt được những mục tiêu của quá trình chuyển đổi số.
Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia được luật định, trực tiếp do Bộ Công an triển khai, có sự chuẩn bị rất lâu, đầu tư bài bản về trang thiết bị, nhân lực, bảo đảm yêu cầu an toàn, an ninh thông tin.
Không dừng lại ở phạm vi là một đề án cơ sở dữ liệu của ngành Công an, đây sẽ là cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của tất cả các bộ, ngành, Chính phủ, cả hệ thống chính trị và phục vụ người dân suốt đời.
Tuy nhiên, Đề án này khi bắt đầu thực hiện đã bộc lộ ra những vướng mắc, ách tắc, khó khăn cần giải quyết, trước hết là "thông tư tưởng" của các bộ, ngành, các cấp.
Phó Thủ tướng cho biết: "Chưa có đề án nào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo nhiều như vậy và đã có những kết quả ban đầu đúng hướng, hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu đặt ra".
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương rất rời rạc, manh mún, ở nhiều bộ phận khác nhau. Chưa kể, các địa phương cũng đang chờ đợi hướng dẫn thực hiện thống nhất từ Trung ương.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành những hướng dẫn cơ bản về khung kiến trúc, xây dựng cơ sở dữ liệu, cần tiếp tục vừa làm, vừa điều chỉnh.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật có vướng mắc, sắp tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ trên tinh thần "những gì đã rõ, trong lúc chưa sửa được luật thì cho phép áp dụng thí điểm".
Cơ hội mới từ chuyển đổi số
Phó Thủ tướng khẳng định: Chuyển đổi số là cơ hội mới, cần quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, kiểm soát việc ra đầu bài để giải quyết những bài toán rất cụ thể, có thể làm được những việc tưởng chừng không thể.
"Vừa qua, việc liên thông dữ liệu sức khỏe của người dân giữa cơ sở y tế với ngành giao thông, ngành công an để phục vụ cấp giấy phép lái xe không thể thực hiện nếu cơ sở y tế chưa số hóa, tuy nhiên, từ thực tế cho thấy các đơn vị đã thực hiện liên thông trước hết kết luận người đó đạt hay không đạt sức khỏe dể cấp giấy phép lái xe", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Đối với người dân, chuyển đổi số là cơ hội rất lớn trong thanh toán điện tử, tiếp cận giáo dục mà sâu xa hơn nữa là nâng cao chất lượng hưởng thụ các giá trị văn hóa, di sản của dân tộc, thông qua hình thức "tham quan trực tuyến các địa điểm du lịch, văn hóa, nghệ thuật… đã được số hóa".
Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, các ngành cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số tại địa phương.
Về mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng cần tăng cường lượng thông tin chính thống, quan tâm, hỗ trợ để báo chí chính thống phát triển. Các bộ ngành, cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động "đưa thông tin" một cách nhanh nhất, trước hoặc ngay khi xuất hiện thông tin xấu độc.
Bên cạnh việc xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần khuyến khích người dân, các tổ chức, bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm bởi các tin tức xấu độc; tăng cường phổ biến tri thức, nâng cao hiểu biết của người dân trước những rủi ro trên mạng xã hội.
Các cơ quan quản lý cần phải cảnh báo sớm, tăng cường làm việc, quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới; khuyến khích, tao điều kiện thiết thực cho các nền tảng, ứng dụng trong nước phát triển.