Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Về sự phù hợp với quy định pháp luật: Căn cứ Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1639/QĐ-TTg ngày 19/12/2023, Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 30/9/2023 xác định đô thị thị trấn Phú Thái đến năm 2030 là đô thị loại IV mở rộng (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thị trấn Phú Thái, xã Phúc Thành, xã Kim Anh và một phần xã Kim Xuyên); trên cơ sở Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của tỉnh Hải Dương, trong đó đề xuất mở rộng thị trấn Phú Thái (trên cơ sở toàn bộ ranh giới hành chính, diện tích tự nhiên thị trấn Phú Thái, xã Phúc Thành, xã Kim Anh và một phần xã Kim Xuyên); đồng thời căn cứ điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và khoản 7 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, việc UBND tỉnh Hải Dương lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là phù hợp với quy định.
2. Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan có liên quan bổ sung báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các Sở, ngành, địa phương có liên quan và ý kiến của cộng đồng dân cư. Chịu trách nhiệm rà soát các quy hoạch, dự án (không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; không hợp thức, cập nhật các quy hoạch, dự án chưa đủ cơ sở pháp lý), đảm bảo tính chính xác của các số liệu đo đạc liên quan đến đất lúa, đất quốc phòng - an ninh và đất dân cư hiện trạng; tuân thủ các quy định pháp luật về: bảo vệ môi trường, đất đai, nhà ở, xây dựng..., cũng như đáp ứng được các yêu cầu về ứng phó biến đổi khí hậu.
Thuyết minh, bản vẽ đồ án quy hoạch cần rà soát, thực hiện theo Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn.
3. Hồ sơ bản vẽ của QHC đô thị Phú Thái phải được nghiên cứu thực hiện trên cơ sở bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 (được đo đạc tại thời điểm lập quy hoạch), đề nghị UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát và chịu trách nhiệm về nội dung, tính chính xác, chất lượng của bản đồ địa hình phục vụ công tác lập quy hoạch đô thị, đảm bảo tuân thủ Điều 3 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật khác có liên quan.
4. Để có cơ sở phê duyệt QHC đô thị Phú Thái, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung và làm rõ một số nội dung sau:
- Phần đánh giá hiện trạng: Làm rõ số liệu, ký hiệu hiện trạng sử dụng đất (khu vực đô thị và khu vực nông thôn); bổ sung các số liệu dân số, phân tích, đánh giá số liệu dịch cư, lao động (05 năm gần nhất của thị trấn Phú Thái, xã Phúc Thành, xã Kim Anh và một phần xã Kim Xuyên) làm cơ sở dự báo quy mô dân số; bổ sung phân tích, đánh giá rõ hơn thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng thế mạnh phát triển đô thị của huyện Kim Thành, đặc biệt là xã Phúc Thành, xã Kim Anh và một phần xã Kim Xuyên dự kiến mở rộng vào đô thị Phú Thái.
- Phần đánh giá tình hình triển khai theo các quy hoạch được duyệt: Đề nghị bổ sung các quy hoạch, dự án đã thực hiện theo Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Phú Thái (năm 2020) và các quy hoạch chung xây dựng xã Phúc Thành, xã Kim Anh và xã Kim Xuyên; trên cơ sở đó cần chỉ rõ những vấn đề bất cập, tồn tại; làm rõ những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung. Khi thực hiện QHC đô thị Phú Thái đề nghị không hợp thức các quy hoạch, dự án sai phạm; đặc biệt cần làm rõ cơ sở pháp lý đưa vào QHC đô thị Phú Thái đối với các dự án đã xây dựng, quy hoạch: khoảng 221 ha đất các khu đô thị mới hai bên quốc lộ 17B và các khu dân cư mới; các khu sản xuất, kho bãi ven sông Kinh Môn.
- Tiền đề phát triển đô thị: Rà soát các cơ cở pháp lý, các định hướng của các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan, tác động đến QHC đô thị Phú Thái; nhấn mạnh động lực, cơ sở mở rộng đô thị, làm rõ tính đặc thù nổi trội của đô thị Phú Thái (so với các đô thị khác trong tỉnh); bổ sung đề xuất cấu trúc, mô hình phát triển đô thị; làm rõ cơ sở các phân vùng trong đô thị, cũng như các mối quan hệ, kết nối hỗ trợ của các vùng phát triển trong đô thị với các khu vực trong vùng huyện Kim Thành.
Trên cơ sở đánh giá hiện trạng đô thị Phú Thái theo Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (NQ-12010) và Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ-1210 về phân loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại IV thì các chỉ tiêu về quy mô dân số toàn đô thị và dân số khu vực nội thị, đất dân dụng, cơ sở y tế, cây xanh đô thị không đạt; đồng thời theo đánh giá còn tới 23/59 chỉ tiêu chưa đạt và còn thiếu rất nhiều so với quy định; vì vậy để hướng tới mục tiêu trước năm 2030 đô thị Phú Thái mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV là rất khó khả thi; đề nghị UBND tỉnh Hải Dương rà soát, điều chỉnh mục tiêu trên, xác định rõ nguồn lực đầu tư để đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển của đô thị.
- Về dự báo quy mô dân số: Về phương pháp dự báo dân số, trong đó nguồn tăng do phát triển 200 ha đất đô thị và dân cư mới là trùng với tính toán tăng dân số cơ học (khoảng 1,3 % năm), vì vậy dự báo quy mô đến năm 2030 khoảng 35.123 và đến năm 2045 khoảng 47.600 là chưa phù hợp, thiếu cơ sở; đề nghị rà soát phương pháp tính toán, bổ sung cơ sở luận cứ về dự báo dân số và điều chỉnh quy mô dân số cho từng giai đoạn để phù hợp với điều kiện phát triển của đô thị.
- Đối với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án: Đất dân dụng của đồ án đến năn 2045 khoảng 120 m2/người, đất đơn vị ở 83,41 m2/người là còn cao; đề nghị rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của QHC đô thị Phú Thái theo từng giai đoạn, đảm bảo tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2021/BXD về quy hoạch xây dựng; đặc biệt làm rõ cơ sở lựa chọn các chỉ tiêu áp dụng của các dự án đô thị đang triển khai (36,7 ha).
- Về định hướng phát triển không gian: Về định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, cần làm rõ định hướng của các quy hoạch ngành, lĩnh vực (cấp vùng, tỉnh, huyện và đô thị) nằm trong đô thị Phú Thái; trên cơ sở đó xác định vị trí, quy mô, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của đô thị đảm bảo bán kính phục vụ, đáp ứng khả năng phát triển của đô thị từng giai đoạn.
+ Đối với phát triển các khu, cụm công nghiêp: Đề nghị hạn chế phát triển, đưa ra ngoài khu vực phát triển đô thị các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, gây ô nhiễm nguồn nước, gây ồn (các khu vực xã Phúc Thành, xã Kim Anh) để đưa về khu tập trung; xem xét không phát triển các khu vực kho bãi, cảng ven sông Kinh Môn không phù hợp với quy hoạch tỉnh, gây ảnh hưởng đến thoát lũ và tuyến đê sông Kinh Môn.
+ Đối với các khu vực dân cư nông thôn đô thị hóa cần hạn chế tách thửa, chuyển đổi nông nghiệp; có yêu cầu về kiểm soát kiến trúc gắn với bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, vùng sản xuất.
- Đối với quy hoạch sử dụng đất: Lưu ý đối với các khu vực chuyển đổi sang đất xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn đã được phê duyệt. Việc xem xét đưa đất đơn vị ở mới của các dự án (đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc đã có quy hoạch chi tiết) vào hết giai đoạn đầu (năm 2030) là không phù hợp, đề nghị rà soát lại quy hoạch sử dụng đất giai đoạn năm 2030 cho phù hợp với dự báo quy mô dân số, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nhằm tiết kiệm hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo từng giai đoạn; việc đề xuất phát triển khu đô thị mới ra phía Đông sông An Thành thuộc thôn Đông Mỹ là chưa có cơ sở, thiếu kết nối không gian, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
- Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Lưu ý khi định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật của QHC đô thị Phú Thái cần bám sát định hướng của các quy hoạch cấp trên (Quy hoạch tỉnh Hải Dương, huyện Kim Thành), rà soát khớp nối các định hướng hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường kết nối vùng, để đảm bảo thống nhất đồng bộ; xác định rõ các nội dung điều chỉnh, phát triển mới; điều chỉnh các dự báo sau khi điều chỉnh quy mô dân số và quy hoạch sử dụng đất từng giai đoạn.
+ Về quy hoạch hệ thống giao thông: Bổ sung làm rõ vị trí, giải pháp quy hoạch giữa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng với tuyến quốc lộ 17B; các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông của tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng với các tuyến đường ngang của đô thị.
+ Về định hướng chuẩn bị kỹ thuật: Rà soát lại giải pháp, phương án phòng chống lũ các khu vực ven sông Kinh Môn, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước gắn với hệ thống thủy lợi toàn khu vực; hạn chế tác động đến lưu vực các sông, kênh mương tiêu thoát nước. Bổ sung định hướng, giải pháp bảo vệ các khu vực hồ, ruộng trũng gắn với hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thủy lợi trong đô thị.
+ Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khác: Bổ sung giải pháp thiết kế hệ thống và mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật (Trạm biến áp, trạm cấp nước, thu gom và trạm xử lý nước thải…); làm rõ các giải pháp kết nối đối với các khu vực phát triển (trung tâm thị trấn Phú Thái với các khu vực phát triển đô thị mới).
- Nguồn lực phát triển đô thị: Bổ sung danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; làm rõ về nhu cầu vốn, nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi (đặc biệt là các công trình dịch vụ công cộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đạt theo tiêu chuẩn đô thị loại IV).
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5475/BXD-QHKT.