Kết quả, gần 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn huy động XDNTM trên địa bàn huyện Thường Xuân đạt gần 124 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ 30,24%, huyện, xã 1,55%, người dân trên địa bàn đóng góp 4,04%, con em xa quê hỗ trợ gần 0,14%, số vốn còn lại là của các tổ chức, doanh nghiệp, vốn vay tín dụng và lồng ghép các chương trình, dự án,vv... Ngoài ra, huyện đã huy động ngày công của dân tham gia XDNTM; nhiều hộ đã tham gia hiến, tặng, góp đất và các công trình phụ khác phục vụ XDNTM. Trong gần 8 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã xây dựng được 24,5 km đường giao thông (trong đó, có 16 km đường thôn, bản, 8,5 km đường ngõ xóm và giao thông nội đồng); làm mới và cải tạo, nâng cấp 1,5 km kênh mương nội đồng; làm mới và nâng cấp, cải tạo 4 phòng học các cấp học; một số nhà văn hóa, khu thể thao xã và nhà văn hóa thôn, trạm y tế, trụ sở UBND xã,... được làm mới và nâng cấp, cải tạo. Bước đầu diện mạo NTM văn minh, hiện đại đang dần được hình thành ở nhiều vùng quê trong huyện. Kết quả rà soát, đánh giá các tiêu chí XDNTM, đến tháng 8-2018 bình quân trên địa bàn huyện Thường Xuân đạt 14,06 tiêu chí/xã. Trong đó, có 2 xã (Ngọc Phụng và Xuân Dương) đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Các tháng cuối năm 2018, cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phục vụ XDNTM. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết thêm việc làm tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo Báo Thanh Hóa điện tử