Công tác dồn điền, đổi thửa góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 23/08/2018 13:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí. Tuy nhiên, với những địa phương có diện tích đất nông nghiệp manh mún như Hà Nội, khi bước vào xây dựng NTM, nếu tiến hành thành công công tác dồn điền đổi thửa sẽ có tác động tích cực tới hầu hết các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Ảnh minh họa

Là một trong 17 thủ đô có địa giới hành chính lớn nhất thế giới, với diện tích hơn 3.300 km2 sau khi sáp nhập, Thủ đô Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển nền kinh tế nông nghiệp kiểu mẫu của cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, diện tích sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Hà Nội lên tới 188.601 ha. Sau 10 năm sáp nhập địa giới hành chính, ngành nông nghiệp của Thủ đô đã nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại, đạt được những thành quả bước đầu, tạo tiền đề cho sự xuất hiện của những vùng chuyên canh lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa là hướng đi tất yếu đưa nền nông nghiệp còn nhiều bất cập thực sự trở thành một ngành sản xuất hàng hoá, quy mô lớn. Trong đó, việc quy hoạch quỹ đất nông nghiệp tạo ra những “cánh đồng mẫu lớn” là giải pháp nhằm nâng cao giá trị trong canh tác nông nghiệp.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết năm 2017, trên toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183,1/75.980,1 ha (đạt 104,2%), vượt 3.673,5 ha so với kế hoạch Thành phố giao. Sau dồn điền đổi thửa các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả cao hơn như: Chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản (6.416,7 ha); cây ăn quả (5.538,6 ha); thực hiện mô hình VAC, VACR (2.079,6 ha); trồng rau an toàn (1.823,6 ha); chăn nuôi xa khu dân cư (623,7 ha); trồng hoa, cây cảnh là 508,2 ha và một số loại hình khác khoảng 594,5 ha.

Từ đó, Thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%; vùng sản xuất rau an toàn cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả với giá trị 0,5-1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh cho giá trị từ 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm; các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với giá trị từ 1-2 tỷ đồng/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản hiệu quả tại một số huyện như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức cho giá trị từ 200-300 triệu đồng/ha/năm...

Tiền đề quan trọng cho phát triển nông nghiệp

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa một cách có trình tự bài bản và khoa học. Việc dồn điền, tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng xuất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể thấy, chủ trương quy hoạch đồng ruộng, xây dựng đường nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền thành những cánh đồng mẫu lớn, nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đã thực sự giúp người nông dân Thủ đô nâng cao thu nhập từ chính trên ruộng đất của mình. Sản xuất nông nghiệp của Thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng. Thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng lên và cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố.

Việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, đem lại nhiều lợi ích rõ rệt, đặc biệt chi phí các khâu dịch vụ đều giảm, giúp tăng thu nhập cho nông dân nhờ tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, lợi nhuận thu được cao hơn so với trước đây, tăng tính cộng đồng, hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân trong canh tác; vật tư đầu vào được cung ứng tốt, kịp thời; áp dụng kỹ thuật đồng bộ; giảm chi phí các dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch; thúc đẩy cơ giới hóa; bảo vệ môi trường, giảm khí thải; sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường; tăng khả năng cạnh tranh.

Nói về nông nghiệp của Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, với một vùng nông thôn rộng lớn sau khi được mở rộng, TP. Hà Nội đã tập trung rất quyết liệt cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời cho rằng, việc Hà Nội “dám” chọn khâu khó nhất nhưng căn bản nhất trong xây dựng nông thôn mới, đó là dồn điền đổi thửa, để thực hiện là việc làm rất khó, cần nhiều công sức và cách làm sáng tạo mà không phải nơi nào cũng làm được. Dù vậy, với quyết tâm cao, Hà Nội đã bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nông nghiệp.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)