Trong số 92 xã còn lại chưa đạt chuẩn, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 36 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM. Ðời sống vật chất, tinh thần người dân tiếp tục được nâng cao. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2017 đạt 43 triệu đồng/người/năm. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển, giao thông thuận lợi, trong đó nhiều địa phương xây dựng thành công các khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình NTM còn không ít hạn chế. Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% xã đạt chuẩn nhưng vẫn còn một số huyện đạt kết quả thấp. Hạ tầng nông thôn chưa đồng đều giữa các địa phương và còn thiếu đồng bộ. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai khu vực nông thôn còn hạn chế. Vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là khu vực làng nghề ô nhiễm, chậm được khắc phục.
Ðể thực hiện mục tiêu đến năm 2020, thành phố Hà Nội có từ 347 xã trở lên và 10 huyện đạt chuẩn NTM, thành phố cần tiếp tục huy động các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện các chỉ tiêu còn thấp như tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch.
UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, năng suất chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Duy trì, nâng cao hiệu quả mô hình liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông và người tiêu dùng để tổ chức liên kết hợp tác sản xuất từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường xúc tiến thương mại để sản phẩm nông nghiệp Hà Nội có chỗ đứng trong thị trường quốc gia, tiến tới xuất khẩu. Các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xã và huyện NTM; tăng cường quản lý đất đai, nhất là đất nông nghiệp, quản lý trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa về hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị, nhất là các huyện đã được quy hoạch phát triển đô thị. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là người dân trong xây dựng NTM.
Đối với các xã, huyện đăng ký về đích, UBND thành phố tập trung chỉ đạo, hỗ trợ hoàn thành dứt điểm các chỉ tiêu xây dựng NTM. Các địa phương đã về đích cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, phấn đấu đạt chuẩn xã và huyện NTM kiểu mẫu, huy động mọi nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đầu tư xây dựng nông thôn.
Theo Nhân dân điện tử