Thế và lực mới của Đông Anh

Thứ tư, 20/04/2016 13:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dù gặp nhiều khó khăn, song các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh đã nỗ lực, chung sức tạo nên một khí thế trong xây dựng nông thôn mới. Có thể nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như một luồng gió tươi mát góp thểm sức sông vùng nông thôn nơi đây ngày một khởi sắc.  

Khi nhắc đến Đông Anh, chắc hẳn ai cũng đánh giá cao tốc đô thị hóa của huyện nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết: Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 3, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên… chạy qua nên thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Nhận thấy rõ ưu thế, Đông Anh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với phát triển bền vững. Trong đó, xác định xây dựng đường giao thông có vai trò to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và rút ngắn khoảng cách giữa thành thị, nông thôn. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường mới được hình thành, nhiều con đường cũ được nâng cấp, mở rộng. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân thụ hưởng” đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sự tham gia đóng góp, phát huy tính tự chủ, tự giác của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Đơn cử như người dân xã Việt Hùng đã tự nguyện hiến gần 40ha đất ruộng để làm đường giao thông nội đồng và thủy lợi… Đặc biệt, các hoạch định cụ thể phát triển kinh tế, xã hội của từng xã đều được người dân bàn bạc dân chủ, công khai, tổ chức theo sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang cho biết: huyện có 23 xã, 1 thị trấn với 156 thôn, làng và 62 tổ dân phố, dân số khoảng 373.500 nhân khẩu; diện tích đất tự nhiên 18.210 ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp khoảng 9.200 ha, chiếm hơn 50% diện tích. Phần lớn đất đai của Đông Anh nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị. Trong những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nổi bất là tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh như: Kênh mương, đường giao thông, cấp thoát nước, điện, bưu điện, trường học, trạm xá, nhà văn hoá... làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên.

Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, Đông Anh cũng gặp không ít khó khăn. Nhìn chung, đa số người dân thiếu vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao và cũng chưa mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất quy mô lớn, đồng thời, chuyển sang những ngành phi nông nghiệp để tại việc làm, nâng cao thu nhập. Quá trình đô thị hóa trên địa bàn diễn ra nhanh tuy tạo ra nhiều thuận lợi những cũng để lại những khó khăn cho huyện trong lĩnh vực như: Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nông thôn, tiêu thoát nước trong khu dân cư; vấn đề giải quyết việc làm cho lao động sau thu hồi đất… Ngoài ra, nguồn ngân sách dự toán hàng năm đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương, trong khi nguồn thu ngân sách huyện có thời điểm khó khăn, cũng ảnh hưởng đến nguồn thu đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.

Trước thực trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công từng ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên địa bàn được phân công, trong đó nhiệm vụ trọng tâm giải quyết tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy. HĐND huyện đã ban hành 3 nghị quyết thông qua chương trình giám sát. Sau mỗi cuộc giám sát đã thông báo kết luận chỉ rõ những kết quả đạt được, chỉ rõ một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. Ban Chỉ đạo, tổ công tác của huyện tổ chức họp giao ban định kỳ, đột xuất kiểm điểm tiến độ thực hiện và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. Còn tại cơ sở, Đảng bộ các xã đã có chương trình công tác cụ thể, quán triệt, triển khai đến các ngành, đoàn thể và nhân dân cùng thực hiện. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng với sự đồng thuận của người dân, đến hết năm 2015, huyện Đông Anh có 21/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 2 xã đạt trên 14 tiêu chí.

Có thể nói, với kết quả đạt được nêu trên, đã khẳng định sự thống nhất, quyết tâm cao của lãnh đạo huyện và sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân huyện Đông Anh. Chủ động, sáng tạo chọn hướng đi đúng kết hợp với giải pháp cụ thể, Đông Anh sẽ còn tạo thêm nhiều thế và lực mới, góp phần tạo dựng vẻ đẹp cho Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.


Theo hanoi.gov.vn


 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)