Đó là một trong những nội dung Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000 vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Xây dựng vùng huyện Sơn Động là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Bắc Giang, phát triển kinh tế dựa trên các thế mạnh về nông, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, tâm linh sinh thái.
Xây dựng vùng huyện Sơn Động là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Bắc Giang
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn địa giới hành chính huyện Sơn Động gồm 2 thị trấn và 15 xã, trừ một phần diện tích thuộc xã Phúc Sơn (thuộc Trường bắn Quốc gia TB1).
Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 78.462,29 ha (784,62 km²). Quy mô dân số hiện trạng (năm 2022) khoảng 79.415 người, mật độ dân số 101 người/km². Dự báo đến năm 2030 khoảng 102.000 người (trong đó dân số tăng tự nhiên và cơ học khoảng 87.000 người, dân số lưu trú từ công nghiệp, khách du lịch khoảng 15.000 người), tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30%. Dự báo đến năm 2040 khoảng 125.000 người (trong đó dân số tăng tự nhiên và cơ học khoảng 97.500 người, dân số lưu trú từ công nghiệp, khách du lịch khoảng 27.500 người), tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%.
Về tính chất, xây dựng vùng huyện Sơn Động là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Bắc Giang, phát triển kinh tế dựa trên các thế mạnh về nông, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, tâm linh sinh thái; là vị trí trung gian quan trọng kết nối giữa trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn; là vùng bảo tồn không gian sinh thái rừng, duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh và Quốc gia.
Dự báo về nhu cầu đất đai, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 2.900 ha, trong đó đất dân dụng đạt khoảng 186,33ha; đất xây dựng khu vực dân cư nông thôn tối thiểu đạt khoảng 300,8 ha. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 3.250 ha, trong đó đất dân dụng bình quân đạt 296,88; đất xây dựng khu vực dân cư nông thôn tối thiểu đạt khoảng 331,12ha.
Phân thành 5 vùng phát triển
Trên cơ sở về tính đồng dạng của điều kiện tự nhiên, KT-XH, văn hóa của các đơn vị hành chính của huyện, phân thành 5 vùng phát triển bao gồm: Không gian vùng 1 là vùng đô thị trung tâm hành chính huyện lỵ. Quy mô khoảng 7.871,69 ha, gồm thị trấn An Châu và 2 xã Vĩnh An, An Bá (Thị trấn An Châu là trung tâm tiểu vùng). Đây là vùng phát triển đô thị trung tâm huyện lị và thương mại dịch vụ công cộng cấp vùng.
Trên cơ sở về tính đồng dạng của điều kiện tự nhiên, KT-XH, văn hóa của các đơn vị hành chính của huyện, phân thành 5 vùng phát triển.
Không gian vùng 2 là vùng phát triển du lịch sinh thái, khai thác lâm nghiệp gắn liền bảo tồn hệ sinh thái rừng. Quy mô khoảng 20.814,26 ha, gồm 4 xã Lệ Viễn, An Lạc, Vân Sơn, Hữu Sản (Trung tâm xã Vân Sơn là trung tâm tiểu vùng). Đây là cửa ngõ phía Bắc huyện gắn kết kinh tế với tỉnh Lạng Sơn phát triển du lịch sinh thái; là trung tâm nguyên liệu lâm sản đầu mối gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng.
Không gian vùng 3 là vùng phát triển công nghiệp chế biến lâm sản. Quy mô khoảng 19.328,87 ha, gồm 3 xã Long Sơn, xã Dương Hưu và Thanh Luận (Đô thị mới Long Sơn là trung tâm tiểu vùng, hạt nhân đô thị mới). Đây là cửa ngõ phía Nam gắn kết với kinh tế tỉnh Quảng Ninh, phát triển dịch vụ - công nghiệp chế biến lâm sản.
Không gian vùng 4 là vùng phát triển du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng và công nghiệp khai thác khoáng sản. Quy mô khoảng 17.993,25 ha, gồm thị trấn Tây Yên Tử và xã Tuấn Đạo (thị trấn Tây Yên Tử là trung tâm tiểu vùng). Đây là trung tâm phát triển dịch vụ, du lịch tâm linh gắn với vùng cảnh quan thiên nhiên Tây Yên Tử và công nghiệp khai thác khoáng sản.
Không gian vùng 5 là vùng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung kết hợp dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Quy mô khoảng 12.454,22 ha, gồm 5 xã Yên Định, Cẩm Đàn, Giáo Liêm, Đại Sơn, Phúc Sơn (Trung tâm xã Cẩm Đàn là trung tâm tiểu vùng). Đây là trung tâm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung kết hợp dịch vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Các trục hành lang kinh tế động lực gồm: Trục động lực Đông Tây là trục động lực thúc đẩy công nghiệp và giao thương vùng kết nối với tỉnh Lạng Sơn và các cửa khẩu trọng điểm khu vực phía Bắc thông qua QL.31. Trục động lực Bắc - Nam là trục động lực thúc đẩy dịch vụ hỗ trợ, liên kết du lịch và thương mại dịch vụ thúc đẩy gắn kết kinh tế mạnh mẽ với tỉnh Quảng Ninh qua QL.279.
Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản
Theo phân bố không gian phát triển công nghiệp, đến 2030 xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Sơn tại thị trấn Tây Yên Tử giáp ĐT.293 tập trung sản xuất chế biến nông, lâm sản và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác dọc 2 trục động lực chính QL.31, QL.279. Duy trì hoạt động và bổ sung tại các xã các điểm, khu vực tập kết chế biến gỗ và dược liệu thuộc quản lý của HTX và cá nhân trong các thôn, bản tiến tới hình thành các CCN tập trung. Bổ sung các điểm phát triển công nghiệp tập kết chế biến dược liệu tập trung gần các khu vực trồng nguồn nguyên liệu thô phân bố chủ yếu tại vùng 5 và vùng 3.
Bố trí các khu vực phát triển công nghiệp bao gồm: Khu tập kết chế biến lâm sản tại cửa ngõ phía Nam, xã Dương Hưu (khoảng 20ha); khu tập kết chế biến cửa ngõ phía Bắc, xã Hữu Sản (khoảng 16ha); khu tập kết chế biến cửa ngõ phía Tây Bắc, xã Cẩm Đàn (khoảng 22ha); khu vực chế biến dược liệu tập trung xã Giáo Liêm (khoảng 38,5ha).
Bố trí các CCN tập trung bao gồm CCN Long Sơn (khoảng 30ha), CCN Yên Định (khoảng 50ha), CCN Thanh Luận (khoảng 75ha), CCN Vân Sơn (khoảng 20ha) tập trung sản xuất chế biến gỗ, các sản phẩm làm từ gỗ và chế biến nông, lâm sản, thực phẩm.
Phát triển sản xuất nông nghiệp đặc trưng
Theo phân bố không gian phát triển nông nghiệp, Quy hoạch vùng huyện Sơn Động hình thành không gian các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp tập trung, chú trọng theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp đặc trưng của huyện Sơn Động là ”3 cây” (cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây dược liệu) và “4 con” (con gà, con trâu, con bò, con lợn) hướng tới là sản phẩm chủ lực của địa phương. Các vùng quy hoạch trên cơ sở duy trì các vùng nông nghiệp có năng suất cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tái cơ cấu diện tích nông nghiệp xen kẹt, các vùng trồng năng suất kém. Quy hoạch phát triển không gian phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung.
Hình thành các vùng chăn nuôi theo từng loại gia súc, gia cầm đặc trưng. Ảnh Internet
Khu vực trồng lúa, hình thành 4 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 646ha, chiếm 47,2% diện tích lúa 2 vụ bảo vệ nghiêm ngặt đến năm 2030 tại khu vực thung lũng lòng chảo xen kẽ đồi núi và có tưới, tiêu chủ động và bán chủ động đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho các khu dân cư thôn, bản và hộ gia đình.
Khu vực trồng rau, quy hoạch 5 vùng sản xuất rau tập trung với diện tích khoảng 213 ha theo mô hình sản xuất rau chế biến, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, CCN và cung ứng cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
Khu vực trồng cây ăn quả, quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích khoảng 600ha, với sản phẩm chủ yếu của địa phương là vải thiều. Áp dụng công nghệ GAP, VietGAP, Global GAP.
Khu vực dược liệu, quy hoạch 4 vùng trồng cây dược liệu tập trung với diện tích khoảng 600ha trên cơ sở chuyển đổi đất rừng sản xuất năng suất thấp.
Khu vực chăn nuôi, quy hoạch 4 vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung vật nuôi đặc sản, giá trị cao. Ngoài ra hình thành các vùng chăn nuôi theo từng loại gia súc, gia cầm đặc trưng gồm 1 vùng chăn nuôi lợn, 4 vùng chăn nuôi gà, 3 vùng chăn nuôi dê, 4 vùng chăn nuôi ong.
Phát triển đa dạng các mô hình du lịch
Huyện Sơn Động hình thành tuyến, điểm du lịch trên cơ sở hệ thống giao thông QL.279, QL.31 và các đường tỉnh, đường huyện dọc các tuyến có điểm cảnh quan và di tích đặc trưng. Qua đó tăng liên kết kinh tế du lịch kết nối với du lịch biển Hạ Long - Quảng Ninh và du lịch cửa khẩu Lạng Sơn.
Quy hoạch các khu vực phát triển đa dạng các mô hình du lịch bao gồm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch văn hóa bản, du lịch thăm quan, du lịch sinh thái nông nghiệp đối với các khu vực du lịch cấp tỉnh, cấp huyện: Khu vực du lịch cộng đồng An Lạc khoảng 17ha; Khu vực du lịch Thác Ba Tia (thị trấn Tây Yên Tử) khoảng 600ha; Khu vực du lịch di tích ATK (Thanh Luận) khoảng 3,6ha; Khu vực du lịch sinh thái Khe Râu (Tuấn Đạo) khoảng 27ha gắn với người dân tộc Dao; Khu vực du lịch sinh thái Suối Nước Vàng (An Lạc) khoảng 20ha.
Phát triển đa dạng các mô hình du lịch bao gồm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch văn hóa bản, du lịch thăm quan, du lịch sinh thái nông nghiệp.
Mở rộng phát triển các khu vực trên cơ sở hiện trạng du lịch sẵn có như: Khu du lịch sinh thái dưới tán rừng hồ Khe Rỗ vùng phát triển khoảng 440ha; Khu vực du lịch sinh thái hồ Khe Chão (xã Long Sơn) khoảng 360ha theo mô hình du lịch gắn với hồ đập và trải nghiệm dưới tán rừng; Khu vực du lịch sinh thái cao nguyên Đồng Cao (xã Phúc Sơn, Vân Sơn) trên cơ sở khu du lịch Đồng Cao quy mô khoảng 260ha, mở rộng vùng phát triển du lịch dưới tán rừng gắn với khu vực du lịch cộng đồng bản Nà Hin (xã Vân Sơn), quy mô vùng khải thác khoảng 1000ha; Khu vực du lịch sinh thái Tây Yên Tử gắn với du lịch cộng đồng bản Mậu quy mô khoảng 941ha.
Hình thành các điểm du lịch sinh thái gắn với đập nước tràn gần các khe sông suối tại Khu vực du lịch sinh thái hồ đình Lạnh (Lệ Viễn) khoảng 9,6ha; Khu vực du lịch sinh thái Khe Mai (thị trấn An Châu) khoảng 140 ha; Khu vực du lịch sinh thái Khe Phướn (Tuấn Đạo) khoảng 31ha. Hình thành phát triển du lịch sinh thái văn hóa tâm linh vùng thung lũng An Châu với các giá trị cảnh quan, di tích (Đình Chùa Làng Chẽ, Miếu Đức Ông, Đền Vua Bà) và các giá trị phi vật thể (Lễ Hội bơi Chải).
Phát triển dịch vụ thương mại
Tập trung bố trí Trung tâm dịch vụ thương mại, kho bãi khu vực cửa ngõ phía Đông (thị trấn An Châu, Sơn Động): Phát triển là trung tâm dịch vụ thương mại chủ yếu phục vụ trung chuyển xuất khẩu hàng nông sản đi cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn (Cửa khẩu Chi Ma, Bản Chắt), cảng biển và cửa khẩu tại tỉnh Quảng Ninh theo các tuyến QL.31 và QL.279.
Quy hoạch điểm tập kết vận tải hàng hóa gắn với chế biến lâm sản cấp vùng tại khu vực giáp ranh giữa thị trấn An Châu và xã Vĩnh An tạo động lực thúc đẩy kinh tế cho đô thị An Châu và hành lang kinh tế QL.31. Hình thành chợ nông sản đầu mối (khoảng 1,5ha) trên cơ sở mở rộng chợ cũ đặt tại khu vực xã Cẩm Đàn và chợ trung tâm liên xã (khoảng 2 ha) tại trung tâm cụm xã Vân Sơn giúp giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm của tiểu vùng liên kết chuối giá trị với huyện Lục Ngạn và xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn gắn với du lịch văn hoá vùng cao.
Phát triển các khu dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp sân golf quốc tế, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe tại thị trấn Tây Yên Tử gần đường ĐT.293. Hình thành các điểm trung tâm dịch vụ thương mại hỗ trợ du lịch tại các khu vực cửa ngõ phía Bắc tại Vân Sơn, cửa ngõ phía Nam tại Long Sơn, cửa ngõ phía Tây tại Thị trấn Tây Yên Tử, bố trí các loại hình dịch vụ thương mại gắn kết xây dựng các trung tâm giới thiệu và bày bán các sản phẩm OCOP vùng.
Quy hoạch khu vực phát triển dịch vụ công viên chuyên đề quy mô tại xã thị trấn Tây Yên Tử khai thác giá trị rừng nguyên sinh bản địa với mô hình công viên sở thú hoang dã là nơi chăm sóc và bảo tồn động thực vật tự nhiên kết hợp du lịch tham quan, trải nghiệm. Xây dựng mô hình dịch vụ kinh tế đêm với các hoạt động như chợ đêm, chợ ẩm thực, phố đi bộ gắn với tổ chức các sự kiện văn hóa truyền thống của người dân tộc như hát Then, biểu diễn làn điệu dân tộc Sình Ca, Đàn tính…. tại khu vực quy hoạch quảng trường trung tâm huyện (thị trấn An Châu) giúp thúc đẩy phát triển du lịch tạo động lực kinh tế cho thị trấn.
Đẩy mạnh phát triển các hệ thống dịch vụ lưu trú tại khu vực thị trấn An Châu và thị trấn Tây Yên Tử với các mô hình nhà nghỉ đạt chuẩn chất lượng, tương lai hình thành 1-2 khách sạn quy mô tiêu chuẩn từ 3-4 sao. Ngoài ra, tại các khu vực phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái cũng tiến tới xây dựng mô hình dịch vụ homestay, camping, glamping… gắn với cảnh quan thiên nhiên sinh thái và dịch vụ thương mại khác.