Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thực sự là bước đột phá về phương pháp lập quy hoạch theo hướng mới. Ảnh minh họa
Những điểm mới, đột phá trong định hướng phát triển
Theo các chuyên gia, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội lần này thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng.
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, Quy hoạch nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển. Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, phát triển đô thị xanh, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Phát triển bền vững trên nguyên tắc "thuận tự nhiên", lấy tiêu chỉ phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0".
Về tổ chức không gian, Quy hoạch tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển. Đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Quy hoạch đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế, 5 mục tiêu về xã hội, 6 mục tiêu về môi trường, 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong đó, các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Cụ thể, tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP bình quân đầu người, GRDP đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD. Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%.
Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: văn hóa và di sản; chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực của Thủ đô phải đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiếp cận các xu hướng phát triển mới của cách mạng 4.0. Nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội…
Cần thay đổi phương pháp tiếp cận lập quy hoạch
Thời gian qua, mặc dù tốc độ đô thị hóa tăng khá nhanh, nhưng chất lượng đô thị chưa cao, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cách tiếp cận lập quy hoạch. Theo TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên nhân do trước đây quy hoạch đô thị chưa mang tính tích hợp, đa ngành, gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư, thị trường bất động sản. Chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn hạn chế về tầm nhìn, dự báo, định hướng phát triển, điều kiện thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội nhận xét, trước đây, việc lập quy hoạch về tổ chức không gian thường tách rời với quy hoạch về phát triển kinh tế xã hội dẫn đến tình trạng không ăn khớp, thậm chí mâu thuẫn giữa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội, tổ chức không gian kinh tế, văn hóa, xã hội với việc tổ chức không gian đô thị.
Về định hướng lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã quán triệt: "Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch,...". Điều này đồng nghĩa với việc phải đổi mới phương pháp lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng quy hoạch tích hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử, tiết kiệm tài nguyên đất đai, năng lượng, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước.
Trong khi đó, TS. Trương Văn Quảng nhấn mạnh, cần tích hợp các đồ án quy hoạch ngành vào đồ án quy hoạch đô thị thông qua xây dựng ngân hàng dữ liệu, cập nhật thông tin các ngành, lĩnh vực đồng bộ, thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc xây dựng bộ công cụ chuyển hóa nội dung của quy hoạch ngành vào quy hoạch đô thị sẽ là cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá hiện trạng và đưa ra các dự báo phát triển có độ tin cậy cao.
Bảo đảm tính thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực
Mới đây, tại hội thảo tham vấn ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hà Nội đồng tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến hội đồng thẩm định, với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang, được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực...
Các chuyên gia, nhà khoa học, liên danh tư vấn đều thống nhất xác định các nguyên tắc về phương pháp lập quy hoạch bảo đảm tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực.
Quy hoạch Thủ đô cũng được lập với tinh thần rõ các quan điểm, mục tiêu - động, mở, thông minh trong giải pháp - thuận tự nhiên, có sự tham gia của các chủ thể liên quan trong đánh giá thực trạng và đề xuất các phương án quy hoạch, đặc biệt là sự tham gia, xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người dân…
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thực sự là bước đột phá về phương pháp lập quy hoạch theo hướng mới. Hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã nêu ra 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, cần xác định cả trọng tâm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn tới năm 2030; sự liên kết giữa quy hoạch và kế hoạch thực hiện.
Còn theo Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội Trần Huy Ánh, hồ sơ báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, gần 1.200 trang tài liệu và 12 bản đồ minh họa cho thấy mới đạt về số lượng sản phẩm báo cáo theo quy định. Phần bản đồ minh họa vẽ 2D trên nền bản đồ 2D mới dừng ở mức số hóa hình học. Thông tin bản đồ và thông tin kinh tế - xã hội được tập hợp từ nhiều nguồn, còn thiếu tính đồng bộ và chuẩn hóa, định dạng…
Theo chuyên gia này, về mặt công nghệ, Quy hoạch Thủ đô được lập trong bối cảnh toàn cầu đã bước sang kỷ nguyên phát triển công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, như hệ thống thông tin địa lý - GIS (geografic information system); quản lý công trình - BIM (buiding information mangement); hệ thống quản lý tư liệu điện tử - EDMS (electronic document management system)… sẽ giúp Hà Nội có được một sản phẩm quy hoạch được lập với quy trình chuyển đổi số toàn diện. Đây cũng còn là công cụ quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch sau này vô cùng chính xác, hiệu quả, quản trị phát triển ngang tầm quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện nay, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với những báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, TP. Hà Nội mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, bộ, ngành tập trung vào 6 nội dung gồm: Kết cấu của báo cáo Quy hoạch, bổ sung thêm nội dung về lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô; xác định các điểm nghẽn, thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh mới và mục tiêu trở thành Thành phố toàn cầu;
Bảo vệ, khai thác các giá trị của hệ thống sông, hồ, trong đó đặc biệt là sông Hồng, vấn đề hài hoà giữa phòng chống lũ và khai thác các giá trị sông Hồng để phát triển; phân vùng kinh tế - xã hội, phân vùng đô thị, phân vùng liên huyện. Đối với mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô; các giải pháp để huy động nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn lực mới, khơi thông nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng; bảo vệ môi trường và các nội dung của Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
"Với tinh thần cầu thị, TP. Hà Nội luôn lắng nghe và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tham góp nhiều ý tưởng sáng tạo, tâm huyết, các giải pháp khả thi và đồng hành cùng với TP. Hà Nội trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố tiêu biểu với các tiêu chí Xanh, Văn hiến, Văn Minh, Hiện đại - Phát triển bền vững; xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học và kinh tế - Là trái tim của cả nước", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.