Phát triển mảng xanh đô thị là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo TP. Vũng Tàu quan tâm thực hiện trong thời gian qua nhằm giữ vững danh hiệu "Thành phố du lịch sạch ASEAN", hướng đến thương hiệu “đô thị xanh”.
TP. Vũng Tàu đang tập trung phát triển mảng xanh đô thị. Trong ảnh: Hàng cây điệp vàng trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP. Vũng Tàu.
Cây xanh chưa đồng đều
Thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn TP. Vũng Tàu có khoảng 38.070 cây xanh bóng mát (bao gồm cây xanh bóng mát trên các tuyến đường, ngõ hẻm; trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học và khu dân cư). Trong đó, các loài có số lượng chiếm ưu thế là: Sao đen (8.819 cây), gừa (5.154 cây), dầu (2.850 cây), phi lao (2.085 cây), bàng (1.770 cây), bằng lăng (1.662 cây), phượng (1.313 cây), bàng Đài Loan (1.136 cây), muồng hoàng yến (1.423 cây), viết (1.110 cây) và dừa (1.022 cây).
Theo Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, cây xanh đô thị của thành phố bắt đầu được trồng từ những năm cuối thế kỷ XIX 19, đầu thế kỷ XX, chủ yếu do người Pháp và người dân sinh sống trên địa bàn trồng. Do trồng tự phát nên một số loại cây phát triển không đồng đều, chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Mảng cây xanh đường phố tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nội thành, riêng phường 12 và xã Long Sơn cây xanh chỉ được trồng theo các tuyến đường chính. Vì vậy, từ năm 1999 trở về trước, diện tích mảng xanh của thành phố chỉ đạt 5ha, số cây xanh chỉ đạt 5.000 cây. Trong 10 năm gần đây, cây xanh thành phố được quan tâm đầu tư tương đối nhiều nên diện tích cải thiện nhiều.
Đánh giá của Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất (Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội), đơn vị tư vấn đề án “Phát triển cây xanh đô thị TP. Vũng Tàu đến năm 2050”, các mảng xanh tại TP. Vũng Tàu phân bố không đều, tập trung các phường trung tâm như: 1, 2, 3, 7, 8 và Thắng Tam. Ngoài ra, một số loại cây trồng chưa phù hợp với tính chất, chức năng của các tuyến đường. Chẳng hạn, tuyến đường Thùy Vân là tuyến du lịch nhưng chất lượng cảnh quan đang ở mức dưới trung bình do trồng chủ yếu phi lao, dừa…
Dù có khả năng chống gió, muối tốt nhưng các loại cây này không tạo được tính hấp dẫn cho cảnh quan đường phố. Bên cạnh đó, một số loài cây có mủ gây nguy hiểm vẫn được trồng trong không gian công cộng như cây mướp sát, cây trúc đào… Ngoài ra, công tác quản lý còn hạn chế nên có tình trạng người dân tùy tiện trồng chen cây theo ý mình, không chỉ phá vỡ quy hoạch cây xanh, mất mỹ quan mà còn làm hư hại cấu trúc bề mặt vỉa hè đường phố.
Hướng tới mục tiêu “đô thị xanh”
Để hướng tới mục tiêu xây dựng Vũng Tàu thành “đô thị xanh”, đô thị sinh thái, UBND TP. Vũng Tàu đã phê duyệt đề án “Phát triển cây xanh đô thị TP. Vũng Tàu tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, chiến lược của thành phố là bảo tồn, tôn vinh giá trị khung thiên nhiên và giá trị văn hóa đô thị, gìn giữ hình thái đặc trưng của hệ thống rừng ngập mặn trong quá trình phát triển không gian đô thị, gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra còn làm nổi bật vai trò “vành đai xanh” đô thị với vùng cửa ngõ chính vào Vũng Tàu là vùng sinh thái sông rạch ngập mặn Cửa Lấp, Long Sơn, Gò Găng và là vùng kết nối giữa 2 đô thị Vũng Tàu - Bà Rịa, kết nối giữa trung tâm hành chính của tỉnh với TP. Vũng Tàu.
Theo đó, có 92 loài cây xanh đô thị theo các loại hình không gian công cộng khác nhau như đường phố, công viên, vườn hoa, khu vực ven biển, khu vực công nghiệp và rừng. Đề án lựa chọn phương án quy hoạch từng phần, giữ lại hệ thống cây xanh hiện trạng, bảo vệ, cải tạo, chăm sóc hệ thống cây xanh trên các tuyến đường đã có, trồng thêm 35 cây xanh vào những đoạn đường còn thưa thớt, mở rộng, điều chỉnh vỉa hè cho phù hợp với quy hoạch giao thông đô thị, thay dần những cây không thích hợp. Trên mỗi con đường trồng một hoặc hai loại cây đặc chủng, tạo nên nét riêng về cây xanh trên mỗi ngả đường, góc phố hình thành nét đặc trưng cho TP.Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, đề án “Phát triển cây xanh đô thị TP. Vũng Tàu tầm nhìn đến năm 2050” nhằm xây dựng hình ảnh đặc trưng cho TP. Vũng Tàu, để phát huy giá trị cây xanh trong chiến lược tổng thể phát triển hệ sinh thái tự nhiên đô thị bền vững. Do đó, công tác chọn loài cây xanh cần phân vùng chức năng nhằm góp phần nâng cao chất lượng không gian, cải thiện khí hậu và hình thành tính đặc trưng cho từng phân khu cũng như đảm bảo sức khoẻ cho hệ thống cây xanh đô thị. Đối với khu vực phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển, thành phố ưu tiên loài đặc trưng bản địa và miền biển như: Dừa, tra, bàng vuông, gừa, kết hợp cây có hoa sắc, hình thái đẹp mắt gọn gàng phù hợp công năng như muồng hoàng yến, sứ thái. Đối với khu vực đô thị sẽ phát triển cây xanh theo xu hướng đa dạng về thành phần loài từ đó hình thành tính đặc trưng “sinh thái tự nhiên đô thị.
Ngoài ra, để tăng diện tích cây xanh trên các tuyến đường, thành phố cũng triển khai thực kế hoạch “1 triệu cây xanh” hướng tới mục tiêu “Đô thị xanh”. Chương trình 1 triệu cây xanh này bao gồm cả việc bảo tồn, thay thế cây trồng chưa phù hợp hoặc cây còi cọc kém phát triển trên các tuyến đường hiện hữu và trồng mới cây xanh trên các tuyến đường quy hoạch, cải tạo và nâng cấp.